Trang chủ
Nhà thơ Tô Thùy Yên và bài thơ – bài hát Chiều Trên Phá Tam Giang
“Biểu dương, hãy biểu dương cùng tận”… những tác giả đã đưa những địa danh của đất Mẹ Việt Nam vào thơ văn nhạc họa và biến những nơi ấy thành bất tử.
“Phá Tam Giang” trong “Chiều Trên Phá Tam Giang” của Tô Thuỳ Yên (và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cảm tác phổ 1 đoạn thành bài nhạc cùng tên) đã trở thành bất tử như thế.
Cuộc hôn phối thơ và nhạc đẹp đẽ của dòng nhạc trước 1975 đã mang bài thơ đến gần hơn với rất nhiều người, và vì thế, trong một ngữ nghĩa nào đó, thơ Tô Thuỳ Yên đã nằm trong lòng rất nhiều người Việt Nam.
Nhưng phải công tâm mà nói, Chiều Trên Phá Tam Giang không phải là một bài hay nhất và tiêu biểu nhất của ông, nhưng nó là bài thơ “huy hoàng” nhất vì là bài thơ được biết nhiều nhất.
Những bài thơ theo hình thức thơ tự do rất “tân tiến” thời “Sáng Tạo” trước đó và những bài sau 1975 ông làm trong (hoặc sau) thời kỳ tù cải tạo theo dòng tâm tưởng của một người-viết-sử-bằng-thơ, người kinh qua kinh-nghiệm-Việt-Nam thảm khốc, có phần xuất sắc và xúc động…”hơn”.
Trong Chiều Trên Phá Tam Giang, nguyên vẹn bài thơ cũng mang đến một cảm xúc khác, bi tráng và mãnh liệt hơn khi chỉ “nghe” một đoạn trong bài hát. Bài thơ gốc mang nhiều “suy tưởng” hơn qua những truy vấn:
”…Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
…Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành…”
Cái hay của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là ông đã chọn đúng điểm rơi với công chúng khi “trích” một đoạn đắt giá, “melo” nhất trong bài: trong đoạn này, có gương mặt của chiến tranh – có cái phi lý của nó – nhưng cũng có những khung cảnh lãng mạn đô thành lồng trong nỗi niềm ưu tư của một cuộc tình thời chiến – có Sài Gòn và có cả địa danh “tên vẫn chưa quen người dân thị thành”; bài hát/đoạn thơ còn thú vị vì xoay chụp vào nhau là những ảnh hình hiện thực và vô danh tính… làm không khí chông chênh “quyến rũ”:
Bài hát này mới được “cấp phép” lại để được hát trong nước mới ngay trước khi Tô Thuỳ Yên mất được vài ngày.
Ngoài lề một chút về bài hát này: version đầu tiên tôi nghe (xem) được là Nhật Trường song ca Thanh Lan trong băng Hollywood Night 9 và sau đó ra trong CD của Mây Production ,1995; sau đó mới nghe lại 1 lần nữa qua giọng ca Lê Uyên trong CD Hãy Yêu Nhau Đi (CD của trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 1991), tiếp theo mới nghe đến version trong CD 50 Năm Đời Vẫn Hát của Khánh Ly song ca cùng tác giả (1998). Ngoài ra còn có 1 version tác giả hát lại trong CD của ông (15 Tình khúc Trần Thiện Thanh – Nhật Trường hát một mình; Nhật Trường production, 1999), mới đây nhất version gây ấn tượng mạnh là phần featuring của Lê Uyên & Thiên Kim trong chương trình thu hình DVD Asia 50 Nhật Trường – Trần Thiện Thanh – Tình Yêu Cuộc Đời & Sự Nghiệp (2006).
Trong tất cả các version trên, ”ép-phê” nhất vẫn là qua cách thể hiện của Lê Uyên – một sự tổng hoà vừa đủ của: mãnh liệt, hoang mang, sầu muộn, lãng đãng, bi tráng, hoài vọng và vô vọng…; tiếng hát có “bùng lên” và rồi cũng tan ra trong “bập bềnh buông tâm trí…
Có một vài điểm nhỏ về lyric của bài hát mang đến những trải nghiệm thú vị khác nhau cho người nghe, chỉ khi Nhật Trường hát (đơn ca hay khi hát chung với Khánh Ly/Thanh Lan) thì mới hát đúng lời ngay từ đầu: “Anh SỰC nhớ em” (như nguyên bản bài thơ & bài nhạc). Version Thanh Lan hát chung Nhật Trường thì có hát “Ôi Sài Gòn 11 giờ vắng im” (Khánh Ly hát “…11 giờ giới nghiêm”) (lời gốc bài thơ là “Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm/ Sài Gòn không còn buổi tối nữa”), những version khác thì hát “Sài Gòn giờ giới nghiêm, Sài Gòn rộng giới nghiêm”.
Lê Uyên thì ngay từ đầu đã hát “hàng cây sướt mướt” (theo tôi thì ở điểm này, Lê Uyên “đổi lời” có vẻ hay hơn là lời ở bản nhạc/thơ gốc: “hàng hiên sướt mướt”).
Nguyễn Trường Trung Huy (huyvespa)