Gia tộc Couperin
Chúng ta biết rằng dòng họ Bach và Strauss là gia tộc có nhiều thành viên là các nhà soạn nhạc nổi tiếng. Nhưng họ không phải là duy nhất. Ở Pháp cũng có một gia tộc như vậy. Triều đại của gia đình Couperin nổi tiếng bắt đầu từ những năm 1620 và chỉ kết thúc khoảng hai thế kỷ sau đó. Họ cung cấp một số lượng lớn các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân chế tạo nhạc cụ. Trên thực tế, nền âm nhạc nước Pháp thế kỷ 17 tình trạng cha truyền con nối là rất phổ biến với các dòng họ Gaultier, Blanchet, Forqueray hay Hotteterre. Tuy nhiên, gia tộc Couperin vẫn là cái tên nổi bật nhất. Đại diện tiêu biểu của họ là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ, nghệ sĩ harpsichord François Couperin, hay còn được biết đến với biệt danh “Couperin le Grand” (Couperin vĩ đại), để phân biệt ông với những tài năng âm nhạc khác trong gia đình. Couperin đã dành phần lớn cuộc đời âm nhạc của mình để phục vụ hoàng gia Pháp dưới triều đại vua Louis XIV với tư cách là một nghệ sĩ harpsichord và organ, sáng tác âm nhạc tôn giáo, tác phẩm thính phòng, chủ yếu dành cho harpsichord. Cả Claude Debussy và Maurice Ravel đều miêu tả ông là “hình ảnh thu nhỏ của âm nhạc Pháp”. Ông đã sáng tác những tác phẩm hay nhất của trường phái Baroque Pháp. Âm nhạc của ông vượt xa những người cùng thời về cách xây dựng hoà âm, cấu trúc và giai điệu. Khéo léo pha trộn phong cách âm nhạc Pháp và Ý, Couperin tự khẳng định mình là một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của Pháp và cả châu Âu vào thời bấy giờ. Ảnh hưởng cũng như di sản của ông còn kéo dài cho đến tận ngày nay.
Tiểu sử Couperin
François Couperin sinh ra tại Paris vào ngày 10/11/1668, là con trai duy nhất của ông Charles. Ông Charles cùng với hai người anh em mình đến tới Paris từ quê nhà Chaumes lập nghiệp vào năm 1650 với tư cách các nhạc sĩ. Anh trai của Charles, Louis là một nghệ sĩ organ và nhà soạn nhạc tài năng, làm việc tại nhà thờ St Gervais. Khi Louis qua đời năm 1861, Charles là người tiếp quản vị trí này. Lớn lên trong môi trường âm nhac, ngay từ nhỏ François đã thể hiện năng khiếu chơi harpsichord và organ của mình. Chỉ mới 10 tuổi, cậu bé đã được St Gervais hứa hẹn vị trí thay thế cha cậu. Ông Charles qua đời chỉ một năm sau đó. François còn quá nhỏ để đảm nhiệm công việc này nên nhà thờ đã thuê nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ danh tiếng Michel Richard Delalande, người từng phục vụ trong triều đình tạm thời thay thế cậu cho đến khi François đủ 18 tuổi. Trong giai đoạn này, François theo học với Jacques-Denis Thomelin, nghệ sĩ organ tại triều đình và đã đối xử rất tốt với cậu. Ông đã trở thành người cha thứ hai của François. Tài năng của cậu bé phát triển nhanh đến nỗi nhà thờ đã trả lương khi François mới 15 tuổi và chưa ký hợp đồng với St Gervais.
Mẹ Couperin qua đời vào năm anh 21 tuổi nhưng ngay sau đó cuộc đời và sự nghiệp của anh có những sự thăng hoa đáng kể. Anh kết hôn với Marie-Anne Ansault, cô gái của một gia đình quý tộc và giàu có. Chính gia đình bên vợ đã hậu thuẫn cho Couperin xuất bản Pièces d’orgue, tập tác phẩm đầu tiên của anh vào năm 1690, một bộ những sáng tác dành cho organ, được Delalande rất ủng hộ. Ông nhận xét: “Rất đẹp và xứng đáng được trao cho công chúng”. Thời điểm đó ở Pháp, muốn xuất bản và bán các tác phẩm âm nhạc cần phải có giấy phép và gia đình bên vợ Couperin, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và có họ hàng là quan chức cấp cao trong triều đình Pháp, đã hỗ trợ anh rất nhiều. Năm 1693, Couperin thay thế người thầy của mình Thomelin, trở thành một trong bốn “organste du roi” – nghệ sĩ organ của triều đình. Song song với công việc đó, anh vẫn làm việc tại St Gervais và tiếp tục sáng tác. Nhiệm vụ mới này, chủ yếu là biểu diễn organ tại nhà nguyện hoàng gia ở Versailles, ngoài việc mang lại khoản thu nhập đáng kể còn giúp anh mở rộng mối quan hệ, tiếp xúc với nhiều nhà soạn nhạc và giới quý tộc nổi bật nhất thời điểm đó. Anh liên tục di chuyển giữa Versailles và Paris. Couperin củng cố danh tiếng của mình như là một nghệ sĩ harpsichord xuất sắc nhất Paris thời điểm đó bằng cách biểu diễn, giảng dạy cho các gia đình quý tộc, sáng tác và biên soạn tài liệu hướng dẫn chơi harpsichord. Các công việc tại St Gervais và Versailles chiếm của Couperin khoảng 6 tháng trong một năm. Thời gian còn lại, Couperin được thoải mái thực hiện những gì anh yêu thích.
Sự nghiệp sáng tác
Dưới danh nghĩa nghệ sĩ của hoàng gia, Couperin được đặc quyền cấp giấy phép xuất bản trong 20 năm. Năm 1713, ông cho xuất bản tập đầu tiên (trong tổng số bốn tập) các tác phẩm dành cho harpsichord của mình, Pieces de clavecin, vốn được sáng tác trước đó khá lâu. Trên thực tế, Pièces d’orgue là những tác phẩm duy nhất Couperin sáng tác dành cho organ. Sau đó, ông tập trung nghiên cứu các sonata và cantata của Ý, thường được biểu diễn một cách riêng tư tại dinh thự của những nhà quý tộc Pháp trong những năm 1690. Những bản trio và quartet của Couperin cho thấy ông chịu ảnh hưởng lớn từ Arcangelo Corelli. Bên cạnh đó, những tác phẩm tôn giáo của ông như các motet, verset thì mang phong cách của Giacomo Carissimi sau khi đã được Marc-Antoine Charpentier chắt lọc. Trong khoảng 20 năm đầu tiên của thế kỷ 18, Couperin là nhà soạn nhạc được kính trọng và là giảng viên organ và harpsichord được săn đón nhất nước Pháp. So sánh với những nhà soạn nhạc đương thời, âm nhạc dành cho harpsichord của Couperin mang tính tự do hơn, không quá tuân thủ theo những phức điệu nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, nét đặc trưng của âm nhạc Pháp thời kỳ này cũng hiện diện rõ trong các tác phẩm của Couperin, đó là sở hữu rất nhiều tính vũ khúc, một điều dễ hiểu khi vua Louis XIV là một người rất thích khiêu vũ. Lo ngại rằng, bất chấp những chú thích cẩn thận được mình ghi rõ ràng trong bản nhạc nhưng sẽ không được biểu diễn đúng cách, Couperin đã cho xuất bản cuốn L’art de toucher le clavecin (Nghệ thuật chơi đàn harpsichord) vào năm 1716. Trong đó, ông hướng dẫn rõ cách sử dụng ngón tay, các nốt nhạc trang trí (những ký hiệu đã được Couperin tiêu chuẩn hoá) và một số thứ khác. Couperin cũng đưa vào đó 8 bản Prelude đơn giản dùng để luyện ngón. Cuốn sách này đã trở thành nguồn tham khảo chính cho nghệ thuật trình tấu harpsichord vào thời điểm bấy giờ và là một trong những luận thuyết quan trọng nhất còn sót lại của thời kỳ Baroque.
Ba tập tiếp theo của Pieces de clavecin được Couperin xuất bản lần lượt vào những năm 1717, 1720 và 1730, nâng tổng số toàn bộ tác phẩm của cả 4 tập lên đến khoảng 230 tiểu phẩm riêng lẻ và được chia làm 27 suite. Các suite này có chương đầu tiên và cuối cùng ở cùng giọng điệu, còn các chương bên trong nằm ở các điệu thức có liên quan chặt chẽ với chủ âm. Johann Sebastian Bach tỏ ra rất ngưỡng mộ các suite này của Couperin và hai người đã có những trao đổi thư từ với nhau. Rất nhiều những tiểu phẩm dành cho harpsichord của Couperin được ông đặt cho những tên gọi rất nên thơ như “Những chiếc cối xay gió nhỏ”, “Những chướng ngại vật bí ẩn”, “Những người thợ cắt tóc”… thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau. Chúng được liên tưởng đến các bản thơ giao hưởng thu nhỏ, một thể loại chỉ ra đời hơn 100 năm sau đó.
Năm 1717, Couperin được bổ nhiệm làm nghệ sĩ biểu diễn harpsichord cho nhà vua, thay thế cho Jean-Henri d’Anglebert, cũng là một người chơi harpsichord rất tài ba vào thời điểm đó. Đây là một trong những vị trí quan trọng nhất đối với một nhạc sĩ. Tuy nhiên, với sự qua đời của vua Louis XIV vào năm 1715, các hoạt động âm nhạc tại triều đình đã được giảm bớt đáng kể. Sức khoẻ của Couperin đã suy giảm trong những năm 1720. Ông đã phải nhường vị trí chơi đàn organ của mình tại nhà thờ St Gervais cho người anh họ Nicola. Tuy nhiên, Couperin vẫn không ngừng nghỉ sáng tác âm nhạc. Ông đã viết 2 trio sonata lớn, hình thức mà Couperin đã du nhập vào Pháp từ Corelli. Trio sonata đầu tiên, Le Parnasse, ou L’Apothéose de Corelli (Núi Parnassus hay Corelli thần thánh) là tác phẩm được ông tri ân Corelli, xuất bản vào năm 1724. Trio sonata thứ hai, L’Apothéose de Lully (Lully thần thánh) là để ông vinh danh và bày tỏ lòng kính trọng đối với Jean-Baptiste Lully, xuất bản một năm sau đó. Cả hai trio sonata này được Couperin kết hợp nhuần nhuyễn phong cách Pháp và Ý, tinh tế đến nỗi khó có thể tách rời. Cũng trong giai đoạn này, ông còn sáng tác và cho xuất bản một tập 10 bản trio sonata khác, cũng được kết hợp giữa phong cách Pháp và Ý, có tên là “Nouveaux concerts, ou Les goûts réunis” (Những buổi hoà nhạc mới hay Hương vị đoàn tụ). Với việc sùng bái những hình thức âm nhạc của Ý, Couperin đã từng được miêu tả như một người “phục vụ tận tuỵ của nước Ý”. Bản thân Couperin lại không quá để ý đến điều này. Ông nhận xét ráo hoảnh: “Phong cách Ý và Pháp đã có chung một nền âm nhạc cộng hòa ở Pháp từ lâu. Đối với bản thân tôi, tôi luôn đánh giá cao những điều đáng được trân trọng nhất, bất kể nhà soạn nhạc hay quốc gia”.
Hai vợ chồng Couperin có 4 người con, nhưng chỉ có hai người con gái còn sống sau khi trưởng thành. Một người trong số đó, Marguerite-Antoinette, kế thừa vị trí biểu diễn harpsichord tại triều đình vào năm 1730. Ông qua đời tại Paris vào ngày 11/9/1733, thọ 64 tuổi. Ngày nay, căn nhà mà gia đình ông sống từ năm 1724 vẫn được lưu giữ.
Mặc dù Couperin dường như chưa bao giờ đi xa Paris, nhưng trong cuộc đời mình, ông đã được công nhận là một nhà soạn nhạc lớn, trên hết là nhờ các tác phẩm dành cho harpsichord, phổ biến trên toàn châu Âu và có ảnh hưởng to lớn không chỉ đối với những người Pháp đồng hương mà còn đối với cả các nhà soạn nhạc Đức, trong đó có Bach vĩ đại. Thật đáng tiếc khi rất nhiều bản thảo chưa xuất bản của ông được để lại cho gia đình đã bị thất lạc khiến chúng ta ngày nay không thể nhận thức hết được tầm vóc của ông. Tuy nhiên với những gì ông để lại, chúng ta có thể thấy được sự phong phú về ý tưởng, phạm vi biểu đạt và mối quan hệ tương tác giữa Couperin và nền văn hoá mà các tác phẩm của ông được hình thành. Âm nhạc dành cho harpsichord của Couperin có một vị thế vô song ở Pháp vào thời kỳ đầu thế kỷ 18. Đồng thời, nó là một bằng chứng mãnh liệt biểu lộ những gì tinh hoa nhất trong nghệ thuật của ông. Couperin là một nhà soạn nhạc đầy chất thơ. Các tác phẩm của ông có vẻ gợi tả rất lớn, tính vũ khúc cao, mang trong mình hình thức thừa hưởng từ nước Ý với vẻ duyên dáng đặc trưng của nước Pháp. Couperin là người tin tưởng vào khả năng của âm nhạc thể hiện sự xung đột giữa những đam mê cá nhân và sự tự chủ.
Ảnh hưởng của Couperin
Những nhà soạn nhạc thế hệ sau cũng hết sức ngưỡng mộ Couperin. Johannes Brahms thường xuyên biểu diễn những tác phẩm của ông và tham gia vào việc xuất bản ấn bản Pieces de clavecin đầu tiên vào năm 1880. Ravel đã sáng tác tác phẩm Le Tombeau de Couperin (Lăng mộ của Couperin), một tổ khúc dành cho piano độc tấu (năm 1914-1917) và phiên bản dàn nhạc (1919) để tưởng nhớ tới ông. Nhiều tác phẩm âm nhạc của Debussy và Erik Satie có hình bóng của Couperin. Và theo đúng truyền thống của gia đình, hậu thế của dòng họ Couperin tiếp tục hoạt động âm nhạc và gắn bó với hoàng gia cũng như nhà thờ St Gervais cho mãi đến cuộc Cách mạng Pháp và triều đại này lụi tàn vào thế kỷ 19.
(Nguồn: nhaccodien.info)