Trang chủ
Nữ danh ca Minh Trang – Nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc “Ngọc Lan” của Dương Thiệu Tước
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh năm 1915, là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho tân nhạc Việt từ thập niên 1930, và danh ca Minh Trang, người bạn đời của ông trong gần 30 năm cũng là một trong những ca sĩ tiên phong hát tân nhạc. Họ trở thành cặp đôi nghệ sĩ nổi tiếng của làng văn nghệ ở Sài Gòn trước năm 1975.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và danh ca Minh Trang, một người Hà Nội, một người sinh trưởng ở Huế, nhưng đều xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc chốn quan quyền và xây lập được hạnh phúc trên đất Sài Gòn.
Dương Thiệu Tước sinh quán ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), được xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống. Ông là cháu nội của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định, là bạn đồng khoa thân thiết với Nguyễn Khuyến. Khi ông Dương Khuê mất, cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã viết bài Khóc Dương Khuê để thương tiếc.
Thân sinh Dương Thiệu Tước là ông Dương Tự Nhu làm bố chính tỉnh Hưng Yên.
Danh ca Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 tại Bến Ngự, là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy (sau này ông còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình). Minh Trang còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (còn gọi là Bà Chúa Nhứt) – chị ruột vua Thành Thái.
Tuy là công chúa nhưng Bà Chúa Nhứt có tính rất nghệ sĩ, trong nhà có hẳn một ban hát tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Ca sĩ Minh Trang – cháu ngoại của công chúa, từ nhỏ ít gần gũi cha vì ông phải đáo nhậm những nhiệm sở xa, nên Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại. Nhờ những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy tám tuổi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy…
Năm 21 tuổi Minh Trang tốt nghiệp Tú Tài toàn phần của Pháp vào thời điểm hiếm có phụ nữ nào đỗ đạt được như vậy.
Người chồng đầu của Minh Trang là cụ Ưng Quả, là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh em của vua Thiệu Trị. Nhà giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc lập. Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu Bảo khi dạy học Thái Tử Bảo Long, là Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ… Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.
Cưới nhau được 3 năm, Minh Trang và Ưng Quả có 2 người con là Bửu Minh và Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao). Khi hát cho đài Pháp Á, Danh ca Minh Trang đã ghép 2 tên người con để làm nghệ danh cho mình.
Vì tình hình đất nước loạn lạc từ năm 1946, những giáo chức như cụ Ưng Quả phải chạy ra vùng Việt Minh, họ xa nhau từ đó, ban đầu là tạm thời, về sau là mãi mãi, khi cụ Ưng Quả qua đời vì bệnh tật.
Minh Trang mang 2 con vào Sài Gòn, quyết tâm tự lập và xin được vào làm xướng ngôn viên và biên tập cho đài phát thanh Pháp Á, rồi sau đó trở thành ca sĩ của đài, nổi tiếng khắp 3 miền từ làn sóng phát thanh và có hát nhiều bài của Dương Thiệu Tước, đặc biệt là Đêm Tàn Bến Ngự.
Từ Hà Nội, Dương Thiệu Tước rất thích giọng hát Minh Trang nên sáng tác được bài nào đều gửi cho Minh Trang ở Sài Gòn.
Năm 1949, Dương Thiệu Tước lần đầu được gặp mặt nữ danh ca Minh Trang. Khi đó Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí vì mến mộ giọng hát Minh Trang nên đã mời bà từ Sài Gòn ra Hà Nội dự Hội chợ đấu xảo. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc của một giai nhân ở trời Nam. Tuy đã có hai con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Sau này Minh Trang kể lại: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này.
Sau đó tôi về Sài Gòn, chúng tôi thư từ cho nhau, thấy hợp, rồi thành.
Khi tôi mới vào lại Sài Gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước viết bài Sóng Lòng. Dạo ấy anh còn sáng tác Ngọc Lan là để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là mô tả người thiếu nữ…”
Nếu nhìn lại tờ nhạc bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa (1953) sẽ thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa:
Ngọc Lan
giòng suối tơ vương
mắt thu hồ dịu ánh vàng…
Theo ca sĩ Quỳnh Giao (con gái của Minh Trang), thì Dương thiệu Tước viết bài Ngọc Lan tại đất thần kinh năm 1953, khi cùng Minh Trang về Huế thăm đại gia đình đã xa cách lâu ngày.
Bài hát tả đóa hoa để nói về tình yêu thanh khiết. Chỉ cần nghe phần nhạc có hòa âm công phu của bài này, người nghe đã cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng, giai điệu cũng rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ sĩ chỉ có thể trầm trồ:
Ngọc Lan
nhành liễu nghiêng nghiêng
tà mấy cánh phong
nắng thơm ngoài song.
Nét thắm tô bóng chiều,
giấc xuân yêu kiều,
nền gấm cô liêu.
Gió rung mờ suối biếc,
ý thơ phiêu diêu!
Lệ Thu hát
Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa đó là người, và là người rất đẹp. Hình dáng người được mô tả là “ngón tơ mềm”, “dáng tiên nga”, và thanh âm của người tiên nga đó được mô tả là “giọng ướp men thơ” và “trầm ngát thu hương”… toàn là những mỹ từ ngây ngất thường chỉ được thấy trong văn thơ hoặc một số bài nhạc tiền chiến.
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng,
mạch tương lai láng.
Dáng tiên nga giấc mơ nghê thường lỡ làng.
Ngọc Lan giọng ướp men thơ,
mát êm làng lụa bóng là.
Ngọc Lan trầm ngát thu hương.
Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây…
Ngọc Lan là ca khúc kén người hát lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hòa âm ra hồn, mà về hòa âm không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm. Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn.
Thái Thanh hát
Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước khi những ca sĩ sau này không hiểu hết ý tứ của ông mà hát sai lời một cách rất ngô nghê.
Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng có người hát thành “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”…
Nghe mà thương cho đóa ngọc lan kia.
Sau năm 1975, cuộc sống của gia đình Dương Thiệu Tước, Minh Trang gặp rất nhiều khó khăn. Nhạc của ông bị cấm hoàn toàn, ông cũng không còn được cho đi dạy nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc nữa, cuộc sống trở nên túng quẫn. Năm 1978, Minh Trang dẫn các con sang Thái Lan rồi qua Mỹ, Dương Thiệu Tước ở lại cho đến khi qua đời năm 1995.
Sau này Minh Trang kể lại:
Anh Tước và tôi rất hợp, sống với nhau gần 30 năm trời, không có sóng gió gì cả. Anh Dương Thiệu Tước hiền lành lắm, timide (nhát) nữa là khác. Đương nhiên, anh có một tâm hồn rất nghệ sĩ, do đó anh cũng có bay bướm, nhưng mà tôi chấp nhận…
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn