Trang chủ
Mối tình đơn phương của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân qua ca khúc Tương Tư 4: “Phải chi em đừng có chồng, và anh còn đơn côi…”
Trong làng âm nhạc, những nhạc sĩ chuyên viết tình ca thường luôn có những phút xao lòng, những đoạn tình “ngoài chồng ngoài vợ” như một cách để duy trì cảm hứng sáng tác. Có nhiều người không giữ được mình, sa đà vào cảnh 5 thê 7 thiếp, bỏ bê vợ con nhưng cũng có nhiều người chỉ coi đó như những cuộc phiêu lưu cảm xúc. Họ vay mượn những giây phút xao lòng và phóng đại nó lên để biến thành cảm hứng sáng tác chứ không hề tơ tưởng đổi thay. Trong số này phải kể đến nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, giữ được gia đình êm ấm cho đến tận cuối đời cùng với người vợ đầu tiên và có với bà 8 người con chung.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân có sáng tác đầu tay khi vừa tròn 19 tuổi và kết hôn khi mới chỉ 24 tuổi. Kết hôn sớm như vậy nên tình trường của ông cũng không quá dày dặn trước hôn nhân. Rất nhiều những ca khúc của ông được cho là viết cho những bóng hồng khác mà ông có dịp gặp gỡ sau này. Ông từng thẳng thắn tâm sự:
“Chúng ta không thể rung động trước một cái cũ, một cái đã quen thuộc. Chỉ có cái mới, mới có thể tạo ra nhiều cảm xúc, tình yêu cũng vậy. Nói như thế không có nghĩa là nghệ sĩ thì được quyền sống buông thả, phụ nghĩa phụ tình, làm khổ vợ con. Vợ tôi là một người vị tha và biết cảm thông, nhưng cá nhân tôi cũng luôn tự ý thức về điểm dừng của mình để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình”.
Trong những phút xao lòng đó, đáng kể nhất là tình cảm (đơn phương) mà nhạc sĩ Mặc Thế Nhân dành cho nữ ca sĩ Trúc Mai, theo lời ông thì không có mối tình nào đẹp bằng.
Điều trớ trêu là họ gặp nhau khi cả hai đều đã có gia đình. Mặc Thế Nhân kết hôn năm 1963, Trúc Mai theo chồng năm 1965. Nhưng chàng nhạc sĩ trẻ vẫn nảy sinh tình cảm với người đẹp và viết đến 4 ca khúc cho mối “tương tư” này từ bài Tương Tư 1 đến bài Tương Tư 4, cho ra mắt vào khoảng đầu thập niên 1970. Nổi tiếng nhất là bài Tương Tư 4 với những lời ca da diết, sầu buồn:
Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi
Thì giờ đây em đâu buồn, anh đâu sầu, đâu lo lắng, đâu phân vân
Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng
thế hỏi lòng có buồn không?
Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
Còn đâu ước mơ gì cũng thế
Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ
lòng mới quên được người xưa, hỡi em?
Sĩ Phú hát Tương Tư 4 trước 1975
Thoạt nghe qua lời hát, nhiều người sẽ ngỡ hai người đã qua lại với nhau nhưng thực chất đây chỉ là cảm xúc đơn phương từ phía nhạc sĩ Mặc Thế Nhân chứ ca sĩ Trúc Mai không hề có tình ý gì với ông. Và những lời ca được “phóng tác” dựa trên dòng cảm xúc của riêng nhạc sĩ Mặc Thế Nhân dành cho nữ ca sĩ.
Dù chỉ là một cuộc tình trong tưởng tượng, những lời ca vẫn vô cùng tự nhiên, trơn tru, thể hiện sự giằng xé, sầu buồn, lo lắng của những cuộc tình “ngoài luồng” nhưng cảm xúc thì vô cùng chân thực: “Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng, thế hỏi lòng có buồn không?” Một câu hỏi nhẹ nhàng nhưng cũng thật chua xót, đắng chát tận tâm can.
Sự bất lực, nuối tiếc hằn sâu trên từng lời ca, câu chữ: Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ, lòng mới quên được người xưa, hỡi em?.
Phải chi em đừng có chồng và anh không là riêng ai
Thì ngày nay duyên đôi mình không âm thầm
không xa cách, không đau thương
Lòng anh không than thở, lệ em không chan nhòa,
những khi mình đến tìm nhau
Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
Còn đâu ước mơ gì cũng thế
Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ
Lòng mới quên được người xưa, hỡi em?
Không sa đà vào kể lể dài lòng, Tương Tư 4 chính xác là khúc hát tương tư, sầu muộn đi vào lòng người bằng giai điệu trữ tình, nhịp nhạc êm đềm, lời ca mơn man nhưng không kém phần sâu lắng, da diết. Và người thể hiện thành công nhất Tương Tư 4 không ai khác chính giọng hát trầm sâu, ấm áp của nam danh ca Sĩ Phú.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn