Trang chủ
Những bài tình ca ngọt ngào dành cho tình nhân
Trong dòng nhạc trữ tình sáng tác trước 1975, có rất nhiều bản tình ca đôi lứa, viết về tình yêu tuổi thanh xuân. Dù là nhạc tình ca, nhưng trong đó không phải lúc nào tình yêu cũng được tròn mộng, mà đa số bài hát đều mang nỗi buồn chia ly, khi thì sầu thương nhẹ nhàng, lúc thì đau thương khổ lụy, thậm chí là tuyệt vọng.
Sau đây, xin chọn ra những bài tình ca trong sáng và ngọt ngào, trong đó không hề có nỗi mong chờ buồn tủi hay chia tay đau khổ nào. Toàn bộ bài hát là những lời ca ngợi ái tình, quyến luyến tình nhân, tha thiết với tình yêu tuổi trẻ.
Cỏ Hồng (nhạc sĩ Phạm Duy)
Khoảng năm 1958, nhạc sĩ Phạm Duy trải qua mối tình sâu sắc với một cô gái trẻ tên là Alice, người đã trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất để ông viết nhiều bài tình ca bất hủ. Trong 10 năm yêu nhau, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác rất nhiều bài tình ca để tặng nàng, như Con Đường Tình Ta Đi, Ngày Đó Chúng Mình, Cho Nhau, Tìm Nhau, đặc biệt là Cỏ Hồng, một bài tình ca đắm đuối tràn ngập ái tình của tình nhân khi được ở bên nhau.
Trong bài hát Cỏ Hồng, bối cảnh hò hẹn của đôi tình nhân là đồi cỏ hoang vắng không người qua lại, một vùng “cỏ hoang ngập lối” ở Đà Lạt, xứ sở của tình yêu. Ngập lối đi nhưng không che khuất tầm nhìn. Bởi đồi cỏ hồng ở Đà Lạt, ngọn cỏ thường chỉ cao xâm xấp mắt cá chân, cỏ trải rộng khắp một vùng rộng lớn, xanh mát, giống như một tấm thảm mềm mại. Nơi này rất yên tĩnh, hầu như không có côn trùng làm phiền, là nơi hò hẹn lãng mạn, riêng tư và rất lý tưởng cho những đôi tình nhân. Họ đã cũng nhau chầm chậm tận hưởng, chầm chậm quyện vào nhau trên những nốt nhạc ve vuốt, gợi cảm, tinh tế và diễm lệ.
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi, hẹn với bình minh…
Thái Thanh hát Cỏ Hồng trước 1975
Thương Tình Ca (nhạc sĩ Phạm Duy)
Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1956, một trong những bài tình ca trữ tình lãng mạn nhất của thập niên 1950, vẽ lên hình ảnh một đôi tình nhân nhẹ nhàng dìu nhau, dịu dàng nâng niu từng gót nhẹ. Họ bước trên phố vắng như là đi trong một cõi mộng, có trăng sao mơ màng, nơi mà không gian và thời gian như ngưng đọng hoàn toàn, nơi đó chỉ có 2 người, duy nhất và mãi mãi… Họ dìu nhau đi với gót chân đi rất nhẹ nhàng như là sợ mộng vàng vỡ tan.
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.
Nhịp chân êm êm thánh thót
Đừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Đừng cho không gian đụng thời gian.
Lệ Thu hát Thương Tình Ca trước 1975
Nhạc tình ca của Ngô Thụy Miên và Từ Công Phụng
Dòng nhạc trữ tình Việt Nam từ thập niên 1960 trở về sau đã có sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ mới cùng những tác phẩm đã trở thành bất tử. Đại diện cho thế hệ này là bộ 5 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, và trẻ nhất là Ngô Thuỵ Miên.
5 nhạc sĩ này cùng sáng tác thể loại tình ca, nhưng mỗi người đều sở hữu những cá tính âm nhạc riêng biệt, nếu so với trước đó và cả sau này thì đều không ai trùng lặp với ai. Trong số 5 nhạc sĩ thì có 2 nhạc sĩ hiếm hoi đã dành cả cuộc đời chỉ để sáng tác những bài tình ca lãng mạn, đó là Từ Công Phụng và Ngô Thuỵ Miên.
Trả lời câu hỏi tại sao không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cho biết:
“Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi”.
Nhạc tình ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mang được nét đặc trưng, ca ngợi tình yêu lứa đôi và quyến luyến của tuổi thanh xuân, nếu có nỗi buồn chia ly thì nỗi buồn đó cũng thật nhẹ nhàng, không bi lụy. Trong khoảng 30-40 ca khúc nổi tiếng trong sự nghiệp, không phải ca khúc nào của Ngô Thụy Miên cũng có tình yêu trọn vẹn, mà thường là vương nỗi sầu man mác, như Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Từ Giọng Hát Em, Giọt Nước Mắt Ngà, Dấu Tình Sầu… Tuy nhiên có 2 ca khúc Ngô Thụy Miên không có nỗi mong chờ buồn tủi nào, chỉ có sự tinh khôi tuyệt đối: Mùa Thu Cho Em và Tuổi Mười Ba.
Tuổi Mười Ba (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa)
Với bài Tuổi Mười Ba được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa, dù không nhắc đến một tình yêu đúng nghĩa, vì cô gái được nhắc đến còn rất nhỏ tuổi, nhưng nội dung của toàn bộ bài hát là tình cảm rất thuần khiết của chàng trai dành cho cô thiếu nữ còn măng tơ, vẫn còn tinh nghịch, vô tư và thoáng một chút kiêu kỳ:
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím
Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu…
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu
Thái Thanh hát Tuổi Mười Ba trước 1975
Mùa Thu Cho Em (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)
Ca khúc thứ 2 được nhắc đến của Ngô Thụy Miên trong bài viết này là Mùa Thu Cho Em. Trong tân nhạc Việt Nam, có rất nhiều bài hát viết về mùa thu, nhưng hầu hết là ca khúc buồn. Mùa thu của Văn Cao là nỗi buồn trong Buồn Tàn Thu, nỗi cô liêu trong Thu Cô Liêu. Mùa thu của Đặng Thế Phong càng sầu thảm hơn với Vạn Cổ Sầu (Giọt Mưa Thu), mùa thu của Đoàn Chuẩn là những nỗi niềm tự sự: “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”, còn nhạc sĩ Phạm Duy thì chỉ có Mùa Thu Chết. Nhưng ngược lại, đối với Ngô Thụy Miên thì mùa thu lúc nào cũng đẹp, dịu dàng, êm ái và ngát hương như những lời thủ thỉ, tình tự với người yêu:
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…”
Thanh Lan hát Mùa Thu Cho Em trước 1975
Tình Tự Mùa Xuân (nhạc sĩ Từ Công Phụng)
Ngoài Ngô Thụy Miên thì còn có nhạc sĩ Từ Công Phụng là 2 nhạc sĩ đã cống hiến cả sự nghiệp cho tình ca với rất nhiều ca khúc lãng mạn. Tuy nhiên khác với nhạc Ngô Thụy Miên, lời ca thường trong sáng và chỉ gợn chút sầu, thì nhạc của Từ Công Phụng thâm trầm hơn và mang những nỗi buồn thật đậm sâu, như là Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Tuổi Xa Người, Trên Ngọn Tình Sầu, Mắt Lệ Cho Người, đặc biệt là Như Chiếc Que Diêm. Tuy nhiên nhạc sĩ họ Từ cũng có một bài hát nồng nàn tình ái không có chút sầu thương nào, ca khúc Tình Tự Mùa Xuân, được nhạc sĩ viết vào khoảng thập niên 1980, để dành tặng cho người vợ yêu thương của ông, khi hai người đã cùng nhau vượt qua nhiều biến cố của cuộc đời:
em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
nghe thời gian lướt qua
mùa xuân khẽ sang
chừng như không gian đang sưởi ấm
những giọt tình nồng
tay, này tay nắm tay
nhìn nhau đắm say
như chưa bao giờ
nghe chừng trong mắt nâu
hồn anh đã tan thành mùa xuân
ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta…
Tuấn Ngọc hát Tình Tự Mùa Xuân
Sáng tác nhạc để ca tụng tình yêu, dành cho những khoảnh khắc bình yên bên nhau cùng người bạn đời, nhạc sĩ Từ Công Phụng còn có 2 bài hát khác, đó là Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên và Mãi Mãi Bên Em.
Tình Yêu Và Huyền Thoại (nhạc sĩ Văn Trí)
Bài ca mang đầy màu sắc thần thoại để ca ngợi tình yêu, một ca khúc thật hay nhưng có thể không nhiều người biết đến, đó là Tình Yêu Và Huyền Thoại của nhạc sĩ Văn Trí:
Nàng mọc cánh bay đến nơi chân trời
Chàng đuổi theo trên chuyến xe cuộc đời
Nàng vươn tay hái sao trời đỉnh núi
Kết lên tóc mây như đôi mắt tình yêu.
Toàn bộ lời ca không có thương đau nào, không dằn vặt, day dứt như hầu hết những ca khúc trữ tình buồn của nhạc Việt, mà chỉ có duy nhất một tình yêu vĩnh cửu tồn tại đến muôn đời.
Có người đã nhận xét về bài hát này như sau:
“Bài hát làm cho mọi u sầu, ẩn ức, tủn mủn, giành giật kiểu các bài tình yêu khác đều lùi ra. Tình Yêu Và Huyền Thoại khiến tất cả trời đất sáng bừng lên, hoang dại hơn, lung linh như một bức tranh Hy Lạp, một cảm xúc mâu thuẫn từng âm thanh vẽ ra trước mắt.”
Tuấn Ngọc hát Tình Tự Mùa Xuân
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn