Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hai Chuyến Tàu Đêm” (Trúc Phương) – “Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần…”
Trong nhạc vàng, đã có rất nhiều lần xuất hiện hình dáng của sân ga và những chuyến tàu trong các bài hát nổi tiếng, tiêu biểu nhất có thể kể đến Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Tàu Đêm Năm Cũ, Người Tình Không Đến, Sầu Lẻ Bóng, Ga Chiều, Hai Chuyến Tàu Đêm…
Tất cả những bài hát này đều buồn hoặc rất buồn. Bởi là vì nếu có hình ảnh nào mà khi nhắc tới là đều gợi lên một nỗi niềm chia ly thật buồn nhưng cũng thật lãng mạn, thì đó chính là hình ảnh đường ray, sân ga và những chuyến tàu.
Có lẽ ai cũng cảm thấy buồn khi nghe tiếng còi tàu rời sân ga, bởi vì nó báo hiệu giờ chia tay, bởi vì đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn văng vẳng, như hình bóng người thân còn mãi trong tâm tưởng.
Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương là một ca khúc mang tất cả những yếu tố đó.
Thanh Thúy hát Hai Chuyến Tàu Đêm trước 1975
Thời thập niên 1960, khi phương tiện giao thông xuyên tỉnh vẫn chưa có nhiều, các xe đò – xe khách liên tỉnh đa số chỉ đi chặng ngắn, thì xe lửa luôn là sự lựa chọn đầu tiên khi một người cần đi từ Sài Gòn ngược về các tỉnh miền Trung xa xôi.
Về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương, sau này nhạc sĩ Thanh Sơn đã thay mặt bạn mình để kể tóm tắt câu chuyện như sau:
“Mối tình không thành như loại hoa phù dung sớm nở tối tàn. Ngày đó, nhân chuyến đi Phan Thiết, mua vé ở ga xe lửa Sài Gòn, vô tình trên tàu, Trúc Phương gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng nhau. Đến Phan Thiết, họ chia tay và hẹn 3 hôm sau ra ga trở lại Sài Gòn. Anh đến ga đợi mãi đến 9 giờ tối, Thắm không đến, bèn trở về một mình. Không thể nào quên mối tình ngắn ngủi, anh đã viết bài Hai Chuyến Tàu Đêm.”
Lòng buồn dạt dào
Nhớ hôm nào xuôi miền trung chuyến xe đêm anh gặp em.
Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần
Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền
Áo em màu tím.
Bài hát như là một câu chuyện kể về một ngày cũ, dường như là chỉ vừa xảy ra. Trên chuyến xe lửa từ Sài Gòn đi xuyên đêm về đến Phan Thiết, định mệnh đã sắp đặt cho tác giả bài hát được ngồi cạnh một người con gái trẻ. Với sự nhạy cảm của một người nhạc sĩ, chàng đã thoáng thấy nét vương sầu trong khóe mắt của nàng, cảm nhận mơ hồ về chuyện đời phong ba và sầu đắng mà nàng đã và đang phải đi qua, nên vương trên gương mặt thanh xuân ấy một nỗi buồn khó lòng mà che giấu.
Đậm đà vì là buổi ban đầu ta gần nhau
Nói nhau nghe câu chuyện cũ
Tâm tư cho vơi bao nỗi buồn bước vào đời
Giờ gặp lại nét thắm môi em tiếng hẹn hò
Tìm lại ngày mơ.
Dù chỉ mới gặp nhau lần đầu mà cả 2 đã nhanh chóng thân thiết với nhau. Trong suốt cuộc hành trình, họ đã thoải mái tâm sự về cuộc đời, về chuyện xưa chuyện cũ, có thể trút vơi được bao nhiêu nỗi niềm mà trước đó khó chia sẻ được cùng ai.
Dường như là cả hai người cùng có tâm sự tương đồng với nhau, đó là những nỗi buồn khi vừa bước chân vào đời đã gặp nhiều điều không như ý. Nhờ định mệnh đẩy đưa, có thể gặp được một người tâm đầu ý hợp, vừa quen nhưng họ đã muốn trao nhau tiếng hẹn hò, như tìm thấy lại được cả một trời mơ mộng cũ.
Khi chân đến quê em
Nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi
Thoáng thấy em cười vì mùa thương vừa chắp nối
Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về.
Suốt cả một đêm hành trình, niềm tâm sự có lẽ vẫn chưa vơi thì nắng ban mai đã dần hé, tia sáng đầu ngày hôn nhẹ lên khóm hoa tươi ven đường. Cách dùng chữ quá thơ mộng và lãng mạn đó của nhạc sĩ Trúc Phương như muốn nói rằng vì yêu nàng nên yêu cả quê hương của nàng. Vì đang lâng lâng niềm vui sướng, nên trong mắt chàng trai nhìn đâu cũng thấy rực rỡ sắc hoa bừng tươi dưới màu nắng sớm. Một khung cảnh đẹp như bức tranh.
Khi đến quê nàng, tức là Phan Thiết – như lời nhạc sĩ Thanh Sơn kể, thì bình minh cũng vừa ló dạng, những tia sáng đầu tiên soi chiếu đủ để chàng bắt gặp nụ cười thoáng trên môi của giai nhân, rồi bắt đầu nghĩ về một mùa thương đã vừa chắp nối. Tác giả dùng chữ chắp nối, có lẽ là vì những yêu thương ngày cũ đã bị đứt gãy, bị vùi dập giữa dòng đời, nay yêu thương đã được chắp nối lại cho nhau.
Tuy nhiên, trong lúc hy vọng nhất về một “mùa thương” mới, người vẫn cảm nhận được mơ hồ đến một ngày về sẽ khơi buồn, cảm nhận được rằng tình cảm này vẫn rất mong manh, là những cảm xúc thoáng qua như mây thoáng tụ rồi tan, chưa thể hiện rõ được thành một hình hài.
Xuống tới gân ga, họ đành chia tay nhau để mỗi người đi theo một hướng đã định trước đó. Họ hẹn rằng nếu có duyên với nhau thì sẽ được gặp lại, hẹn 3 hôm sau sẽ chung chuyến về lại Sài Gòn sau khi cả 2 cùng xong công chuyện.
Tuy nhiên định mệnh đã không cho họ gặp lại lần thứ hai. Cuộc tình ngắn ngủi đó để lại nỗi lạnh lùng đến băng giá linh hồn, nhưng cũng để lại niềm cảm hứng lớn lao để người nhạc sĩ viết thành một bài ca bất hủ. Cuộc tình tuy ngắn, nhưng đã trở thành dài lâu và bất tử trong lòng hàng triệu người yêu nhạc vàng:
Và cùng một tàu ấy anh về
Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm
Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn
Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ
Gặp lại người xưa.
Sau khi sáng tác xong bài này, nhạc sĩ Trúc Phương điền thêm tên nhạc sĩ Y Vân trong tờ nhạc để thuận tiện hơn trong việc phát hành và nhận tiền bản quyền. Cũng như hầu hết các ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Trúc Phương, bài Hai Chuyến Tàu Đêm đã gắn liền với giọng hát của nữ danh ca Thanh Thúy suốt gần 60 năm qua.
Thanh Thúy hát Hai Chuyến Tàu Đêm sau 1975
Có một điều ít người để ý đến, đó là ca sĩ Thanh Thúy hát rất hay những bài hát về sân ga, con tàu, không chỉ là sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương, mà còn của nhiều nhạc sĩ khác, như Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Người Tình Không Đến, Ga Chiều… và đặc biệt là 2 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương: Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm. Điều đó có thể được giải thích là vì giọng ca liêu trai thật buồn của Thanh Thúy rất hợp với không khí xa vắng, cô liêu và sự chia ly của sân ga và những con tàu trong âm nhac.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn