Trang chủ
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và ca khúc Nắng Chiều: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều…”
Lê Trọng Nguyễn, tác giả của các ca khúc nổi tiếng Nắng Chiều, Sao Đêm, Chiều Bên Giáo Đường… thuộc thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.
Ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã mê nhạc nên đã tự học nhạc qua sách vở của Pháp. Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn còn vinh dự được một nhạc sĩ gốc Hoa sinh sống ở Hội An là La Hối (tác giả Xuân Và Tuổi Trẻ) chỉ dẫn thêm về sáng tác.
Thời gian từ 1942-1945, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ra Hà Nội học và làm bạn với nhạc sĩ nổi tiếng thời tiền phong là Nguyễn Xuân Khoát. Thời gian sau đó, Lê Trọng Nguyễn về Liên Khu 5 và phụ trách phần âm nhạc (Liên khu Năm bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), nhưng sau đó quyết định rời bỏ để về cư trú ở Hội An từ năm 1952.
Khi về lại quê nhà, Lê Trọng Nguyễn đã đăng ký học hàm thụ âm nhạc (học từ xa) và tốt nghiệp trường âm nhạc Pháp Ecole Universelle. Cũng tại Hội An, ông dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Duy Hiệu, trong những học trò của ông có 2 nhạc sĩ sau này đã thành danh là nhạc sĩ Đynh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển.
Quãng thời gian này Lê Trọng Nguyễn cũng bắt đầu có những sáng tác gây được tiếng vang, trong đó bài Sóng Đà Giang giúp ông được nhận vào Hội Nhạc Sĩ Pháp S.A.C.E.M. (Đà giang trong bài hát là dòng sông Thu Bồn ở Quảng Nam). Sau đó, vào năm 1953, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình: Nắng Chiều.
Trong một lần phỏng vấn, ông nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát như sau:
“Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành… Tâm sự tôi trong bài Nắng chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”.
Thanh Lan hát Nắng Chiều trước 1975
Thời ly loạn, tình yêu mong manh và vội vã, chỉ sau đó ít lâu thì gia đình cô gái này lại rời bỏ Hội An trong quá trình chạy loạn, nên tình yêu của đôi người trẻ cũng bị chôn vùi. Nhiều năm sau đó, trong một lần Lê Trọng Nguyễn đến Huế và theo bạn vào trong Thành Nội để thăm đức Từ Cung lúc đó đang ở cung Diên Thọ, ông tình cờ gặp lại một người quen cũ. Trong phút giây xúc cảm, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn bất chợt nhớ lại cô gái năm xưa và sáng tác Nắng Chiều:
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều.
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn.
Nhớ sao là nhớ, bóng người ngày xưa…
Ngay sau khi ra mắt, ca khúc Nắng Chiều với giai điệu và ca từ tha thiết, tình cảm đã ngay lập tức được yêu mến và nổi tiếng, không chỉ ở trong nước mà còn vang xa ra ngoài biên giới.
Kim Anh – Thái Doanh Doanh hát
Khoảng năm 1958 có một đoàn nhạc Nhật Bản tên là Toho Geino sang Nam Việt Nam để giao lưu văn nghệ và hát một số bài nhạc Việt nên nhờ đài phát thanh Sài Gòn tư vấn. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền (Lúc đó chủ sự chương trình của đài phát thanh) đã đưa ra danh sách 12 bản nhạc, cuối cùng bài Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã được phía Nhật chọn. Ca sĩ của đoàn là Midori Satsuki rất nổi tiếng ở Nhật đã trình bày nhạc phẩm Nắng Chiều bằng tiếng Nhật lần đầu tiên tại Hội Chợ Thị Nghè. Sau đó một tuần bản thu âm Nắng Chiều của Satsuki đã được phát trên các Đài phát thanh Sài Gòn và cả Đài phát thanh Tokyo ở Nhật.
bài Nắng Chiều lời Nhật
Đến năm 1960, cô ca sĩ người Đài Loan tên là Kỷ Lộ Hà đến Đà Nẵng trình diễn và đã làm khán giả Việt Nam bất ngờ khi cô hát “Nắng Chiều” bằng tiếng Hoa do Thận Chi đặt lời. Thận Chi (1928-1988) là một tên tuổi lớn của Đài Loan trong lĩnh vực biên kịch và soạn nhạc. Ông cũng thành công trong việc đặt lời Hoa cho nhiều ca khúc quốc tế, trong đó có Nắng Chiều. Sau đó trong một thập niên, bản nhạc Năng Chiều tiếng Hoa đã được mệnh danh là “Bản Tình Ca Đẹp Nhất” trong thập niên 1970 ở Đài Loan.
Nắng Chiều lời Hoa
Năm 1973, đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện một cuốn phim ăn khách với sự diễn xuất của 2 tài tử điện ảnh nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn là Hùng Cường và Thanh Nga, đó chính là cuốn phim mang tên Nắng Chiều. Trong phim có phân cảnh Hùng Cường đàn hát ca khúc Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.
Hùng Cường hát Nắng Chiều trước 1975
Tuy là nhạc sĩ, nhưng Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc. Năm 1965, ông làm Giám đốc công ty Centra Co., một công ty thương mại của Pháp. Từ năm 1968, ông là Giám đốc điều hành của công ty Sealand tại Đà Nẵng. Năm 1970 sau khi lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nga, một nhân viên của hàng không của Air Vietnam. Đó là thời điểm nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn thường đi công vụ từ Đà Nẵng vào Saigon nên họ đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Từ lúc đó ông xin nghỉ chức vụ Giám đốc công ty SeaLand để về sống tại Sài Gòn cùng vợ.
Năm 1973, Lê Trọng Nguyễn làm Giám đốc nhà máy Dầu hỏa Cửu Long. Sau 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn do chính tay mình làm để sinh sống.
Lê Trọng Nguyễn đến Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1983, định cư tại Rosemead cùng vợ và bốn người con. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại bệnh viện City of Hope, Rosemead vì bệnh ung thư phổi.
nhacxua.vn biên soạn