Trang chủ
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và sự đi tìm lại chính mình qua ca khúc “Ru Ta Ngậm Ngùi”
Đã từng có người hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rằng liệu việc ông viết rất nhiều ca khúc ru (Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Ru Đời Đi Nhé, Ru Em, Ru Tình, Ra Ta Ngậm Ngùi…) như vậy có phải là do trong thực tế ông đã ru rất nhiều phụ nữ ngủ hay không?
Nhạc sĩ đã trả lời nguyên văn như sau: “Ru như thế không phải là ru em. mà thực chất là tôi tự ru tôi, tự ru để thanh lọc tâm hồn không vương một chút oán hờn nào…”
Với lời trần tình đó của nhạc sĩ, có thể hiểu rằng âm nhạc hay những lời ru phiêu bồng, dù là viết tặng người này hay người nọ, thì với nhạc sĩ cũng đều như những con “thuyền chở đạo”, chở những suy tư, trăn trở, những nhân sinh quan của ông về cuộc đời, tình yêu và thân phận con người. Trong những khúc ru đó, ca khúc nổi bật nhất cho ý kiến “tôi tự ru tôi” của nhạc sĩ phải kể đến ca khúc Ru Ta Ngậm Ngùi.
Ngay từ tựa đề bài hát, chỉ bằng hai chữ “ngậm ngùi” người nghe đã phần nào hình dung ra tâm trạng của người nhạc sĩ khi sáng tác. Đó là sự xót xa, buồn thương lặng lẽ, ẩn mật cho thân phận mình, cho thân phận con người trong vòng quay của thời gian, của đời sống.
Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên!
Những câu hỏi trở đi trở lại đầy dằn vặt, suy tư của người nghệ sĩ có lẽ đã bắt đầu đứng bên kia bờ dốc của cuộc đời: “Môi nào hãy còn thơm?”, “Tóc nào hãy còn xanh?”, “Tim nào có bình yên?”. Từng câu hỏi bật lên tựa như những lời cầu khẩn. Có còn ai, có còn nơi nào “hãy còn” những nhịp đập của tình yêu, của tuổi trẻ, của tâm hồn để cho Ta nương náu, để làm sống lại Ta.
Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi
Trong từng câu hát, nghe như có một cuộc hành trình đi tìm lại chính mình. Những môi, những tóc, những tim đã rệu rã qua năm tháng. Những tình yêu, tuổi trẻ, tâm hồn như những đụn cát khô đã sói mòn theo từng bước chuyển của nhân gian. Chẳng có gì là mãi mãi, chẳng có gì là bất biến.
Ngay cả bản thân Ta cũng không còn là Ta của thuở ban sơ, chẳng còn tự do yêu đương, mơ mộng, chẳng còn hồn nhiên nghê ngao rêu rao về đời mình. Tất cả những điều Ta xem như lẽ sống, níu giữ Ta lại để yêu thương đời sống này, đều đang phôi pha. Cả cái tên của Ta cũng đang mờ dấu trên đời sống, vậy nên câu hát “xin người hãy gọi tên” bật thoát ra như một sự níu giữ trong vô vọng. Bởi cuộc đời, nào có ai thoát được khỏi những quy luật muôn đời của nhân gian.
Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông
Xin chờ những rạng đông
Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi trong DVD Một Đời Việt Nam năm 1991. Trong video này, Khánh Ly phục dựng và tái diễn lại hình ảnh Quán Văn năm 1968
Trong dòng suy tư, nhạc sĩ lội ngược về quá khứ, nhìn ngắm, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình qua bao biến cố. Những hình ảnh “tim lăn trên đường mòn”, “giọt máu cuồng điên”, “con chim đứng lặng câm”..., như những tiếng kêu ai oán vọng về từ quá khứ. Sự tiếc nuối tràn lên câu chữ, bởi Ta đã hoang phí một đời mòn mỏi, cuồng điên và câm lặng. Ta đã bỏ quên Ta của ban sơ để chạy theo, để quay cuồng trong vòng xoáy cuộc đời. Và “khi về trong mùa đông” thì “tay rong rêu muộn màng” mất rồi, đành đứng lại để mong chờ những “rạng đông” để được quay lại khởi đầu một lần nữa, để gội rửa những oán ân của một đời mòn mỏi.
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Nhưng rồi Ta lại chợt nhận ra sẽ chẳng có “rạng đông” nào đến cả: “đời sao im vắng?”. Ta trở về đối diện với chính mình trong mênh mông, hoang hoải, trong cô độc, lặng câm: “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm”.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ ai
Ta bàng hoàng nhận ra trò chơi cay đắng của cuộc đời. Trong khi Ta mải mê đuổi theo những hạnh phúc phù du, những cuồng điên nhiễu loạn, thì ngay trong bản thân mình Ta đã xoá trắng đi bao niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị, tinh khôi, xoá đi sự hồn nhiên, tự do của tâm tưởng. Ta quên mất chính Ta. Để rồi một ngày nhìn lại, Ta chẳng còn có thể tìm lại được gì đáng giá, dù chỉ là một sợi tóc trong trí nhớ nhỏ nhoi.
Ta như con thuyền vô định trôi dạt giữa dòng đời, không tìm được bến bờ hạnh phúc đích thực, không còn “ai” đón đợi, và “không chờ, không chờ ai”.
Em về, hãy về đi,
ta phiêu du một đờị
Hương trầm có còn đây,
ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi,
ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây…
Câu hát “Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời” thả xuống như một sự buông bỏ. Đó không phải là một “em” gái bằng xương bằng thịt mà là một hình ảnh ẩn dụ mà nhạc sĩ dùng để gọi tên cuộc đời. Ta đã một đời phiêu du mòn mỏi, đã chìm trôi vô định không tìm được bến bờ, đã mệt mỏi rồi.
Nếu “hương trầm có còn đây”, thì Ta cũng xin chỉ “thắp nốt chiều nay”, rồi thôi, rồi buông tay, để “xin được ngủ trong vòng nôi”, “xin ngủ dưới vòm cây”, để “ta ru ra ngậm ngùi”. Bởi chỉ có Ta tự ru Ta, Ta tự buông bỏ những chấp niệm, những oán ân của đời mình thì Ta mới có thể vượt lên, mới có thể tìm lại bản ngã của chính mình.
Khánh Ly hát Ru Ta Ngậm Ngùi năm 1973
Nếu ai đó nói rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một “vị sư” đi giữa cuộc đời, tu giữa cuộc đời, đem những duyên ý huyền diệu của Phật Pháp gieo rắc vào âm nhạc bằng những ca từ rất đời thường để cảm hoá lòng người, để duyên hoá những ý niệm thì điều đó chắc chắn là chính xác. Bởi có thể thấy, hầu như trong khắp các nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn muốn truyền tải một ít giáo lý thiền môn đến người nghe. Ở nhạc phẩm Ru Ta Ngậm Ngùi, chất thiền, chất Phật, nhân sinh quan Phật giáo của nhạc sĩ đặc biệt đậm đặc hơn và thuần chuất hơn cả.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn