Tình đầu mong manh trong ca khúc “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” (lời Việt Nam Lộc) – Kỷ niệm một thời của nữ sinh Trưng Vương

16/01/2025.


Dù nổi tiếng từ trước năm 1975 với vai trò nhạc sĩ nhưng nhạc sĩ Nam Lộc sáng tác không nhiều, và chủ yếu là viết lời Việt cho nhạc ngoại. Chính nhạc sĩ này cũng chia sẻ rằng trước 1975 ông không biết sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời. Đến sau năm 1975, nhờ sự giúp đỡ của nhạc sĩ Huỳnh Anh thì ông mới có thể hoàn thành tác phẩm có thể xem là đầu tay của mình là Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt.

Vì vậy, trong số 14 nhạc phẩm ký tên Nam Lộc (hoặc một bút danh khác của ông là Lệ Thanh) thì có đến hơn một nửa trong đó là nhạc ngoại được nhạc sĩ viết lại lời Việt. Nổi bật nhất là hai nhạc phẩm Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu (nhạc ngoại Tell Laura I Love Her) và bài Mây Lang Thang (nhạc ngoại A Cowboy’s Work is Never Done).

Đặc biệt ca khúc Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, nổi tiếng qua giọng hát Thanh Lan, dù là nhạc ngoại quốc trẻ trung và có phần hoang dã, nhưng lại có ca từ vô cùng thuần Việt khiến người nghe đôi khi nhầm lẫn, tưởng đây là một ca khúc nhạc Việt chứ không biết là nhạc ngoại được chuyển ngữ. Một phần là bởi khác với nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt khác, người viết lại lời thường ít nhiều dùng lại một phần ý tưởng và nội dung của ca khúc cũ, nhưng Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu được viết lời mới hoàn toàn, nội dung ca khúc hoàn toàn khác với nhạc phẩm gốc.


Thanh Lan hát Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu trước 1975

Năm 1960, bài Tell Laura I Love Her đã lọt vào top 10 ca khúc hay nhất nước Mỹ và xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng US Billboard. Ca khúc sau đó được yêu thích và phổ biến ở hàng loạt quốc gia Âu Mỹ khác rồi lan đến Châu Á. Tại Việt Nam, trước khi bản tiếng Việt của Nam Lộc tung ra, bản tiếng Anh do ca sĩ Ray Peterson và nhiều giọng ca nam khác ghi âm cũng đã được yêu thích và phổ biến. Điều đặc biệt là khác với bản tiếng Anh được viết cho các giọng ca nam, bản tiếng Việt của Nam Lộc lại độc quyền cho riêng các giọng ca nữ.


bản gốc Tell Laura I Love Her

Ca khúc Tell Laura I Love Her kể về một cuộc tình mãnh liệt nhưng cũng không kém phần nông nổi, đậm phong cách Mỹ của chàng trai trẻ tên Tommy. Vì muốn có tiền mua hoa, quà và nhẫn cưới cho cô gái tên Laura, Tommy đã liều mình tìm kiếm vận may trong một cuộc đua xe mạo hiểm với giải thưởng lên đến một ngàn đô la.

Laura and Tommy were lovers
He wanted to give her everything
Flowers, presents
And most of all a wedding ring

He saw a sign for a stock car race
A thousand dollar prize it read
He couldn’t get Laura on the phone
So to her mother Tommy said:

“Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura I may be late
I’ve something to do that cannot wait”

Tuy nhiên, vì quá khao khát chiến thắng đến bất chấp tính mạng, chàng trai trẻ đã gặp nạn thảm khốc:

He drove his car to the racing ground
He was the youngest driver there
The crowd roared as they started the race
Round the track they drove at a deadly pace

No-one knows what happened that day
Or how his car over-turned in flames
But as they pulled him from the twisted wreck

Trong cơn hấp hối, người ta nghe thấy chàng cố gượng thì thào những lời trăng trối gửi cho Laura:

With his dying breath they heard him say:

“Tell Laura I love her
Tell Laura I need her
Tell Laura not to cry
My love for her will never die”

Những lời cuối đó của Tommy tạm dịch như sau:

“Hãy nói với Laura rằng tôi yêu cô ấy
Hãy nói với Laura rằng tôi cần cô ấy
Hãy nói với Laura rằng đừng khóc
Tình yêu của tôi dành cho cô ấy không bao giờ chết”

Ca khúc kết thúc bằng hình ảnh cô gái Laura đang một mình ủ rũ trong nhà thờ và cầu nguyện cho người yêu thì bất chợt nghe thấy tiếng khóc của Tommy và những lời cuối của anh gửi đến cho cô.

Now in the chapel where Laura prays
For her Tommy who passed away
It was just for Laura he lived and died
Alone in the chapel she can hear him cry

Dù mang nội dung đậm phong cách Mỹ, một tình yêu vừa mãnh liệt vừa bồng bột nhưng ca khúc lại rất được yêu thích ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam bởi giai điệu lãng mạn và những lời ca day dứt, trầm buồn, đầy xúc động.

Khi chuyển ngữ sang lời Việt, nhạc sĩ Nam Lộc không chọn cách kể lại câu chuyện Âu Mỹ xa lạ mà phóng tác thành một bản nhạc lãng mạn, phiêu lãng với những ca từ và hình ảnh vô cùng gần gũi với người Việt. Tương tự như ca khúc gốc, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu cũng nói về mối tình của những người trẻ nhưng khác với sự phóng khoáng, mãnh liệt, có phần liều lĩnh, bất chấp kiểu Âu Mỹ, tình yêu của những người trẻ ở đây dù nồng nàn, đắm say vẫn luôn có sự kín đáo, thâm trầm và sâu lắng kiểu Á Đông. Và bối cảnh của câu chuyện tình Á Đông ấy cũng vô cùng thân thuộc với người Việt nhiều thế hệ tại Sài Gòn trước năm 1975. Đó là Trường Nữ Trung Học Trưng Vương, được thành lập năm 1954 tại trung tâm Sài Gòn (gần Thảo Cầm Viên). Theo lời chia sẻ của nhạc sĩ, tựa đề ca khúc thực chất cũng được ông lấy ý tưởng từ tên của một tờ đặc san của trường Trưng Vương do các nữ sinh thực hiện vào đầu thập niên 1970.

Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh

Khởi đầu ca khúc là hình ảnh trong trẻo của những nữ sinh chưa từng biết đến tình yêu thực sự: “tim em chưa nghe rung qua một lần”, “môi em chưa hôn ai thật gần”,.. Tất cả chỉ là những xuyến xao “mong manh” và “ngơ ngác rơi nhanh”, không đọng lại gì.

Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy
Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày
Những ngày đợi chờ người qua trong mơ
Trong mắt ngây thơ, trong nắng vu vơ

Nhưng rồi mùa thu chợt đến với gió heo may với “bóng cây lạnh đầy” báo hiệu sự chuyển biến lạ lùng trong tâm hồn nàng thiếu nữ. Lời ca chầm chậm trôi đẩy cô gái mới lớn về phía tình yêu, để một ngày cô biết nhớ nhung, biết đợi chờ vu vơ bằng thứ tình yêu đầu đời “ngây thơ”, trong sáng.


Ngọc Lan hát Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Nhớ khói bay lạc vấn vương
Cho hơi ấm lên môi người
Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường
Làn mây yêu thương
Vướng trong hồn em…

Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết, khi đặt lời Việt cho ca khúc này, ông tưởng tượng về một chuyện tình của nữ sinh Trưng Vương, ngồi trong lớp học mà nghĩ rằng người yêu đang chờ mình trước cổng trường. Nàng mơ mộng rằng khói thuốc của chàng ở bên dưới sẽ thổi lên thành làn sương mờ ảo, bay lạc vấn vương bên khung cửa lớp, vướng vào trong tâm hồn trinh nguyên của người thiếu nữ.

Người mang cho em nghe
Quen môi hôn ngọt mềm
Tình cho tim em
Rung những đêm lạnh lùng

Từng chiều cùng người
Về trong cơn mưa bay
Nghe thương nhớ tràn đầy
Lên đôi mắt thật gầy


Lệ Hằng hát Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Tình yêu tuổi học trò, tình yêu đầu bao giờ cũng vậy dù ngập ngừng, ngây thơ nhưng xen kẽ trong đó là những khoảng khắc choáng ngợp, ngây ngất, mê ảo, vương vấn lạ kỳ để rồi dù có đi qua hết cả cuộc đời tình yêu đó vẫn sẽ vương lại những dư hương ngọt ngào, không hề phôi phai:

Trưng Vương hôm nay
Mây vẫn giăng đầy trời
Công viên năm xưa
Hoa vẫn rơi tuyệt vời 

Trường nữ sinh Trưng Vương nằm trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vẫn nổi tiếng với những hàng me xanh mát từng che bóng cho những bước chân sóng đôi của nam sinh Võ Trường Toản và nữ sinh Trưng Vương, nay đã buồn hiu hắt, run rẩy trong cơn gió thu lạnh lùng, khi chuyện tình dần xa lấp vào trong quên lãng:

Bóng người thì mịt mùng
Từng hàng me run run
Trong cơn gió lạnh lùng
Trong nắng ngại ngùng

Nắng vẫn vương nhẹ gót chân
Trưng Vương vắng xa anh dần
Mùa thu đã qua một lần
Chợt nghe bâng khuâng
Lá rơi đầy sân…

Cái hay nhất, đặc biệt nhất của Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu là sự uyển chuyển, phiêu lãng của ngôn từ hoà quyện trong những giai điệu lả lướt, tuyệt đẹp khiến người nghe mơ hồ đi lạc vào những cảm xúc hồn nhiên xa xưa trong ký ức.

Trước năm 1975, Thanh Lan là nữ ca sĩ trình bày Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu thành công nhất. Chất giọng khoẻ khoắn và có phần phiêu lãng của Thanh Lan được nhiều người yêu thích. Sau này, có thêm nhiều giọng ca khác thể hiện lại ca khúc dù bằng một chất giọng khác nhưng cũng rất thành công. Trong số đó có thể kể đến nữ danh ca Ngọc Lan với chất giọng trong trẻo, mềm mại, nữ tính, và nữ ca sĩ Lệ Hằng với chất giọng đầy đặn tự nhiên, phả chút hoang dã, liêu trai vào lời hát.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn





Theo Nhacxua.vn

Share:

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và câu chuyện tình đẹp đầy trắc trở
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và câu chuyện tình đẹp đầy trắc trở
[ad_1] Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ nhì trong một gia đình có bảy người con. Ông...

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tâm tình về sự nghiệp sáng tác tình ca qua bài phỏng vấn 30 câu
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tâm tình về sự nghiệp sáng tác tình ca qua bài phỏng vấn 30 câu
[ad_1] Trong nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt là tình ca, dòng nhạc Ngô Thụy Miên là một nét đẹp đài các, mang một phong cách rất riêng. Người...

Câu chúc Tết đỉnh hơn chữ đỉnh trong Táo Quân 2025
Câu chúc Tết đỉnh hơn chữ đỉnh trong Táo Quân 2025
[ad_1] Mỗi dịp Tết đến xuân về, Táo Quân luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu với hàng triệu khán giả Việt. Năm nay, chương trình Táo...

Con trai ca sĩ Giang Tử hát Chuyến Đi Về Sáng (Mạnh Phát) để tưởng niệm cha
Con trai ca sĩ Giang Tử hát Chuyến Đi Về Sáng (Mạnh Phát) để tưởng niệm cha
[ad_1] Anh Nguyễn Lê Trương Đông là con trai đầu, cũng là người con trai duy nhất của cố ca sĩ Giang Tử. Trước đây anh đi hát với tên...

Trường Giang: HIEUTHUHAI là ca sĩ – rapper đẹp trai ngoan hiền nhất Việt Nam
Trường Giang: HIEUTHUHAI là ca sĩ – rapper đẹp trai ngoan hiền nhất Việt Nam
[ad_1] Mới đây, Trường Giang đã chia sẻ 2 bức hình với ngoại hình mới lạ và nhanh chóng nhận về lượng tương tác khủng. Khác với hình ảnh giản...

Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”
Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”
[ad_1] “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời...

Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ca sĩ Bảo Yến và dòng nhạc Gò Công của một thời
Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ca sĩ Bảo Yến và dòng nhạc Gò Công của một thời
[ad_1] Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, người ta thường nhớ đến ca khúc quen thuộc Hoa Sứ Nhà Nàng trước 1975 đã được phổ biến sâu rộng từ thành...

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Tuấn Ngọc – Một “tượng đài” của dòng nhạc tình ca
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Tuấn Ngọc – Một “tượng đài” của dòng nhạc tình ca
[ad_1] Tuấn Ngọc được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình hải ngoại sau năm 1975 cho đến nay. Ông sở...

Nghệ thuật viết lời Việt cho nhạc ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy qua ca khúc Chuyện Tình (Love Story)
Nghệ thuật viết lời Việt cho nhạc ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy qua ca khúc Chuyện Tình (Love Story)
[ad_1] Với những người không biết tiếng Anh – như tôi hồi xưa khi học cấp 2 và 3 ban Pháp văn – thì những bài hát nhạc ngoại dịch...

Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Ông giám đốc hào phóng của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam
Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Ông giám đốc hào phóng của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam
[ad_1] Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc  nhạc vàng như Đổi Thay, Thương Về Quán Trọ, Mùa Ve...