Thanh Vũ – Giọng hát tưởng chừng như đã bị lãng quên

14/01/2025.


Trong nền tân nhạc Việt Nam trải dài hơn 80 năm, đã có biết bao nhiêu giọng ca, biết bao ca sĩ và nhạc sĩ đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán thính giả qua nhiều thế hệ. Để rồi cho dù là người vẫn còn hay đã mất thì tên tuổi của họ vẫn còn được nhắc nhở và được ghi nhớ hoài trong lòng khán giả. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều tên tuổi tài danh đã có những đóng góp không hề nhỏ cho nền âm nhạc – nghệ thuật, nhưng vì biến loạn, vùi dập của thời cuộc, họ đã bị khuất lấp trong quên lãng suốt một thời gian dài. Thời gian qua đi, những thế hệ về sau chẳng còn ai nhớ đến, hoặc thậm chí biết đến.

Một trong những người như vậy là nam ca sĩ Thanh Vũ.

Ca sĩ Thanh Vũ từng góp mặt và từng đem giọng ca dâng hiến cho khán thính giả, cho nền tân nhạc ở miền Nam vào thời điểm sôi động nhất thời kỳ thập niên 1960. Giọng ca của ông đã xuất hiện trên làn sóng phát thanh, trong ban Tiếng Tơ Đồng của cố nhạc sĩ Hoàng Trọng, ban Tiếng Nhạc Tâm Tình của danh ca Anh Ngọc, ban Tiếng Hát Đôi Mươi của ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và sau đó là trên làn sóng vô tuyến truyền hình của Đài THVN9. Ông cũng từng song ca với những ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền,…

Ngoài ra, ít người biết rằng Thanh Vũ còn có sáng tác nhạc, là tác giả những ca khúc Tâm Sự Đời Tôi, Tình Yêu Đầu Đời, Đôi Lời Tâm Sự, Lời Thề Trên Đá…

Người viết cũng còn non tuổi, sinh sau đẻ muộn, có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết đến ông nếu như không có Internet, mạng xã hội, nơi những bản thâu, những ca khúc ông từ trước 1975 được chia sẻ, nhưng với số lượng còn hạn chế. Tuy ít ỏi, nhưng những bài hát, với tiếng ca chắc nịch, đầy nam tính nghe rất sang của ca sĩ Thanh Vũ, đã là động lực thôi thúc người viết gõ lên những dòng này.

Ban nhạc “Tiếng Tơ Đồng” của Hoàng Trọng – nơi giọng ca Thanh Vũ từng góp mặt

Theo thông tin ít ỏi ghi nhận được, Thanh Vũ tên thật là Vũ Văn Mậu, sinh năm 1935 tại Hải Phòng.  Sau 1975, ông ở lại Việt Nam. Một người hàng xóm của Thanh Vũ cho chúng tôi biết ông và gia đình cư ngụ ở cư xá Thanh Đa từ năm 1978 đến 1985 sau đó chuyển về cư xá Điện Lực ở Bình Thạnh. Thanh Vũ có 3 người con, con gái đầu tên Thanh Hằng, kế đến là Phương Hạnh và một người con trai tên là Duy. Ông đã qua đời năm 1996 vì đột quỵ, hiện vợ ông đã định cư ở Hoa Kỳ.

Ảnh: Đạt Cận

Ngay sau đây, hãy cùng nghe qua, cùng thưởng thức một giọng ca tưởng như đã bị lãng quên, qua những bài hát mà theo cá nhân người viết, gây nhiều ấn tượng nhất, đáng nhớ, lưu luyến nhất. Đồng thời, ta cũng cùng phân tích cả những cái hay, cái đẹp trong nội dung của của ca khúc.

Cô Hàng Cà Phê (Sáng tác: Canh Thân)

Đúng như cố ca sĩ Quỳnh Giao từng nhận xét, giọng ca Thanh Vũ thời gian mới bắt đầu sự nghiệp (giữa thập niên 1960) cũng mang chất “trượng phu” giống như ca sĩ Anh Ngọc, cứng cỏi và xa xăm, khác so với những năm sau đó, vì vậy mà ông đã truyền tải trọn vẹn được những cảm xúc đa dạng trong ca khúc “Cô Hàng Cà Phê”:


Thanh Vũ hát Cô Hàng Cà Phê trước 1975

Ở chợ Dầu có hàng cà-phê,
Có một cô nàng be bé xinh xinh.
Cô hay cười hồn xuân phơi-phới,
Cứ xem dáng ngươì mới chừng đôi mươi.

Làn thu ba cô liếc nghiêng thành,
Mùi hương lan thơm ngát vương bên mình.
Làm say mê bao gã thiếu-niên đa tình,
Mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô.

Đây là một bài hát của dòng nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Canh Thân. Lời ca, giai điệu bài hát rất trau chuốt, hoa mỹ, bóng bẩy, vừa mang âm hưởng nhạc dân ca Bắc Việt, vừa mang giai điệu nhịp nhàng, lôi cuốn đến mê mẩn của điệu Rumba, là giai điệu còn khá mới mẻ đối với thập niên 1950.

Mở đầu bài hát là lời hồi tưởng về chợ Dầu, về hàng cà phê với cô chủ “be bé xinh xinh”, “hồn xuân phơi phới” ở tuổi mới đôi mươi. Chợ Dầu là một địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khi khói lửa của cuộc chiến Đông Dương lan đến những đô thị lớn ở miền Bắc, người dân Hà Nội, Hải Phòng… đều phải tản cư ở những vùng quê. Chợ Dầu là nơi nhạc sĩ Canh Thân đã tìm về để tránh cơn binh lửa, và là bối cảnh của bài hát Cô Hàng Cà Phê.

Ca sĩ Thanh Vũ đã mở đầu bài hát với lời ca dìu dặt, tựa như một điệu hò, như ngâm những lời thơ thật da diết. Đó là lời tâm sự, chầm chậm, như người lữ khách tì tay lên trán mà hồi tưởng lại hình bóng giai nhân mình từng thầm thương trộm nhớ, trong một đêm tâm sự nơi quán vắng dừng chân. Lời tự sự cho một câu chuyện buồn, nên cung điệu cũng chẳng lấy gì vui. Cung Mi thứ, với lời ca buồn man mác. Người lắng nghe những lời tâm sự đó, chính là khán thính giả, là bất kỳ ai. Một bài nhạc được viết nên, được hát lên, tựa như những xúc cảm bị cất kín một khi đã nói ra, là để cho muôn người được nghe thấy và cảm nhận, chứ đâu giữ cho riêng ai.

Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Cho hay cái sắc khuynh thành,
Làm cho nhiều chàng chết mê mệt.

Đi đâu cũng ghé qua hàng,
Mong trông thấy bóng cô nàng,
Thì trong lòng chàng mới yên.

Hôm nao dưới bóng ánh trăng mờ,
Tôi mơ ngắm cánh tay ngà
Nhẹ nâng ly trà ướp sen ngạt ngào,

Trông cô rón rén ra vào,
Đôi môi thắm cánh hoa đào,
Lòng tôi rạt rào muốn xiêu.

Trái ngược hoàn toàn với phần tự thuật chầm chậm, trầm buồn tự như thơ ngâm ở trên, phân đoạn này lại được hát theo cung Trưởng (Mi trưởng, đối nghịch hoàn toàn với cung Mi thứ lời trên). Giai điệu cũng sang một thái cực khác – từ âm hưởng chầm chậm bước qua điệu Rumba mê hồn – một thái cực khác hẳn. Lòng người lữ khách nghệ sĩ sống lại cái cảm giác ngất ngây, say đắm của phút mới tương tư người con gái quán nước. Giai điệu lúc này cũng đổi sang nét vui tươi, diễn tả đúng cái tâm trạng người mới yêu, dù chỉ là yêu đơn phương, và giọng ca Thanh Vũ cũng hòa theo mạch xúc cảm của bài hát. Từ tâm trạng u buồn, chất chứa ưu tư mở đầu câu chuyện, giọng ông vút cao, tạm cất đi sự cứng cỏi, xa xăm, mà chuyển thành lời ca bay bổng, lâng lâng.

Hình ảnh người khách xiêu xiêu sóng tình, mê mẩn tưởng tới đôi môi thắm cánh hoa đào, bên ly trà ướp sen ngào ngạt, dưới bóng trăng mờ mờ vương mấy ánh mây mỏng manh. Những hình ảnh không phải được vẽ bằng cọ vẽ, không nhìn thấy được. Nhưng người ta vẫn cảm nhận được, từng nhịp bồi hồi hơi nghèn nghẹn trong tim, chính là nhờ làn hơi phong phú mà giọng ca Thanh Vũ đã thổi vào bài nhạc. Không phải chỉ riêng có một người mang cảm xúc đó, mà sắc khuynh thành của cô hàng nước còn khiến nhiều chàng trai “chết mê mệt”, làm “say mê bao gã thiếu niên đa tình” khác nữa.

Một chàng trai dáng người hiên ngang
Đến từ phương nào trong gió đông sang
Khách bên đường vì cô lưu luyến
Đã bao tháng trường ước được nên duyên

Chàng yêu cô vô bến vô bờ
Mà sao cô, cô vẫn cứ hững hờ
Buồn cho anh yêu quá hóa như điên rồ
Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma

Từ đoạn hát này, lời ca và cả giai điệu đột ngột đổi từ giọng điệu trào phúng, “đưa đẩy”, sang giọng điệu trữ tình, chầm chậm, suy tư. Nếu trước đó, chàng nhạc sĩ chỉ nhìn mấy anh nho nhỏ, mấy cậu thiếu niên vây quanh mỹ nhân bằng nửa con mắt và có phần giễu cợt, thì với vị “khách” mới tới lại là một thái độ nể trọng và ngưỡng mộ hoàn toàn khác biệt, không chỉ vì ngoại hình, vóc dáng, phong thái của chàng ta mà còn bởi tình yêu của chàng ta dành cho cô hàng cà phê. Đó là thứ tình yêu sâu sắc, yêu vô bờ bến, yêu đến bơ phờ, điên dại, kiên trì và thuỷ chung dù cô gái cứ mãi “hững hờ”.

Vô duyên cái túi không tiền
Anh mua chuốc lấy ưu phiền
Rồi đến một ngày ốm la liệt
Không sao lê bước đến hàng

Anh mong bóng dáng cô nàng
Hiện đến dịu dàng với anh
Thương thay lữ khách bên đường
Cô mang thuốc đến cho chàng

Ngờ đâu con người trước bao hiên ngang
Lim dim khóe mắt hoe vàng
Anh đi sắp đến thiên đàng
Vừa lúc cô hàng biết yêu…

Lời tâm sự của người nghệ sĩ cứ đi theo một vòng lặp, với những cung bậc cảm xúc thăng-trầm, đổi ngôi liên tục, và giọng ca của Thanh Vũ cũng nương theo những cảm xúc đó.

Đến cuối cùng, câu chuyện tình yêu trong bài hát đã có kết thúc có hậu, cô hàng cà phê xiêu lòng trước tấm chân tình của chàng lữ khách, anh đi sắp tới thiên đàng thìn cô nàng cũng đã biết yêu và kịp mang thuốc đến cứu chàng ta khỏi cơn bạo bệnh vì tương tư, thất tình.

Có nhiều nguồn thông tin cho rằng, “cô hàng cà phê” ở đây là Thái Hằng, vợ của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Từ khoảng giữa thập niên 1940, gia đình Thái Hằng cũng rời Hà Nội đi tản cư. Bà cũng mở một hàng nước, cũng có nhiều văn nghệ sĩ đa tình ghé quán, say mê cô hàng nước. Kết cục thì ai cũng rõ, chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy là người duy nhất chiến thắng được trái tim cô hàng nước xinh đẹp. Nhưng hàng nước Thái Hằng mở là ở chợ Đại, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), chứ không phải chợ Dầu ở Hà Nam. Trong hồi ký của mình, nói về những vị khách ghé quán, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không nhắc tới nhạc sĩ Canh Thân.

Nhắc lại về tiếng hát của Thanh Vũ trong bài hát Cô Hàng Cà Phê, nam ca sĩ đã truyền tải một cách chân thực, trọn vẹn cái cảm xúc mà tác giả gửi gắm trong từng lời ca, nốt nhạc. Ông hòa mình theo mạch cảm xúc của người tâm sự trong bài hát, nhanh chóng chuyển đổi, bộc lộ đầy đủ cảm xúc của mỗi phân đoạn. Hát đoạn nào, bộc lộ chất riêng đến đoạn đấy. Một giọng ca cô độc, xa xăm, nhưng vẫn hào hoa, phong nhã.

Đã bao năm qua rồi, chân in mòn khắp chốn, nhưng người lữ khách vẫn mơ về cô hàng nước thuở nao:

Giờ đây đã mấy năm qua,
Có lúc mơ về đường xa,
Tôi nhớ những đêm trăng tà,
Cô hàng với bàn tay ngà.

Đừng Khóc Nghe Em (Sáng tác: Anh Thy)

Bài hát “Đừng Khóc Nghe Em” của cố nhạc sĩ bạc mệnh Anh Thy được sáng tác theo điệu Slow Rock rất thịnh hành của làng nhạc miền Nam thập niên 1960, là những lời âu yếm rất dễ thương, êm ái, với những lời dặn dò trước khi lên đường của người chinh nhân trao cho người yêu của mình ở lại nơi quê nhà. Bản thân nhạc sĩ Anh Thy cũng là một người lính hải quân – thành viên Hải đoàn Xung Phong 32, nên ông rất thấu hiểu hoàn cảnh của những cuộc tình thời ly loạn đó.

Vì nội dung bài hát này không u buồn, cảm xúc không dữ dội, mà thật trìu mến, âu yếm, thủ thỉ nhắn nhủ với người tình, nên giọng ca Thanh Vũ cũng mang một dáng vẻ khác, so với bài hát “Cô Hàng Cà Phê” ở trên: nhẹ nhàng hơn, là lời dỗ dành người yêu nhỏ rất dễ thương, phảng phất chút lãng tử.


Thanh Vũ hát Đừng Khóc Nghe Em trước 1975

Tiếng ca Thanh Vũ cất lên, giữa khi nhịp dương cầm khua nhanh nhưng nhịp vẫn đều đều, dìu dặt – một đặc trưng của tiết điệu Slow Rock, tựa như bước chân đôi tình nhân chầm chậm trên hè phố, giữa đêm khuya ngớt dần những tiếng động, những thanh âm. Ngày mai chàng ra đi, không gian vắng lặng, nhường chỗ cho những cảm xúc dâng trào trong lòng. Đem lòng nhớ nhung, hờn dỗi, buồn tủi vì sẽ phải xa vắng người yêu, cô nàng chẳng thể nói nên lời, chẳng thể phá vỡ sự im lặng. Cái cảm xúc chất chứa ấy, chẳng mấy chốc sẽ thành những giọt lệ lăn dài trên gò má ửng hồng…

Dường như cảm thấy tâm trạng của người tình trong sự thinh lặng, sợ người yêu khóc, chàng bèn dịu dàng khuyên nhủ:

Đừng khóc nghe em nếu tình dang dở
Dù tháng năm dài nhạt phai ước mơ
Dù vầng trăng kia hay héo hon thẫn thờ
Dù anh xa vắng xa mịt mờ
Dù trọn đêm biết bơ vơ

Đừng khóc nghe em nếu lòng mong chờ
Một sớm xuân nồng đẹp thêm ước mơ
Mà ngày trôi qua đêm tiếc thu trời sầu
Thời gian mong xóa tan tình đầu
Và ngày xưa ấy còn đâu

Nếu có đôi lúc nhớ nhớ nhung, mong chờ “một sớm xuân nồng” khi người trai trở về, để ước mơ được đẹp thêm, xin người ở lại cũng đừng khóc. Vì mong chờ nhiều, hy vọng nhiều nhưng thực tế lại diễn ra không như lòng muốn, thì chỉ đau đớn thêm. Ngày trôi qua, đêm lại tới, chỉ thấy cái lạnh của gió heo may mùa thu, sầu não nề, chứ nào thấy được mùa xuân thắm bước sang. Xin em đừng khóc! Giọt này kéo theo giọt kia, biết bao giờ mới ngừng. Nên mong em đừng khóc, đừng nhớ tới phút xưa, vì thời gian nào có lấy lại được.

Tiếng ca của Thanh Vũ ở bài hát này rất êm ái, chầm chậm nồng nàn, tựa như người trai tự tình, thủ thỉ với người yêu, để nhập vào vai người trai chuẩn bị lên đường đi xa. Từng chỗ ngắt câu, từng nhịp lên xuống, đều thể hiện rõ cái cảm xúc bồi hồi, âu yếm của người trai.

Nước mắt sẽ nhạt má đào
Tàn phai ước ao và hoen vai áo
Trăm nghìn sầu đắng ôm kín trái tim sầu
Sẽ làm mình thêm đớn đau.

Phần điệp khúc là lúc cảm xúc của người trai cũng dâng trào theo. Tuy có nâng giọng lên theo mạch cảm xúc của phần điệp khúc, nhưng nam danh ca Thanh Vũ vẫn không đánh mất đi phong cách hào hoa, sang cả, tốc độ hát nhịp nhàng trong giọng ca của ông. Trong 4 câu hát này, người nghe cứ ngỡ như lời trách yêu, đùa giỡn của chàng trai dành cho người tình. Khóc sẽ làm nhợt nhạt gò má đào, “tàn phai ước ao” và nước mắt “hoen vai áo”. Khóc rồi thì có vui lên được không, hay để rồi “tram nghìn sầu đắng” sẽ “ôm kín trái tim sầu”, để cả người nơi tuyến đầu lẫn kẻ ở quê nhà đều đớn đau, đều bồi hồi, mong ngóng?

Đêm chia ly cũng chẳng còn dài, rồi một người sẽ về cô phòng, để người còn lại sửa soạn ra đi. Không còn biết khuyên nhủ, dỗ dành gì hơn nữa, cuối cùng chàng căn dặn lại vài câu:

Hãy để cho người vẫn đẹp môi hồng
Đừng khóc cho lạnh lùng thêm gió đông
Đọng vào hồ thu nước mắt cho thật đầy
Ngày sau em khóc riêng một lần
Là lần em đón người yêu.

Đây là một bài hát trữ tình có lời dễ thương và thơ mộng viết về tình yêu thời lửa loạn, và có thể nói ca sĩ Thanh Vũ cũng đã thể hiện rõ rệt, thành công cảm xúc mà tác giả gửi gắm vào bài hát. Xuyên suốt bài hát, khán giả được thưởng thức một giọng ca rất nam tính, vang vọng, nghe sang cả, nhưng không quá cứng nhắc, gò bó. Giọng ca của ông cũng bay bổng, trìu mến, dịu dàng, không chỉ trong bài hát này, mà các bài hát khác nữa, tuy thời gian về sau có đổi thay phong cách đôi chút, song nam danh ca Thanh Vũ vẫn giữ một chất giọng y như vậy – giọng hát của một lãng tử phong trần.

Đêm Nguyện Cầu (Sáng tác: Lê Minh Bằng)

Bài hát được ra đời vào năm 1966 này đã đánh dấu sự hợp tác chính thức của 3 nhạc sĩ Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng thành một nhóm mang tên Lê Minh Bằng. Dù thời gian trước đó, 3 nhạc sĩ này đã từng hợp tác rất thành công với loạt bài Lan Và Điệp, nhưng chính bài hát Đêm Nguyện Cầu được ký tên Lê Minh Bằng đã đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện cái tên huyền thoại Lê Minh Bằng trong làng nghệ thuật. Bài hát mang ý nghĩa rất sâu sắc, đậm tinh thần ái quốc, thương xót cho hàng triệu người dân hiền lành là nạn nhân của khói binh khốc liệt suốt mấy mươi năm dài. Ca sĩ đầu tiên thâu thanh bài này và phổ biến nó trong dân chúng thông qua làn sóng điện, chính là ca sĩ Thanh Vũ – nhân vật chính của bài viết này.

Bài hát được viết theo tiết điệu Blues, một điệu nhạc mang đặc trưng buồn, tâm sự, gốc gác từ cộng đồng người da màu ở miền Nam nước Mỹ, và rất phổ biến trong âm nhạc thế giới, kể cả miền Nam Việt Nam thập niên 1960. Đó là cầu nguyện chân thật, nghẹn ngào tận đáy cõi lòng của một người lính Quốc gia dâng gửi Thượng. Trong một đêm chắp tay, mắt hướng lên trời, anh kể hết với Thượng Đế những gì anh, và bao con người cùng thế hệ phải chứng kiến – chiến tranh, điêu tàn, tang thương, những tiếng khóc than oán khắp bốn phương trời quê hương. Ca sĩ Thanh Vũ, người đầu tiên thâu bài này, đã để lại ấn tượng khó phai với giọng ca vang vọng, da diết, rền rĩ nhưng không hóa ủy mị. Những đoạn nhấn chữ, nhả chữ, kéo dài hơi của ông rất chuyên nghiệp, thể hiện đúng phong cách “chạm đến tột đỉnh nỗi buồn” của tiết điệu Blues.


Thanh Vũ hát Đêm Nguyện Cầu trước 1975

Cô Lái Đò (Nhạc: Nguyễn Đình Phúc, thơ Nguyễn Bính)

Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ từ bài thơ thời kỳ tiền chiến của thi sĩ Nguyễn Bính. Có thể nói đây là lần đầu tiên hình tượng cô lái đò đi vào trong âm nhạc, để rồi sau đó có thêm nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Đò Chiều, Cô Lái Đò Bến Hạ, Mấy Độ Thu Về…, sau 1975 còn có Trên Dòng Sông Nhỏ, Chiều Mưa Qua Sông, Lý Qua Cầu…

Bài hát Cô Lái Đò được nhiều thế hệ ca sĩ tiên phong của tân nhạc trình bày, thế hệ đầu tiên có danh ca Ái Liên, thế hệ sau đó có Mộc Lan, đến thập niên 1960 thì Thanh Vũ có hát lại trong băng nhạc Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện. Giọng hát của ông trong ca khúc này có được sự điêu luyện không khác những nam danh ca thượng thặng khác của dòng nhạc trữ tình tiền chiến.


Thanh Vũ hát Cô Lái Đò trước 1975

Ngoài ra, Thanh Vũ cũng cho thấy sự đa dạng trong giọng hát của mình, ông không chỉ hát dòng nhạc tình ca, mà còn trình bày những ca khúc đại chúng và song ca với những ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh… Mời các bạn nghe lại sau đây:


Thanh Vũ – Thanh Tuyền hát Đêm Kỷ Niệm

Thanh Vũ – Thanh Tuyền hát Tâm Sự Của Em

Thanh Vũ – Hoàng Oanh hát Vùng Trời Mây Tím

Nhạc sĩ Thanh Vũ

Ít người biết rằng ngoài là ca sĩ, Thanh Vũ còn là nhạc sĩ sáng tác. Cái tên Thanh Vũ đứng tên sáng tác trong các ca khúc Lá Thư Kỷ Niệm, Lời Thề Trên Đá, đặc biệt là những bài ký tên chung Thanh Vũ – Thanh Hằng là Đôi Lời Tâm Sự và Gọi Tên Em Lần Cuối.


Thanh Vũ hát Gọi Tên Em Lần Cuối trước 1975

Giao Linh hát Đôi Lời Tâm Sự trước 1975

Cái tên Thanh Hằng đến nay vẫn còn là một bí ẩn thú vị. Ca khúc nổi tiếng nhất ký với bút danh Thanh Hằng này là Yêu Là Chết Ở Trong Lòng, được biết là 1 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, đã được chính ông đưa vào trong tập 100 Ca Khúc Của Đời Người của mình. Như vậy có thể xem như Thanh Hằng là một bút danh khác của nhạc sĩ Phạm Duy, có thể là được ông ghép từ 2 cái tên Thái Thanh – Thái Hằng, 2 người phụ nữ gắn bó nhất với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Tuy nhiên sự việc không đơn giản chỉ là như vậy.

Có một nhạc vàng phổ thông đại chúng rất nổi tiếng cũng được ký bút danh Thanh Hằng là bài Tâm Sự Đời Tôi, lại được biết đến như là một sáng tác của Thanh Vũ. Cụ thể, trong tờ nhạc phát hành trước 1975 thì tác giả của Tâm Sự Đời Tôi là Thanh Hằng. Nhưng mặt sau của một tờ nhạc khác lại ghi là của Thanh Vũ. Ngoài ra, như đã nói ở trên, con gái đầu của Thanh Vũ tên Thanh Hằng, nên hoàn toàn có khả năng là ông lấy tên con gái để làm bút danh sáng tác.

Xem ở cột thứ 2, ghi rằng Tâm Sự Đời Tôi của Thanh Vũ

Nếu xem xét kỹ, có thể thấy nội dung của 2 bài hát Tâm Sự Đời TôiYêu Là Chết Ở Trong Lòng rất giống nhau.


Mỹ Châu hát tân cổ Tâm Sự Đời Tôi trước 1975

Cái tên Thanh Vũ – Thanh Hằng cũng lại được đứng tên chung trong 2 bài hát Đôi Lời Tâm Sự Gọi Tên Em Lần Cuối.

Những bài hát đứng tên Thanh Vũ hoặc Thanh Hằng sáng tác đó đều được nhóm xuất bản Suối Đàn của nhạc sĩ Phạm Duy phát hành đến công chúng

Hiện nay, cả 2 nhạc sĩ Phạm Duy và Thanh Vũ đều đã không còn, nên không thể nào xác thực được thông tin. Tuy nhiên qua những dữ kiện trên, có thể tạm suy đoán rằng ca – nhạc sĩ Thanh Vũ đã sáng tác một số ca khúc, sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy sửa chữa lại và xuất bản với cái tên Thanh Hằng. Ngoài ra cái tên Thanh Vũ còn đứng tên trong 1 vài ca khúc khác, như Lá Thư Kỷ Niệm, Tình Yêu Đầu Đời, Lời Thề Trên Đá (chung với Hoài Linh), và Giấc Mơ Tuổi Ngọc (chung với Huy Trâm)…

Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn





Theo Nhacxua.vn

Share:

Các bài viết khác:
Trường Giang: HIEUTHUHAI là ca sĩ – rapper đẹp trai ngoan hiền nhất Việt Nam
Trường Giang: HIEUTHUHAI là ca sĩ – rapper đẹp trai ngoan hiền nhất Việt Nam
[ad_1] Mới đây, Trường Giang đã chia sẻ 2 bức hình với ngoại hình mới lạ và nhanh chóng nhận về lượng tương tác khủng. Khác với hình ảnh giản...

Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”
Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”
[ad_1] “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời...

Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ca sĩ Bảo Yến và dòng nhạc Gò Công của một thời
Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ca sĩ Bảo Yến và dòng nhạc Gò Công của một thời
[ad_1] Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, người ta thường nhớ đến ca khúc quen thuộc Hoa Sứ Nhà Nàng trước 1975 đã được phổ biến sâu rộng từ thành...

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Tuấn Ngọc – Một “tượng đài” của dòng nhạc tình ca
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Tuấn Ngọc – Một “tượng đài” của dòng nhạc tình ca
[ad_1] Tuấn Ngọc được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình hải ngoại sau năm 1975 cho đến nay. Ông sở...

Nghệ thuật viết lời Việt cho nhạc ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy qua ca khúc Chuyện Tình (Love Story)
Nghệ thuật viết lời Việt cho nhạc ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy qua ca khúc Chuyện Tình (Love Story)
[ad_1] Với những người không biết tiếng Anh – như tôi hồi xưa khi học cấp 2 và 3 ban Pháp văn – thì những bài hát nhạc ngoại dịch...

Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Ông giám đốc hào phóng của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam
Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Ông giám đốc hào phóng của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam
[ad_1] Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc  nhạc vàng như Đổi Thay, Thương Về Quán Trọ, Mùa Ve...

Selena Gomez bị dọa trục xuất khỏi Mỹ, Justin Bieber liền có động thái cực đáng ngờ
Selena Gomez bị dọa trục xuất khỏi Mỹ, Justin Bieber liền có động thái cực đáng ngờ
[ad_1] Selena Gomez đang là tâm điểm mạng xã hội vì đăng clip khóc thương cho hàng loạt người nhập cư Mexico bị trục xuất khỏi Mỹ theo chính sách...

Bút danh “Hoa Linh Bảo” trong ca khúc “Đổi Thay” là của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo hay là Anh Bằng?
Bút danh “Hoa Linh Bảo” trong ca khúc “Đổi Thay” là của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo hay là Anh Bằng?
[ad_1] Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sử dụng bút danh Hoa Linh Bảo trong các ca khúc nổi tiếng Đổi Thay, Thương Về Quán Trọ và 1 số bài hát...

Diva Hồng Nhung viết tâm thư xúc động ngày cuối năm, cảm ơn các bác sĩ
Diva Hồng Nhung viết tâm thư xúc động ngày cuối năm, cảm ơn các bác sĩ
[ad_1] Nữ ca sĩ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước tình cảm và sự quan tâm của mọi người, coi đây là nguồn động lực quý báu giúp...

Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Mỹ Thể – Tiếng hát lưu luyến của một thuở vàng son
Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Mỹ Thể – Tiếng hát lưu luyến của một thuở vàng son
[ad_1] Xứ Huế là nơi đã sản sinh ra nhiều giọng hát đã trở thành huyền thoại, từ thế hệ thập niên 1940 là danh ca Minh Trang, Minh Diệu,...