Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác “Gạo Trắng Trăng Thanh” (nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) – Bài hát về một không gian yên bình đã trở thành hoài niệm
Trong gia tài âm nhạc đồ sộ và đa dạng thể loại của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta thường nhắc đến bộ đôi ca khúc Gạo Trắng Trăng Thanh và Trăng Rụng Xuống Cầu với chất liệu âm nhạc đặc biệt, là những ca khúc mà người yêu nhạc hầu như ai cũng biết đến.
Về nhịp điệu của một bản nhạc, người ta thường ghi là Bolero, Rhumba hay Slow, Boston…, những điệu nhạc phổ biến nhất của nhạc miền Nam trước 1975, nhưng trong ca khúc Trăng Rụng Xuống Cầu, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ghi là: Nhịp chèo thuyền. Tương tự, với bài Gạo Trắng Trăng Thanh là: Nhịp chày giã gạo:
Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang
Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy
Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…
Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cho biết vào năm 1954, khi đã rời xa quê hương 2 năm, ông nhớ về làng Bích Khê ở Triệu Phong – Quảng Trị, là nơi ông sinh ra, cũng là nơi có nhiều đời đã sinh sống, nhớ về những đêm trăng sáng có trai gái trong làng tụ họp lại trong sân rộng ở nhà cha của mình để cùng nhau giã gạo, hát hò tình tứ với nhau rất nên thơ. Bài hát Gạo Trắng Trăng Thanh trở thành ca khúc mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đắc ý nhất.
Duy Khánh – Thanh Tuyền song ca Gạo Trắng Trăng Thanh
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, người cùng làng, cùng dòng dõi (nhưng thua Hoàng Thi Thơ 2 đời, gọi nhạc sĩ là ông) đã viết:
“Có lần nhân kỳ nghỉ hè về thăm làng, dự một buổi liên hoan văn nghệ ngoài bãi cỏ trước đình làng. Đêm trăng sáng, gái trai làng vui vẻ vỗ tay ca hát: “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang”.
Trong bối cảnh này, tôi bỗng nhận ra rằng bài Gạo Trắng Trăng Thanh này dễ thương lạ lùng. Khó có nhạc sĩ nào tìm được một giai điệu thích hợp với tâm hồn mộc mạc của trai gái làng tôi hơn là những Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Duyên Quê… của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thuở ấy nếu không có ông, không biết những người bạn trẻ của tôi ở làng Bích Khê sẽ hát nhạc gì”.
Bài hát này dường như được sáng tác chỉ để hát song ca, và thường được các đôi song ca trình bày, mà nổi tiếng nhất phải kể đến đôi vợ chồng Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết. Sau này khi phát hành tờ nhạc ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ghi lời đề tựa:
“Riêng tặng hai bạn Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm, đôi giọng Nam Thương đã gieo trên giải đất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai màu khoai sắn.”
Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Gạo Trắng Trăng Thanh
Ngày xưa, khi mà nhà máy chà lúa chưa phổ biến, bà con ở nông thôn thường tranh thủ ban đêm rảnh rỗi để giã gạo, nên những tiếng động liên hồi bên cối giã trong đêm thanh vắng vang đi rất xa, tạo nên một không gian sống động khiến người xa quê nhiều năm vẫn nhớ về.
Cối và chày giã gạo thường được làm bằng gỗ vườn, nhiều nhất là mù u. Theo tác giả Hồng Vân đăng trên báo Vĩnh Long cho biết: Chày là một khối hình trụ dài khoảng 6-7 tấc có đường kính khoảng 2 tấc, ở giữa thân người ta có tra một cán ngắn để dễ dàng làm động tác bổ chày khi giã gạo.
Cối là một khối vuông với cạnh khoảng 8 tấc, đáy được đẽo nhỏ hơn mặt cối một chút cho nó có cái dáng xinh xắn, mặt cối lõm xuống và sâu ở giữa là một lõm hình nửa khối cầu có thể chứa khoảng nửa giạ gạo, do mặt cối được đục lõm xuống nên 4 góc mặt cối hơi nhô lên cao tạo thành 4 tai cối để người giã gạo sau khi bổ mạnh chiếc chày vào số gạo được đổ ở lòng cối thì khua nhẹ đầu chày vào đó sau khi nhấc chày lên để tạo một lực tác động đưa gạo tụ lại giữa lòng cối cho lần giã tiếp theo đến khi gạo lứt thành trắng. Khi giã gạo, tiếng chày chạm mạnh vào gạo trong cối vang lên một tiếng “thụp” (cụp) trầm ấm, sau đó tiếng đầu chày chạm vào tai cối vang lên một tiếng “cum” rất thanh, những tiếng cụp, cum nối nhau lúc nhanh lúc chậm, cao và thấp do người giã tạo nên làm thành một chuỗi âm thanh rất đặc trưng.
Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật thì các công cụ thông dụng để tạo thành hạt gạo của ngày xưa đã dần biến mất, và tiếng chày giã gạo trắng trong những đêm thanh như vậy đã trở thành một dĩ vãng xa xưa mà giới trẻ ngày nay không thể nào hình dung được.
Đông Kha – nhacxua.vn biên soạn