Trang chủ
Phim Trấn Thành kiếm hàng nghìn tỷ tại Việt Nam, làng nhàng ở quốc tế
Thời điểm hiện tại, Trấn Thành vẫn là đạo diễn Việt ăn khách nhất lịch sử rạp Việt. Chỉ với 4 bộ phim do anh cầm trịch, lần lượt là Bố già, Nhà bà Nữ, Mai và Bộ tứ báo thủ, tổng doanh thu phòng vé trong nước đã lên tới hơn 1.700 tỷ đồng. Thành tích này bỏ xa những nhà làm phim trong nước. Đơn cử, Lý Hải ở vị trí top 2 cũng mới vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng nhờ 7 phần phim Lật mặt.
Vươn ra khỏi thị trường nội địa, các phim của Trấn Thành còn dắt túi thêm một khoản nhờ việc được mang đi chiếu quốc tế. Gần nhất, sau khi gặt hái doanh thu hơn 300 tỷ đồng ở Việt Nam, đạo diễn cùng ê-kíp đã có chiến dịch mang Bộ tứ báo thủ “xuất ngoại”.
Trên trang cá nhân, Trấn Thành thông báo Bộ tứ báo thủ sắp tới sẽ đổ bộ một số cụm rạp tại Mỹ từ ngày 8/3. Tác phẩm được chiếu tại một số thành phố/tiểu bang như Connecticut, Dallas, Nam California và San Jose. Ngoài ra, Trấn Thành cũng tổ chức các buổi premiere (ra mắt phim), kết hợp cùng nhiều nghệ sĩ trong nước giúp thu hút sự chú ý của khán giả hải ngoại.
Thực tế, Mỹ vẫn là miếng bánh béo bở với các phim Việt có ý định “xuất khẩu”. Bởi lẽ, đây là thị trường phim ảnh phát triển hàng đầu thế giới. Mặt khác, Mỹ cũng là quốc gia có số lượng người Việt định cư đông đảo nhất, với hơn 2 triệu người.
Trước Bộ tứ báo thủ, các dự án phim của Trấn Thành như Bố già, Nhà bà Nữ hay Mai cũng đều xuất ngoại sau khi kiếm bội tiền trong nước, thông qua một số nhà phát hành như 3388 Films hay 815 pictures. Năm 2021, Bố già (Dad, I’m Sorry) từng giữ kỷ lục phim Việt có doanh thu cao nhất ở hải ngoại, với 1,3 triệu USD sau 8 tuần ra rạp tại Bắc Mỹ. Ban đầu, phim chỉ được chiếu tại 19 cụm rạp, song sau đó số lượng dần tăng lên tới con số gần 50.
![]() |
Trấn Thành mang phim “xuất ngoại” sau vài tuần chiếu trong nước. |
Tương tự, Nhà bà Nữ (The House of No Man) phát hành Tết 2023, sau khi thu hơn 400 tỷ đồng trên sân nhà cũng bắt đầu vươn ra nước ngoài. Theo thông tin từ ê-kíp, bên cạnh thị trường Mỹ, đứa con tinh thần của Trấn Thành còn được chiếu tại Singapore, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường trung tâm mà tác phẩm nhắm đến. Theo đó, Nhà bà Nữ được phát hành tại 66 cụm rạp tại xứ cờ hoa, nhỉnh hơn số lượng trước đó của Bố già. Sau 1 tuần chiếu, đạo diễn thông báo phim kiếm được hơn 500 nghìn USD.
Năm ngoái, với Mai, ê-kíp của Trấn Thành còn cho thấy tham vọng lớn hơn khi mang phim xuất khẩu tại nhiều thị trường, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Slovakia, Ba Lan và Cộng hòa Czech. Thành tích quốc tế của Mai cũng vì vậy mà nhỉnh hơn 2 dự án tiền nhiệm của Trấn Thành.
Cụ thể tại Bắc Mỹ, doanh thu mở màn của tác phẩm đạt 917 nghìn USD khi chiếu ở 154 cụm rạp. Trong khi tại các thị trường châu Âu, số tiền phim kiếm được vào khoảng 133.000 USD. Hôm 26/3/2024, tờ Deadline đưa tin tổng doanh thu Mai tại hải ngoại đạt hơn 1 triệu USD sau tuần chào sân.
1 tuần sau đó, Trấn Thành tiếp tục gây bất ngờ khi tiết lộ tác phẩm đã dắt túi 2 triệu USD – con số xác lập kỷ lục phim Việt có doanh thu quốc tế cao nhất thời điểm đó.
Thực tế cho thấy doanh thu phim Trấn Thành tại hải ngoại chỉ là “số lẻ” so với thị trường nội địa. Tổng số tiền 3 dự án điện ảnh trước của Trấn Thành dắt túi ở rạp ngoại rơi vào khoảng 4,5 – 5 triệu USD.
Cụ thể, với Bố già, thành tích phòng vé quốc tế 1,3 triệu USD chỉ bằng 10% doanh thu trong nước. Tổng doanh thu quốc tế của Nhà bà Nữ chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng trong ngưỡng 1,5 – 2 triệu USD. Còn với Mai, thành tích 2 triệu USD cũng mới chiếm khoảng 9% doanh thu nội địa.
Thực tế, phim Trấn Thành dễ kiếm hàng trăm tỷ ở sân nhà, nhưng lại khó đạt thành tích cao tại thị trường quốc tế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như sự khác biệt về văn hóa, thẩm mỹ thưởng thức của khán giả cho tới sự khó khăn trong việc deal suất chiếu, chiến dịch quảng bá hay cạnh tranh với phim ngoại…
![]() |
Doanh thu quốc tế của phim Trấn Thành khá mờ nhạt so với thành tích nội địa. |
Bố già, Nhà bà Nữ hay Mai và gần nhất là Bộ tứ báo thủ dễ dàng thu hút sự chú ý của người Việt nhờ cài cắm những vấn đề gần gũi đời sống hàng ngày. Bản thân Trấn Thành cũng khá nhạy cảm với thị hiếu khán giả nội địa, khi tập trung làm phim xoay quanh những chủ đề hút khách. Gần nhất, với Bộ tứ báo thủ, anh còn lắm “chiêu trò” khi cài cắm nhiều lời thoại, cameo hay các hot trend trên mạng xã hội, giúp tác phẩm dễ viral, gây chú ý.
Chưa kể, bản thân cái tên Trấn Thành đã có sức nhận diện lớn. Những chiến lược PR, quảng bá phim rầm rộ cũng góp phần kéo chân một lượng lớn khán giả ra rạp dịp lễ Tết, khi nhu cầu giải trí tăng cao.
Song, những lợi thế trên không còn hiệu quả khi phim ra mắt ở thị trường quốc tế. Sự khác biệt lớn về văn hóa và gu thưởng thức khiến các tác phẩm xuất ngoại thường ít tạo được tiếng vang. Bên cạnh đó, rào cản về ngôn ngữ có thể khiến khán giả quốc tế cảm thấy khó hiểu hoặc thiếu sự kết nối với nội dung phim. Những rắc rối này dẫn tới người xem quốc tế khó đồng cảm với các tình tiết hoặc cài cắm về văn hóa bản địa. Bởi vậy mà nhóm khách hàng mục tiêu (Target Customer) mà những tác phẩm này nhắm tới chủ yếu là người Việt ở hải ngoại.
Bên cạnh đó, dù thành công ở phòng vé trong nước, Bố già, Nhà bà Nữ, Mai hay Bộ tứ báo thủ vẫn gặp nhiều hạn chế về chất lượng nội dung lẫn kỹ thuật làm phim. Đơn cử, theo Variety, Bố già dù có một số điểm sáng trong việc khắc họa tình cảm gia đình, nhưng “có phần cường điệu và hỗn loạn giữa các thể loại chính kịch và hài kịch”, dẫn đến lối kể kém mượt mà. Phim nhận số điểm khá thấp, chỉ 29%, từ giới chuyên gia trên trang đánh giá Rotten Tometoes.
Tương tự, Nhà bà Nữ cũng nhận nhiều phản hồi trái chiều từ người xem quốc tế vì kịch bản nhiều lỗ hổng. Asian Movie Pulse đánh giá Trấn Thành non nớt ở vị trí phía sau máy quay, khi thoại phim sáo rỗng, còn nội dung lại cường điệu nhiều tình tiết cực đoan.
Năm ngoái, với Mai, Trấn Thành đã nhận được một số lời khen về sự tiến bộ trong tay nghề khi kể chuyện về cô gái lỡ thời. Song một lần nữa, nam đạo diễn vẫn mắc lỗi cường điệu khi xây dựng những nhân vật phụ “xấu xa đến mức khó chịu” để làm nổi bật phẩm chất của nữ chính…
![]() |
Kịch bản phim Việt ít tạo được ấn tượng tại quốc tế. |
Thêm vào đó, điện ảnh quốc tế ngày càng có yêu cầu cao về tính sáng tạo và chiều sâu trong cốt truyện, với những thông điệp rõ ràng, mang tính thời sự. Đây còn là hạn chế với phim Việt, khi thiếu đi những kịch bản có thể chinh phục khán giả toàn cầu, mà hầu như chỉ xoay quanh việc “chiều chuộng” những thượng đế nội địa.
Ở khía cạnh khác, Trấn Thành là gương mặt quen thuộc với khán giả Việt, song lại chưa phải cái tên có sức hút ở thị trường nước ngoài. Khi được mang đi “xuất khẩu”, những đứa con tinh thần của nam nghệ sĩ sinh năm 1987 cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với dàn phim ngoại. Bên cạnh đó còn là trở ngại từ việc deal suất chiếu với các cụm rạp, nơi đang ưu tiên những bộ phim Hollywood với ngân sách lớn, lại được đầu tư quảng bá rầm rộ.
Điều này xảy ra không riêng với phim Trấn Thành. Mới đây, ngay cả “siêu bom tấn” Na Tra 2 càn quét các cụm rạp xứ tỷ dân và thu về hàng tỷ USD, song khi ra mắt ở Bắc Mỹ cũng chỉ có số suất chiếu hạn chế. Đã vậy, tác phẩm bị xếp chiếu ở những khung giờ xấu, nên doanh thu mở màn tại Bắc Mỹ chưa đầy 8 triệu USD – con số như muối bỏ bể nếu đặt lên bàn cân với thành tích trên sân nhà.