Trang chủ
Ý nghĩa nhân bản trong ca khúc “Về Đây Nghe Em” (A Khuê & Trần Quang Lộc) – Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Trong số hàng chục ngàn bài hát được sáng tác trước 1975, bài Về Đây Nghe Em của nhạc sĩ Trần Quang Lộc (phổ thơ A Khuê) có nhiều nét khác biệt, có phần hiện đại, nên có nhiều khán giả vẫn tưởng đây là 1 bài sáng tác sau 1975:
Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the
đi guốc mộc…
Nguyên tác của bài hát là bài thơ cùng tên của nhà thơ A Khuê trong tập thơ Vàng Bay xuất bản năm 1970. Sau này nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã phổ nhạc nhưng lại quên… đề tên của tác giả bài thơ – vốn rất thân thiết với ông trong những ngày bầu bạn rong chơi với nhau ở Đà Nẵng.
Thái Thanh – Ý Lan – Quỳnh Hương hát Về Đây Nghe Em
Dưới đây là nguyên tác bài thơ Về Đây Nghe Em của A Khuê:
Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Về đây gọi tiếng xưa…
Về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Hận thù người lắng xuống
Tìm nhau như tìm xót xa…
Này hồn ơi lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời
Cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương
Ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Về đây nghe nhau thở dài trong đêm!
Về đây nghe em!
Cùng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn mình vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin kiếp
Tạ ơn hoang phế gặp nhau…
Vì vốn là bài thơ, nên lời ca của bài Về Đây Nghe Em rất đẹp, lấp lánh những chuỗi ngôn ngữ mới, hiện đại nhưng ý tứ gợi lòng hoài niệm thiết tha về một miền quê hương mộc mạc chân tình mà chúng ta ai cũng có.
Áo the guốc mộc là y phục cổ truyền của dân tộc, tác giả nhắc đến những ngày xưa khi khi mà “Áo dài khuy bấm em làm khổ anh”. Ở thời gian khi tác giả viết bài này vào cuối thập niên 60, áo the thì thi thoảng còn mặc trong các dịp lễ hội, còn guốc mộc thì còn đang thịnh thời cho phụ nữ, nhất là các nữ sinh, mỗi buổi tan trường, các cô đã gõ đôi guốc mộc xuống lề đường làm xôn xao biết bao nhiêu chàng trai, để sau này tiếng guốc mộc mãi âm vọng về một thời “Ngày xưa Hoàng Thị”.
Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Về đây gọi tiếng xưa…
“Lời ca dao”, “hạt lúa mới”, “nồi ngô khoai” là những hình ảnh đã thuộc về những kỷ niệm ngày xưa. Những hình ảnh êm đềm chỉ còn ở trong tâm tưởng của những người con ly hương. Bài thơ/bài hát mời gọi người về quê cũ để nghe lại những hương thơm đồng nội, để kể lại chuyện tình mình bằng sợi khói lam chiều lờ lững trên chái bếp tranh nghèo, bằng hạt lúa mới gặt lên từ cánh đồng thơm nắng hay bằng ánh lửa bập bùng từ nồi ngô khoai trong buổi chiều giá lạnh mùa đông. Tất cả hình ảnh ấy chúng ta sẽ nghe lại trong tiếng xưa thương nhớ vỡ bờ:
Về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Hận thù người lắng xuống
Tìm nhau như tìm xót xa…
Trở về để sau những ngày tháng du ca trên đường trần thế, mình lại mỉm cười chào nhau như hạt sương mai long lánh đầu ngày, cùng ước mơ “hận thù người lắng xuống” để tình người mãi yêu thương nhân ái với nhau. Về đây nghe em để “tìm nhau như tìm xót xa trong lúc lệ đã đầy vơi” khi thân phận của con người trong cuộc đời này vốn dĩ buồn nhiều hơn vui.
Khi những gọi lệ đầy vơi kia đã lắng xuống vực sâu, thì ánh sáng yêu thương sẽ tràn dâng chan hòa cho khắp tha nhân. Ánh sáng tình yêu kia không còn chỉ riêng cho đôi tình nhân nữa, mà là soi rọi cho khắp nhân loại. Đây là khổ thơ chính yếu của bài thơ, mang thông điệp đến với tất cả mọi người, hãy yêu thương nhau trước khi trở thành “hạt bụi” xa rời kiếp tạm trú nơi cõi trần gian.
Này hồn ơi lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời
Cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương
Ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Về đây nghe nhau thở dài trong đêm…
“Hồn ơi lên cao lên cao…” là thông điệp mà tác giả muốn gởi đến những toan tính lợi danh, hơn thua hèn kém. Thịt xương này khi ngã xuống thì cũng chỉ là một mớ cát bụi mê man tủi hờn, không thể mang theo khi xa rời chốn trần gian này được. Chỉ có tâm hồn đẹp, tràn ngập yêu thương mới soi rọi được ánh sáng hân hoan khắp tinh cầu, và đó là điều duy nhất ý nghĩa còn lại sau cùng. Tình yêu thương mới là sự vĩnh cửu.
“Về đây nghe nhau thở dài trong đêm” có lẽ là nỗi niềm riêng trước những thực tại đau lòng, những giá trị đẹp đang dần bị đánh mất.
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây cùng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn mình vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau
Về lại để cùng khóc với dòng sông quê hương qua bao tang thương dâu bể, vẫn ngọt ngào phù sa bồi đắp tâm hồn những người con xa xứ. Về đây để cùng tắm mát dòng suối yêu thương vĩnh cửu của non nước ngàn năm còn vẳng tiếng ru xa vắng trưa hè thôn dã. Và người quê bao giờ cũng thật thà như củ khoai hạt lúa nhưng tình tình người thì đậm đà chơn chất trường miên.
Và nhạc hoa xin kiếp, tạ ơn hoang phế gặp nhau… là chút lòng riêng cảm tạ của tác giả A Khuê khi cuộc đời đã ban cho thành nhà thơ và nhạc sĩ, thầm lặng sáng tác dâng hiến cho đời những tác phẩm để đời. Và chắc khi A Khuê sáng tác ra bài thơ này, không nghĩ là sau này, bài thơ đã trở thành “nhạc hoa” cho bao người mến mộ.
Bài thơ Về Đây Nghe Em của nhạc sĩ A Khuê với ý thơ ước mơ người người cùng tràn ngập trong ánh sáng hân hoan của tinh cầu yêu thương.
Thời gian còn lại sau này của cuối đời, A Khuê đã dành hết cho sáng tác âm nhạc. Tôi (tác giả bài viết này) đã may mắn nghe được nhiều bài trong nhiều nhạc phẩm của nhạc sĩ. Mỗi lần sáng tác xong, anh hát thử cho tôi nghe như bài Tình Thiên Thu và bài anh đã phổ thơ của tôi: Nhánh Hoa Xưa. Đó là những tháng ngày dừng chân lãng du 10 năm của gã “lùa bò trong sương” trên đất Bình Phước. Và 10 năm sau anh đã rời cõi tạm, sau khi đã để lại cho đời những “Ánh sáng hân hoan”.
Riêng về phần phổ nhạc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc cho bài thơ Về Đây Nghe Em, thời gian sau này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể về hoàn cảnh sáng tác như sau:
“Ngày ấy, tôi mưu sinh ở Sài Gòn, mỗi tối thường đệm đàn ở phòng trà, quán bar giữa giai đoạn cao trào của cuộc chiến. Một chàng trai quê mùa tuổi đôi mươi, nhìn những cô nữ sinh ngày đi học, tối mặc váy ngắn bước vào bar, tim mình nhói lên điều gì đó vừa day dứt, vừa ám ảnh. Trong cảm xúc ấy, tôi phổ nhạc bài thơ của A Khuê thành ca khúc như mời gọi một sự trở về, nhắn nhủ con người hãy giữ gìn vẻ đẹp quê hương”.
Bài hát đã được ca sĩ Elvis Phương hát lần đầu trong băng nhạc Shotguns thập niên 1970:
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi
Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống miên man tủi hờn
Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây đứng khóc trên sông nước này
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và ngặt hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau…
Elvis Phương hát Về Đây Nghe Em trước 1975
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn