Trang chủ
Những bài nhạc vàng nổi tiếng bị ghi sai tựa đề – Phần 3: Xe Mo Ngày Cũ, Vùng Trời Xanh kỷ Niệm…
Phần 3 của loạt bài đính chính những tựa đề bài hát nổi tiếng mà lâu nay bị nhiều người ghi sai, ngay cả từ giới ca sĩ, các hãng đĩa lẫn trong công chúng.
Trả Lại – nhạc sĩ Lê Minh Bằng (Bị nhầm tên thành Trả Lại Em)
Bài hát này không chỉ bị nhầm tựa đề, mà còn nhầm cả tên người sáng tác. Nguyên gốc bài hát tên là Trả Lại của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng sáng tác với bút hiệu Mạc Phong Linh – Dạ Cầm, được ca sĩ Tài Lương hát trong dĩa Sóng Nhạc, nhưng nhiều năm qua lại bị nhầm tên thành Trả Lại Em của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân.
Trả lại em đêm dài chung đôi bóng dưới trăng sao
Trả lại em con đường im bóng mát của ngày nao
Trả lại em ánh đèn công viên đó dưới mưa bay
Những đêm chủ nhật nghe phố phường khua gót giày…
Việc nhầm tựa đề từ Trả Lại thành Trả Lại Em là vì 3 chữ này được lặp đi lặp lại trong bài hát, còn việc nhầm tên nhạc sĩ từ Mạc Phong Linh thành Mặc Thế Nhân thì rất có thể là do 2 cái tên này giống nhau ở chữ “Mac”.
Ca sĩ Tài Lương thành công với ca khúc Trả Lại là một học trò trong lớp nhạc Lê Minh Bằng, là chị ruột của nghệ sĩ cải lương Tài Linh sau này.
Tài Lương hát Trả Lại trước 1975
Xe Mo Ngày Cũ – nhạc sĩ Trường Giang Thủy (Bị nhầm tên thành Người Phu Kéo Mo Cau)
Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo xe mo
Chở em trên ngõ chiều…
Đó là những lời bài hát quen thuộc của một bài hát được nhiều người biết đến với cái tên là Người Phu Kéo Mo Cau của nhạc sĩ Vinh Sử. Tuy nhiên nếu xem lại băng nhạc Kim Đằng 1 phát hành khoảng đầu thập niên 1970, có thể thấy ca khúc này được ca sĩ Giao Linh hát với cái tên là Xe Mo Ngày Cũ, và tác giả Trường Giang Thủy.
Giao Linh hát Xe Mo Ngày Cũ trước 1975
Nhạc sĩ Trường Giang Thuỷ tên thật là Hoàng Giang Thuỷ, sinh năm 1953, quê An Hoà, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ông chuyên viết kịch, cải lương, hài… Còn trong lĩnh vực tân nhạc thì chỉ có một bài “Xe Mo Ngày Cũ”, nhưng lại bị hầu hết những người yêu nhạc nhầm thành tên Người Phu Kéo Mo Cau, và tên người sáng tác cũng bị đổi khác.
60 Năm – nhạc sĩ Y Vân (Bị nhầm tên thành 60 Năm Cuộc Đời)
Bài hát hát định mệnh của nhạc sĩ Y Vân mang tên là 60 Năm, một ca khúc điệu twist nổi tiếng nói về những giai đoạn của 1 đời người, tuy nhiên sau này thường được quen gọi tên là “60 Năm Cuộc Đời”:
Anh ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năm sau, sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao.
ca sĩ Hùng Cường hát bài 60 Năm
Sài Gòn – nhạc sĩ Y Vân (Bị nhầm tên thành Sài Gòn Đẹp Lắm)
Cũng như bài 60 Năm, người ta hay nhầm với bài hát nổi tiếng khác cũng của nhạc sĩ Y Vân, tựa đề chỉ có 2 chữ Sài Gòn, nhưng thường ghi là Sài Gòn Đẹp Lắm, là câu hát được lặp lại nhiều lần trong bài hát:
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn Ơi…
Một Người Đi Xa – nhạc sĩ Trúc Phương (Bị nhầm tên thành Sau Những Lần Gối Mỏi)
Bài hát có tên là Một Người Đi Xa của nhạc sĩ Trúc Phương, có câu hát đầu tiên là “Sau những lần gối mỏi tìm cuộc vui tàn từng đêm…” Nhiều người chỉ nhớ lời hát nhưng không nhớ tựa đề, nên lấy luôn câu mở đầu của bài hát thành tựa đề, vì vậy mà một số nơi (thậm chí là bìa đĩa) ghi tên bài hát là Sau Những Lần Gối Mỏi, như trường hợp ca sĩ Ngọc Sơn:
Hoặc ngay cả trung tâm lớn như Làng Văn cũng ghi sai: (bài số 8)
Nếu nghe lại lời bài hát Một Người Đi Xa, chúng ta có thể thấy giai điệu rất quen thuộc, đó là vì nhạc sĩ Trúc Phương viết 2 bài hát khác nhau, nội dung khác nhau trên cùng một giai điệu, đó là Mưa Nửa Đêm và Một Người Đi Xa.
Trường hợp sai tựa đề tương tự với Một Người Đi Xa – Sau Những Lần Gối Mỏi, đó là bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương (nhạc sĩ Hoài Linh), bị nhầm thành Hồn Lỡ Sa Vào Đôi Mắt Em, và Mùa Thu Không Trở Lại (nhạc sĩ Phạm Trọng) bị nhầm tên thành Em Ra Đi Mùa Thu. Tuy nhiên trường hợp 2 bài hát này ít bị sai hơn, bởi vì Về Đâu Mái Tóc Người Thương và Mùa Thu Không Trở Lại là những cái tên đã quá nổi tiếng trong âm nhạc.
Hẹn Một Mùa Xuân – nhạc sĩ Đinh Việt Lang (Bị nhầm tên thành Tôi Sẽ Về)
Cũng giống trường hợp 3 bài hát Một Người Đi Xa, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, và Mùa Thu Không Trở Lại, bài Hẹn Một Mùa Xuân của nhạc sĩ Đinh Việt Lang bị nhầm tựa đề là Tôi Sẽ Về, vì đó là 3 chữ đầu tiên trong lời bài hát:
Tôi sẽ về khi mùa Xuân đơm hoa trước ngỏ
Để em gái nhỏ mắt thơ ngây
Tóc thôi biếng chải vì đợi chờ
Đêm yên giấc ngủ cơn mơ dỗ ngọt
Cho môi em mềm mùa Xuân…
Duy Khánh hát Hẹn Một Mùa Xuân trước 1975
Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm – nhạc sĩ Thục Chương (Bị nhầm tên thành Màu Xanh Kỷ Niệm)
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thục Chương này có thời gian dài bị nhầm thành tên Màu Xanh Kỷ Niệm, như trong hình bìa dĩa nhạc Ngọc Sơn phát hành năm 2009 sau đây.
Cái tên nhạc sĩ Thục Chương cũng để lại nhiều tranh cãi về thân thế thực sự. Một số người cho rằng Thục Chương là một bút danh của nhạc sĩ Trúc Phương, vì có thể thấy nội dung bài hát Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm rất giống với nội dung một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương là Con Đường Mang Tên Em. Tuy nhiên điều này khó xảy ra, vì trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Trúc Phương chỉ sử dụng duy nhất 1 bút hiệu. Ngoài ra ít có trường hợp nhạc sĩ sáng tác 2 bài lặp lại nội dung.
Khi người viết bài này gặp nhạc sĩ Hàn Châu và hỏi chuyện, và chính nhạc sĩ này xác nhận bút danh Thục Chương là của ông.
Chế Linh hát Vùng Trời Xanh Kỷ Niệm trước 1975
Chuyện ngày xưa có hai đứa mình
Anh với em đi trong lòng đời, buồn vui có đôi
Áo em xanh màu trời mật tình yêu thắm ngọt trên môi
Đường quen lối nhớ khôn nguôi
Người Tình La Lan – nhạc sĩ Hàn Châu (Bị nhầm tên thành Chuyện Tình La Lan)
Theo bản nhạc tờ phát hành trước 1975 thì ban đầu ca khúc này mang tên là Người Tình La Lan, nhưng sau này được biết nhiều hơn với cái tên Chuyện Tình La Lan.
Cũng theo thông tin trong bản in nhạc tờ thì tác giả bài hát là Vinh Sử (Hàn Ni). Tuy nhiên gần đây, nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng ông chính là người sáng tác ca khúc này theo yêu cầu của 1 hãng băng.
Tôi xin kể ra nơi đây
Chuyện một người thiếu nữ đẹp
Đẹp như đóa hoa lan rừng
Hương sắc ơi mặn nồng.
Nàng mang tên là La Lan
La Lan người xứ KO-MAN
Chưa yêu đương chưa đau thương
Nên nàng chưa biết buồn.
Thái Châu hát Người Tình La Lan trước 1975
Ngoài những trường hợp đã nhắc tới, còn có nhiều bài hát mà tựa đề bị thêm 1 chữ so với nguyên gốc:
Sao Anh Đành Quên (nhạc sĩ Tô Thanh Tùng), bị nhầm thành Sao Anh Nỡ Đành Quên
Sao Em Vô Tình (nhạc sĩ Nguyễn Hữu Sáng), bị nhầm thành Sao Em Nỡ Vô Tình
Chuyện Người Đan Áo (nhạc sĩ Trường Sa), bị nhầm thành Chuyện Tình Người Đan Áo
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn