Trang chủ
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nỗi niềm trong ca khúc Nửa Hồn Thương Đau – “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa…”
Nửa Hồn Thương Đau là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào đầu thập niên 1970, rất được yêu thích qua giọng hát thượng thặng của danh ca Thái Thanh:
Thái Thanh hát Nửa Hồn Thương Đau trước 1975
Lâu nay, ca khúc này vẫn được ghi là nhạc phổ thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhưng thực ra nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ mượn ý của 2 câu thơ trong bài thơ rất dài mang tên Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền để phổ nhạc, đó là:
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình…
Nửa Hồn Thương Đau là một ca khúc rất buồn, buồn cũng như cuộc đời của tác giả đã trải qua những đau thương khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc bị tan vỡ. Nhân vật trong bài hát mang một nỗi buồn sâu thẳm như là bị ᴄhết lịm cả tâm hồn, muốn nhắm mắt để cố hình dung lại, để tìm được những thoáng hương xưa, mong gặp lại người thương yêu năm cũ.
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang ᴄhết trong tôi
Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu…
Tuy nhiên càng muốn tìm lại những ngày tươi đẹp ở trong giấc mơ thì trái tim của người lại càng bị tổn thương, bởi vì khi tỉnh giấc, lòng càng thấy thêm trống vắng. Khi đó thì nhắm mắt lại chỉ thấy cả một cả một chân trời thương đau và nhớ nhung chất ngất không thể nào nguôi.
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt
Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người
Ôi những người khóc lẻ loi một mình…
Có lẽ vì nội dung bài hát khá tương đồng với một quãng đời buồn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nên đã có một bài viết tưởng tượng ra hoàn cảnh sáng tác Nửa Hồn Thương Đau rất lâm ly và bi lụy như là tiểu thuyết ngôn tình. Theo bài viết này, thì sau khi chia tay vợ ít lâu, có một lần nhạc sĩ Phạm Đình Chương tình cờ gặp lại vợ cũ đang hát trên 1 sân khấu. Cuối buổi diễn ông có nhã ý muốn được tiễn vợ về vì trời đang mưa nhưng lại bị từ chối. Ông đành lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm, nhìn qua màn mưa nhớ về những ngày hạnh phúc đã trôi theo dòng nước, tan vỡ như những bong bóng mưa. Chịu đựng không nổi nỗi đau giằng xé, ông dự định từ bỏ cuộc đời, nhưng đúng lúc ấy tiếng khóc con trẻ đòi mẹ trong đêm làm ông phải vụt ôm con vào lòng dỗ dành mà nước mắt tuôn trào…
Câu chuyện tưởng tượng này sau đó bị chính người con được nhắc tới trong bài viết là Phạm Thành phủ nhận. Sau khi ly hôn khoảng năm 1960, vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương gần như giải nghệ và không đi hát nữa. Ngoài ra, ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được sáng tác vào năm 1970, tức là sau đó tròn 10 năm, và được sử dụng trong phim Chân Trời Tím (với 2 diễn viên chính là Hùng Cường và Kim Vui). Trong phim này, minh tinh Kim Vui đóng vai ca sĩ hát ca khúc Nửa Hồn Thương Đau, được lồng vào bằng giọng hát Thái Thanh. Trong phân đoạn phim đó, chính nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng xuất hiện trên màn ảnh, đóng vai người nghệ sĩ kéo đàn cho Kim Vui hát.
Kim Vui trình diễn Nửa Hồn Thương Đau trong phim Chân Trời Tím (giọng hát Thái Thanh)
Theo ca sĩ Phạm Thành – con trai trưởng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thì trong suốt sự nghiệp hơn 40 năm của mình, nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ sáng tác 40 bài hát, trái với thông tin trước đó ghi rằng có hàng trăm bài. Tuy sáng tác ít nhưng hầu hết các bài hát của ông đều được yêu thích và trở thành nhạc bất hủ, cho dù ông không sáng tác theo trào lưu, không viết theo thị hiếu. Tất cả những bài nhạc mà Phạm Đình Chương viết ra đều là những tinh túy nhất của một nhạc sĩ tài hoa để lại cho đời, trong đó Nửa Hồn Thương Đau là ca khúc đại diện cho một khuynh hướng sáng tác những bài ca tình ca buồn của ông trong khoảng thời gian 2 thập niên 1960-1970, bên cạnh các bài hát khác cùng thời kỳ là Người Đi Qua Đời Tôi, Đêm Màu Hồng, Đêm Cuối Cùng, Mắt Buồn, Xóm Đêm… Đó cũng là thời gian mà cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trải qua nhiều biến cố. Trước đó, vào thập niên 1940-1950, nét nhạc của ông thường là tươi vui, rộn rã, những bài hát ca ngợi đất nước và con người, tiêu biểu là Hội Trùng Dương, Tiếng Dân Chài, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Đất Lành, Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, Sáng Rừng, Hò Leo Núi…
Đông Kha (nhacxua.vn)