Trang chủ
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và mối tình ray rứt trong ca khúc Mắt Biếc – “Dĩ vãng như bao cung tơ…”
Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên trải dài từ trước đến sau năm 1975, từ Việt Nam sang Mỹ với khoảng hơn 70 ca khúc, hầu hết đều là những bài hát rất đẹp cả về giai điệu lẫn ca từ. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đến với âm nhạc chỉ như là một cuộc rong chơi của kẻ lãng tử tài hoa, ông không viết nhạc để mưu sinh mà chỉ viết nhạc cho chính mình, viết nhạc theo sở thích chứ không mục đích mưu cầu danh lợi. Ông từng tâm sự: “Tôi chỉ xin được nhớ đến như một người viết Tình Ca, không hơn không kém”.
Nhắc đến nhạc của Ngô Thụy Miên trước năm 1975, không thể không nhắc đến băng nhạc “Miên Tình Ca – 17 Tình Khúc Ngô Thụy Miên” được ông thực hiện năm 1974, được xem là băng nhạc hay nhất của nhạc trữ tình Việt Nam. Đây là băng nhạc riêng đầu tiên gồm toàn những ca khúc của Ngô Thụy Miên sáng tác, và sở dĩ nói đây là băng nhạc hay nhất, là vì hầu hết những bài hát trong đó đều đã trở thành bất hủ và được yêu mến suốt nửa thế kỷ qua.
để nghe băng nhạc Miên Tình Ca 1974
Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết 17 bài hát này được ông sáng tác từ năm 1965 đến năm 1972. Bài hát đầu tiên được hoàn tất trong năm 1965 là Chiều Nay Không Có Em, và bài cuối cùng được viết trong năm 1972 là Mắt Biếc.
danh ca Sĩ Phú hát Mắt Biếc
Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên từng tâm sự, Mắt Biếc là một trong những bản tình ca mà ông tâm đắc nhất. Có lẽ bởi, khác với nhiều nhạc phẩm trước đó, khi viết Mắt Biếc, Ngô Thuỵ Miên đã có sự “cứng cáp” và từng trải nhất định cả trong đời sống và trong âm nhạc.
Từng lời hát sâu lắng, điệu nhạc lả lướt, hoà quyện cuốn người nghe chìm trôi vào vùng ký ức xa xưa êm ả, như thơ như mơ:
Nhớ tới năm xưa bên nhau
Bước trong chiều mưa
Phím ru nhẹ đưa
Bến cũ đam mê say sưa
Lá thu còn rơi
Người xa vắng rồi
Mắt biếc năm xưa nay đâu
Cánh sao còn đây
Tóc mây nào bay
Phố vắng mênh mang mưa rơi
Ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi
Thanh Lan hát Mắt Biếc trước 1975
Nỗi nhớ còn đây, bến cũ còn đây, lá thu còn rơi, cánh sao còn đây, phố vắng mênh mang còn đây nhưng “người xa vắng rồi”. Dòng tâm trạng hồi nhớ, nuối tiếc khi cuộn trào khi âm ỉ nhưng cứ hoài mãi không dứt dẫu biết rằng “tình đã phai rồi”, dẫu biết rằng chẳng thể ước mơ, chẳng thể hy vọng. Trái tim luôn có lý lẽ của riêng nó, tình yêu dù đã phai tàn, nhưng những cảm xúc, ký ức xưa cũ vẫn trở đi trở lại, vẫn mãi hoài nhớ, nuối thương.
Khúc hát chìm xuống, nặng trĩu với những đúc kết đớn đau về tình yêu:
Tình yêu như mây khói thoảng theo gió buồn mơ hồ
Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu…
Nhưng rồi lẫn trong tiếng thở dài dằng dặc, bi quan về tình yêu ấy, mối tình xưa, hình bóng cũ vẫn phủ tràn trong tâm trí, không hề nguôi ngoai, phai tàn. Bởi đã trót yêu quá nhiều:
Nhớ dáng xưa yêu kiều
Trong chiều nhạt nắng, cung đàn gợi ý
Chờ nhau trong tê tái…
Mắt biếc năm xưa nay đâu
Bến ga tịch liêu vắng xa người yêu
Lá úa đơn côi bơ vơ
Cuốn theo chiều rơi người xa cách rồi
Dĩ vãng như bao cung tơ
Lướt theo chiều mơ kết muôn bài thơ
Nuối tiếc yêu đương xa xưa
Tháng năm nào trôi để nhớ nhung hoài
Tình yêu như kiếp mây trôi…
Hình ảnh người con gái được khắc hoạ mờ nhạt nhưng tinh tế và vô cùng gợi cảm với vóc dáng yêu kiều, với đôi mắt biếc và mái tóc mây, trong đó ấn tượng nhất vẫn là đôi “mắt biếc”. Ấy hẳn phải là một đôi mắt tròn to, trong veo như ngọc bích, cuốn hút mê hồn bất kỳ chàng trai nào lỡ nhìn vào đôi mắt ấy.
Nghe Mắt Biếc của Ngô Thuỵ Miên, người nghe ngỡ như đi lạc vào những giai âm của dòng nhạc tiền chiến, ngỡ như Ngô Thuỵ Miên đã ngả theo đường nhạc của Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Cung Tiến,… Bên cạnh chất nhạc du dương, trầm bổng và những lời ca dịu dàng, đắm say là những hình ảnh ẩn dụ lả lướt đầy chất thơ, chất mơ của thập niên 40-50 của thế kỷ trước như: lá thu, bến cũ, cung đàn, phím ru, bến ga tịch liêu, lá úa, cung tơ, chiều mơ,… Tất cả tạo nên một không khí hoài niệm đầy chất thơ, chất nhạc, nồng nàn và đắm say mà ắt hẳn nhiều người trong chúng ta thấy mình trong đó.
Phần nhiều những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được ông viết cho vợ là Đoàn Thanh Vân, trong đó có bài đầu tay Chiều Nay Không Có Em, sau đó là Mùa Thu Cho Em. Mối tình đó được khởi đầu khi nhạc sĩ chỉ mới là chàng trai 17 tuổi, nhưng rồi trải qua nhiều sóng gió, mang nhiều ray rứt và tiếc nuối như từng được nhắc đến trong Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, và cả Mắt Biếc. Tuy nhiên theo chính lời chia sẻ của nhạc sĩ, cho dù nhạc của ông cũng có những chia lìa và đổ vỡ, nhưng tình yêu trong nhạc Ngô Thụy Miên luôn trong sáng và nhẹ nhàng, không có sự bi lụy, luôn mở ra những cánh cửa tươi sáng. Có lẽ nhờ vậy mà đến sau cùng, dù trải qua nhiều gập ghềnh, tình yêu của Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân đã có được kết quả đẹp.
Chưa đầy một năm sau khi sáng tác Mắt Biếc, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đính hôn với người bạn gái sau nhiều thăng trầm và hợp tan. Đám cưới dự định sẽ được tổ chức sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên dự định chưa thành thì xảy ra biến cố 1975, Đoàn Thanh Vân theo gia đình đi di tản, còn chàng nhạc sĩ bị kẹt lại.
Đến năm 1978, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sang được đến Pulau Bidong – Mã Lai và ở đây 6 tháng trước khi được bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979. Khi đó, Đoàn Thanh Vân từ San Diego – Mỹ, được tin người yêu đã đến được Canada, cô đã bay sang gặp người yêu và cùng nhau nối lại cuộc tình dang dở hơn 10 năm vì thời cuộc. Họ kết hôn ngay trong năm 1979 và cả hai sống tại San Diego, sau đó là Orange County.
Nhắc đến hai chữ Mắt Biếc, hẳn nhiều người ở thế hệ 8x-9x sẽ nhớ đến cuốn tiểu thuyết Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên vào năm 2019. Tất cả những Mắt Biếc ấy đều nói về những mối tình thơ mộng nhưng không thành, những mối tình “như kiếp mây trôi”. Cái kết của bộ phim và của cuốn tiểu thuyết đều không trọn vẹn, đều day dứt và ám ảnh như lời ca khúc Mắt Biếc của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên. Một cái kết khác hẳn với những cái kết có hậu ở nhiều tác phẩm trước và sau đó của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Phải chăng, khi viết tiểu thuyết Mắc Biếc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có sự đồng cảm sâu sắc với nhạc phẩm Mắt Biếc của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên?
danh ca Duy Trác hát Mắt Biếc năm 1974
Người đầu tiên hát ca khúc Mắt Biếc là ca sĩ Thanh Lan trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương, sau đó là danh ca Duy Trác trong băng nhạc Miên Tình Ca năm 1974. Tuy nhiên khi nhắc đến ca khúc này, người ta thường nhắc đến Tuấn Ngọc và nam danh ca Sĩ Phú.
Trong lần xuất hiện trên Asia năm 1995, Sĩ Phú nói rằng ông đã thấy một quãng đời mình ở trong đó. Mời các bạn nghe lại:
Sĩ Phú hát Mắt Biếc
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn