Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Tuổi Biết Buồn” (Phạm Duy – Ngọc Chánh) – Buồn đã biết rồi từ thuở biết thương yêu…
Tháng 10 năm 1973, ca sĩ Thanh Lan có chuyến lưu diễn đáng nhớ đến Nhật Bản cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh và nhạc sĩ Phạm Duy. Trong khán phòng rộng lớn của Budokan Hall tại thủ đô Tokyu, một sân khấu tròn rất lớn được đặt ở chính giữa với khoảng 100 nhạc công liên tục trình diễn. Đó là sân khấu của Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha. Ca sĩ Thanh Lan đứng chính giữa sân khấu thể hiện ca khúc “Tuổi Biết Buồn” của hai vị nhạc sĩ, giữa vòng vây của khoảng 10 ngàn khán giả Nhật Bản và quốc tế để theo dõi buổi trình diễn của các nghệ sĩ đến từ nhiều nước Âu, Á khác nhau. Tiếng hát Thanh Lan cùng với ca khúc này đã vào đến vòng chung kết của đại hội.
Theo lời kể của nhạc sĩ Ngọc Chánh, đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha là cuộc thi âm nhạc thế giới thường niên do hãng Yamaha tổ chức. Năm 1973, ban tổ chức mời đoàn Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy tham dự. Nhận được lời mời, nhạc sĩ Phạm Duy tìm gặp Ngọc Chánh, ngỏ ý muốn viết chung một ca khúc để gửi dự thi. Trước đó, hai ông từng viết chung hai ca khúc là Bao Giờ Biết Tương Tư (1970) và Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (1971), đều rất thành công.
Ca khúc Tuổi Biết Buồn ra đời với phần nhạc do Ngọc Chánh viết và phần lời do nhạc sĩ Phạm Duy đặt. Sau khi hoàn thành ca khúc, Ngọc Chánh chọn ca sĩ Thanh Lan để trình diễn vì “cô có dáng dấp của một sinh viên, lại đang là một sinh viên Văn Khoa của ban sinh ngữ”, rất phù hợp với nội dung bài hát.
Đối với cả hai nhạc sĩ gạo cội Phạm Duy và Ngọc Chánh, “Tuổi Biết Buồn” không phải là nhạc phẩm đỉnh cao, quan trọng nhất trong sự nghiệp của cả hai ông. Nhưng đối với ca sĩ Thanh Lan, việc thể hiện thành công ca khúc lại là một dấu mốc quan trọng, mở ra những mối cơ duyên với nước Nhật và cho sự nghiệp của cô sau này. Sau đêm diễn, Thanh Lan được hãng đĩa Victor mời ở lại Tokyu thêm 1 tuần để hợp tác thâu âm hai ca khúc tiếng Nhật là Aino hino Kesanaide và Yume Miru (lời Nhật ca khúc Tuổi Mộng Mơ của nhạc sĩ Phạm Duy).
Hơn một năm sau, Thanh Lan lại tiếp tục được mời tham gia bộ phim điện ảnh Number Ten Blues (sau đổi tên thành Goodbye Saigon) do hãng phim Amino và đạo diễn người Nhật thực hiện. Trong đó, Thanh Lan đảm nhiệm vai nữ chính đóng chung với hai diễn viên người Nhật.
Gần 50 năm đã trôi qua, kể từ khi ra đời, nhắc đến “Tuổi Biết Buồn”, người ta vẫn luôn nhớ tới giọng hát trong trẻo và cũng chan chứa nỗi niềm của Thanh Lan…
Thanh Lan hát Tuổi Biết Buồn trước 1975
Cùng trong năm 1973, khi đạo diễn Lê Dân làm cuốn phim Trường Tôi (nhạc sĩ Quốc Dũng đóng vai nam chính), ông có mời Thanh Lan tham gia diễn xuất trong một phân đoạn, đóng vai chính mình là ca sĩ Thanh Lan và hát ca khúc Tuổi Biết Buồn cho học sinh toàn trường nghe, mời các bạn xem lại phân cảnh đó sau đây:
Bài hát nói về nỗi nhớ tiếc một thuở ấu thơ nhiều kỷ niệm, đầy màu sắc của một cô gái đến “tuổi biết buồn”:
Buồn đã tới rồi, một buổi sáng mưa rơi
Mưa đã cuốn mây về dĩ vãng xa vời
Ôi những bước chân chim có nhớ vườn hồng,
Nhớ khung cửa song, và còn nhớ tới em không?
Cô gái vừa bước qua tuổi biết buồn, cái tuổi bắt đầu có những bâng khuâng mơ mộng, và một buổi sáng mưa rơi cũng trở thành cái cớ cho những nỗi buồn vu vơ tìm đến, đưa nàng về lại dĩ vãng, lần theo những bước chân chim thăm lại “vườn hồng”. Cũng như bao nhiêu người đã từng đi qua tuổi thần tiên, nàng cũng có những ngày tháng êm đềm yêu dấu, ở cái tuổi mà mọi thứ xung quanh dường như đều là màu hồng, tuổi của những đùa vui và vô lo, vô nghĩ.
Buồn đã tới rồi, một chiều tím trên sông
Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng
Ôi những chú nai tơ, công chúa rừng già,
Nơi hoang đường xa, cửa đã khép ngăn em về…
Nhớ bé xưa cùng chơi, đuổi nhau dưới bóng hàng cây
Nấu nướng hay nhảy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say
Nụ hoa dắt trên đầu, tặng nhau đứng bên cầu,
Đâu ngờ dòng đời đang cuốn mau…
Buồn đã biết rồi thì chờ đến cơn vui
Bàn chân ấu thời dần mạnh bước chân đời
Mang dĩ vãng trong tay trên quãng đường dài
Lưu vật còn đây, rồi còn tiếc thơ ngây hoài…
Nhớ bé xưa cùng chơi, đuổi nhau dưới bóng hàng cây
Nấu nướng hay nhảy dây, vòng chơi cuốn theo tuổi say
Nụ hôn lúc ban đầu, hẹn nhau lúc đứng bên cầu,
Đâu ngờ dòng đời đang cuốn mau
Khi mộng ước đang tươi hồng thì một ngày kia nàng nhận ra rằng mình vừa bước qua đến cái tuổi biết buồn, nên sẽ không bao giờ có thể quay ngược gót chân để về lại dĩ vãng êm đềm đó được một lần nào nữa. Bởi vì “cửa đã khép ngăn em về”, và tuổi thần tiên đẹp như cổ tích có những chú nai tơ, công chúa rừng già đó đã vĩnh viễn đứng ở bên kia ranh giới, vào lúc nàng bước chân qua cánh cửa một chiều để đến vùng trời khác, nơi có những cuộc tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng, nơi có bao nhiêu nỗi băn khoăn vì đến tuổi phải yêu người:
Buồn đã tới rồi, một buổi tối không trăng
Tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng
Ôi những phút say sưa, những phút dịu dàng,
Yêu người mà sao lòng còn mãi mãi băn khoăn…
Buồn đã tới rồi, cả một trắng đêm khơi
Tình đã hoen màu vàng cả tóc mây ngời
Ôi những mối dây tơ đã rối mù rồi
Oan tình đầy vơi mở rộng lưới giam bao người…
Nhớ lúc vai kề vai, dìu nhau đi giữa hàng dương
Thấy bóng soi hồ trong, ngừng chân dưới gốc đồi thông
Nụ hôn lúc ban đầu thần tiên dẫn ta vào,
Ai ngờ cuộc tình tan vỡ mau…
Ở tuổi biết yêu người, cô gái bắt đầu thấy được sự phức tạp của cuộc đời, những rối mù của mối dây tơ và vòng lưới tình ái đã giam bao người…
video Tuổi Biết Buồn
Buồn đã biết rồi từ thuở biết thương yêu
Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều
Mang những vết thương đi trong cõi đời dài
Ôi tuổi buồn ơi! Tuổi còn mãi theo ta hoài…
Tuổi biết buồn là tuổi bắt đầu biết yêu thương, và nỗi buồn sẽ càng nhiều thêm cũng như tình kia dần được nuôi lớn. Càng yêu thương thì càng phải mang thêm nhiều âu lo, mang thêm nhiều vết thương lòng. Tuổi thần tiên thì chỉ hữu hạn, còn tuổi biết buồn và tuổi buồn sẽ đi theo nàng hoài trong một cõi đời dài…
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn