Trang chủ
Jo Marcel và ca khúc “Ngày Đó”: Em ơi, em ơi ngày yêu đó, quê hương ly tan cùng duyên đó…
Nghệ sĩ Jo Marcel và bầu sô và chủ phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Ngoài ra ông cũng là một ca sĩ nổi tiếng, và là nhạc sĩ với ca khúc mang tên Ngày Đó rất được yêu thích với những ca từ như: Em ơi, em ơi ngày yêu đó. Quê hương ly tan cùng duyên đó…
Bài hát này được Jo Marcel sáng tác năm 1972, có giai điệu Rhumba chuẩn trong khiêu vũ:
Ngày đó trên chiếc cầu em nhớ chăng.
Một chiếc áo dài màu trắng xinh xinh.
Một nụ cười mời anh đưa em vào đời.
Và từ đó, hai đứa mình quen nhau.
Ngày đó nơi chúng mình em nhớ chăng.
Một ánh mắt nhòa mầu nước long lanh.
Một cuộc tình em cho anh ngày nào.
Và từ đó hai đứa mình yêu nhau.
Bài hát nói về tình yêu của một đôi người, bắt đầu từ lúc gặp gỡ, quen nhau rồi yêu nhau, tất cả đều diễn ra thật nhẹ nhàng. Nhưng rồi nỗi ly tan lại đến, cũng thật nhẹ nhàng nhưng mang nhiều niềm khắc khoải.
Ban đầu là gặp gỡ tình cờ trên chiếc cầu, nàng với áo dài trắng và nụ cười tinh khôi làm ngất ngây hồn người. Rồi tuổi chớm biết buồn, sầu đã vương lên màu mắt ngọc đã nhoà ướt bao lần khi họ bước vào đời nhau với bao nhiêu ưu tư về cuộc đời:
Em ơi, em ơi ngày yêu đó.
Quê hương ly tan cùng duyên đó.
Ra đi anh mang một mối tình,
một cuộc tình quá hững hờ.
Em ơi, em ơi ngày yêu đó,
ra đi em mang một duyên mới.
Lang thang đam mê nhiều mối tình,
để lòng này sắt se nhiều.
Nhưng những ngày yêu dấu đó rồi cũng đã trở thành ngày cũ, người sẽ ra đi cùng với duyên mới, để lại nỗi xót xa và day dứt. Với người thì có thể đó chỉ là 1 trong những mối tình thoáng qua, nhưng với ta là nuối tiếc muôn đời.
Hình bóng trên chiếc cầu tà áo xinh.
Một bức tranh tình còn mãi nơi anh.
Nhìn cuộc tình đang trôi theo vào dòng đời.
Và anh mơ tới những ngày yêu xưa…
chính tác giả Jo Marcel hát Ngày Đó
Lâu nay, người ta vẫn hay nhắc đến cái tên Jo Marcel là chủ của phòng trà Queen Bee và Ritz. Ông tên thật là Vũ Ngọc Tòng sinh năm 1938, di cư vào Nam năm 1954. Đầu thập niên 1960, ông đi hát với nghệ danh Ngọc Minh. Đến 1967, ông hùn vốn lập vũ trường mang tên Chez Jo Marcel, từ đó lấy luôn nghệ danh là Jo Marcel. Năm 1969, Jo Marcel nhượng phòng trà này lại cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương để đổi tên thành Đêm Màu Hồng, là phòng trà chuyên tình diễn những ca khúc tiền chiến hoặc nhạc trữ tình có giá trị nghệ thuật cao.
Sau đó Jo Marcel hợp tác mở 2 vũ trường khác là Ritz, Queen Bee.
những ca khúc thu âm trước 1975 của Jo Marcel
Ngoài vai trò ca sĩ, chủ phòng trà, Jo Marcel còn kiêm thêm tổ chức biểu diễn, dẫn chương trình, nhà sản xuất âm nhạc, hoà âm phối khí… Riêng tại Queen Bee, ông đã thực hiện những đêm nhạc rất ăn khách với các ca sĩ cộng tác thường xuyên là Anh Khoa, Lệ Thu, Khánh Ly… được ông thu âm trực tiếp và đưa vào trong các băng nhạc phát hành mang tên Jo Marcel vào thập niên 1970. Ít người biết rằng ca sĩ Anh Khoa đã tạo được danh tiếng trong nghiệp hát là nhờ sự giúp đỡ lăng xê của Jo Marcel khi đi hát ở Queen Bee.
Cũng trong thời thập niên 1970, phong trào nhạc trẻ nổi lên mạnh mẽ, Jo Marcel là 1 trong 5 người đóng góp nhiều nhất để phát triển và phổ biến dòng nhạc mới này (4 người còn lại là Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát).
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn