Trang chủ
Phố Mùa Đông – Một ca khúc đặc biệt của Dalena
Phố Mùa Đông là một ca khúc đặc biệt, dù không phải là quá quen thuộc với những người yêu nhạc trữ tình, nhưng Phố Mùa Đông luôn nằm trong danh sách những ca khúc trữ tình hay nhất viết về xứ lạnh Đà Lạt:
Phố sương mù, phố chưa lên đèn
Núi quanh đồi nhớ mùa trăng cũ
Từng dốc phố quấn quanh núi đồi
Vẫn đi tìm bóng trăng lẻ loi.
Tháng mưa về, tiếng mưa ru hời
Phố bên đồi đứng chờ em tới
Hồ xanh thẳm trong mưa buồn rơi
Tiếng em cười nói quanh đời tôi.
Một điều đặc biệt hơn mà có thể là không nhiều người biết, tác giả ca khúc Phố Mùa Đông là ca sĩ người Mỹ tóc vàng xinh đẹp Dalena, được cộng đồng người yêu nhạc hải ngoại biết đến rộng rãi vì cô đã thường xuyên xuất hiện trên sân khấu lớn ở hải ngoại vào thập niên 1990-2000.
Dalena hát Eden
Phố Mùa Đông lần đầu ra mắt khán giả vào năm 2004, trong album vol.2 của ca sĩ trẻ Lê Hiếu, và tác giả của bài hát này được ghi trên bìa album lại là Bảo Chấn. Cũng xin nhắc thêm rằng trước đó không lâu, cũng trong năm 2004 đã xảy ra một sự chấn động trong làng nhạc Việt thời bấy giờ, đó là nhạc sĩ Bảo Chấn bị phát hiện rằng bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông là Tình Thôi Xót Xa là “đạo nhạc” từ một bài nhạc Nhật.
Tuy nhiên, với trường hợp bài Phố Mùa Đông thì nhạc sĩ Bảo Chấn chưa bao giờ thừa nhận là của ông sáng tác, mà ông nói rằng chỉ viết lời Việt dựa trên một bài nhạc ngoại mang tên là Eden theo lời yêu cầu của người học trò nhạc ở Mỹ vào năm 2001. Người này đã gửi về nhiều băng nhạc của Hội Thánh Tin Lành, nhờ ông viết lại lời Việt cho cộng đồng tín hữu sử dụng. Lời gốc của bài Eden rất hay nhưng nhạc sĩ Bảo Chấn không quen dùng ca từ tôn giáo nên không dịch được sát nghĩa, nên hỏi lại ý kiến học trò để viết thành một bài “nhạc đời thường”. Khi viết lời cho Eden, ông vẫn tưởng đó là một bài nhạc dân gian Ireland.
Thực ra, Eden nằm trong album thứ 9 – He Loves Me (Ngài Yêu Con) của ca sĩ Dalena phát hành năm 1996, mang tinh thần và lời từ của thể loại nhạc nhà thờ, và cái tên Eden có nghĩa là “vườn địa đàng” – khu vườn được nhắc tới trong Kinh Thánh. Trên bìa album, bài hát Eden được ghi chú thích là “Song of the cherubim” – thánh ca. Tất cả bài hát trong album này (cả nhạc và lời) còn ghi rất cụ thể là hoàn toàn thuộc bản quyền của Dalena.
Khi viết lời Việt cho ca khúc này, nhạc sĩ Bảo Chấn đã chọn một cách tiếp cận khác, gần gũi hơn với công chúng nghe nhạc phổ thông, viết về một nơi chốn thật thân quen với người Việt, đó là xứ sương mù Đà Lạt. Mặc dù trọn vẹn bài hát không có chữ nào nhắc đến thành phố Đà Lạt, nhưng người nghe nhạc dễ dàng thấy được dáng vẻ của phố núi này qua hình ảnh, không gian trong bài hát, đó là núi quanh đồi, dốc phố quấn quanh núi đồi, phố bên đồi, hay là hồ xanh thẳm.
Theo lời nhạc sĩ Quốc Bảo, ca khúc này được Bảo Chấn soạn lời tại một căn villa ở Đà Lạt, trông sang bên kia là Đồi Cù. Trông ra từ ô cửa sổ nhìn ra có thể thấy được chập chùng đồi núi cùng hơi sương mờ phủ những tán thông già.
Bài hát Phố Mùa Đông sau khi được hoàn thành phần lời Việt thì vẫn chỉ nằm trong tập bản thảo chứ không được công bố. Nhạc sĩ Bảo Chấn từng nói rằng sau sự kiện “Tình Thôi Xót Xa” xảy ra vào giữa năm 2004, ông ngưng sáng tác. Tuy nhiên vẫn có nhiều ca sĩ xin các bản thảo cũ để sử dụng, trong đó có Lê Hiếu, và ông đã đưa cho Lê Hiếu một tập bản thảo, và do một “sự nhầm lẫn” nên có cả ca khúc Phố Mùa Đông trong đó.
Sau khi thu âm xong, Lê Hiếu có gửi tiền tác quyền cho nhạc sĩ Bảo Chấn ca khúc này nhưng ông đã không nhận vì cho rằng bản quyền bài hát thuộc về hội Tin Lành ở bên Mỹ. Lúc đó, ông vẫn không biết Eden là ca khúc của Dalena sáng tác, cho đến khi bị cộng đồng phát hiện ra khi album của Lê Hiếu được phát hành trên thị trường vào cuối năm 2004.
Trường hợp Phố Mùa Đông xảy ra sau “sự kiện Tình Thôi Xót Xa” không lâu, một vòng xoáy của chỉ trích càng mạnh hơn bội phần đã trở thành cú đòn thứ 2 làm suy sụp hoàn toàn nhạc sĩ Bảo Chấn, kể từ đó ông sống và làm việc rất lặng thầm cho đến nay, không bao giờ còn xuất hiện một cách chính thức trước công chúng một lần nào nữa.
Trở lại với lời bài hát Phố Mùa Đông, nếu bỏ qua những ồn ào xung quanh bài hát, thì đây là một bài hát hay có lời ca da diết, là một chuyện tình buồn nơi xứ lạnh đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người đã từng để lại những kỷ niệm khó quên ở vùng đất này:
Mai tôi sẽ rời xa núi đồi
Sẽ mang theo hương đêm ngày cũ
Lời tôi hát đồi núi trập trùng
Có đôi khi nhớ thiên đường xưa.
Mai tôi sẽ rời xa kỷ niệm
Sẽ mang theo ánh trăng ngày thơ
Tình em có hằn vết son buồn
Khép đôi môi câu hát vô thường.
Lối em về rẽ ngang phố chợ
Lũ thông già vẫn rì rào nhớ
Vì em đã mang theo ngày thơ
Ánh trăng về giữa đêm mộng mơ.
Lê Hiếu hát Phố Mùa Đông
Giọng hát của Lê Hiếu lúc này chỉ mới 20 tuổi nhưng rất tròn đầy cảm xúc, giọng hát nhẹ nhàng thong dong nhưng đầy cảm xúc, mang theo cả một trời ký ức ùa về.
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)