Trang chủ
Những bài nhạc vàng viết về phận đời buồn của người nữ ca sĩ: “Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu…”
Những người ca sĩ, cả xưa và nay, thường quen thuộc với tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, xung quanh lúc nào cũng có những ánh hào quang lộng lẫy của sân khấu. Khán giả nhìn vào họ với đầy sự ngưỡng mộ, yêu mến, nhưng có mấy người biết rằng khi tấm màn nhung khép lại, rũ bỏ đi những lấp lánh của phấn son, thì ca sĩ cũng là những người bình thường và phải đối mặt với sự cô độc lạc lõng, đối mặt với một khía cạnh khác của cuộc đời, sự dị nghị của người đời, và đôi khi là cả sự độc đoán của miệng đời.
Những người ca sĩ đêm đêm hát ở phòng trà, đứng trên sân khấu có đèn hoa rực rỡ, được khán giả tán thưởng, họ nhìn xuống nhoẻn miệng cười với tất cả, nhưng lệ thì nuốt vào âm thầm cho riêng mình.
Không nhiều người biết rằng đã có những ca sĩ từng ở trên tột đỉnh vinh quang nhưng lại không muốn con cái của mình nối nghiệp nghệ sĩ, vì hơn ai hết, họ hiểu sự bạc bẽo của nghề này. Vì yêu nghề, có nhiều người vẫn theo nghề đến trọn đời, nhưng có lẽ là đôi khi trong tận thâm tâm mình, họ muốn được một lần trở thành người bình thường với cuộc sống bình thường.
Có những ca sĩ giàu lòng tự trọng, vì tổ nghiệp sân khấu đã chọn mình, nên họ đã sống hết mình, trọn đời với nghiệp hát, bên cạnh đó là sự trau dồi kiến thức, vốn sống, và quan trọng nhất là đạo đức để thoát khỏi cái tiếng xấu mà người đời gán cho.
Nhưng trong quá khứ cũng đã có nhiều ca sĩ đã không chịu được áp lực nặng nề nên giã từ sân khấu từ sớm, hoàn toàn lánh xa ánh đèn sân khấu và không bao giờ chính thức lộ diện một lần nào nữa, để lại sự nuối tiếc cho người hâm mộ.
Hiểu được những áp lực nặng nề mà người ca sĩ phải chịu, đã có nhiều nhạc sĩ nhạc vàng viết lên tâm tư đó bằng nhiều ca khúc, trong đó nổi tiếng nhất là Tình Đời, Phận Tơ Tằm, Kiếp Cầm Ca.
Sau đây mời các bạn nghe lại những ca khúc nổi tiếng viết về thân phận người (nữ) ca sĩ:
Tình Đời (Vũ Chương – Minh Kỳ)
Tình Đời là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960 với bút danh là Minh Kỳ – Vũ Chương. Bài hát này thường bị nhầm tên thành Duyên Kiếp Cầm Ca hoặc Kiếp Cầm Ca (trùng với tên một bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Huỳnh Anh).
Bài hát Tình Đời dường như được viết là để song ca nam nữ với nhau, là lời trò chuyện của một đôi tình nhân, mà người con gái là một ca sĩ phòng trà. Người nữ ca sĩ liên tục đưa ra những câu hỏi mang tâm trạng âu lo, ngại ngần, còn người yêu thì kiên nhẫn đáp lại với lời an ủi yêu thương:
Khi biết em mang kiếp cầm ca
Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát
cho người người bỏ tiền mua vui
Hỏi rằng anh ơi: Còn yêu em nữa không?
Đừng nói nữa em ơi
Xin đừng nói nữa làm gì
Anh nghĩ rằng
Đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu…
Trước năm 1975, ca khúc này có 2 phiên bản song ca của những tên tuổi đã trở thành huyền thoại, đó là Hùng Cường – Bạch Tuyết, và Duy Khánh – Bạch Tuyết:
Hùng Cường và Bạch Tuyết hát Tình Đời
Duy Khánh và Bạch Tuyết hát Tình Đời
Phận Tơ Tằm (Minh Kỳ – Hồ Tịnh Tâm)
Một ca khúc khác của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác, được ký tên bút danh là Minh Kỳ – Hồ Tịnh Tâm, cũng nói về phận đời buồn và có phần bạc bẽo của người nữ ca sĩ thời xưa, thường bị dèm pha gán cho những chữ không được đẹp đẽ là kiếp “xướng ca”:
Người có thương thân tôi nghệ sĩ
Thì đừng có thương như thương hại đời
Và đừng có nghe khi thiên hạ thường dèm pha tôi kiếp xướng ca
Người đến đây, đêm đêm phòng trà
Đèn màu kết hoa, thương yêu mặn mà
Tôi xin người, nhìn lên sân khấu
Hãy tin tôi hơn lời ca…
Thanh Thúy hát Phận Tơ Tằm trước 1975
Kiếp Cầm Ca (Huỳnh Anh)
Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Huỳnh Anh viết tặng cho nghệ sĩ Thanh Nga, vào giai đoạn mà người nhạc sĩ này có cơ hội gần gũi và cảm nhận được những tâm tư buồn tủi, cô độc của “nữ hoàng sân khấu” trong thời điểm bà đạt đến đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp.
Lúc sinh thời, trong một đêm văn nghệ, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã tâm sự:
“Các anh em hỏi tôi về sự liên hệ của tôi và Thanh Nga, xin lỗi các anh, chuyện đó có thật. Lần này tôi thú nhận vì cứ giấu mãi thì cũng không đi đến đâu. Nhưng bản Mưa Rừng là “bản nhạc chủ đề” trong vở tuồng đồng tên của hai sọan giả Hà Triều – Hoa Phượng đã nhờ tôi viết. Bản này đã được viết đặc biệt để giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc, và tôi đã dùng nhiều thời giờ để tập hát cho Thanh Nga, nên vì thế bài hát này đã gắn liền tên tuổi của tôi với người nữ nghệ sĩ khả ái này.
Thưa các anh em, chuyện Thanh Nga mê tôi hay tôi mê Thanh Nga (bây giờ) chỉ có mình tôi biết thôi. Hôm nay tôi sẽ nói ra, chính bài Kiếp Cầm Ca mới là bài mà tôi đã viết cho Thanh Nga. Vì chỉ có sân khấu cải lương mới có màn nhung mà thôi. Nhưng hai câu cuối: Ánh đèn lặng tắt / Gởi ai nỗi niềm, thì người gởi nỗi niềm là tôi chứ không phải Thanh Nga!”
Phương Dung hát Kiếp Cầm Ca trước 1975
Người đến bên mình khi vui trăm ngàn lưu luyến
Nhưng hoa xưa đã tàn úa đâu còn
Đời ta là bến ai qua ghé thăm đôi lần
Nhớ chăng tiếng ca cung đàn ngày xưa
Đêm nay bên thềm một bóng ai
Dừng chân bước giang hồ phiêu linh
Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng
Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu…
Thành Phố Mưa Bay (Bằng Giang)
Bài hát mang đậm không khí và dấu tích của đô thành Sài Gòn một thời, nơi đó có công viên buồn, tượng đá buồn, câu kinh giáo đường, có cuộc tình buồn, và nơi có cả tiếng hát buồn còn vương vấn hoài của người nữ ca sĩ:
Có những chiều thành phố mưa bay
Công viên buồn tượng đá cũng buồn
Chân đi tìm tuổi hồng sa mạc nắng
Câu kinh giáo đường ngày tháng trút đau thương
Có những chiều thành phố mưa bay
Thương em gầy giọng hát đêm dài
Nghe hơi thở chạnh lòng khơi niềm nhớ
Môi giăng mắt đỏ mòn mỏi trong đợi chờ
Thái Châu hát Thành Phố Mưa Bay trước 1975
Nước Mắt Mùa Thu (Phạm Duy)
Ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của cố danh ca Lệ Thu, và ngay từ tựa đề ca khúc Nước Mắt Mùa Thu đã có thể thấy ngay sự liên hệ với cái tên Lệ Thu. Có thể xem ca khúc này như là một món quà mà nhạc sĩ Phạm Duy dành tặng cho người nữ ca sĩ có giọng ca vừa quý phái lại vừa buồn đến nức nở:
Nước mắt mùa Thu khóc than một mình
Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa
Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình
Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trước 1975
Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu qua phần hòa âm của Trúc Hồ
Duyên Kiếp Cầm Ca (Quốc Tuấn)
So với những ca khúc còn lại thì bài này ít được biết đến hơn, và nhạc sĩ Quốc Tuấn cũng là một tên tuổi lạ. Trước năm 1975, ca sĩ Giáng Thu đã hát ca khúc này và truyền tải rất thành công hình ảnh một người ca nữ buồn tủi giữa cuộc đời cô độc:
Giáng Thu hát Duyên Kiếp Cầm Ca trước 1975
Tàn đêm phố vắng bước chân âm thầm
Đèn khuya hiu hắt sương xuống lạnh căm
Bâng khuâng nghe gió tiễn bước sang canh
Đêm đêm lê gót độc hành
Lạnh lùng một kiếp mỏng manh
Về đâu đêm tối những khi không nhà
Kề vai khóc mướn duyên kiếp cầm ca
Vương tơ cho đến thác vẫn chưa vơi
Mua vui cho biết bao người
Mà đời như lãng quên hoài
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn