Trang chủ
Nhạc sĩ Lam Phương và một quãng đời buồn qua bài hát Cỏ Úa – “Cứ cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ…”
Trong số những nhạc sĩ nhạc vàng đã thành danh từ trước năm 1975, nhạc sĩ Lam Phương thường được nhắc đến như là một tên tuổi tiêu biểu nhất, và cũng là người đào hoa bậc nhất. Bên cạnh cuộc hôn nhân 20 năm với nữ kịch sĩ Tuý Hồng, cuộc đời của ông còn có sự liên hệ với nhiều bóng hồng khác. Những cuộc gặp gỡ, chia ly, đến rồi đi của các bóng hồng vây quanh đó đã mang đến nguồn cảm xúc dồi dào để tạo nên rất nhiều những sáng tác bất hủ của Lam Phương.
Tuy nhiên, cú sốc tình cảm lớn nhất, bi thương, đau khổ nhất với cuộc đời Lam Phương chính là khi nữ nghệ sĩ xinh đẹp Túy Hồng – Người vợ luôn kề cận, chịu đựng tính khí nghệ sĩ của ông suốt 20 năm đột nhiên quay lưng, ngoảnh mặt.
Từ sau năm 1975, khi đang từ đỉnh cao của tiền tài và danh vọng, nhạc sĩ Lam Phương đột ngột phải đối mặt với cảnh bần hàn, cơ cực ở bên kia bờ đại dương. Ông phải làm nhiều công việc tay chân cực nhọc để kiếm sống, bươm chải lo kinh tế gia đình, đồng thời phải chắt chiu để gầy dựng lại cuộc sống và trở lại con đường sáng tác. Nhưng rồi hôn nhân tan vỡ chỉ sau 4 năm đặt chân lên xứ người chính là cú đẩy cuối cùng để đưa Lam Phương chìm vào hố sâu của sự hụt hẫng, cay đắng, bẽ bàng và chua xót. Trong những tháng ngày nặng trĩu u buồn và cùng quẫn đó, ông cho ra đời một loạt sáng tác buồn, nổi tiếng nhất trong số đó là ca khúc Cỏ Úa.
Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng
Còn chút thương yêu xin đưa vào dư âm
Từng câu hát thả rơi, mang mang sầu mộng tựa như van nài, gắng gượng níu giữ những dư âm xưa của cuộc tình xưa cũ. Vì biết chẳng thể nào trở lại, nên đành chỉ xin, ước ao được thấy nhau, được gọi tên nhau trong giấc mộng.
Don Hồ & Lâm Thúy Vân hát Cỏ Úa
Ai đó đã nói đại loại rằng, mỗi cuộc tình đến trong đời dù mang cho ta hạnh phúc hay đớn đau thì khi bỏ ta ra đi, cũng như rứt đi một phần máu thịt, chẳng thể nào không đau, chẳng thể nào không nhớ. Những cảm xúc đau thương theo thời gian rồi cũng sẽ phôi phai nhưng những ngậm ngùi, hoài nhớ thì chẳng bao giờ dứt được. Vậy nên, đừng hỏi mình còn yêu hay không, đừng hỏi mình đã thật quên mà cớ sao lòng vẫn chờ:
Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ
Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ
Vì trái tim yêu đương luôn có những lý lẽ của riêng nó, chẳng thể lý giải, chẳng thể bó buộc theo bất kỳ khuôn khổ nào mà lý trí mong chờ.
Từ lúc em đi trong rượu cay men nồng
Màu trắng khăn tang quanh căn phòng cô đơn
Bão tố triền miên ngày em về nhà đó
Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu
Hàng loạt những câu chữ nặng nề được nhạc sĩ sử dụng để diễn tả nỗi đau, nỗi cô đơn đang thấm sâu, vây bủa trong tâm hồn: rượu cay men nồng, màu trắng khăn tang, căn phòng cô đơn, bão tố triền miên, buồn hắt buồn hiu, đêm sầu cô liêu. Tất cả như những rào chắn sắc nhọn nhốt chặt và cô lập trái tim đau thương còn đang rỉ máu, đang gào thét, đang đau đớn khôn cùng. Đau đến độ mê sảng, rơi cả vào giấc mộng xưa cũ, nơi có những hình ảnh lung linh hoàn toàn đối lập với tình cảnh hiện tại:
Một chiều trên đồi em làm thơ
Cỏ biếc tương tư vàng úa
Mộng dệt theo đàn bên người mơ
Mới biết mình yêu bao giờ
Mối tình ấy thật thơ, thật đẹp, lóng lánh những giấc mơ rạo rực bên cung đàn mộng mị. Trách chi, chàng trai cứ mãi nhớ thương, đau khổ. Nhưng chàng cũng biết rằng, đó chỉ là những “chuyện thần tiên xa vời”, sẽ chẳng thể nào còn chung đôi được nữa. Bởi “tình đã như vôi”, người đã quay lưng bỏ đi để lại tình yêu của riêng chàng cô đơn, lạc lõng thì còn ích gì?
Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời
Tình đã như vôi mong chi còn chung đôi
Cứ cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ
Đừng níu thời gian cho thêm sầu vương mang
Thôi đành “cúi mặt đi để nghe đời lầm lỡ”, đành ôm mối tương tư mà tự bao bọc lấy trái tim đau thương của chính mình.
Với những lời ca da diết, thắt nghẹn đau thương và sự cay đắng, cô độc nhấn nhá đào sâu trong từng ca từ, từng câu chữ, Cỏ Úa có thể được xem là một trong những sáng tác đỉnh cao, là tình khúc buồn nhất trong những bản nhạc buồn hát về sự chia ly, đổ vỡ trong tình yêu của nhạc sĩ Lam Phương.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn