
Trang chủ
NSƯT Thanh Loan tiết lộ bí mật hậu trường phim ‘Bài ca ra trận’ sau 50 năm
Hơn 50 năm kể từ ngày bộ phim Bài ca ra trận ra mắt và giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 năm 1975, NSƯT Thanh Loan (vai Lê) chia sẻ về tác phẩm điện ảnh bất hủ trong chương trình Cine 7 – Ký ức phim Việt.
Bài ca ra trận của cố đạo diễn NSND Trần Đắc khắc họa câu chuyện của chiến sĩ Nam (Lê Dũng Nhi đóng), người bị mù sau khi bị thương trong chiến đấu và cuộc đấu tranh vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình với sự động viên từ cô y tá Mai (Như Quỳnh) và tình yêu từ Lê đang du học ở nước ngoài. Đây không chỉ là một bộ phim về chiến tranh, mà còn là bài ca về lòng yêu nước, lý tưởng sống cao thượng của thế hệ trẻ những năm 1970.
Từ công văn xin mua vải hoa đến giải Bông sen Bạc
Vai diễn Lê đánh dấu bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp của NSƯT Thanh Loan. Đây là bộ phim thứ 2 sau khi bà đã có kinh nghiệm từ Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Bà kể việc tuyển chọn diễn viên thời đó rất khắt khe. Các đạo diễn và quay phim phải cân nhắc kỹ lưỡng về mặt diễn xuất, kinh nghiệm nghề nghiệp và cả góc độ khuôn hình có phù hợp với nhân vật hay không.
Nhân vật Lê trải qua quá trình chuyển mình từ một cô gái nông thôn học lớp 10 đến khi có cơ hội du học nước ngoài. Sự thay đổi này được thể hiện rõ qua trang phục, từ áo dài truyền thống đến những bộ váy hiện đại. Trong bối cảnh thời kỳ bao cấp, việc chuẩn bị trang phục cũng gặp nhiều khó khăn khi đạo diễn phải làm công văn xin mua vải trong khi chế độ tem phiếu chỉ cho phép mua tối đa 4m vải một năm.
NSƯT Thanh Loan kể về ký ức đóng phim:
Quá trình sản xuất Bài ca ra trận gặp nhiều thử thách do sử dụng phim nhựa và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. NSƯT Thanh Loan chia sẻ hôm nào không có nắng, cả đoàn phim phải chờ đợi, không thể quay được. Thậm chí, có những hôm trời âm u, toàn bộ ê-kíp từ đạo diễn, quay phim đến kỹ xảo ánh sáng đều ra ngoài “ngóng trời ngóng mây”, mong chờ mặt trời ló ra.
Phần lớn cảnh quay được thực hiện tại rừng Cúc Phương hoang vu, trong khi một số cảnh được quay tại trường quay số 4 Thụy Khuê. Đặc biệt ấn tượng là cảnh quay tại làng quê ở Hà Tây với rừng dừa và dòng sông. Cảnh hoàng hôn buổi chiều chỉ diễn ra trong vòng 15-20 phút, buộc đoàn phim phải chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng về bối cảnh và góc độ ánh sáng để tạo ra những thước phim đẹp với chân trời màu tím và dòng sông ánh bạc. Trong cảnh này, Lê ngồi bên dòng sông ngắm sao trời và có đoàn quân đi qua, tạo nên khoảnh khắc đẹp khi những người lính trêu đôi bạn trẻ một cách hồn nhiên.
Cảnh quay tại Đại học Bách khoa cũng để lại ấn tượng đặc biệt khi đạo diễn mời những người da màu và các chị em từng đi học nước ngoài về tham gia, tạo nên không khí sinh động của môi trường du học.
Tình yêu thời chiến qua những lá thư
Bài ca ra trận tập trung vào nỗ lực sống đẹp, sống có ích của những người lính trở về không lành lặn. Bộ phim đã sử dụng nhiều thủ pháp điện ảnh lần đầu xuất hiện trong phim Việt Nam để kể câu chuyện chiến tranh theo cách độc đáo và thơ mộng.
Bộ phim khắc họa mối tình giữa Nam và Lê – tình yêu vượt qua khoảng cách địa lý và thử thách của chiến tranh. Những lá thư tình được trao đổi thể hiện sự trong trẻo, chân thành của tình cảm thời đó.
NSƯT Thanh Loan nhận xét rằng phụ nữ thời đó viết thư kín đáo và tế nhị hơn nhiều so với những gì thể hiện trong phim. Những lời thoại tình cảm như “yêu Nam, nhớ Nam, âu yếm Nam, cảm phục Nam” do đạo diễn và biên kịch viết để thể hiện cách diễn đạt tình cảm của nhân vật trong hoàn cảnh đặc biệt của thời chiến. Thời xưa, đường bưu điện chậm, việc chờ đợi một lá thư có thể kéo dài cả tháng, khiến tình cảm giữa các đôi lứa xa cách trở nên đặc biệt quý giá.
Khán giả viết thư xung phong ra mặt trận
Bài ca ra trận được ra mắt chỉ 1-2 năm trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), tạo nên nguồn cảm hứng to lớn cho tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Theo NSƯT Thanh Loan, khi phim được chiếu tại các trường đại học, trường cấp ba và các đơn vị quân đội, khán giả phản hồi Bài ca ra trận như ngọn lửa thôi thúc họ viết thư xung phong ra mặt trận.
Cảnh cuối phim với niềm vui chiến thắng được lan tỏa tới nước ngoài, các bạn bè quốc tế chúc mừng với tiếng “Viva Viva Việt Nam” đã phản ánh đúng không khí hân hoan của thời điểm lịch sử đó.
Việc đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1975 khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Mặc dù không thể tham dự liên hoan, NSƯT Thanh Loan vẫn rất tự hào khi biết tin phim đoạt giải.
Ảnh, video: VTV