Trang chủ
“Ô Mê Ly” (Văn Phụng – Văn Khôi) – Khúc ca rộn rã yêu đời nổi tiếng nhất của tân nhạc Việt
Cho đến nay, sau hơn 70 năm ra mắt công chúng, ca khúc Ô Mê Ly của nhạc sĩ Văn Phụng (viết chung với Văn Khôi) vẫn được hàng bao thế hệ khán giả nhớ đến và hát lên như là một khúc ca yêu đời tiêu biểu nhất của tân nhạc.
Ca khúc này được Văn Phụng sáng tác và trình diễn trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong ban Quân Nhạc và liên tục được mời hát sau đó tại những vũ trường ở Hà Nội. Ô Mê Ly là một ca khúc có tiết tấu âm nhạc khá đặc biệt, đòi hỏi người ca sĩ phải có giọng hát cao, thanh và cách xử lý kỹ thuật thật tinh tế mới có thể truyền tải hết được chất men say mê đắm của ca từ âm nhạc. Vậy nên, dù là một ca khúc rất được yêu thích, được nhiều người ngân nga, say mê nhưng rất ít ca sĩ dám chọn thể hiện và thể hiện thành công.
Rất nhiều những danh ca nổi tiếng khi nhắc đến ca khúc này đều ngậm ngùi lắc đầu, từ chối trình diễn. Nữ danh ca Phương Dung có lần đã thú nhận: “Tôi đã từng thử hát Ô Mê Ly một lần nhưng khi nghe lại, tôi đã không dám hát nữa. Dù ca khúc đó rất hay nhưng nếu có hát, tôi chỉ hát cho mình tôi nghe còn để hát cho khán giả nghe thì tôi không dám”.
Cùng tâm trạng đó, nam danh ca Thái Châu cũng chia sẻ: “Cả đời tôi chưa bao giờ dám hát Ô Mê Ly bởi lời bài hát nhanh quá khiến lưỡi tôi như bị điểm huyệt”…
Thái Thanh hát Ô Mê Ly trước 1975
Thành công nhất với nhạc phẩm Ô Mê Ly chắc chắn phải nhắc đến giọng ca cao vút, thanh thoát, đầy nội lực và tinh tế của nữ danh ca Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long. Đây là ban nhạc trình diễn tại Hà Nội sau thời điểm ca khúc ra đời không lâu. Sau này, thập niên 2000, một giọng ca khác cũng rất được yêu thích và gây chú ý khi thể hiện ca khúc Ô Mê Ly là giọng ca trong vắt của nữ ca sĩ Ánh Tuyết.
Ở tuổi 18, lứa tuổi đẹp nhất của đời người, Văn Phụng dường như đã dốc toàn bộ năng lượng tươi mới của tuổi trẻ vào những giai điệu, ca từ của Ô Mê Ly để làm nên một khúc ca ngập tràn nhựa sống, tươi vui, thánh thót bậc nhất trong âm nhạc Việt. Ngay từ hai câu hát đầu tiên, khi giọng ca của người ca sĩ cất lên, những lời hát bật ra tươi vui, tự nhiên, nồng nhiệt, thanh thoát tựa những bước chân rộn rã tung tăng, nhún nhảy trên từng note nhạc, phím đàn, truyền cho người nghe một luồng năng lượng tươi mới, sảng khoái, xoá bỏ hết mọi u sầu, phiền muộn, vướng bận của đời sống:
Ô mê ly, mê ly!
Ô mê ly, mê ly đời ta!
Ô Mê Ly ra đời khi chàng trai trẻ Văn Phụng vừa chạm bước vào âm nhạc, hãy còn đang sửng sốt, cuồng say với những cung đàn đầy mê hoặc của tân nhạc; vừa bước ra khỏi chiếc vỏ bọc tuổi thơ, còn đang ngỡ ngàng say sưa với đời sống hoa mộng của một thanh niên vừa trưởng thành, tâm hồn rộn rã reo ca trước những sắc màu phong phú của thời thanh xuân.
Ban Bốn Phương hát trước 1975
Ô mê ly đời sống với cây đàn
Tình tinh tang dạo phím rồi ca vang
Chiều êm êm nhìn phía xa mây vàng
Giục lòng ta dạo khúc ca với đàn
Những giai điệu trong trẻo, tươi mát cuộn trào, bật thoát ra đầy phóng khoáng, tự do từ tâm hồn âm nhạc tươi trẻ của Văn Phụng cuốn người nghe vào những cung nhạc mê đắm, rộn ràng. Đó là những cảm xúc, rung động non tơ, thuần khiết và có phần choáng ngợp của một chàng trai trẻ trước địa hạt âm nhạc. Lần đầu tiên trong đời, chàng trai trẻ mang tâm hồn nghệ sĩ phát hiện ra âm nhạc là nguồn sống, là năng lượng, là niềm say mê, hứng khởi cho tâm hồn và đời sống, không gì có thể sánh bằng “ô mê ly đời sống với cây đàn”. Sự hồn nhiên, nồng nhiệt của tuổi trẻ tràn lên từng câu hát trong treo trong vắt, không một gợn bụi u sầu. Những note nhạc diệu kỳ phủ lên khắp mọi sự vật, hiện tượng của đời sống, đâu đâu cũng là âm nhạc, là lời ca, tiếng hát, là những phím đàn tươi vui, rộn rã. Âm nhạc hoà quyện vào đời sống, thăng hoa cùng đời sống:
Một chiều mưa ta hát vang “Mưa rơi!”
Rồi cùng ta mưa đáp: “Cho tươi đời!”
Một ngày nắng ta hát vang: “Nắng tươi!”
Đàn cầm tay say sưa hát là nguồn vui
Gió sớm đã về, cùng tiếng hát tiếng cười
Thấp thoáng bóng người ngoài đám lúa cất lời
Thấy tiếng hát cười là gió sớm đến mời: “Người ơi, đàn đi!”
Dưới lăng kính của người nghệ sĩ, âm nhạc giống như một thứ phép màu huyền diệu, thổi hồn vào vạn vật, đánh thức vạn vật. Mưa, nắng, gió và cả đám lúa vô tri, vô giác bỗng nhiên trở thành bè bạn tri giao, đồng điệu, cùng hát ca, nhảy múa, cùng đối đáp nói cười. Tựa như những thước phim cổ tích trong sáng, mơ mộng, lời hát cuốn người nghe vào một thế giới thần tiên đầy phép màu, nơi con người và thiên nhiên hoà hợp, giao kết với nhau, sống chan hoà, hạnh phúc với nhau.
Ánh Tuyết hát Ô Mê Ly
Đứng giữa cánh đồng nhìn ánh nắng phớt hồng
Có tiếng hát chòng từ đám lúa lướt về
Thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười,
Đàn ta hòa vang…
Trong dòng cảm xúc tinh khôi, nồng nhiệt ấy, mọi thứ đều dịu dàng, duyên dáng, lả lướt: “ánh nắng phớt hồng”, “tiếng hát… lướt về”… Hai nhạc sĩ Văn Phụng và Văn Khôi – bằng tài năng và tâm hồn âm nhạc của mình đã vẽ nên một bức tranh đồng quê với những thanh âm và sắc màu ngọt ngào, tươi trẻ. Và nếu âm nhạc giống như một nguồn vui, thì tình yêu với những rung động đầu đời là một chất xúc tác không thể thiếu để thăng hoa, hoàn thiện bức tranh tươi trẻ của tâm hồn. Chỉ cần “thoáng thấy tiếng nàng và thoáng có tiếng cười, đàn ta hoà vang”, đó là những cung đàn phím nhạc rung lên từ sâu thẳm trái tim, tâm hồn chứ không chỉ từ những ngón tay. Trong những lời hát vô cùng tinh tế và khéo léo của chàng nghệ sĩ trẻ, bức tranh đồng quê Việt Nam hiện ra tươi đẹp, dịu dàng, căng tràn nhựa sống như một nàng thiếu nữ với vẻ đẹp tròn đầy, tươi trong, mê hoặc bao trái tim chàng trai si tình.
Ô mê ly đời sống bao duyên tình
Trời về trưa ngồi dưới hàng cây xanh
Nhìn bao la đồng lúa xa xa mờ
Đàn hòa vang tựa sóng xô đến bờ
ban Thăng Long hát Ô Mê Ly năm 1962
Bằng những giai điệu giật nhẹ, tươi trong, dồn dập, nhạc sĩ khuấy động tâm hồn người nghe, cuốn người nghe hoà nhịp theo những bước chân tung tăng nơi đồng quê thanh bình, tươi đẹp với những duyên tình chớm nở, những cảnh sắc dập dìu mê say lòng người. Nếu ai đã một lần ngồi dưới những hàng cây phủ bóng mát rượi, giữa một cánh đồng lúa mênh mông bất tận như một tấm thảm khổng lồ, rực rỡ lóng lánh dưới nắng trưa và thả hồn vào những sóng lúa dập dờn theo chiều gió hẳn sẽ không thể nào quên được cảm giác tự do tự tại, tâm hồn sảng khoái, mãn nguyện như vừa được gội rửa. Những cảm xúc bồng bềnh, tinh khôi, ngọt ngào ấy đã được nhạc sĩ khéo léo hoà vào âm nhạc làm thành câu hát “đàn hoà vang tựa sóng xô đến bờ”. Và rồi từ những đợt “sóng xô” nhẹ nhàng ấy, tình yêu quê hương thanh khiết, giản dị bắt đầu nảy nở tha thiết trong tâm hồn:
Đường về thôn em bé vui câu ca
Giục hồn thơ tha thiết yêu quê nhà
Đàn cùng ta reo khúc ca chơi vơi
Nhạc còn vang nhịp nhàng đưa ngàn nơi
Trong ca khúc Bức Hoạ Đồng Quê viết sau này, tình yêu quê hương, đồng ruộng được khắc hoạ rõ nét và cụ thể trong từng lời ca, âm điệu còn ở đây trong ca khúc đầu tay Ô Mê Ly của nhạc sĩ, tình yêu ấy chỉ vừa được nhen lên, nồng nhiệt và thanh khiết tựa như tình yêu dành âm nhạc.
Mời quý độc giả nghe ca khúc với phần thể hiện của nữ danh ca Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, được trình diễn và thâu lại từ hơn nửa thế kỷ trước, mang một nhịp điệu vui nhộn, nhún nhảy vô cùng đặc biệt, không chỉ hát mà còn đong đưa, trêu đùa, rung rinh những thanh âm xúc cảm trong lòng người thưởng nhạc.
Thái Thanh hát trong ban hợp ca Thăng Long
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn