Trang chủ
Một người Đức yêu nhạc vàng và giới thiệu “di sản của Sài Gòn” đến với người Tây phương
Jan Hagenkoetter là một nhà sản xuất âm nhạc người Đức, trước khi lấy vợ là một người gốc Việt thì anh không có mối liên hệ nào với người Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay anh được nhiều người sưu tầm nhạc xưa, giới “chơi” nhạc hi-end biết đến là một nhà phát hành dĩa nhựa (đĩa than) và CD các bài nhạc vàng Việt Nam đã được thu âm từ hơn nửa thế kỷ trước, với tên gọi là Saigon Supersound.
Hiện nay, Saigon Supersound đã phát hành được 3 dĩa nhạc.
Hiện nay, người yêu nhạc vàng xưa dễ dàng tìm nghe lại nhạc vàng thu âm trước 1975 được đăng tải trên YouTube hoặc các nền tảng nghe nhạc. Tuy nhiên chất lượng các file nhạc trên mạng là không đồng đều nhau vì nhạc digital được chuyển từ những dĩa gốc (analog) đã bị trầy xước qua thời gian.
Trong 3 dĩa nhạc đã phát hành hồi 2017, 2018 và 2022, có các bài nhạc vàng được thu âm hồi thập niên 1960 mà Jan Hagenkoetter tuyển chọn, có chất lượng tốt nhất có thể, nghĩa là nhạc không bị vấp, không có lỗi nào đáng kể. Để làm được việc đó, Jan không phải chỉ là tải nhạc trên mạng về rồi phát hành như nhiều người nhầm tưởng, mà công việc phức tạp hơn nhiều. Jan Hagenkoetter đã tìm mua, sưu tập dĩa nhạc gốc từ những người chuyên sưu tập băng dĩa nhạc xưa, với 1 dĩa anh tìm nhiều phiên bản khác nhau, và thực hiện nối ghép những phiên bản đó lại với nhau để có một bản thu âm hoàn hảo nhất.
Để dễ hình dung, thí dụ như là với cùng một bài Căn Nhà Ngoại Ô của ca sĩ Kim Loan, Jan tìm vài dĩa (hoặc băng cối) khác nhau. Dĩa thứ 1 âm thanh bị rè đoạn đầu, dĩa thứ 2 âm thanh bị rè đoạn sau, vì vậy phải ghép 2 đoạn âm thanh không bị rè ở 2 dĩa lại với nhau để có được thành phẩm cuối cùng. Thành phẩm đó có thể xem là những bản thu âm tiệm cận nhất với băng dĩa gốc nguyên thủy ngày xưa, là những bài hát được remaster (không phải là remix lại).
ca khúc Căn Nhà Ngoại Ô của Kim Loan
Để chọn được nhạc, anh Jan cho biết ban đầu anh có danh sách 300 bài hát sưu tầm được từ nhiều nguồn khác nhau. Sau một vài buổi ngồi lại cùng nhau để nghe nhạc, danh sách thu gọn lại còn 180 bài. Nhưng đó vẫn là con số quá lớn. Những năm sau đó, anh cùng một người bạn là Toussaint đã tìm mua dĩa nhựa và băng reel to reel từ ebay khắp nơi trên thế giới để nghe, cũng như để tìm ra phiên bản bài hát mà họ cần có chất âm tốt nhất.
Sau một thời gian dài cân nhắc, danh sách bài hát còn lại 1/10, tức là 18 bài trong Vol 1 – Saigon Supersound được phát hành với hình thức băng reel to reel mà bạn nghe ở bên trên.
Nếu nhìn danh sách bài hát mà Jan đã thực hiện trong 3 dĩa nhạc Saigon Supersound, sẽ có người thắc mắc vì nó không theo một chủ đề nào, thể loại nhạc cũng khác nhau, bao gồm cả nhạc vàng đại chúng, nhạc tiền chiến trữ tình, kích động nhạc, nhạc hài hước, và cả cải lương.
Nhìn thoáng qua cách chọn nhạc, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng anh chàng Tây này không hiểu gì về nhạc xưa. Tuy nhiên qua trao đổi với Jan Hagenkoetter trong một ngày Sài Gòn vắng vẻ vào ngày lễ cuối tháng tư năm 2022, tôi nhận thấy rằng những hiểu biết của anh về nhạc Việt là rất sâu, và những sản phẩm nhạc Việt xưa của anh làm rất tỉ mỉ và có chủ đích.
Giải thích cho việc trong một dĩa nhạc vừa có bài Diễm Xưa của Khánh Ly, vừa có Căn Nhà Ngoại Cô của Kim Loan, lại có cả vọng cổ của nghệ sĩ Ngọc Giàu, Jan Hagenkoetter nói rằng ban đầu khi bắt tay vào làm dĩa nhạc, đối tượng mà anh muốn tới không phải là người Việt, mà anh hướng đến những người nước ngoài đang muốn tìm hiểu về âm nhạc Á Đông. Vì vậy dĩa nhạc có nhiều thể loại cũng là chủ đích muốn giới thiệu đến người nước ngoài rằng âm nhạc ở Miền Nam xưa (trước 1975) rất phong phú, đa dạng, là một di sản đặc biệt cần được khám phá thêm.
Sau khi ra mắt, dĩa nhạc đã nhận được phản hồi rất tích cực từ khán giả ở phương Tây, khi nó được phát trên radio, TV show hoặc internet, được giới thiệu trên tạp chí lẫn báo điện tử ở nước ngoài. Ngoài ra, rất nhiều người Việt cũng biết đến sản phẩm của Jan, đặc biệt là giới nghe nhạc hi-end.
Điều này cũng gây bất ngờ đối với Jan, vì anh nghĩ rằng người Việt sẽ không quan tâm tới những dĩa nhạc vàng Việt Nam do một anh Tây người Đức thực hiện, nên ban đầu chỉ muốn giới thiệu di sản độc đáo này của Việt Nam đến đối tượng người phương Tây, vốn không biết đến loại nhạc này. Nhạc Vàng Việt Nam có một lịch sử đặc biệt, vì nó đã bị cấm suốt một thời gian dài, nên từ trước đến nay không có một hành động chính thức nào để giới thiệu nó đến với những người phương Tây muốn tìm hiểu về văn hóa ở Việt Nam. Jan muốn là người đầu tiên làm việc đó.
Khi được hỏi là ở Đức nói riêng và phương Tây nói chung, có xu hướng nghe lại “nhạc xưa” như ở Việt Nam hiện nay không, anh Jan nói rằng ở Đức hay Mỹ hay các nước khác thì đều có những người thích tìm nghe nhạc nhạc xưa cũ. Tuy nhiên điều đó không giống như ở Việt Nam, vì không như ở các nước phương Tây, nhạc vàng và đa số những bài nhạc xưa ở Miền Nam từng trải qua thời kỳ bị cấm, nên quá trình tìm nghe lại nhạc xưa của người Việt phải trải qua nhiều gian nan hơn. Với người Đức, ở mọi thời kỳ họ đều được chính thức nghe lại “nhạc xưa” của họ như một điều bình thường như mọi loại nhạc khác, nên nó không đặc biệt như ở Việt Nam.
Tất cả những công việc của Jan được nhắc đến bên trên, bắt nguồn cơ duyên cách đây hơn 10 năm, khi anh cùng vợ về thăm Việt Nam vào năm 2011. Dịp này tình cờ anh được nghe những bài hát đã được thu âm từ hơn nửa thế kỷ trước và lập tức bị thu hút. Jan cho biết những bài nhạc Việt đầu tiên mà anh nghe được là kích động nhạc của Hùng Cường và Mai Lệ Huyền. Jan đã bất ngờ vì đó là những giai điệu rất Tây, nhưng lại là lời Việt. Những bài kích động nhạc ngày xưa này là sự giao thoa văn hóa giữa phương Tây và Việt Nam. Điều đó đã thúc đẩy Jan tìm hiểu về ý nghĩa của những bài hát đó, đồng thời cũng tìm hiểu về nhạc Việt xưa nói chung, và anh đã rất hứng thú khi phát hiện có thêm nhiều thể loại nhạc khác nữa của miền Nam Việt Nam trong cùng thời kỳ.
Tại Sài Gòn, Jan Hagenkoetter đã quen biết với Toussaint và họ cùng chia sẻ với nhau sở thích âm nhạc chung, đặc biệt là những bản thu âm cũ của nhạc miền Nam trước 1975.
Hai người bạn bắt đầu tìm nghe lại dòng nhạc vàng thập niên 1960 qua các loại dĩa nhựa còn lưu giữ lại được. Khi trở về Đức, Hagenkoetter đã bắt đầu dành thời gian tìm hiểu về nhạc Việt, sau đó thường xuyên trở lại Sài Gòn 1-2 lần mỗi năm để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về loại âm nhạc này.
Jan vốn là một music producer ở Đức, chuyên về nhạc Jazz, soul, funk, nên đã quá quen với những quá trình phức tạp của sản xuất âm nhạc, nhưng theo anh thì việc cho ra đời dĩa nhạc Saigon Supersound này là một thử thách đặc biệt với nhiều khó khăn khác nhau.
Khó khăn đầu tiên là về ngôn ngữ, anh hoàn toàn không biết tiếng Việt nên việc tìm hiểu ý nghĩa của từng ca khúc, cùng với hoàn cảnh lịch sử của những bài nhạc Việt là công việc khó khăn hơn bình thường rất nhiều. Hagenkoetter và Toussaint dành 5 năm đầu để nghiên cứu, tìm hiểu về bài hát thông qua các blog hoặc website chia sẻ nhạc Việt. Đó không phải là một việc dễ dàng với những người nước ngoài không hiểu tiếng Việt, họ phải nhờ một người bạn để phiên dịch.
Khó khăn thứ 2 là những băng dĩa nhạc xưa của Việt Nam hiện nay là những của hiếm, được giới sưu tầm bán cho nhau với giá rất đắt. Anh phải mượn hoặc mua nhiều dĩa nhạc cổ như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được dĩa theo ý mình. Họ phải tìm mua trên ebay hoặc du nhập vào giới sưu tầm nhạc xưa ở Việt Nam để tìm được những dĩa nhạc ưng ý.
Những dĩa nhạc mà Jan đã ra mắt công chúng, tuy có thể là không thành công về mặt tài chính, nhưng ít nhất đó là những sản phẩm được làm từ tâm huyết và đam mê.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn