Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hoa Tím Người Xưa” của nhạc sĩ Thanh Sơn – “Rồi chiều nay lá khô rơi đầy…”
Bài hát “Hoa Tím Người Xưa” của nhạc sĩ Thanh Sơn được sáng tác vào thập niên 1960, gắn liền với giọng hát của ca sĩ Giao Linh:
Rồi chiều nay lá khô rơi đầy có người nhìn buồn lây
Gom nhớ thương sưởi tình cô liêu ấm thêm lòng ít nhiều
Tâm tư bâng khuâng ngày đôi ta đến đây
Cũng vườn xưa chốn này
Nhặt hoa tím rụng cài lên áo,
Có ai đâu ngờ hoa tím cả người thương.
Hương xưa ơi, tìm đâu thấy kỷ niệm
Bởi một màu hoa tím?
Còn lại đây những khung trời chơ vơ
Tháng năm lòng ngóng chờ
Rồi từ đó những đêm buồn mang tới
Thương nhớ khôn nguôi người xưa xa cách rồi,
Ân tình suốt đời, giấu trong lòng riêng nức nở mà thôi
Nhìn màu hoa ngỡ như em cười lúc mình vừa gặp nhau.
Xuân vẫn qua, đếm thời gian trôi biết ai về chốn nào.
Đâu đây dư hương gởi tâm tư luyến thương
Ngước nhìn hoa tím rụng tình sao hững hờ
Người xưa hỡi! thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu?
Giao Linh hát Hoa Tím Người Xưa trước 1975
Tựa đề của bài hát này hay bị người ta nhầm thành Hoa Tím Ngày Xưa, là tên một bài hát khác vào thập niên 1990 của nhạc sĩ Hữu Xuân nổi tiếng với giọng hát Lam Trường.
Về hoàn cảnh sáng tác của Hoa Tím Người Xưa, lúc sinh thời nhạc sĩ Thanh Sơn đã cho biết như sau:
“Bài hát Hoa Tím Người Xưa này là một chuyện tình có thật, là một kỷ niệm của đời tôi. Lúc đó vào năm 1965, tình yêu của tôi rất tràn trề, tuổi đời của tôi lúc đó khoảng ngoài 20. Tôi có quen với 1 người con gái, và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào 1 vườn hoa tím rất đẹp ở Thung Lũng Tình Yêu. Chúng tôi tâm sự rồi sau đó là chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn, và thốt lên một câu:
Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu…
Ngoài ra, cũng nhân dịp đó, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đính một số chỗ trong bài hát mà rất nhiều ca sĩ đã hát sai, làm mất ý nghĩa của bài hát. Đó là các câu hát:
Rồi chiều nay lá KHÔ rơi đầy…
bị nhiều ca sĩ hát sai thành:
Rồi chiều nay lá THU rơi đầy…
Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết ông dùng chữ “lá khô” là muốn diễn tả cho một tình yêu đã chết, chứ bài hát không có bối cảnh mùa thu.
Gom nhớ thương SƯỞI tình cô liêu…
Nhiều ca sĩ hát thành
Gom nhớ thương SUỐI tình cô liêu…
Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết “suối tình cô liêu” là vô nghĩa và sai hoàn toàn.
Hương xưa ơi, tìm đâu thấy kỷ niệm, BỞI một màu hoa tím?
Nhiều ca sĩ hát thành: VỚI một màu hoa tím?
Hầu hết những nghệ sĩ của làng nhạc Sài Gòn từng quen biết với nhạc sĩ Thanh Sơn đều biết rằng vào quãng thời gian giữa thập niên 1960, ông đã trải qua mối tình thắm thiết với một ca sĩ nổi tiếng của xứ Đà Lạt. Trước Hoa Tím Người Xưa, nhạc sĩ Thanh Sơn cũng viết tặng cho cô ca sĩ này ca khúc Giòng Suối Xanh, tên bài hát được lấy cảm hứng từ nghệ danh của nữ ca sĩ nổi tiếng đó. Trong bản nhạc tờ phát hành năm 1969, nhạc sĩ ghi: “Tặng một người ca sĩ yêu dấu chưa nguôi…” Hai người thân thiết với nhau kể từ khi nữ ca sĩ trình bày rất thành công một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Chuyện tình này không thành, có lẽ nguyên do chính cũng vì lúc đó nhạc sĩ Thanh Sơn đã có gia đình.
Sau Giòng Suối Xanh, Hoa Tím Người Xưa, nhạc sĩ Thanh Sơn còn sáng tác thêm một số ca khúc có thấp thoáng hình dáng của nàng ca sĩ nổi tiếng này, như Trả Lại Thời Gian, Nhật Ký Đời Tôi, và tất cả đều đã trở thành những ca khúc nhạc vàng bất hủ.
Thời gian sau này, dù nhạc sĩ Thanh Sơn chưa bao giờ đề cập đến đích danh người ca sĩ đó, vì ông nói rằng ai cũng đều đã có gia đình riêng, tình yêu ngày xưa đã chôn chặt vào lòng. Dù không thành mối tình đó cũng đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác những ca khúc trữ tình thật hay để lại cho muôn đời sau.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn