Trang chủ
Nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển
Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, những người yêu nhạc trữ tình trước năm 1975 nhớ về ca khúc bất hủ “Thu, Hát Cho Người” với lời ca thật đẹp, bay bổng và lãng mạn, được ông sáng tác vào thời gian đầu của sự nghiệp.
Thời gian sau đó, ông có thêm bài hát rất quen thuộc đối với những thanh niên nhập ngũ vào trường Thủ Đức là Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nổi tiếng với nhiều bài hát quê hương: Điệu Buồn Phương Nam, Đau Xót Lý Chim Quyên, Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang, Dạ Cổ Hoài Lang (ký âm), Trở Lại Bạc Liêu.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông:
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1948 tại vùng quê nghèo Quảng Nam. Từ nhỏ ông hiếu học, yêu thích và đọc nhiều sách thi ca đời Đường, Tống, thơ lãng mạn của Pháp, và những vần thơ cô đọng, trữ tình đó đã ảnh hưởng đến những ca khúc đầu tiên của ông, trong đó có bài Thu, Hát Cho Người:
Lệ Thu hát Thu, Hát Cho Người
Thu, Hát Cho Người được nhạc sĩ sáng tác lúc mới 20 tuổi, trở thành bài nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Lúc sinh thời, ông nói về ca khúc này như sau:
“Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.
Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết “Thu, Hát Cho Người”
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Bản tình ca thuở đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông.”
Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tốt nghiệp ngành văn của trường Đại Học Sư Phạm và được cử về Bạc Liêu dạy học.
Năm 1970 có lệnh Tổng Động Viên Toàn Phần, tất cả các ngành bác sĩ, kỹ sư, công chức, giáo sư… đều vào trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng vào học ở quân trường Thủ Đức một thời gian trước khi trở về lại Bạc Liêu để tiếp tục nghề giáo.
Trong thời gian ngắn ngủi tại đây, ông đã viết ca khúc Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú, với lời ca rất da diết, phù hợp với tâm trạng người lính trẻ đang theo học ở quân trường:
Ta ngồi đây trên đồi Tăng Nhơn Phú
Chiều đong đưa tiếng đại pháo ru về
Mẹ hiền xa nơi phương trời
người tình xa nơi phương người
lòng lạnh giá những đêm mong chờ trăng sáng.
Elvis Phương hát ca khúc Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú
Trước năm 1975, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là một nhà giáo, không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp nên sáng tác khá ít, và nổi tiếng nhất là 2 ca khúc kể trên.
Sau năm 1975, ông chuyển hướng sang thể loại nhạc âm hưởng dân ca Nam Bộ, nổi tiếng nhất là Điệu Buồn Phương Nam. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển kể lại rằng trong một lần đi công tác ở miền Tây năm 1994, giữa đêm khuya thanh vắng nhìn thấy bóng trăng chiếu rọi trên mênh mông sông nước của vùng Cửu Long, làm ông xúc động và viết 1 ca khúc về khung cảnh phương Nam:
Về phương Nam lắng nghe cung đàn
thổn thức vọng dưới trăng mơ màng
Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn.
Chợt thương con sáo bay xa bầy
sương khói buồn để lại lòng ai…
Nhạc sĩ đã sử dụng nhiều câu ca dao Việt, lồng vào giai điệu ngũ cung của cổ nhạc phương Nam để sáng tạo thành ca khúc thuần chất Nam Bộ. Bài hát này đã gắn liền với giọng hát Hương Lan thời kỳ cô trở về nước hát vào khoảng năm 1996. Hương Lan cũng là “ca sĩ hải ngoại” đầu tiên được cấp phép về nước hát từ những năm thập niên 1990, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ.
Hương Lan hát Điệu Buồn Phương Nam trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam năm 1998
Trong cùng năm 1994, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác một bài âm hưởng dân ca Nam Bộ nổi tiếng khác là Đau Xót Lý Chim Quyên, cũng là ca khúc gắn liền với giọng hát Hương Lan:
Ngày xưa khi ta lớn lên đã nghe câu hát lý chim quyên,
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Chiều nay qua sông Cửu Long, lại nghe câu hát lý chim quyên
Chim quyên ăn trái nhãn lồng.
Chim quyên, chim ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi
Mà đôi ta không là tình nhân, không phải vợ chồng
Chưa hề bén tiếng chưa hề quen hơi…
Hương Lan hát Đau Xót Lý Chim Quyên
Bài hát này được nhạc sĩviết để dành tặng cho một người “không là tình nhân, không phải vợ chồng”, dựa trên 2 câu nổi tiếng trong bài dân ca Lý Chim Quyên:
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn cho biết thêm rằng mỗi khi qua sông Cửu Long, ông luôn nhớ về người xưa cũng những ký ức ở miền sông nước. Dù sinh trưởng ở vùng quê nghèo miền Trung nhưng nhạc sĩ có thời gian dài gắn bó với miền Tây Nam Bộ, vì trước 1975 ông được phân công đi dạy học ở Bạc Liêu. Khi đó ông mới 22 tuổi, cái tuổi của háo hức và tò mò khám phá, được tắm mình trong không gian của âm nhạc tài tử, cái chất nhạc Nam Bộ đã thấm đẫm trong những ca khúc của ông.
Bạc Liêu cũng là quê hương của Cao Văn Lầu, người sáng tạo ra những câu hát Dạ Cổ Hoài Lang bất tử, được truyền miệng qua nhiều đời. Sau này, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là người ký âm Dạ Cổ Hoài Lang qua những nốt nhạc Phương Tây để ca sĩ tân nhạc hát, đặc biệt được yêu thích qua tiếng hát Hương Lan.
Hương Lan hát Dạ Cổ Hoài Lang
Một ca khúc khác của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhắc tới bài Dạ Cổ Hoài Lang này, mang tên là Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang:
Đông Đào hát Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang
Gành Hào là tên một địa phương ở Bạc Liêu, nay là thị trấn thuộc huyện Đông Hải, là nơi mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã gắn bó một thời gian tương đối dài.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn