Trang chủ
Đôi nét về họa sĩ Kha Thùy Châu và hình vẽ quen thuộc trên hàng ngàn bìa tờ nhạc trước 1975
Trên những hình bìa tờ nhạc trước 1975, chúng ta thường quen thuộc với những nét vẽ rất đặc trưng của các họa sĩ tài danh của Sài Gòn, trong đó có 2 người họa sĩ nổi tiếng nhất là Duy Liêm và Kha Thùy Châu.
Trước đây, chúng tôi đã có dịp nói về họa sĩ Duy Liêm, trong bài viết này xin tìm hiểu đôi nét về người còn lại là Kha Thùy Châu, cùng những tác phẩm quen thuộc của ông được in trên tờ nhạc.
Kha Thùy Châu không chỉ là một họa sĩ nổi tiếng, mà còn là đạo diễn có công lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nghệ thuật của điện ảnh miền Nam.
Họa sĩ Kha Thùy Châu tên thật là Nguyễn Tấn Thành, sinh năm 1932 tại Rạch Giá, thuở nhỏ từng học cùng lớp với nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Năm 1946, ông theo gia đình về quê ở Mương Chùa, làng Hội An Đông, huyện Lấp Vò, thuộc tỉnh Sa Đéc, sau đó về lánh nạn ở vùng Đồng Tháp Mười.
Năm 1949, ông may sống sót sau khi trúng đạn trong một trận càn của quân Pháp ở vùng này, ông về lại quê ngoại ở Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên.
Vì rất ham học nên ông quyết tâm đi học lại, nhưng lúc này ông đã 17 tuổi, quá tuổi đến lớp gần 7 tuổi, nên gia đình phải làm lại giấy khai sinh cho ông thành ngày 17/1/1938 (ngày sinh đúng là 17/1/1932) để đi thi CEPCI (Certificat etude primaire complémentaire Indochina) và thi Concours. Ông đậu vào trường collège Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên.
Năm 1957, sau khi thi tú tài, Kha Thùy Châu tiếp tục thi tiếp vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Năm 1959, ông tốt nghiệp các ngành: Camera – Animation – Arts of Motion picture. Cùng trong năm đó, trung tâm Điện ảnh thực hiện phim tài liệu mang tên Đứa Con Của Biển Cả do José Avalena làm đạo diễn, Kha Thùy Châu phụ trách khâu thiết kế mỹ thuật và hóa trang. Phim đã được giải thưởng Manila (Philippines) và giải Gấu đồng ở Berlin (Tây Đức).
Năm 1961, sau hai năm thực tập, ông được tuyển dụng làm việc tại Trung tâm Quốc gia Điện ảnh ở số 15 đường Thi Sách, Quận 1. Khi đó, ông đã có gia đình và 3 con.
Ngoài công việc chính thức tại Trung tâm này, Kha Thùy Châu còn cộng tác với Hoàn Kiếm phim của ông Nguyễn Văn Liêm (giám đốc là Nguyễn Danh Xương), phụ trách làm poster và quảng cáo.
Từ năm 1960 trở về sau, Kha Thùy Châu tiếp tục làm thiết kế mỹ thuật cùng hóa trang, tham gia làm tựa phim và poster quảng cáo cho rất nhiều phim nhựa của làng điện ảnh Sài Gòn, như phim Chiếc Bóng Bên Đường, Nhà Tôi, Lệ Đá, Trường Chi…
Năm 1964, Kha Thùy Châu cùng ba đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Lưu Bạch Đàn và Lê Trang thành lập tờ báo Tạp chí Điện ảnh. Ông chuyên phụ trách kỹ thuật, trong ban biên tập lo bài vở cho tờ báo này.
Đó cũng là thời kỳ mà làng nghệ thuật miền Nam được tự do phát triển rất phong phú và đa dạng, nên những người có tài năng về mỹ thuật như Kha Thùy Châu có nhiều đất dụng võ. Ông phụ trách công việc chụp ảnh màu cho ca sĩ tân nhạc và cải lương để làm bìa cho các hãng băng dĩa nổi tiếng như Asia Sóng Nhạc và Dĩa Hát Việt Nam. Cùng với họa sĩ Duy Liêm thì họa sĩ Kha Thùy Châu là 1 trong 2 họa sĩ vẽ nhiều hình bìa tờ nhạc nhất cho các nhà xuất bản lớn của Sài Gòn từ cuối thập niên 1950 trở về sau. Bên cạnh Vivi thì Kha Thùy Châu cũng là người chuyên trình bày các bìa sách, cộng tác với nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương.
Từ giữa thập niên 1960, khi Sài Gòn thành lập đài truyền hình thì Kha Thùy Châu là một trong những người đầu tiên cộng tác, thiết kế mỹ thuật cho các chương trình truyền hình ca nhạc. Ông cũng là người đầu tiên cải cách hình ảnh hóa trang sân khấu theo góc nhìn điện ảnh. Đặc biệt ông còn là người thực hiện “Tivi show” đầu tiên của Đài Truyền hình Sài Gòn được phát sóng trên hệ thống máy bay.
Ngoài ra, ông còn đi dạy thêm về Mỹ thuật ở Hội văn hóa Bình dân với ông Nghiêm Phú Phát, ở Hội nghệ sĩ Quân đội với họa sĩ Đỗ Trọng Nhân, dạy lớp diễn xuất điện ảnh với Ngọc Phu ở Trung tâm Nhân xã.
Năm 1970, Kha Thùy Châu làm giám đốc kỹ thuật và nghệ thuật cho Công ty quảng cáo N.A.A, sau đó là Công ty Á Châu 1 của ông Lê Gia Lâm cho đến năm 1975.
Sau năm 1975, với tài năng và kinh nghiệm của Kha Thùy Châu, ông được chính quyền mới trưng dụng làm việc cho Hãng phim Giải Phóng, phụ trách bộ phận Mỹ công, sau đó có rất nhiều đóng góp cho ngành điện ảnh nói chung, tham gia giảng dạy ở nhiều trường sân khấu điện ảnh và nhiều công việc khác nữa cho đến khi nghỉ hưu năm 1995.
Trong âm nhạc, tên tuổi Kha Thùy Châu được biết đến với hàng ngàn bản vẽ trên tờ nhạc của những ca khúc vượt thời gian trong suốt gần 20 năm, dù ông vẫn xem đây như nghề bất đắc dĩ, vì công việc chính thức của ông là điện ảnh.
Trong lịch sử tân nhạc Việt Nam từ thập niên 1940 trở về sau, tờ nhạc đóng một vai trò quan trọng, từng là nguồn doanh thu chính cho các nhạc sĩ sáng tác, vì nó tiếp cận được hầu hết khán giả yêu nhạc. Sau khi bài hát được ca sĩ thu âm và phát trên đài phát thanh, hoặc được hát trong phòng trà, nếu khán giả yêu thích bài hát đó thì sẽ ra các tiệm nhạc để hỏi mua tờ nhạc về tập đàn, tập hát. Vì lẽ đó, các nhà xuất bản tờ nhạc như Tinh Hoa, Diên Hồng, Minh Phát, An Phú, Sóng Nhạc… sẽ phải nhanh chóng tìm đến nhạc sĩ để mua tác quyền rồi in ra, và “mặt tiền” của tờ nhạc đó phải được chăm chút để thu hút người mua.
Thập niên 1940-1950, hầu hết hình bìa tờ nhạc là hình vẽ, lúc đó nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế là lớn nhất, phát hành nhiều nhất, và hình bìa thường là nét vẽ độc đáo của họa sĩ Phi Hùng, sau đó là Duy Liêm.
Sang thập niên 1960, các nhà xuất bản bắt đầu sử dụng hình chụp của các ca sĩ, người mẫu, minh tinh điện ảnh để đưa vô bìa nhạc để thu hút người mua tờ nhạc, tuy nhiên hình thức hình vẽ vẫn được duy trì trên hình bìa, nhưng không còn là hình vẽ đơn điệu như trước nữa, mà các hình vẽ được sáng tạo hơn, trong đó 2 họa sĩ nổi tiếng nhất và vẽ nhiều hình bìa nhất thời kỳ này là Duy Liêm và Kha Thùy Châu. Hai họa sĩ này đều có nét vẽ rất đặc trưng, khán giả yêu nhạc dù không rành hội họa, nhưng nhìn sơ qua vẫn có thể phân biệt được.
Nếu như họa sĩ Duy Liêm có phong cách lập thể hình khối thì Kha Thùy Châu có nét vẽ tân kỳ rất mềm mại và lãng mạn, hoàn toàn khác hẳn với lối trình bày cổ điển của họa sĩ Phi Hùng trước đó.
Mời bạn xem lại nét vẽ Kha Thùy Châu trên hình bìa tờ nhạc:
nhacxua.vn biên soạn