Trang chủ
Nhạc sĩ Anh Bằng và những vùng ngoại ô trong Căn Nhà Ngoại Ô, Ngoại Ô Buồn, Cô Hàng Xóm
Trong nhạc vàng, có ba bài hát nổi tiếng nhắc về vùng ngoại ô rất được khán giả yêu thích, và đều của nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác, đó là Căn Nhà Ngoại Ô, Ngoại Ô Buồn và Cô Hàng Xóm.
Vùng đất ngoại ô là nơi thường gợi lại những hình ảnh vừa yên bình, vừa xa vắng. Vùng đất này có vẻ như tránh xa được ánh đèn nhộn nhịp chốn kinh thành, lại vừa lắng tiếng đao binh, gợi nhớ lại những ký ức êm đềm nhất trong mỗi người. Có lẽ vì vậy nên các bài nhạc vàng về vùng ngoại ô này vẫn luôn được yêu mến trong hơn nửa thế kỷ qua.
Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác bài Căn Nhà Ngoại Ô năm 1966, lúc ông đã 40 tuổi, khi đã yên bề gia thất (con út của nhạc sĩ Anh Bằng sinh năm 1960), nên Căn Nhà Ngoại Ô cũng giống như nhiều bài hát khác của nhạc sĩ Anh Bằng, không phải là câu chuyện có thật của đời ông. Đó có thể chỉ là câu chuyện mà tác giả hư cấu, tưởng tượng, nhưng đã nói lên được hoàn cảnh và tâm tình của rất nhiều đôi lứa yêu nhau vào thời điểm 50-60 năm trước: Gặp nhau, yêu nhau, rồi lại xa nhau vì thời cuộc.
Căn Nhà Ngoại Ô đã làm nên tên tuổi ca sĩ Kim Loan trước 75. Click vào hình để nghe
Khác với các câu chuyện thường thấy về một người con gái hậu phương thương nhớ chờ chồng (hoặc người yêu) nơi tiền phương, chuyện tình trong Căn Nhà Ngoại Ô là câu chuyện của hai người cùng ở trên chιến tɾường.
Bài hát Căn Nhà Ngoại Ô có thể xem là một trong những bài nhạc vàng hiếm hoi nói về người nữ quân nhân (bên cạnh bài Người Nữ Đồng Đội của nhạc sĩ Song Ngọc). Thường thấy rằng xưa cũng như nay, người con gái sẽ đóng vai ở hậu phương, nhưng những người con gái trong bài Căn Nhà Ngoại Ô hay Người Nữ Đồng Đội đã trở thành nữ quân nhân thực thụ, không phải là chỉ làm việc trong quân nhu hoặc văn phòng, mà đã ở trực tiếp trên chιến tɾường.
Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim
Em ơi trái đất vẫn tròn,
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau
Hình ảnh người trai từ nơi biên địa trở về vùng ngoại ô để tìm người yêu nhưng không gặp, lẻ loi đứng giữa gió lạnh màn đêm, làm cho người nghe cũng buồn tiếc theo và cảm nhận được cùng nỗi cô đơn. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhạc sĩ cũng để lại một niềm hy vọng le lói bằng câu nói quen thuộc: trái đất vẫn tròn. Cái kết lưng chừng đó thắp lên một niềm tin rằng sẽ có kết thúc đẹp cho đôi trai gái cùng là quân nhân ở trong bài hát, cùng mơ về một ngày thanh bình sẽ được gặp lại nhau để nối lại duyên còn dang dở.
Nếu như vùng ngoại ô thường là tượng trưng cho sự thanh bình, êm ả, nhưng sự yên bình đó đã bị tàn phá đau lòng vì lửa binh, như trong bài Ngoại Ô Buồn được nhạc sĩ Anh Bằng viết với bút danh T.H (bài Căn Nhà Ngoại Ô cũng được Anh Bằng ký tên sáng tác là Anh Bằng & T.H):
Hơn hai mươi năm, lửa binh tàn phá vùng ngoại ô lắm khổ đau
Bài hát này được sáng tác dịp Mậu Thân năm 1968, khi từ thành đô cho đến nông thôn đều nhuốm màu tang thương. Cái mốc thời gian 20 năm quen thuộc này đã được nhắc tới nhiều lần trong nhạc vàng, như là: Mẹ Việt Nam ơi, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về, hoặc: Hai mươi năm sau đón đợi thu vào tầm tay…
Trong bài Ngoại Ô Buồn, tác giả ghi thời gian “hơn hai mươi năm”, có thể là nhạc sĩ đã tính từ mốc cuộc chιến Việt – Pháp tái diễn ra năm 1945, đến năm 1968 là hơn hai mươi năm, đao binh ly loạn đã khuấy động vùng đất ngoại ô vốn yên bình.
Ngày nay, khi nghe lại Ngoại Ô Buồn, dù rằng khung cảnh ly loạn như trong bài hát đã lùi xa, nhưng có lẽ ai cũng cảm nhận được nỗi xúc động bùi ngùi, bởi vì ai cũng từng có một vùng quê giống như vậy, để mỗi khi bước chân trở về lại thấy tràn ngập những kỷ niệm mà cả một đời không thể nào quên. Những câu hát này đã nhấn chìm người nghe vào một cõi tịch liêu và buồn muôn thuở:
Tôi nghe gió ru cây, chim kêu trên ngàn mây,
Hồn miên man khắc khoải chìm giữa khung nhạc đêm dài
Dạ Hương hát Ngoại Ô Buồn
“Bài hát ngoại ô” thứ 3 của nhạc sĩ Anh Bằng là Cô Hàng Xóm được nhạc sĩ Anh Bằng viết cùng nhóm Lê Minh Bằng, ký tên là Giang-Minh-Sơn. Mặc dù là ca khúc được viết chung nhóm với Minh Kỳ và Lê Dinh, nhưng “cái chất” của Anh Bằng thể hiện rõ nét qua bài hát này, nên có thể phỏng đoán là nhạc sĩ Anh Bằng góp sức nhiều nhất trong ba người.
Mở đầu bài hát là lời kể chuyện: Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh… câu hát này quen thuộc và phổ biến đến nỗi nhiều người đổi tên bài hát thành “Vùng Ngoại Ô” mà quên mất tên gốc của bài hát là “Cô Hàng Xóm”, nhắc đến một cô hàng xóm.
Nội dung bài hát gần giống như bài Yêu Một Mình của một nhóm nhạc sĩ nổi tiếng khác là Trịnh Lâm Ngân, là chuyện tình giữa một anh thư sinh nghèo hèn và một tiểu thư giàu có. Rồi như thường lệ, nàng đi lấy chồng giàu sang, để lại anh một mình bơ vơ buồn thương và tiếc nuối, và anh đã viết câu chuyện thành nhạc để kể lại cho nhiều người khác, để cùng nghe và đồng cảm một cách sâu sắc.
Đây có thể vẫn chỉ là một câu chuyện tưởng tượng của nhạc sĩ, nhưng hoàn cảnh này thật giống với hoàn cảnh của hàng triệu anh chàng nghèo tay trắng khác trên đời này, cho nên dù nội dung bài hát giản đơn, không cầu kỳ, nhưng phù hợp với đại chúng và vẫn luôn được hát lên trong bao nhiêu năm qua. Hãy tưởng tượng hình dáng của một anh chàng thất tình nào đó, trước sân nhà mái tranh, chàng ngẩng mặt nhìn ánh trăng vàng vọt, nhấp một ngụm men cay và lả lướt phím guitar, rồi nhắm mắt bi ai, cất lên lời than vãn:
Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở…
Duy Khánh hát Cô Hàng Xóm trước 1975
Ngoài những bài hát “ngoại ô” đã nói đến, trong nhạc vàng chúng ta còn bắt gặp một số bài ngoại ô khác như Ngoại Ô Đèn Vàng (Y Vân), Mưa Đêm Ngoại Ô (Đỗ Kim Bảng), Đường Về Ngoại Ô (Đài Phương Trang). Vùng ngoại ô với man mác nỗi buồn, nó vừa giống vùng quê nhưng lại vừa không xa đô thành, gợi lên những niềm cảm hứng vô tận cho những người nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn