Fanny Mendelssohn (Fanny Hensel) sinh ngày 14/11/1805, là con cả của Abraham Mendelssohn (1776-1835) và Lea Salomon (1777-1842). Nhà Mendelssohn còn có 3 người con khác nữa là Felix (1809-1847), Rebecca (1811-1858) và Paul (1812-1874). Họ nội và ngoại của gia đình theo phả hệ đều là gốc Do Thái. Ông Abraham Mendelssohn là con trai của Moses Mendelssohn (1729-1786), một nhà tri thức và triết học nổi tiếng người Do Thái còn bà Lea xuất thân từ dòng họ Bankers giàu có. Người Do Thái vào thời điểm đó bị coi thường và đa phần bị xếp ngang hàng với người da đen, ngay cả những người nắm trong tay khối tài sản kếch xù vẫn chỉ là “kẻ bên ngoài” đối với tầng lớp thượng lưu của xã hội Đức. Thật đau buồn, có nhiều người đã phải từ bỏ văn hoá và đức tin Do Thái của mình nếu họ muốn được thừa nhận trong bầu không khí bài Do Thái vào thế kỷ XIX ở châu Âu. Abraham và Lea Mendelssohn đã cải đạo sang đạo Tin Lành vào năm 1822, đồng thời lấy họ mới là Bartholdy.
Abraham sáng lập ra một ngân hàng mang tên “Mendelssohn Brothers and Company” vào năm Fanny chào đời. Những năm tuổi thơ của Fanny bị san sẻ giữa Hamburg, Berlin và Paris, tuỳ vào yêu cầu của công việc. Một điều nghịch lý rằng, mặc dù làm nghề kinh doanh, ông Abraham luôn dạy các con phải biết trân trọng nghệ thuật, âm nhạc, học thức và đạo đức hơn tất cả, kể cả việc kiếm tiền. Cuộc sống của bọn trẻ được tập trung vào việc học tập cật lực không ngừng nghỉ và không có một thời điểm nào trong ngày bị lãng phí trong cuộc kiếm tìm tri thức cùng hiểu biết nghệ thuật. Ngay từ khi bắt đầu Fanny và Felix đã nổi tiếng là những đứa trẻ thần đồng. Hai đứa trẻ dường như không thể tách nhau ra được, chia sẻ cùng nhau không chỉ tình chị em ruột thịt mà còn cả tài năng thiên phú về âm nhạc. Cả cha và mẹ đều hết mình trong việc dạy dỗ và rèn luyện các con mình, họ chỉ thuê những gia sư giỏi nhất. Khi ở Paris, Fanny và Felix đã học piano cùng Marie Bigot (1786-1820), một người bạn thân của Beethoven. Năm 1818, Carl Friedrich Zelter (1758-1832), người sau này là giám đốc của hội âm nhạc nổi tiếng Berlin Singakademie, được chọn để dạy họ sáng tác, trong khi nhà triết học Karl Hayse (1797-1855) được chọn để dạy các môn phổ thông. Vào năm 1820 bộ đôi bắt đầu học các bài học piano cùng với Ludwig Berger (1777-1839). Berger là người sở hữu những kỹ năng tuyệt hảo có được qua những bài học cùng Clementi. Berger và Zelter là những người thầy giỏi, họ đã truyền cho bọn trẻ những kiến thức vững vàng về âm nhạc của J.S. Bach, Mozart và Beethoven. Những di sản âm nhạc này đã trở thành nền tảng cho thị hiếu âm nhạc cùng phong cách soạn nhạc của Fanny và Felix.
1.Đứa trẻ thần đồng
Ngay từ khi còn rất nhỏ Fanny đã tỏ ra là một tài năng xuất chúng trong cả biểu diễn và sáng tạo, khi bà chào đời mẹ bà đã nhận thấy rằng những ngón tay nhỏ bé của bà “rất hợp để chơi những khúc fugue của Bach”. Lời tiên đoán này đã thành sự thực vào tuổi 13, khi bà chơi theo trí nhớ tất cả 24 tác phẩm trong tập Well-Tempered Clavier (Bình quân luật) số 1 của Bach. Sáng tác đầu tiên được biết đến là một bài hát có tên Ihr Töne, schwingt euch frölich! (Những bài hát, hãy vui sướng bay đi nào!) mà Fanny viết làm quà tặng cho ngày sinh nhật của cha bà vào năm 1819. Vào thời điểm này Fanny là trung tâm của mọi sự chú ý trong tất cả những cuộc tụ họp âm nhạc, kỹ năng của bà làm lu mờ tất cả những đứa trẻ khác, kể cả Felix.
2.Ngã ba đường
Ở tuổi 15 việc học tập của Fanny cùng Zelter đã đem lại những thành quả dưới dạng một số lượng lớn các tác phẩm thành thục hơn. Vào giữa năm 1820-1821 bà viết 38 bài hát, 11 tác phẩm piano, 4 bản chuyển soạn từ hợp xướng cho 4 giọng, 1 hợp xướng và nhiều aria. Tuy nhiên những năm tháng cống hiến bản thân mình cho âm nhạc của bà cũng đã đi tới hồi kết. Giống với Felix, bà cảm nhận được một tiếng gọi rõ ràng thúc giục bà cống hiến cuộc đời mình cho âm nhạc, tuy nhiên việc bà được quyền nghe theo trái tim mình là điều không tưởng. Mặc cho thực tế rằng bà đã thể hiện được một khả năng tuyệt vời và đã được động viên bằng một sự giáo dục vững vàng cùng nhiều sự khích lệ, rõ ràng rằng sự dạy dỗ mà Fanny nhận được chỉ để chuẩn bị cho bà đóng một vai nội trợ là người vợ và người mẹ. Âm nhạc chỉ là một phương tiện để tạo cho Fanny một sở thích hay thú vui nhỏ sau khi những trách nhiệm nội trợ đã hoàn tất. Việc bà sẽ không bao giờ được phép hoàn thiện khả năng quả là một thử thách tàn nhẫn và một trải nghiệm tiêu cực. Đáng buồn rằng, điều này lại quá phổ biến đối với những người phụ nữ trung lưu thời đó. Áp lực mà Fanny phải đối mặt thể hiện rõ trong một lá thư bà gửi cha mình năm 1820: “Có lẽ âm nhạc sẽ là nghề nghiệp chính của cậu ấy [Felix] trong khi với cha nó có thể và chắc hẳn chỉ là một thứ đồ trang trí chứ không bao giờ là phòng tuyến trọng yếu cho sự sinh tồn cũng như những hoạt động của cha.”
Dấn thân vào sự nghiệp nghệ sĩ, ngay cả với những người đàn ông thuộc tầng lớp trung lưu, cũng bị coi là phù phiếm nhất, thậm chí tệ hơn, là mất phẩm giá. Chú của Felix, Jacob Bartholdy, tổng kết quan điểm của thời mình khi ông nghe rằng Felix được cho phép trở thành một nghệ sĩ: “Một nghệ sĩ chuyên nghiệp ư – tôi không thể nhét cái đó vào đầu được. Đó không phải một nghề, không phải một cuộc sống, cũng chẳng phải mục đích gì; người ta chẳng tiến bộ hơn khi ở cuối so với lúc khởi điểm, và người nào mà hiểu về nó; trên thực tế, người đó tốt nhất là nên bỏ nó ngay từ đầu.”
Đối với Fanny thậm chí còn không thể nghĩ tới việc theo đuổi bất cứ nghề nào, nữa là một nghề có dính dáng tới âm nhạc.
Sự khác biệt trong đường đời giữa Felix và Fanny được thể hiện rõ nét vào năm 1821. Trong năm này Felix, khi đó mới 12 tuổi, được Zelter đưa tới gặp thi sỹ nổi danh người Đức Goethe. Goethe đồng ý rằng cậu bé có tài năng thực sự và sự tán thành này đã đảm bảo cho Felix một vé thông hành êm thấm vào thế giới âm nhạc chuyên nghiệp. Fanny, ngược lại, gặp người chồng tương lai của bà Wilhelm Hensel. Vào thời điểm đó Hensel là một Hofmaler (hoạ sỹ của triều đình), ông đã bị từ chối khi hỏi cưới Fanny, không phải bởi Fanny, mà bởi mẹ bà. Hensel kiếm được một công việc ở học viện mỹ thuật tại Rome năm 1820. Trong suốt 5 năm ông vắng mặt, 2 người thậm chí không được phép giao thiệp thư từ. Fanny cuối cùng cũng gặp Goethe vào năm 1822, khi cả gia đình chuyển tới Thuỵ Sỹ. Goethe đã rất ấn tượng bởi tài năng âm nhạc của Fanny và đã miêu tả bà là “người chị có tài năng ngang bằng” với Felix.3. Nghịch lý trong xuất bản.
Mặc dù rõ ràng là Fanny không bao giờ có thể được phép cống hiến bản thân cho việc soạn nhạc hay biểu diễn, bên cạnh Felix, bà vẫn tiếp tục học piano với nghệ sỹ piano nổi tiếng Ignaz Moscheles, khi ông sống tại Berlin năm 1824. Felix lúc này bắt đầu giang rộng đôi cánh âm nhạc của mình. Ông xuất bản một số tác phẩm trong đó có cả lieder Opus 8 và 9 của mình. Mỗi một bộ tác phẩm này đều có 3 bài hát do Fanny viết (Das Heimweh Op.8 no.2, Italien Op.8 no.3, Suleika and Hatem Op.8 no.12, Sehnsucht Op.9 no.7, Verlust (bị thất lạc) Op.9 no.10, Die Nonne Op.9 no.12). Không thể nghĩ tới việc Fanny mong được tự dàn xếp để xuất bản tác phẩm dưới tên chính mình. Việc xuất bản tác phẩm dưới tên bà sẽ bị coi là một lời tuyên bố về ý định trở thành một nhà soạn nhạc có tiếng, vì điều này rõ ràng là không thể được chấp nhận, giấu tên là cách hợp lý nhất. Sự tình cờ này dường như là một kết luận về việc Fanny sẽ sống cuộc sống âm nhạc như thế nào – thông qua đại diện, qua Felix. Felix tới Paris năm 1825 để mở rộng sự học tập cũng như những mối quan hệ về âm nhạc. Mối ràng buộc giữa người em trai và chị gái không hề bị yếu đi bởi sự chia rẽ, họ viết thư cho nhau hàng ngày và chơi những trò chơi âm nhạc, gửi cho nhau những nhạc phẩm dở để hoàn thiện. Paris lúc đó được coi là kinh đô âm nhạc của thế giới, Fanny rất mong ước được tới đó, thay vì phải qua những lá thư của Felix mới có thể được trải nghiệm thế giới. Năm 1825 nhà Mendelssohn chuyển tới một căn biệt thự ở Berlin tại địa chỉ số 3 Leipziger Strasse. Dinh thự này là cả một tập hợp khổng lồ những toà nhà với rất nhiều phòng, sân cùng hàng loạt nhà cho khách và một công viên. Trong những năm tháng trưởng thành của Fanny, căn nhà này vừa là một chốn cư trú xinh đẹp, vừa là nhà tù.
4.Hôn nhân
Do vậy, Fanny đã cưới Hensel năm 1829. Sau khi kết hôn, mối quan hệ giữa Fanny và gia đình mình không hề thay đổi và bà vẫn tiếp tục sống trong những căn phòng thuộc quyền mình trong tòa nhà cùa gia đình cho tới khi qua đời. Ngoài ra, mối ràng buộc đặc biệt giữa chị em bà không hề thay đổi bởi thân phận mới của bà. Sự gần gũi của họ được thể hiện rõ trong một lá thư Fanny viết cho Felix vào buổi sáng ngày cưới của bà: “Chị đang ngắm nhìn chân dung em trước mặt, và thậm chí đang nhắc đi nhắc lại tên gọi thân thương của em, và nghĩ về em như thể em đang đứng ngay bên chị, chị khóc!… Mỗi buổi sáng và mỗi thời khắc trong cuộc đời chị sẽ luôn yêu thương em từ tận sâu trong trái tim mình, và chị chắc chắn rằng điều đó hoàn toàn không phải là chị làm một điều gì có lỗi với Hensel.”
Đúng như Fanny đã lo ngại, những trách nhiệm gia đình mới đã làm ngắt quãng công việc sáng tác của bà. Năm 1830 bà sinh người con duy nhất của mình, Sebastian Ludwig Felix, đặt theo tên của những nhà soạn nhạc yêu thích của bà, Bach, Beethoven và em trai bà. Có bằng chứng cho thấy một số lần mang thai sau của bà đều bị sẩy thai và điều này đã làm bà yếu đi và suy nhược cả về mặt thể chất cũng như tinh thần. Trong suốt thời gian này mẹ của Fanny và chồng bà là những nguồn động viên lớn nhất để bà tiếp tục công việc sáng tác của mình, nhưng chỉ Felix mới có thể đem lại cho bà sự đảm bảo chắc chắn mà bà cần. Nhưng đáng buồn rằng, không có một sự đảm bảo nào như thế tới cả. Ông đã không thể thực sự hiểu tại sao Fanny còn cần tới âm nhạc khi bà nay đã là một người mẹ. Khi Fanny viết thư cho Felix bày tỏ mối quan ngại của mình về việc bà cảm thấy cạn kiệt động cơ sáng tạo, ông đã trả lời: “…Chị không thể trông đợi một người như em cầu chúc cho chị những ý tưởng âm nhạc, chị quá tham lam khi phàn nàn về sự thiếu vắng chúng; per bacco, nếu như chị thực sự muốn, chị đã có thể soạn nhạc […] và nếu chị không muốn, thì tại sao chị lại than vãn quá nhiều như vậy? Nếu em mà có một đứa con để mà cưng chiều, em cũng chẳng muốn viết nhạc nữa […] thằng bé còn chưa được 6 tháng tuổi mà chị đã thích nghĩ tới những thứ khác hơn là Sebastian (không phải nói tới Bach) rồi. Hãy vui vẻ vì chị đã có con bên mình, âm nhạc chỉ vắng bóng khi nó không ở đúng chỗ của nó mà thôi […]”
Trong trạng thái tình cảm như vậy Fanny trở nên vô cùng chán nản với âm nhạc của mình, ngoài ra cuộc sống thường nhật ở Berlin giữa những năm 1832-1833 cũng trở nên thật sự ảm đạm. Một trận dịch tả đã cướp đi sinh mạng của 13 người bạn thân thích, những người bạn nghệ sĩ và thành viên trong gia đình. Bản thân Fanny cũng mắc bệnh nhưng đã hồi phục lại được.
5.Truyền thống âm nhạc ngày chủ nhật (Sonntagmusik)
Mặc cho những lần thử thách và trở ngại sáng tạo tạm thời đó, Fanny quyết định rằng nếu bà muốn tiếp tục phát triển thành một nghệ sĩ, bà cần phải tạo được môi trường âm nhạc riêng để có thể kích thích được tài năng của mình. Vào thời gian đó âm nhạc ở Berlin tập trung quanh 2 dàn nhạc, Nhà hát opera Berlin và Dàn nhạc nhà thờ Hoàng gia, nhưng việc tổ chức những sự kiện và các buổi hoà nhạc thì còn lộn xộn. Để vực lại sự thiếu thốn trong đời sống âm nhạc, Fanny quyết định khôi phục lại những buổi hòa nhạc salon vào các buổi sáng chủ nhật, được biết tới dưới tên gọi Sonntagmusik đã từng được mẹ bà đứng ra tổ chức.
Những buổi hoà nhạc, được trình diễn tại nhà, đã từng luôn là một phần không tách rời của sinh hoạt gia đình đối với những đứa trẻ nhà Mendelssohn. Salon gia đình đã là nơi gặp mặt mà cả Fanny và Felix thu lượm những kinh nghiệm đầu tiên của việc chơi nhạc cùng một dàn nhạc. Nếu Fanny không thể bước ra ngoài thế giới để trải nghiệm việc sáng tạo âm nhạc, bà sẽ mang thế giới âm nhạc về nhà mình. May mắn thay, điều kiện gia đình Mendelssohn có thể cho phép tổ chức được những buổi hoà nhạc tương đối lớn, thường với sự có mặt của hơn 100 người. Những nghệ sỹ trình diễn là một tập hợp của cả những người nghiệp dư lẫn những người chuyên nghiệp được thuê, những buổi hoà nhạc có tiêu chuẩn cao và tuân theo một hệ thống trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa dàn nhạc, đội hợp xướng và người diễn đơn. Fanny đã có thể chỉ huy dàn nhạc cùng dàn hợp xướng, bà còn độc diễn piano và giới thiệu những tác phẩm của riêng mình. Bà giờ đã có những phương tiện để trình diễn âm nhạc của mình và có những thính giả trân trọng nó. Sự khuyến khích từ âm nhạc đã truyền cho Fanny nguồn cảm hứng bà cần và bà lại có thể tiếp tục sáng tác. Giữa những năm 1831-1832 bà viết 4 cantata trong số đó có Lobgesang, Hiob và Oratorio. Tất cả những tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác đã được trình diễn tại salon Sonntagmusik.
Mặc cho những thắng lợi âm nhạc của bà, rõ ràng rằng Fanny cảm thấy chúng chỉ là trống rỗng khi đem so sánh với thành tựu của em trai bà, người mà danh tiếng đã vang dội khắp châu Âu. Thế giới âm nhạc tự tạo của Fanny cũng không thể thay thế được đời sống âm nhạc chuyên nghiệp, đi khắp châu Âu, trải nghiệm đời sống âm nhạc ở Luân Đôn, Vienna và Paris, tạo dựng liên hệ với tất cả những nghệ sĩ giỏi nhất. Không ngạc nhiên rằng bà đã trải qua những lần chán nản và không thể sáng tác được gì. Một trong số những lần đó là vào năm 1834 sau khi bà hoàn thành một tứ tấu đàn dây giọng Đô trưởng. Sự kém tự tin của Fanny vào khả năng của mình là rõ ràng và bà vô cùng thiếu những nghệ sĩ giỏi để giúp phê bình tác phẩm của mình. Năm 1836 bà đã giãi bày cùng bạn mình là Klingeman: “Khi một người không bao giờ nhận được những chỉ trích hay những góp ý thiện chí, người đó cuối cùng sẽ mất khả năng phê phán cần thiết để phê bình một tác phẩm, cùng lúc cũng sẽ mất đi mong muốn sáng tác. Felix, người có thể dễ dàng đóng vai trò thính giả cho mình, lại chỉ có thể duyệt lại cho mình một cách sơ sài bởi tụi mình hiếm khi ở bên nhau. Vì thế mình chẳng biết cô đơn hơn hay bớt đi cùng âm nhạc của mình nữa.”
6. Felix Mendelssohn: con dấu phản đối
Chồng của Fanny vẫn tiếp tục khuyến khích các salon Sonntagmusik của bà nhưng ông cũng hiểu rằng để có được sự chú ý từ giới phê bình mà bà ao ước, bà phái xuất bản tác phẩm dưới tên của chính mình. Dù có những ý định tốt nhưng Hensel không phải một nghệ sĩ và như mọi khi thì ý kiến duy nhất quan trọng là của người em trai ưu tú của bà. Trong một lá thư gửi Felix năm 1836 Fanny đã tuyên bố: “Về việc xuất bản của chị […] Cảm xúc của chị khá là trung lập về việc này, nhưng Hensel rất muốn điều đó còn em lại phản đối. Trong bất cứ vấn đề gì khác chị sẽ đương nhiên đồng tình vô điều kiện với mong muốn của chồng chị, nhưng riêng trường hợp này sự tán thành của em quá đỗi quan trọng với chị, vì không có nó chị sẽ chẳng đảm bảo kiểu gì được.”
Thật khó mà tin được là những cảm xúc riêng của Fanny về vấn đề này lại là trung lập. Các xử sự thông thường chỉ ra rằng phụ nữ thường nhún nhường trong mọi thứ; xử sự không quyết đoán, thiếu tự tin của phụ nữ đơn giản là một sự phổ biến trong xã hội. Sự thiếu tự tin của Fanny có lẽ bị Felix hiểu nhầm thành sự thiếu thốn một sự bảo đảm. Ông liên tục nhắc cho Fanny rằng trở thành một nhà soạn nhạc lớn không nên là mục tiêu chính yếu của bà: “Nếu em không hoàn toàn thích 2 hay 3 tác phẩm kế tiếp nhiều như những tác phẩm khác chị đã viết,thì điều này cũng không phải là căn nguyên quan trọng cho việc chị hiện giờ sáng tác ít hơn trước […] từ giờ trở đi chị sẽ phải nghĩ về nhiều thứ khác bên cạnh việc sáng tác ra những lieder hay. Và chắc chắn là mọi việc sẽ tốt hơn theo hướng như vậy.”
Trong số hàng trăm bài hát và nhiều tác phẩm khác do Fanny soạn cho tới thời điểm này chỉ có duy nhất bài hát Die Schiffende được xuất bản vào năm 1837, là một phần của 1 tập lieder viết bởi nhiều tác giả vô danh. Bài hát được đón nhận rất tốt, sự kiện này đã được ghi nhận bởi Felix nhưng ông vẫn giữ quan điểm phản đối việc xuất bản các tác phẩm của Fanny cho tới tận khi bà mất.
Fanny tiếp tục tổ chức các salon và chúng đã trở thành trung tâm của đời sống âm nhạc Berlin. Bên cạnh công việc sáng tác của mình, Fanny còn nổi danh là một nghệ sỹ piano xuất sắc trong nhóm bạn lúc đó, dù sao thì việc bà nên lưu diễn châu Âu để kiếm tiền cũng không đặt thành vấn đề. Thân phận và địa vị của bà đồng nghĩa rằng việc làm việc kiếm tiền là không được nghĩ tới, đó vừa là vấn đề địa vị vừa là vấn đề nguyên tắc. Thực tế là một nhà phê bình của tờ báo âm nhạc Anh The Athenaeum đã tuyên bố: “Nếu Frau Hensel là con gái của một người nghèo, cô đã có thể nổi danh toàn thế giới, bên cạnh Frau Schumann và Madame Pleyel, như là một nữ nghệ sỹ piano đẳng cấp cao nhất.”
Có lẽ do được khích lệ bởi thành công của những buổi hoà nhạc tại nhà, Fanny đã có buổi công diễn duy nhất của cuộc đời mình năm 1838, chơi bản concerto Son thứ của Felix. Sự kiện đó là một buổi hoà nhạc được thực hiện bởi những người nghiệp dư để quyên tiền cho người nghèo. Chỉ dưới che chở của việc quyên góp nhân đạo như vậy mà một người phụ nữ với địa vị như Fanny mới được chấp thuận đóng góp bằng việc chơi nhạc trước công chúng.
7.Chuyển đi tới Italy: Sự sáng tạo hồi sinh
Giữa năm 1839-1840 Fanny có cơ hội đi du lịch, cùng chồng và con mình, tới Italy nơi bà gặp Gounod, Berlioz và Massenet. Tất cả đều bị ấn tượng bởi sự thông minh và tài năng âm nhạc của bà. Sự kính phục từ những người đáng kính đó đảm bảo rằng cuộc phiêu lưu ra thế giới bên ngoài của Fanny đã đem lại cho bà sự gia tăng lòng tự tin cần thiết. Khi trở về Berlin, tràn ngập cảm hứng từ chuyến đi, bà bắt đầu sáng tác một loạt 12 tiểu phẩm cho piano, Das Jahr (Năm), với mỗi tiểu phẩm được đặt tên theo một tháng trong năm. Những buổi hoà nhạc chủ nhật được tiếp tục với thành công lớn.
Đến năm 1846 Fanny làm việc một cách kiên định với sáng tác của mình. Vào thời điểm này bà đã trở nên thân thiết với Robert von Keudell (1824-1903), một tài năng âm nhạc và một người được đào tạo tốt. Ông tham dự các buổi hoà nhạc chủ nhật và dần dần trở thành khách mời thường nhật tới gia đình Hensel. Fanny nhận được đề nghị từ 2 nhà xuất bản (Bote und Bock và Schlesinger) về việc xuất bản các tác phẩm của bà. Keudell thuyết phục Fanny chấp thuận những đề nghị đó và giới thiệu các tác phẩm của bà với thế giới. Rõ ràng rằng sự khích lệ từ một người khác ngoài chồng hay mẹ mình đã giúp Fanny tự tin đề cập vấn đề với Felix: “Vì chị biết trước rằng em sẽ không hài lòng, chị sẽ đi thẳng vào vấn đề khó xử này. Cứ cười nhạo chị, nếu em thích, nhưng ở vào tuổi 40 chị đã e sợ em trai mình hệt như e sợ cha mình trước kia khi chị ở tuổi 14… Một lời ngắn gọi là chị sẽ bắt đầu xuất bản các tác phẩm.”
Mất 1 tháng sau Felix mới trả lời lá thư của Fanny, tuy nhiên cuối cùng ông cũng đã gửi “lời chúc phúc về mặt chuyên môn đối với quyết định của chị tham gia vào phường hội của chúng em”. Fanny giãi bày trong nhật ký của mình rằng trong lòng mình bà biết Felix không thích tình huống đó, nhưng cuối cùng ông cũng đã có được “một lời lẽ động viên”.
Do đó, giữa năm 1846-47 một vài bản nhạc của Fanny đã được xuất bản. Các tác phẩm bao gồm Sechs Lieder, Op. 1 (1846); Vier Lieder für das Pianoforte, Op. 2 (1846) và một vài Gartenlieder (thể loại ca khúc vườn) như Sechs Gesänge für Sopran, Alto Tenor und Bass, Opus 3 (1847) đều được Bote und Bock xuất bản. Ngoài ra còn có Six melodies for Piano (6 giai điệu cho Piano) chia làm 2 tập, Opus 4 (1-3) và Opus 5 (4-6) (1847). Được cổ vũ bởi những thành công của mình Fanny cảm thấy đủ tự tin để quay lại soạn những tác phẩm quy mô lớn hơn. Vào mùa hè bà bắt đầu làm việc với tác phẩm Tam tấu giọng Rê thứ cho piano, violin và cello. Tác phẩm được diễn mở màn một mùa diễn mới của các buổi hoà nhạc chủ nhật và đã được ca tụng là một thành công lớn.
Cuối cùng Fanny cũng đã có được động lực và trở nên được biết tới như một nhà soạn nhạc. Việc xuất bản các tác phẩm của bà đồng nghĩa với việc chúng sẽ được xem xét, tán dương hay chỉ trích, chỉ từ những sự chú ý phê bình đó một nhà soạn nhạc mới có thể thực sự trưởng thành. Đau xót thay, thành công cùng sự tự tin mới tìm được này thật ngắn ngủi. Vào thứ Sáu ngày 14 tháng 5 năm 1847, Fanny đang diễn tập cho một buổi hoà nhạc chủ nhật thường lệ thì bà bị ốm (nhiều khả năng là bị đột qụy). Bà mất tối hôm đó. Felix vô cùng suy sụp trước tin này và đã mất ngày 4 tháng 11 cùng năm. Ông được chôn cất cạnh Fanny ở Berlin.
8.Nền tảng: Nghệ thuật, Chính trị cùng sự phát triển của các salon
Trong những tòa nhà rộng lớn của tầng lớp thượng lưu và trung lưu, salon được phân biệt là một phòng xây nhỏ hơn và thu hút. Chính tại những căn phòng thân mật này, thể chế salon đã được nữ hầu tước Rambouillet (1588-1665) thiết lập ở Paris vào đầu những năm 1600. Trong các phòng salon của mình, nữ hầu tước bắt đầu dồn lại thành nơi mà phụ nữ và nam giới có thể gặp gỡ và chia sẻ những cuộc nói chuyện dí dỏm, nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca và chính trị, tất cả được phát biểu tự do mà không phải chịu sự hà khắc và áp lực từ triều đình. Điều này đã trở thành lối thoát rất cần thiết đối với nhiều phụ nữ thông minh và tài năng bị giam hãm trong nhà, khao khát tri thức và sự khuyến khích nghệ thuật. Tại Pháp những phụ nữ tổ chức các salon như thế được biết đến dưới tên gọi salonière. Một salonière khéo léo có thể thu hút giới tinh hoa chính trị và nghệ thuật tới nhà mình. Mặc dù các salon này mang tới những cơ hội mới và một vài ảnh hưởng tới phụ nữ, chúng cũng còn nơi những người đàn ông giàu có và quyền lực tới để mưu mô chuyện ngoại tình. Thực tế rằng đàn ông và phụ nữ tự do gặp gỡ thường xuyên dễ dẫn tới những mối quan hệ kém thuần khiết. Một vài salonière nổi tiếng, như nữ hầu tước Rambouillet, đã tránh điều gièm pha vấy bẩn danh tiếng của mình bằng việc sống độc thân.
Từ nửa sau của thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX các salon như thế nở rộ ở tất cả các thành phố lớn của châu Âu, chủ yếu ở Luân Đôn, Vienna, Rome, Copenhagen và Berlin. Salon là nơi mà những ý tưởng mới, triết lý mới, văn học và âm nhạc có thể được giới thiệu mà không phải lo sợ bị ngược đãi. Nội dung chính của mỗi salon thay đổi tuỳ vào thị hiếu của người phụ nữ tổ chức nó, một vài người thích chơi bài, khiêu vũ và chuyện trò, hơn là âm nhạc, nghệ thuật và chính trị. Những salon còn có thể có những tính chất khác nhau, một số phụ nữ có tiếng trong việc “nắm giữ triều chính”, trong khi những người khác hướng nhiều về gia đình hơn.
Khi Fanny Mendelssohn tổ chức lại những buổi hoà nhạc sáng chủ nhật, bà đã tiếp nối một truyền thống dài lâu của gia đình. Ông của Fanny, Moses Mendelssohn, đã từng là nhân vật trung tâm của phòng trào Khai sáng Berlin, ông là một người lỗi lạc đã đấu tranh cho những quyền lợi dân sự và quyền bình đẳng của người Do Thái. Ông nổi tiếng về việc mở một salon “nhà mở” nơi những người Do Thái và Cơ đốc, đàn ông và phụ nữ, diễn viên, tác giả và nghệ sỹ hoà trộn không phân biệt. Những salon của Berlin, phần lớn được tổ chức bởi những gia đình Do Thái, rất nổi tiếng về việc sáng tác âm nhạc và giữa những năm 1858-1848 những người phụ nữ như Amalia Beer (mẹ của nhà soạn nhạc Giacomo Meyerbeer và nhà thơ Michael Beer), Elisabeth von Staegemann, Lea Mendelssohn Bartholdy và về sau là Fanny Mendelssohn, đã là trung tâm đời sống âm nhạc của thành phố.
Fanny Mendelssohn, giống như nhiều salonière trước bà, đã thu hút một đội ngũ tinh hoa tri thức và nghệ sỹ trên thế giới tới nhà mình. Những người như nhà khoa học Alexander von Humbolt, nhà triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel, diễn viên Eduard Deurient và nhà văn Jean Paul, là những người khách thường xuyên. Mặc dù các salon mang tới sự tự do mới cho những người phụ nữ vào những năm 1600, sự động viên từ phía bạn bè là không đủ đối với nhiều phụ nữ thế kỷ XIX, những người sẵn đã bị bóp nghẹt bởi cuộc sống đầy những mệnh lệnh từ người khác trong phạm vi gia đình. Florence Nightingale (1820-1910) người đã phải đấu tranh trong nhiều năm để được phép tạo dựng một cuộc sống bên ngoài gia đình, đã tóm tắt những cảm xúc của nhiều phụ nữ khi bà oán thán năm 1851: “Tôi là gì mà cuộc sống của họ [những người phụ nữ khác] lại là không đủ đối với tôi? Lạy Chúa tôi là gì?…Tại sao hỡi đức Chúa tôi lại không thể hài lòng với cuộc sống làm hài lòng rất nhiều người như vậy? Tôi được người ta bảo rằng những buổi trò chuyện của những người đàn ông thông minh như thế với tôi hẳn phải là đủ rồi. Vậy tại sao tôi vẫn khao khát, tuyệt vọng, héo hon vì chúng?”
(Nguồn: nhaccodien.info)
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với mình:
Facebook
Youtube
Tiktok
Instagram