Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Lầm: “Anh đã lầm đưa em sang đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài…”
Nếu nhắc về những ca khúc thất tình nổi tiếng nhất, người ta thường nghĩ ngay đến những bài không tên trước năm 1975 của nhạc sĩ Vũ Thành An. Sau 1975, trong nỗi đau tình khôn xiết, nhạc sĩ Lam Phương cũng đã để lại những ca khúc mà tựa để chỉ có một chữ, đó là Tiếc, Say, Điên, Mất… và nổi tiếng nhất là Lầm: “Anh đã lầm đưa em sang đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài…”
Elvis Phương hát Lầm
Những ca khúc này được nhạc sĩ Lam Phương viết trong khoảng thời gian đau buồn nhất của cuộc đời: Tha phương trên xứ người, tiếc cho một thời vàng son đã mất, và phải chia tay người vợ đã gắn bó trong suốt 20 năm.
Trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ đã tâm sự như sau: “Trên đời này ai cũng có ít nhất một lần lầm lẫn, có người lầm nhỏ, có người lầm lớn, nhưng tôi lại không may mắc phải một cái lầm rất lớn trong cuộc đời mình. Thay vì rút kinh nghiệm để tránh cho lần sau, tôi lại tiếp tục theo con đường cũ”.
Năm 1975, nhạc sĩ Lam Phương cùng vợ và con lênh đênh trên con tàu Trường Xuân, và sau đó đặt chân lên đất Mỹ và đối mặt với muôn vàn khó khăn giống như rất nhiều di dân đồng hương khác. Trên đất mới, khi người Việt còn lao vào cuộc mưu sinh nên không ai còn tâm trạng để thưởng thức văn nghệ, khả năng của một nhạc sĩ thiên tài bị bỏ phí, Lam Phương phải làm những nghề như thợ tiện, thợ máy và cả chùi rửa bồn cầu để nuôi vợ con.
Từ một triệu phú giàu có bậc nhất trong làng nhạc ở Sài Gòn trước năm 1975, đôi bàn tay tài hoa của nhạc sĩ Lam Phương đã có lúc phải làm những công việc tay chân như vậy.
Nơi đầu tiên gia đình nhạc sĩ Lam Phương chọn dừng chân là Virginia, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn thì họ dọn về Taxas – nơi có đông người Việt hơn với hy vọng trở lại được với đời sống văn nghệ, là những thứ duy nhất họ đã làm khi còn ở Sài Gòn.
Tại Texas, ban ngày nhạc sĩ Lam Phương làm cho hãng bán lẻ Sears, ban đêm xách đàn đi đệm cho một vài quán nhỏ của người Việt.
Năm 1976 , nữ kịch sĩ Túy Hồng (vợ của nhạc sĩ Lam Phương từ năm 1959) tái lập được Ban Kịch Sống trên đất Mỹ với sự hỗ trợ rất lớn của người chồng chịu khó. Đôi vợ chồng nghệ sĩ lại được sống với nghề, được gặp gỡ bạn bè văn nghệ, gặp khán giả, đêm đêm sống lại hào quang dưới ánh đèn sân khấu…
Tuy nhiên cũng từ đây mà bi kịch cuộc đời lại một lần nữa đến với nhạc sĩ Lam Phương: Năm 1979, cuộc hôn nhân 20 năm của Lam Phương – Túy Hồng tan vỡ, là nguyên nhân của hàng loạt sáng tác buồn của nhạc sĩ Lam Phương, mà tiêu biểu là “Anh đã lầm đưa em sang đây…”
Không ai chia sẻ nguyên nhân của cuộc chia tay này, nhưng có vẻ như họ đã không vượt qua những thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh mới. Dù vậy sau này cả 2 vẫn dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp. Chia tay tuy buồn khổ nhưng vẫn văn minh. Nghệ sĩ Túy Hồng từng nói: “Nhạc sĩ Lam Phương vẫn luôn là người tôi kính trọng, dẫu đã từ lâu duyên đã cạn…”
Sau này, có một lần MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói bóng gió rằng vào thời điểm 1975, đa số di dân người Việt là đàn ông, vì việc ra đi phải đối mặt với nhiều sóng gió – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và người đàn ông thường để lại vợ con để đi trước dò đường, sau khi ổn định thì mới đón gia đình qua sau. Tình trạng “dương thịnh âm suy”, mất cân bằng về giới tính như vậy là một phần nguyên nhân của nhiều phụ nữ đi tìm duyên mới. Từ đó nhạc sĩ Lam Phương đã than thở trong niềm niềm tuyệt vọng:
Anh đã lầm đưa em sang đây,
để đêm trường nghe tiếng thở dài
Thà cuộc đời yên trong lòng đất,
được trở về tiếng khóc ban sơ
Hơn là mang kiếp mong chờ.
Anh đã lầm đưa em về đây,
Cho tâm hồn tan nát từng ngày
Điệu nhạc buồn lâm ly huyền bí,
Dìu lòng người sang chốn đam mê
Đưa anh vào khổ lụy hôm nay
Chia tay người vợ đã từng cùng nhau vượt qua bao nhiêu gian khổ, tâm hồn người nhạc sĩ đa sầu đa cảm bỗng như tan nát, đến nỗi ông thấy rằng thà nằm yên trong lòng đất (rồi qua kiếp sống khác bằng tiếng khóc ban sơ), còn hơn là kiếp này ôm mãi những mong chờ vô vọng.
Lời yêu thương nồng cháy của hai mươi năm đầy
ngày yên vui hạnh phúc ước vọng đến tương lai
đã vùi trong giấc ngủ say
cơn đau và vũng lầy
để anh đi, để anh viết
bằng yêu thương, bằng nước mắt
bằng con tim đọa đày
tìm quên trong mệt mài
để quên nỗi buồn còn đây…
Ai cũng biết rằng trong 20 năm “yêu thương nồng cháy” vợ chồng, nhạc sĩ Lam Phương cũng đã không ít lần không chung thủy với vợ, với rất nhiều nhân tình đã được ông kể lại trong âm nhạc. Tuy nhiên khi phải thật sự mất đi người vợ mà ông trân quý trong lúc hoàn cảnh cuộc đời đã sang trang, thì điều đó dường như không có gì bù đắp nổi, phải ôm mãi cơn hận sầu không nguôi:
Con tim nào không hay đổi thay
Cuộc tình nào không lắm hận sầu
Ngọn đèn vàng lung linh hè phố
Điệu nhạc buồn văng vẳng đâu đây
Chỉ thêm làm giá lạnh đêm nay…
Nguyễn Hưng hát
Bài hát Lầm được gửi đến khán giả lần đầu tiên với giọng ca Elvis Phương, thể hiện đúng tâm trạng của rất nhiều đàn ông Việt tha hương phải “từng đêm trường nghe tiếng thở dài” khi đó, nên bài hát nhanh chóng nổi tiếng và được yêu thích suốt 40 năm qua. Thời gian sau đó, tiếng hát Nguyễn Hưng trên sân khấu Paris By Night đã góp sức thêm để đưa ca khúc này trở thành bài thất tình được yêu thích nhất sau năm 1975.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn