Trang chủ
Nhạc sĩ Duy Khánh và 10 bài nhạc vàng hay nhất viết về miền Trung
Cố ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh có quê quán ở Triệu Phong, Quảng Trị, là dải đất hẹp và là vùng quê nghèo hai mùa nắng cháy mưa dầm, nhưng đã sản sinh biết bao nhân tài nổi tiếng trên các lĩnh vực, đặc biệt là đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam nhiều tên tuổi lớn, như nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, các nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Hữu Thiết, Đỗ Kim Bảng, và Duy Khánh.
Rời quê nghèo từ lúc tuổi còn rất trẻ, xuôi vào phương Nam để tìm kiếm cho mình con đường dấn thân vào âm nhạc, nhưng Duy Khánh vẫn luôn mang trong lòng tình yêu và nỗi nhớ quê hương miền Trung, cụ thể là Quảng Trị và Huế, thể hiện qua những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng mà ông sáng tác.
Điểm đặc biệt của âm nhạc Duy Khánh là không sử dụng sáo ngữ, chỉ thuần là ngôn ngữ đơn sơ của người dân bình thường, nên đã có được những nét trong sáng, thiết tha, chan chứa tình quê hương nồng nàn, chân thật.
Nếu chỉ nhắc đến những ca khúc viết về miền Trung nổi tiếng và được công chúng yêu thích, thì có đến 10 bài của Duy Khánh sáng tác. Không có một nhạc sĩ nào viết nhạc về miền Trung nhiều như ông.
Sau đây, mời các bạn nghe lại 10 ca khúc của cố nhạc sĩ Duy Khánh viết về miền Trung.
Thương Về Miền Trung
Bài hát nổi tiếng nhất về miền Trung của nhạc sĩ Duy Khánh là Thương Về Miền Trung, ra đời vào khoảng đầu thập niên 1960, thời điểm mà Duy Khánh bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên.
Sau này, có nhiều ý kiến cho rằng ca khúc này thực ra của nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác. Tuy nhiên dựa trên những tài liệu xưa lưu giữ được, thì rất có thể chính Duy Khánh mới là tác giả.
Tuy nhiên, dù ai là tác giả đi nữa thì Thương Về Miền Trung vẫn gắn liền với tên tuổi và giọng hát của một trong tứ trụ nhạc vàng: cố danh ca Duy Khánh. Mời các bạn nghe lại bản thu âm trước 1975 sau đây:
Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em.
Nắng mưa đêm ngày cách trở giờ xa xôi đôi đường.
Người ơi! Có về miền quê hương thùy dương,
nước chảy còn vương bao niềm thương, cho nhắn đôi lời.
Thanh Thúy hát Thương Về Miền Trung trước 1975
Sao Không Thấy Anh Về (Thương Về Miền Trung 2)
Ngay sau thành công vang dội với ca khúc Thương Về Miền Trung, nhạc sĩ Duy Khánh viết tiếp ca khúc Thương Về Miền Trung 2, được đặt tên là Sao Không Thấy Anh Về. Bài hát kể về câu chuyện tình của hai người yêu nhau trong thời ly loạn, dù xa nhau vẫn luôn đợi chờ nhau và ước nguyện mai sau sẽ được “thắm lại tình xưa đậm đà”.
Cả 2 bài hát Thương Về Miền Trung 1 và 2 đều nhắc đến hình ảnh đặc trưng của xứ Huế là sông Hương và núi Ngự:
Anh nói rằng: “Anh sẽ về thăm quê miền Trung,
Dù năm tháng dài đường xa lạnh lùng.”
Dòng sông Hương còn trôi, vừng trăng xưa còn soi,
Sao không thấy anh về thăm anh ơi!
Băng Châu hát Sao Không Thấy Anh Về trước 1975
Ai Ra Xứ Huế
Có lẽ Ai Ra Xứ Huế là bài hát hay nhất về xứ Huế, nhắc đến nhiều địa danh ở Huế nhất, đó là những sông Hương núi Ngự, dốc Nam Giao, thôn Vỹ Dạ, cầu Trường Tiền, Bến Ngự và Vân Lâu.
Về nguồn gốc của bài hát này, vào đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy hoàn thành công trình đồ sộ và rất tâm huyết của ông là trường ca Con Đường Cái Quan, và Duy Khánh là một trong những ca sĩ đầu tiên tham gia hát trường ca này ở trong ban Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, cùng với những danh ca thượng thặng khác như Thái Thanh, Thái Hằng, Kim Tước, Nhật Trường, Trần Ngọc (tức nhạc sĩ Tuấn Khanh) Phần 2 của phần trường ca này có đoạn khúc mang tên Ai Vô Xứ Huế Thì Vô.
Cũng từ đó, nhạc sĩ Duy Khánh đã có cảm tác để viết thành một ca khúc có tựa đề gần giống: Ai Ra Xứ Huế.
Ai ra xứ Huế thì ra.
Ai về là về núi Ngự.
Ai về là về sông Hương.
Hoàng Oanh hát Ai Ra Xứ Huế trước 1975
Bao Giờ Em Quên
Bài hát này được nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác vào khoảng năm 1963, viết theo ý của bài thơ cùng tên trong tập “Người Yêu Tôi Khóc” (1958) của thi sĩ Thế Viên. Theo nhà báo Trường Kỳ, cảm hứng để Duy Khánh sáng tác Bao Giờ Em Quên là khi người yêu của ông là Kiều Oanh, một thiếu nữ rất đẹp và duyên dáng bỏ đi lấy chồng.
Hương Giang thuyền không chỗ đậu
Ngự Viên có bướm hoa vàng
Hay là hài xưa in dấu?
Đưa người đẹp ấy sang ngang
Bài hát là lời nhắn nhủ của tác giả đến với người xưa, dù đã sang ngang rồi nhưng hãy giữ mãi những kỷ niệm đẹp đã từng có. Bài hát có những hình ảnh đặc trưng xứ Huế là Hương Giang và Ngự Viên.
Duy Khánh hát Bao Giờ Em Quên trước 1975
Sầu Cố Đô
Sau khi sáng tác xong Bao Giờ Em Quên, chỉ khoảng một năm sau, nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác thêm ca khúc Sầu Cố Đô, còn có tên khác là Không Bao Giờ Em Quên. Cách đặt tên này của ông là hàm ý nói rằng Sầu Cố Đô là phần nối tiếp của bài Bao Giờ Em Quên.
Chân thành xin gửi người anh nơi chốn xa
Đôi lời ấp ủ ngày qua
Người em gái nhỏ quê nhà
Mắt sầu vương ngấn lệ hồn hoa
Dù bao tháng đợi năm chờ
Lời thề xưa còn chưa xóa mờ
Nếu như bài Bao Giờ Em Quên là lời của người trai gửi đến “người đẹp sang ngang”, thì ở phần tiếp theo, bài Sầu Cố Đô là lời hồi đáp của cô gái đó vẫn ở chốn quê nhà, mắt vẫn đang ngấn lệ, mà một điều thật lạ, đó là cô vẫn chưa lấy chồng, vẫn “tháng đợi năm chờ” người trai đã đi biền biệt chốn xa.
Bài hát này xuất hiện hầu hết những tên gọi nổi tiếng nhất của cố đô là cầu Gia Hội, chùa Thiên Mụ, thôn Vỹ Dạ, Nam Giao, Bến Ngự và Hoàng Thành.
Hoàng Oanh hát Sầu Cố Đô trước 1975
Biết Trả Lời Sao
Nếu như bài Sầu Cố Đô là phần nối tiếp của Bao Giờ Em Quên, thì ca khúc Biết Trả Lời Sao chính là phần 3 của loạt bài hát này, là lời hồi đáp của chàng trai ở nơi biên thùy gửi về người em gái đang sầu ở cố đô, để giải thích vì sao đã lâu rồi chàng không về lại miền Trung:
Có người gặp tôi hỏi sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung
Dù thương vẫn thương nhưng non nước chưa yên lành,
quê hương còn nghiêng ngả, biết trả lời sao?
Biết trả lời sao cho em ấm đôi vành môi khi gió mưa trong đời
mang bao ấm êm xa rồi, gieo bao tiếng ca u hoài
Những đêm canh dài, biết trả lời sao?
Trong phần đề tựa của Biết Trả Lời Sao trong tờ nhạc, nhạc sĩ Duy Khánh cho biết bài này có âm hưởng từ bài hát Thương Về Miền Trung.
Thanh Tuyền hát Biết Trả Lời Sao trước 1975
Nén Hương Yêu
Bài hát này được nhạc sĩ Duy Khánh viết lời, còn nhạc của nhạc sĩ Châu Kỳ. Dù vậy, có thể xem Nén Hương Yêu là phần cuối cùng trong loạt bài hát viết về xứ Huế của Duy Khánh như đã nhắc đến bên trên: Bao Giờ Em Quên – Sầu Cố Đô – Biết Trả Lời Sao – Nén Hương Yêu.
Tôi vượt đường xa xôi tìm em đã khắp nơi
Ra miền Thùy Dương xưa trăng nước còn mộng mơ
Nghe tiếng chuông chùa bên giòng Hương Giang lững lờ
Bến cũ cây đa nay còn thắm duyên tình xưa
Thanh Thúy hát Nén Hương Yêu trước 1975
Chuyện tình của đôi trai gái thời loạn trong các bài hát trước đó đã mang một kết thúc thật buồn trong bài Nén Hương Yêu. Người trai nơi xa, trong một ngày vượt đường xa để về tìm lại, nhưng đã vĩnh viễn không thế nào gặp lại được nữa:
Nhưng một mùa trôi qua rồi năm tháng trôi theo
Khắp nẻo đường quê hương không thấy người mình yêu
Tôi trút u buồn qua trời xa khuất bóng chiều
Em có hay chăng riêng lòng tôi nhớ thương nhiều
Đây, trăng nước năm xưa còn đây
Trăng sáng soi đôi má gầy
Nhưng nào xót xa tình ai
Đâu, hoa tháng năm xưa còn đâu
Hoa trắng vương trên mái đầu
Thương người nắng mưa giãi giầu
Mong đợi từ bao lâu giờ em chết nơi đâu
Chưa trọn niềm thương yêu chưa hết lòng tìm nhau
Đây tiếng kinh cầu xin ngàn sau không vướng sầu
Dâng nén hương yêu câu thề ghi mối duyên đầu.
Nhạc sĩ Duy Khánh viết nhạc về Huế rất nhiều như vậy, có lẽ là vì cũng như nhiều nhạc sĩ nhạc vàng khác, ông đã bị cái nét u buồn trầm mặc của xứ Huế lôi cuốn vào những dòng cảm xúc dồi dào để viết thành nhạc. Bên cạnh đó, Duy Khánh cũng không quên sáng tác những ca khúc nhắc về quê hương ông, nơi ông được sinh ra, đó là Quảng Trị, tiêu biểu là 2 bài Tình Ca Quê Hương và Lối Về Đất Mẹ.
Tình Ca Quê Hương
Trong bài Tình Ca Quê Hương, nhạc sĩ Duy Khánh đã nhắc về nơi ông sinh ra, nơi có dải đất hẹp đất cằn cỗi và nước mặn đồng chua với những người dân nghèo khó như sau:
Tôi sinh ra giữa lòng miền trung
Miền thùy dương
Ruộng hoang nước mặn đồng chua
Thôn xóm tôi sống đời dân cày…
Sau khi học xong tiểu học, Duy Khánh rời Quảng Trị để lên học trung học ở kinh thành Huế, sau đó lại từ giã cố đô để vào đến Phương Nam. Vì vậy mà ở đoạn sau đó của bài Lối Về Đất Mẹ có câu hát:
Hò ơi, Hương Giang ơi…
Giã từ kinh thành mộng mơ
Lòng tuổi xanh chia tay nhau biết trở về mô, ơi hò…
Ðây Phương Nam, lúa xanh bóng dừa uốn quanh
Ta sức trai đem cánh tay vẫy vùng ngày mai
Duy Khánh hát Tình Ca Quê Hương trước 1975
Lối Về Đất Mẹ
Đây cũng là một bài hát viết về quê hương Quảng Trị, “đất mẹ” chính là nơi mà nhạc sĩ Duy Khánh được sinh ra.
Bài hát có sử dụng 2 câu ca dao nổi tiếng của người Quảng Trị, là:
Mẹ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu.
Núi Vọng Phu thì có nhiều ở khắp Việt Nam, nhưng địa danh Ái Tử có duy nhất ở Quảng Trị, là thị trấn Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong, cũng là quê nhà của nhạc sĩ Duy Khánh.
Duy Khánh hát Lối Về Đất Mẹ trước 1975
Trong tờ nhạc, tác giả ghi: “Gửi về những ai đang sống thương yêu bên giòng Thạch Hãn”.
Huế Đẹp Huế Thơ
Đây là bài hát ít nổi tiếng nhất trong số 10 bài hát viết về miền Trung của nhạc sĩ Duy Khánh, với lời ca thật tha thiết đậm chất Huế, được chính tác giả trình bày sau đây:
Duy Khánh hát Huế Đẹp Huế Thơ
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn