Trang chủ
Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Tâm Vấn – Giọng hát lả lướt và thanh tao của một thời
Những ca sĩ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam được gắn thêm danh hiệu “danh ca” khi gọi tên, ngoài những cái tên như danh ca Minh Đỗ, Mộc Lan, Minh Diệu, Thái Hằng, sau này là danh ca Thái Thanh, Kim Tước, và một trong những danh ca thế hệ đầu của tân nhạc phải kể đến là danh ca Tâm Vấn.
Tên tuổi của danh ca Tâm Vấn một thời lừng lẫy từ đầu thập niên 1950 trên các Đài phát thanh Hà Nội, Đài phát thanh Pháp Á với các nhạc phẩm tiền chiến vào thời kỳ bình minh của tân nhạc, đặc biệt là Nỗi Lòng, Trở Về, Thu Vàng, Gái Xuân…
Bà được sinh ra ở Hả Nội năm 1934 với tên thật là Dương Thị Vân. Tuy nhiên tên này bị trùng với người trong họ có vai vế lớn hơn nên bà thường được gọi là Vấn. Sau này đi học, bà bị bạn bè ghẹo vì tên nghe như là “vấn thᴜốc lá”, nên bà đề nghị bạn gọi mình bằng cái tên mà bà rất thích là Tâm. Khi đi hát, bà ghép 2 cái tên đó lại thành Tâm Vấn, sau đó tên trên giấy tờ cũng được đổi lại thành Dương Tâm Vấn.
Danh ca Tâm Vấn có giọng hát lả lướt, quyến rũ và giàu cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ và được nhạc sĩ Trần Văn Nhơn chú ý, nâng đỡ để thành giọng ca hàng đầu ở Hà Nội trong nửa đầu thập niên 1950.
Năm 1954, bà di cư vào Sài Gòn và sinh sống tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, tiếp tục xuất hiện trên các đài phát thanh với những ca khúc tiền chiến bất hủ cho tới khi phải nghỉ hát vào đầu thập niên 1960 vì bận chuyện gia đình. Khi đó chồng của bà là nhà văn Thanh Nghị tham gia phong trào phản đối chính phủ Ngô Đình Diệm, rồi “ra bưng” để tập huấn, sau đó về lại Sài Gòn phát động nhiều phong trào chống chính quyền.
Chồng vắng nhà, để lại một đàn con nheo nhóc thiếu bóng dáng người cha, bà Tâm Vấn một tay cán đán gia đình. Sau đó, vì không tán thành “lý tưởng” của chồng, bà Tâm Vấn quyết định chia tay và đi bước nữa với người chồng thứ 2 là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một bác sĩ nổi tiếng. Ông Quế rất yêu thương những người con riêng của Tâm Vấn, ngược lại, những người con này cũng rất kính trọng vị cha kế. (Trong những người con này có nhạc sĩ Hoàng Trọng Thuỵ, tác giả ca khúc Đoản Khúc Cuối Cho Em và Em Về Nào Có Hay nổi tiếng tại hải ngoại với giọng hát Ngọc Lan).
Tâm Vấn hát Nỗi Lòng (Nguyễn Văn Khánh)
Tuy nhiên từ năm 1968, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng không thường xuyên ở trong nước mà phải đi tu nghiệp ở Bỉ (năm 1968), Pháp (năm 1969) và Anh (năm 1972). Đến năm 1974 ông mới hoàn tất chương trình tu nghiệp, và từ chối đề nghị làm việc cho tổ chức Y Tế Thế Giới để được trở về bên vợ con. Về lại Sài Gòn, ông làm Trưởng khoa nội, bệnh viện Chợ Rẫy và giảng dạy tại trường đại học Y Khoa Sài Gòn.
Tuy nhiên hạnh phúc của họ không kéo dài được bao lâu thì sự kiện 1975 diễn ra, sau đó vài năm thì bác sĩ Nguyễn Đăng Quế bị bắt giam trong rất nhiều năm. Khi đó cuộc sống vô cùng khó khăn, cũng là thời buổi mà Tâm Vấn không thể đi hát được, phải vất vả mưu sinh để nuôi gần 10 miệng ăn trong nhà và tất bật đi thăm nuôi chồng trong mấy mươi năm trời.
Tiếng hát của danh ca Tâm Vấn vào thập niên 1950, 1960 hiện nay chỉ còn tìm được rất ít trong vài bản thu trong dĩa nhựa. Vì bà nghỉ hát từ rất sớm nên vào thời kỳ bùng nổ của các loại băng, dĩa nhạc phát hành tại Sài Gòn trong thập niên 1960, 1970 đều thiếu vắng giọng ca Tâm Vấn, đó là một điều rất đáng tiếc.
Trong video dưới đây, mời bạn nghe lại giọng hát tuyệt vời của Tâm Vấn cùng những hình ảnh của bà vào khoảng 60 năm trước:
Nghe lại những bài hát này, có thể thấy cách hát và giọng rung của Tâm Vấn rất đặc biệt, thanh tao, quý phái, nhưng cũng rất lả lướt và rung cảm, cái hồn của bài hát được truyền tải trọn vẹn đến người nghe với giọng ca giàu cảm xúc. Giọng luyến của Tâm Vấn luôn được khán giả thời thập niên 1950-1960 nhớ hoài, đó là cách hát rất nữ tính và quyến rũ, làm bài hát trở nên mềm mại, nhưng vừa đủ để bài hát vẫn thanh tao và không làm kém đi phần sang trọng.
Nghe danh ca Tâm Vấn hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn – Từ Linh
Nghe danh ca Tâm Vấn hát Ghen của Trọng Khương
Khoảng năm 2013, danh ca Tâm Vấn sang Hoa Kỳ thăm con, cháu, và tham gia đêm nhạc mang tên Tâm Vấn 60 Năm Kỷ Niệm, và đó cũng là dịp cuối cùng bà xuất hiện trên sân khấu. Trong dịp này, bà tâm sự:
“Tôi sinh ra và có được một chút danh ở Hà Nội và chung tình với Sài Gòn suốt 60 năm. Nói là một đời nhưng đã trải qua nhiều kiếp chứ không phải đợi đến lúc chết mới sang một kiếp khác… Tôi coi ca nhạc như một tôn giáo thứ hai. Nhờ ca nhạc tâm hồn tôi được bay bổng, biết yêu thương và có lòng hỉ xả. Tôi cám ơn những nhạc sĩ đã cho tôi những bài ca tôi xem như kinh tụng hàng ngày.”
Danh ca Tâm Vấn qua đời vào 9 giờ tối ngày 3 Tháng 7 năm 2018, tại Sài Gòn, hưởng thọ 84 tuổi.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn