Trang chủ
Tiếng hát Khánh Ly và ca khúc “Dấu Chân Địa Đàng” (Trịnh Công Sơn) – Những suy niệm về phận người
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng… (Dấu Chân Địa Đàng – Trịnh Công Sơn)
Khánh Ly hát Dấu Chân Địa Đàng
Nếu ai đã từng được lớn lên, hoặc đã sống ở một vùng quê xa đô thành nào đó, ở nơi mà ánh sáng điện vẫn là một điều xa xỉ, sẽ biết được rằng khi buổi chiều vừa dần khuất thì đêm đen sẽ lập tức rũ xuống đặc quánh, thế gian chỉ còn lờ mờ ánh sáng của vì sao lẻ loi, của những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ liếp nhà tranh thưa thớt, xung quanh sẽ là tiếng côn trùng và loài sâu đất rền rĩ một thứ âm thanh não nùng. Đó là bản hoà thanh của đêm tối, của những tiếng động như là đến từ một cõi hư vô…
Nhạc sĩ họ Trịnh đã từng sống trong một không gian như vậy hồi đầu thập niên 1960, khi ông lên B’lao (nay là Bảo Lộc) để dạy học. Những khi màn đêm buông xuống, một người đa cảm như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sống một mình trong căn nhà ở chốn núi rừng heo hút, tâm trạng chợt lên những nét suy tư về thời cuộc, về phận đời – phận người, và ông đã ghi lại không gian đó, tâm trạng đó vào trong bài hát mang tên Tiếng Hát Dạ Lan, nghĩa là lời hát đến từ một loài hoa toả hương vào ban đêm. Sau đó bài hát được đổi tên thành Dấu Chân Địa Đàng.
Vì có rất nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn, nên không phải lúc nào Khánh Ly cũng hát nhạc Trịnh hay nhất. Tuy nhiên với riêng bài Dấu Chân Địa Đàng thì hình như chỉ có duy nhất Khánh Ly mới thể hiện thành công trọn vẹn. Bài hát này không phải là chỉ cần hát đúng nốt, đúng nhịp là được, mà ý nghĩa bài hát còn được lột tả qua chiều sâu của giọng hát, và khi tiếng hát đó cất lên, tất cả dường như đều rơi vào thinh lặng:
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô,
Từ mưa gió
từ vào trong đá xưa…
Việc giải nghĩa ca từ nhạc Trịnh không bao giờ là một điều dễ dàng, hoặc có thể nói đó là một điều vô ích. Nhiều người nói rằng nhạc Trịnh là loại nhạc nghe để cảm, không phải là nghe để hiểu từng câu, từng chữ, và nếu có phân tích câu chữ cụ thể thì cũng sẽ mất hay. Bài viết này sẽ không đi vào chi tiết như vậy, mà chỉ làm rõ một vài hình tượng trong bài hát đã làm ám ảnh người viết trong một thời gian dài.
Bài Tiếng Hát Dạ Lan, hoặc Dấu Chân Địa Đàng, thoạt nghe qua nội dung, tưởng chỉ là những hình ảnh rời rạc được chắp nối, như là không liên quan gì đến nhau, nhưng thực ra đó là những câu chữ có chủ ý, thể hiện được tâm tư khá phức tạp của tác giả trong một giai đoạn.
Đó là khoảng giữa thập niên 1960, ông giáo trẻ mới ngoài 20 tuổi tên là Trịnh Công Sơn vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm Qui Nhơn và lên B’lao hành nghề gõ đầu trẻ. Trước và sau thời gian đó đã có những chuyển biến rất lớn của thời cuộc. Ở bên ngoài, đảo chính 1963 chưa qua được bao lâu, đó là thời gian mà những cuộc chỉnh lý, những bất ổn chính trị kéo dài chưa hồi kết ở miền Nam. Ở bên trong, Trịnh Công Sơn đang có một mối quan hệ tình cảm khó gọi thành tên với cô thiếu nữ 16 tuổi tên là Dao Ánh. Một người ở Huế, một người ở Bảo Lộc, yêu xa và ít cơ hội được gần gũi nhau như vậy cũng làm cho tâm trạng của chàng nhạc sĩ cảm thấy bất an, ông đã viết hàng trăm lá thư gửi cho người yêu bé nhỏ, sau này nội dung những lá thư này đã được in thành cuốn sách “Thư Tình Gửi Một Người”.
Những biến động cả trong lẫn ngoài đó đã làm cho Trịnh Công Sơn suy nghĩ nhiều về tình yêu, về phận người nhỏ bé giữa thời cuộc mà ông ví như là một loài sâu đất tự sinh tự diệt chẳng ai hay, cất lên những lời ca rầu rĩ từ trong u tối, những lời ca từ đất khô đó như là lời sau cuối mà loài sâu để lại ở chốn địa đàng.
Nói cách khác, loài sâu chính là một phiên bản khác của phận người, ôm chất chứa những buồn vui của nhân sinh, điều này càng được thấy rõ hơn trong những bức thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh: “Ngôn ngữ đã mất đi với những ngày nằm co như một loài – sâu – chiếu ở Blao” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Ở đây cũng có loài sâu đất reo đêm” (thư Đà Lạt, 19.9.1964), “Đêm sáng mờ bên ngoài. Sâu đất reo rất trong ở bãi cỏ” (thư Blao, 23.10.1964), “Đêm đã lạnh và đã buồn. Cây cỏ lao xao. Anh chỉ còn nghe rõ tiếng sâu đất và tiếng dế reo…” (thư Blao, 29.12.1964), “Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn” (thư Blao, 23.9.1965).
Như đã nói ở trên, ban đầu bài hát được mang tên là Tiếng Hát Dạ Lan, và cái tên này có liên quan ít nhiều đến người thiếu nữ Huế mang tên Dao Ánh. Qua những bức thư tình gửi người yêu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết nhà của Dao Ánh trồng nhiều hoa dạ lan: “Dạ lan giờ này chắc đã ngạt ngào cả một vùng tối đó rồi, đã cài lên từng sợi tóc của Ánh” (thư Blao, 31.12.1964), “Anh ao ước bây giờ mở cửa ra bỗng dưng có chiếc cầu bắc qua dòng sông và anh bước qua cầu rồi rẽ về phía tay phải đi đến căn nhà có mùi thơm dạ lan và đứng đó gọi tên Ánh thật thầm để chỉ vừa đủ Ánh nghe” (thư Blao, 26.9.1965).
Bài hát có diễn biến thời gian là từ chiều, đến tối, rồi đến khuya, khi loài dạ lan bắt đầu lừng hương, nên Tiếng Hát Dạ Lan có thể hiểu là tiếng hát từ đêm tối.
Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
Nếu ai đã từng sống ở Bảo Lộc ngày xưa, đi qua đèo Bảo Lộc sẽ hiểu được hình ảnh: Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều… “Mùa xanh lá” là mùa mưa, vào những chiều mát tắt nắng, lẽ ra loài sâu sẽ đi ăn, nhưng vào mùa mưa nó sẽ “ngủ quên trong tóc chiều”. Những nhành cỏ non được ví von như là “tóc chiều”…. Đó là nghĩa đen trong câu hát này. Còn nghĩa bóng, loài sâu ở đây được ví như thân phận của loài người.
Mở đầu bài hát là một không gian rất khoáng đãng, bay bổng, thời gian đi thật gấp rút, cùng với tâm trạng của người được mô tả bằng những chữ rất chán chường: ngủ quên, than phiền, bàng hoàng… như là than tiếc cho cuộc đời đang bị bỏ phí trước thời gian trôi qua nhanh. Điều đó còn thể hiện rõ nét hơn bằng câu hát “một đời bỏ ngõ đêm hồng” ở đoạn sau:
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió từ vào trong đá xưa
Ðến bây giờ mắt đã mù, tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu, lời ca đau trên cao…
Bài hát có tên chính thức là Dấu Chân Địa Đàng. Có thể “địa đàng” này không phải là nơi chốn cụ thể như trong Kinh Thánh đã nhắc tới, mà nó có nghĩa là vết chân người để lại giữa chốn trần gian này, đó là những bước chân mỏi mệt, rã rời, đã chùng chân bao lần vì không đích hướng, đã bỏ lỡ nhiều điều tốt đẹp từng bước ngang qua và thành phôi pha, giờ chỉ còn lại một vùng bóng tối u mê và tịch mịch.
Rồi từ trong đêm tối, tiếng hát của loài sâu (hay là phận người) đã ngại ngùng hát lên khúc ca cuối cùng. Loài sâu nhỏ bé, hư vô đó không biết rõ cả sự tồn tại của mình, không biết đời sống của mình khi nào sẽ kết thúc, nên dù có hát lên câu nào thì cũng đều như là khúc cuối cùng của kiếp sống. Tiếng hát bắt nguồn từ đất khô, từ những nơi thấp bé, tối tăm để cất cao vang lộng khắp trời đêm. Từ nơi vút cao đó, lời ca vọng về nghe thật đau xót: Lời ca đau trên cao… Có lẽ vì đó là lời hát cho nỗi đau của kiếp người nhỏ bé như loài phù du trước sự mênh mang bất tận của dòng thời gian vĩnh cửu.
Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu chân bước quên.
Trong một bức thư gửi Dao Anh, chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết: “Mưa đã trở về cùng với đêm. Như một ngày nào Ánh rời xa anh để trở về với nếp sống bình thường, ở đó Ánh đi trên lối đi quen thuộc của những người đã đi trước mà không cần phải nhìn những bảng số hai bên đường. Sẽ bình thường và thản nhiên quên đã một lần dẫm chân qua một vực – thẳm địa đàng mà anh đã linh cảm trước từ lâu, như “địa đàng còn in dấu chân bước quên” của một thời anh đã âm thầm nghĩ rằng biết đâu Ánh không lớn lên từ một loài dạ lan nào đó” (thư Blao, 27.10.1964), “Bây giờ là tiếng nói đêm của anh với Ánh. Với Ánh dạ lan… ” (thư Blao, 22.11.1964).
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn