Trang chủ
Cảm nhận âm nhạc: Đường Chiều Lá Rụng (Phạm Duy) – Kiếp lá và phận người
Nhìn lá úa rụng rơi và vờn bay trước gió như kiếp người úa tàn theo quy luật của đời sống. Hình ảnh đó đã ẩn hiện rõ ràng nhưng đầy bí ẩn của quy luật con người. Nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm và tô điểm diện mạo của quy luật đó bằng bài Đường Chiều Lá Rụng.
Nghe tuyệt phẩm Đường Chiều Lá Rụng qua tiếng hát Thái Thanh
Chiếc lá vàng rơi rụng không bay thẳng vèo xuống đất mà bao giờ cũng bay bổng theo gió như chiếc thuyền hồn lướt mau. Hình ảnh chiếc lá như chiếc thuyền chở hồn lá hay là hồn người chao động trước hơi tàn của đời sống sắp kết thúc. Chút hơi tàn do gió tạo ra cho chiếc lá, phảng phất hình ảnh của hơi run thơm ngát của con người mà có lần Phạm Duy đã nói đến.
Mượn hình ảnh lá rơi rụng trên đường chiều để ẩn dụ cho kiếp người mỏng manh nhưng phỉ nguyện là thông điệp của Phạm Duy, thông điệp của sự khát khao yêu đời cho dù đời đầy những eo xèo và kỷ niệm.
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.
Lá vàng bay ! Lá vàng bay !
Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai
Lá vàng rơi ! Lá vàng rơi !
Như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối
Khi bay ra khỏi đời như chiếc lá, theo lời gọi của đất mẹ, phận người của Phạm Duy đã vội nhớ về những kỳ niệm và dĩ vãng thật đẹp của đời người. Phạm Duy cũng đã gặp không ít đau khổ, tủi nhục và hiểu lầm, đã không ít những thế lực ngăn cản tâm hồn và nhiệt huyết của ông, nhưng khi lá rụng trên đường chiều, Phạm Duy nghĩ ngay đến chiếc lá vàng bay là dĩ vãng gầy tóc buông dài bước ra khỏi tình phai… để rồi chút hơi người đang giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối.
Thái Thanh trình bày trong CD Chiều Về Trên Sông – Thái Thanh Hải Ngoại III
Ông không thù hận con người vì trong lúc hồn theo vạt nắng giữa cơn hấp hối, Phạm Duy vẫn còn kịp tạ ơn đời, ca ngợi cuộc đời trong đó, chắc là sẽ ca ngợi tình người và lòng người.
Hoàng hôn mở lối,
Rừng khô thở khói
Trời như biển chói
Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi
Neo đứt một lần cuối thôi
Cho cánh buồm lộng gió vơi, gió đầy
Chiều ôm vòng tay, một bó thuyền say
Thuyền lơ lửng mãi
Từng tiếng xào xạc lá bay
Là tiếng cội già khóc cây
Hay tiếng lòng mình khóc ai, giờ đây?
Hình ảnh chiều tàn và lá rụng cứ như cơn mộng du được Phạm Duy diễn tả, giai điệu thật kỳ ảo biến hóa, sự chao nghiêng và lả lướt của chiếc lá trong chiều như hồn người bay bổng vừa muốn rời khỏi cõi thực vừa muốn níu kéo cõi thực. “Hoàng hôn mở lối…”+”Rừng khô thở khói…”, “Trời như biển chói…”, tất cả hình ảnh ấy được Phạm Duy sử dụng như ảo và như thật… Tất cả là hiện hữu nhưng lại không được nhìn rõ và trở thành viễn cảnh hiện hữu.
Trong cảnh vật ấy, hồn người – chiếc lá chở đầy ắp gió – chao nghiêng như cõi mộng, cõi tử và cõi sinh. Ông ôm ấp tình yêu đời như còn khao khát cuộc sống. Chiều ôm vòng tay, một bó thuyền say… để thuyền lơ lửng mãi, trong cảnh ấy có tiếng xào xạc vang lên trong hồn lá. Phạm Duy nghe thấy tiếng khóc của cội già, nhìn thấy lòng người đang rơi lệ, rơi lệ không phải cho mình mà cho người và vì sao cội già lại khóc cho ai? Có phải cõi ảo và thực của đời đã đưa tâm hồn Phạm Duy về đến cõi linh thiêng mà ở đó mọi giá trị thực lại trở nên ảo giác.
Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm
Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên
Lá vàng êm! Lá vàng êm!
Như mũi kim mềm
Sẽ khâu liền, kín khung cửa tình duyên
Lá vàng khô! Lá vàng khô!
Như nét môi già
Đã nhăn chờ, lên nẻo đường băng giá…
Nhìn nhận cuộc sống nhưng Phạm Duy thoát ra khỏi nó như một chiếc lá vàng êm khi nhận ra quy luật của đời người là lá vàng khô, với nét nhăn chờ đơi lên nẻo đường băng giá… Nhưng Phạm Duy vẫn cảm nhận được cái yêu và cái hồn của đời đã qua. Đó là lá vàng êm, như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên và Phạm Duy thoát đời bay vờn trong cõi tiên.
Có lẽ đỉnh điểm của tác phẩm là sự nhận thức bước chuyển hoá logic của kiếp người từ sự rụng rơi đầy chất thơ của kiếp lá. Sự chuyển hoá ấy rất nhẹ, không vội vàng nhưng không níu kéo, cứ từ từ diễn ra trong cảm giác, trong nhận thức để êm ả đi đến tận cùng.
Giai điệu thì chuyển hoá như cơn gió, lúc nhẹ lúc vút cao, lúc kéo ra xa, lúc đẩy lại gần, theo sự uốn lượn của giọng hát thiên sứ Thái Thanh. Tài hoa của Phạm Duy một lần nữa được thể hiện sau những tác phẩm như Chiều Về Trên Sông và Kiếp Nào Có Yêu Nhau.
Chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa
Chẳng thương chẳng nhớ
Ðể những lệ buồn cánh khô
Rơi rớt từ một cõi mơ
Nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ
Còn rơi rụng nữa, cành khô và lá
Thành ngôi mộ úa
Chờ đến một trận gió mưa
Cho rũa tình già xác xơ
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ…
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai.
Sự kết thúc của một ngày bằng sự tối tăm của đêm, bởi chiều không còn và lá đã rụng đến cội của nó, không còn bay trong gió như sự ẩn hiện của hiện thực và cõi tiên nữa, nhận thức sự kết thúc như quy luật lạnh lùng và hững hờ của tiếng đất gọi về như một tiếng ru, Phạm Duy đã diễn tả cái kết thúc đó cũng êm như sự rớt rụng của chiếc lá vì đó chỉ là cõi mơ, kết thúc bằng hình ảnh ngôi mộ úa, của đời lá và cây…
Nhưng không dừng ở đó, phúc âm mà Phạm Duy đem đến đời người cũng đâu phải là sự kết thúc, nó lại là sự mở đầu khi một trận gió mưa làm cho nó biến thành nhựa sống nuôi tình thơ và vì thế, hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai. Sự kết thúc của lá cành, cùng với ơn mưa móc của đời thông qua trận gió mưa đủ để sự rũa tàn đen đến cho đời một sức sống mới qua hình ảnh nuôi dưỡng tình thơ.
Tư tưởng của ông có lẽ cho đến nay khó có người theo kịp khi mà nhận thức về con người và đời người của ông không chỉ là sự nhận thức đơn thuần của cuộc đời mà đã là sự nhận thức những quy luật của đời sống con người và tự nhiên, sự kết hợp qua hình ảnh ẩn dụ đã đưa nhạc, đưa tư tưởng và tác phẩm của ông đạt đến cảnh giới của nhận thức và của nghệ thuật.
Phạm Duy luôn nhìn sự vật trong sự biến hoá có vận động trong một chu trình mà không là sự kết thúc. Nếu như Trịnh Công Sơn tìm về một cõi hư vô hoặc lý giải về cuộc đời như là cõi đến và cõi về với một tâm trạng chán nản thì ở Phạm Duy, ông đã thoát ra khỏi nhận thức đó. Ông thoát đời từ những dấu ấn của đời, rồi lạo chờ đợi ngày quay về với đời.
Chính vì thế mà tác phẩm cứ thật mà ảo, cứ xuay vần trên nền tảng của tình yêu đời và yêu người, dù người và đời có thế nào đi nữa!
Giai điệu phức tạp đòi hỏi người hát phải có một khả năng xử lý về kỹ thuật cao, thậm chí là phải đạt đến một mức độ uyển chuyển và siêu thực. chắc cũng chỉ có giọng hát siêu thực như Thái Thanh mới có khả năng đưa ý tưởng về nhạc và về nhận thức đời đó của Phạm Duy bay bổng vào cõi tiên và quay ra cõi thực được mà thôi.
Sự vận hành của các nhịp bước giai điệu cũng như cung bậc của giai điệu cứ quay vần, vút cao và chơi vơi rồi trả lại cho tác phẩm nhịp điệu đầu của đoạn kết, tạo ra tâm trạng mọng chờ một đời mới từ những tươi đẹp và vĩnh cửu của cái đã qua, vì hồn người đang chờ phút đầu thai.
Phạm Duy – chỉ có một mà thôi – không thể có được một tài hoa thứ hai như thế.
Theo Nguyễn Ngọc Sơn (phamduy.com)