Trang chủ
Nhớ về tiếng rao gánh hàng rong Sài Gòn ngày xưa qua ca khúc “Vọng Tiếng Rao Khuya” của nhạc sĩ Ngọc Sơn (trước 1975)
Nhạc sĩ Ngọc Sơn (thế hệ trước 1975) nổi tiếng với nhiều ca khúc nhạc vàng như 100 Phần Trăm, Nét Son Buồn, Đêm Buồn Phố Thị…
Ông tên thật là Thái Ngọc Sơn, sinh năm 1934 tại Sài Gòn, thuở nhỏ sinh sống ở vùng Vĩnh Lộc A, Bình Chánh ngày nay. Nhà nghèo nhưng đam mê nhạc từ nhỏ, vì lòng quyết tâm theo nghệ thuật, ông đã trải qua rất nhiều khó khăn để có thể trở thành một nhạc sĩ tiếng tăm trong làng nhạc Sài Gòn trước 1975. Ngoài ra ông cũng từng là giám đốc của hãng dĩa Dư Âm từ thập niên 1960.
Nhạc sĩ Ngọc Sơn kể lại với người viết rằng hồi nhỏ gia đình ông rất nghèo, cha phải làm ăn xa, đi tận Nam Vang ở Cao Miên làm nghề cá ở Biển Hồ, lâu lâu mới về một lần. Mẹ của ông hàng ngày mang theo người con trai nhỏ đi nhờ xe ngựa của lối xóm từ vùng ngoại ô lên Chợ Lớn để bán chè gánh hàng rong. Nhiều khi bán không hết ban ngày, phải bán cả đêm khuya. Hình ảnh người mẹ tảo tần khó khăn trong cuộc mưu sinh đó đã ghi sâu mãi vào ký ức của cậu bé lúc đó mới 4-5 tuổi, chính là nhạc sĩ Ngọc Sơn sau này.
Khi đã ở tuổi ngoài bát thập, vào một đêm khuya, người nhạc sĩ già nghe tiếng mưa với tiếng sét đánh ngang trời. Trong tiếng mưa tầm tã đó có xen lẫn với tiếng rao đêm của một người phụ nữ xa lạ, cô độc giữa đêm trên đường khuya vắng lạnh, tiếng rao đã gợi về biết bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ…
Thời gian đã trôi qua 80 năm ròng, nhưng những hình ảnh xa xưa về người mẹ tảo tần đêm khuya, oằn vai gánh đau và bao lần vất vả đội mưa gió, cùng với tiếng rao lọt thỏm giữa những hẻm sâu lặng lẽ không tên của Sài Gòn vẫn còn mãi trong tâm tưởng người nhạc sĩ đã ngoài 80 tuổi. Từ những cảm xúc đó, ông đã viết thành ca khúc điệu bolero mang tên Vọng Tiếng Rao Khuya để tưởng nhớ đến mẹ của mình:
Ngoài trời mưa thấm lạnh,
nghe tiếng ai rao vọng đêm khuya
xuôi ngược qua hè phố.
Rong ruổi mời người mua,
oằn vai gánh đau bằng chân không, lời rao trải dài.
Ôi tiếng rao, vang vọng não lòng,
Trong đêm vắng lạnh, vai sờn chân bước liêu xiêu.
Ơi hàng rong, não nề thâu đêm,
Quang gánh mặc bão giông, lê bước dài qua đường đời.
Ôi, kiếp gian nan, bước đời dãi dầu, Mẹ lam lũ nhiều gian truân.
Tần tảo nuôi con, mồ hôi thấm thân còng
Ngày đêm gánh rong, lê bước hoà sương nhọc nhằn.
Mẹ tuổi hao gầy gánh cuộc đời các con,
Rong ruổi từng đêm dưới mưa.
Đèn mờ soi trong đêm, tiếng mẹ rao khàn lời, vì con khổ trăm bề mẹ ơi.
Mẹ bụi sương sớm chiều, quang gánh trên vai đời ngược xuôi, qua thời gian còm cõi.
Cay đắng chẳng lời than, oằn vai đau đội mưa nắng, mẹ không nản lòng.
Ôi tiếng rao, rao tận hẻm sâu, mưa khuya giá lạnh, vai gầy chân bước liêu xiêu.
Ơi mẹ ơi, não nề thâu đêm, mẹ vơi đầy tiếng rao, năm tháng vì con vào đời.
Bài hát thể hiện tình cảm xúc động của một người con tuổi đã xế chiều đối với người mẹ quá cố. Dường như tuổi càng lớn thì nỗi nhớ thương mẹ càng rõ rệt, càng khắc khoải, và bài hát cũng là tiếng lòng, là những tiếng nấc thổn thức của người nhạc sĩ già. Không chỉ có trẻ con mới biết khóc khi nhớ mẹ, mà bất cứ ở độ tuổi nào người ta cũng có thể nghẹn ngào xúc động khi hồi tưởng về những sự hy sinh lớn lao của mẹ. Đối với nhạc sĩ Ngọc Sơn, một tiếng rao khuya giữa trời đêm mưa gió có lẽ là âm thanh dễ làm ông bồi hồi xúc động nhất để nhớ về sự vất vả của mẹ năm xưa.
Người hát bài hát này đầu tiên là 1 trong những học trò của nhạc sĩ Ngọc Sơn là ca sĩ Lam Tuyền. Trong thời gian cùng chồng đến tập cho ca sĩ này hát, vợ của nhạc sĩ Ngọc Sơn là ca sĩ Thùy Lan thấy bài hát cảm động và hợp với tâm trạng của mình nên cũng quyết định hát ca khúc này của chồng, dù đã hơn 30 năm Thùy Lan rời xa sân khấu.
Thùy Lan hát Vọng Tiếng Rao Khuya
Ca sĩ Thùy Lan sinh năm 1950, từng là học viên trong lớp nhạc Lê Minh Bằng, đã hát trong phong trào Xây Dựng Nông Thôn trước 1975 ở Sài Gòn. Năm 1975 cô được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dự kiến giúp đỡ lăng xê. Tuy nhiên tháng 4 năm 1975, Hoàng Thi Thơ kẹt lại ở Nhật rồi từ đó xa quê hương.
Năm 1976, ca sĩ Thùy Lan kết hôn với nhạc sĩ Ngọc Sơn, sau đó theo hát cho đoàn Tùng Lâm ở các tỉnh, được một thời gian thì chuyển sang tham gia đoàn kịch nói Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng, vừa là ca sĩ, vừa là diễn viên thoại kịch.
Thùy Lan nghỉ hát từ những năm giữa thập niên 1980, sau đó cô trở thành diễn viên lồng tiếng cho các phim điện ảnh, truyền hình. Đến nay ở tuổi ngoài 70, cô là một trong những diễn viên lồng tiếng phim Việt Nam lớn tuổi nhất, tham gia trong nhiều phim ngắn phát trên YouTube, thường lồng tiếng cho các diễn viên Thanh Hiền, Uyên Trinh, Phi Điểu, và trước đó là Ánh Hoa (đã qua đời năm 2020).
Đã gần 40 năm giã từ nghiệp hát, ca khúc Vọng Tiếng Rao Khuya đã đưa Thùy Lan trở lại. Dĩ nhiên là giọng hát của cô không thể được như thời trẻ, nhưng vì đồng cảm với những ca từ gần gũi thể hiện tình mẫu tử trong ca khúc của chồng sáng tác, cô hát rất cảm xúc, dạt dào tình cảm, giản dị và chân thành, thả hồn vào trong từng câu hát.
Sài Gòn bây giờ có thể vắng những tiếng rao, bởi vì nó đã bị “nuốt chửng” bởi vô số tiếng ồn xe cộ, tiếng tivi, tiếng hàng quán… Tiếng rao nếu có, cũng chỉ là tiếng rao tự động được phát ra từ loa kẹo kéo giữa những xô bồ náo nhiệt, tiếng rao vô hồn đó không còn mang được hồn phách của năm xưa.
Hiện nay tiếng rao đích thực hiếm hoi còn sót lại chỉ có thể nghe được ở những xóm nhỏ vắng thưa người, vắng những âm thanh ồn ào của cuộc sống đô thị. Và nếu một đêm khuya nào đó được nghe lại tiếng rao: Aiii… hônggg…? – Người ta như nghe lại được âm thanh của cả một trời kỷ niệm.
Bài hát Vọng Tiếng Rao Khuya có thể đưa bạn trở về những kỷ niệm xa xưa đó, đặc biệt là nó được viết bằng những kỷ niệm xúc động có thật của nhạc sĩ Ngọc Sơn, trong bối cảnh Sài Gòn từ những năm thập niên 1930.
Đông Kha (nhacxua.vn)