Trang chủ
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca khúc “Xin Trả Nợ Người” – Hai mươi năm tình cũ chưa nguôi
“Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy… Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng… Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm…”. Đó là những dòng thư tha thiết, nồng nàn, tràn ngập yêu thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi cho người yêu Dao Ánh. Trong 4 năm yêu đương, riêng nhạc sĩ đã viết tổng cộng khoảng 300 lá thư tình và lá thư nào cũng như một dòng thác lũ tuôn tràn những ngôn từ yêu thương, nhớ nhung da diết dành cho Dao Ánh.
Ngay cả khi đã nén lòng làm kẻ phụ bạc, nói lời chia tay trước trong cuộc tình tuyệt vọng của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn trân trọng, yêu thương, nhung nhớ người con gái nhỏ có mái tóc đen dài và đôi mắt trong veo như hồ thu ấy. Hai năm sau ngày chia tay, năm 1969, Dao Ánh theo gia đình qua Mỹ và kết hôn, tin tức này đưa tới Trịnh Công Sơn như một vết thương cứa vào trái tim của người nhạc sĩ đa sầu đa cảm.
Năm 1989, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp lại nàng Dao Ánh của mình tại Paris. Cuộc tái ngộ ngắn ngủi sau hai mươi năm đã gợi lại những xúc cảm rung động mạnh mẽ trong lòng nhạc sĩ. Tháng 11 năm 1991 trong một bức thư gửi tình cũ, ông thổ lộ: “Thú thực, anh chưa quên cái nhìn quay lại ở Paris ở bouche metro rue Monge quận 5 Paris một ngày tháng 6/1989”. Dường như bất kỳ khoảnh khắc gặp gỡ nào giữa hai người cũng được nhạc sĩ khắc cốt ghi tâm.
Đầu năm 1993, Dao Ánh từ Mỹ trở về Việt Nam và tìm tới nhà thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không rõ họ đã nói gì với nhau. Chỉ biết sau cuộc hội ngộ đó, Dao Ánh trở về Mỹ và ly dị chồng, còn Trịnh Công Sơn thì viết ca khúc Xin Trả Nợ Người ngay trong đêm mùng 3 tết năm đó.
Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi
Dù cuộc tình đã hết, dù người đã cất bước đi lấy chồng không một lời từ biệt nhưng duyên chưa tận, nợ chưa trả xong, nên mãi đến hai mươi năm sau vẫn vương vấn nhau. Và vì còn duyên nợ đó nên xin em hãy trả cho anh. Là “nợ”, nhưng anh chỉ ngỏ lời “xin” chứ không đường đột “đòi”. Qua bao bể dâu, Dao Ánh không còn là nàng thiếu nữ xinh đẹp, tươi trẻ nữa, đôi mắt hẳn đã không còn trong trẻo, lóng lánh, dấu chân chim cũng đã hằn trên đuôi mắt nàng nhưng tình yêu của chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn như thuở nào, vẫn rất dịu dàng và đầy trân trọng.
Tuy chỉ là xin, anh cũng ráng xin cho thật nhiều, “xin trả nợ dài”. Không phải trả một lần mà hết đâu, mà phải trả cho nhau “dài lâu”, trả đủ “nợ một đời em đã phụ tôi”.
Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi
Nhạc sĩ không trách người yêu bỏ ông đi lấy chồng, không trách hờn vì em đã yêu người khác. Ông chỉ trách nhẹ người cũ suốt hai mươi năm qua đã “không nhớ gì tôi”, đã “quên hết tình tôi”.
Điều này từng được nhắc đến trong lá thư gửi Dao Ánh tháng 8-1989 sau cuộc tái ngộ đầu tiên của hai người qua hai mươi năm, tại Paris: “Anh không thấy Ánh thay đổi gì cả. Cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Ánh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay. Hãy để một người khác giữ và mình thì lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thực. Anh nhớ Ánh như những ngày xưa… Hôm gặp Ánh ở Monge buồn muốn khóc.”
Và bởi khi em ra đi, khi em phụ tôi, em còn bé dại, thơ dại lắm nên tôi không giận hờn, oán trách gì em cả. Bây giờ em đã quay lại rồi, không còn thơ dại nữa thì xin em… xin em hãy trả “nợ tình” cho tôi.
Vậy mới thấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khéo léo, ý nhị và tinh tế đến nhường nào. Tinh tế và thận trọng trong cách sử dụng từng từ từng chữ. Đến đây, hẳn cánh phụ nữ sẽ thầm suýt xoa ganh tị với người phụ nữ mang tên Dao Ánh, dù đã qua tuổi tứ tuần vẫn được yêu chiều, nâng niu như thời con gái. Còn cánh đàn ông chắc hẳn sẽ ngả mũ bái phục biệt tài rót mật vào tai phụ nữ của người nhạc sĩ tài hoa này.
chính Trịnh Công Sơn hát ca khúc Xin Trả Nợ Người
Hai mươi năm em trả lại rồi
Trả nợ một đời xa vắng vòng tay
Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
Trả nợ một thời môi vắng vòng môi
Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Trả nợ một đời chưa hết tình sâu
Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu
Thế giới thật tròn trĩnh và bé nhỏ, đi khắp một vòng rồi lại tìm về với nhau. Tình em ngỡ đã “vơi cạn” tự bao giờ “lại đầy” trở lại.
“Hai mươi năm em trả lại rồi”, vì em trả nên anh phải quyết “xin” cho đủ, cho khoả lấp hết những buồn thương, mong nhớ suốt hai mươi năm. Chàng nhạc sĩ đã xin gì trong món nợ tình đó? Là vòng tay xa vắng, là bờ môi, là ngọt ngào, là nợ “răng long đầu bạc”,…
Hãy để ý đến cách sử dụng ngôn từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những câu hát này. Không phải là “vòng tay ôm” mà là “xa vắng vòng tay”, không phải là “môi hôn” mà là “môi vắng vòng môi”. Những ngôn từ vô cùng bay bổng, vô cùng tinh khôi, kín kẽ và lãng mạn có lẽ chỉ thường dùng cho những nàng thiếu nữ chưa trải sự đời chứ không phải là nói với một người đàn bà từng trải. Phải chăng, nhạc sĩ kín đáo nói rằng, tình yêu mà ông dành cho Dao Ánh mãi mãi không đổi dời, mãi mãi là tình yêu thuở ban đầu ngọc ngà tinh khiết dành cho cô gái nhỏ tuổi 15.
Và bởi vì vậy nên em có “trả nợ một đời” cũng “chưa hết tình đâu” bởi tình anh sâu nặng lắm.
Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thuở nào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau
Em trở về. Anh bất ngờ đón nhận tình yêu của em như một bài thuốc tiên “mầu nhiệm“. Mọi hờn trách, sầu bi, nuối tiếc của chia ly, phụ bạc trong anh bỗng chốc tan biến, nhạt nhoà như chưa từng hiển hiện. Trong mắt anh, em của hai mươi sau “vẫn là thuở nào”, vẫn nguyên vẹn một hình bóng yêu thương đó trong tim anh chưa từng phai mờ.
Trong lá thư gửi người tình vào tháng 3 năm 1993, sau khi Dao Ánh trở về tìm gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn và quay lại Mỹ, ông viết về cảm xúc của những ngày ngắn ngủi “có lại nhau”:
“…Về giữa đêm nằm ngủ một mình lại nhớ những ngày ngắn ngủi và êm đềm đã qua. Có một cái gì đó như là giấc mộng, một thứ thực tại hầu như không có thực. Một dĩ vãng tưởng chừng sẽ mất hút mãi mãi bỗng dưng còn đó, trở về như một hiện tại, như của ngày hôm nay. Tất cả những hình ảnh đó cứ trôi đi bềnh bồng trong anh và cứ buộc anh phải cầm ly rượu lên để mà nhớ.
Anh gửi Ánh cái hộp laque đựng bijoux. Đựng luôn trong đó nỗi nhớ của anh và nếu cần Ánh hãy bỏ cả nỗi nhớ của Ánh vào đó.
Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế tới Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng dòng nước ngầm không quên lãng.
Nhớ Ánh tournesol vô cùng nhớ.”
Nhạc sĩ đã thầm mong ước về một mối tình vĩnh hằng, vô biên bởi “Trả nợ một đời không hết tình đâu”, nên dù em “trả một lần” anh đã “quên hết tình đau” nhưng điều đó là không đủ. Hai mươi năm đã trôi qua, dâu bể đã đổi dời, tình yêu của anh dành cho em vẫn y nguyên đó và em cũng vậy, “vơi cạn lại đầy”. Nhưng “hai mươi năm vẫn là thuở nào”, quá khứ một lần nữa quay lại, những vướng mắc trong đời nhau hai mươi sau trước và hai mươi năm sau lại tiếp tục cản ngăn hai người đến bên nhau. Vậy nên, anh lại đành tiếp tục cho em “nợ lại”. Nhưng em hãy nhớ, anh chỉ cho em nợ lại lần này, trong cõi đời này thôi. Câu hát cuối cùng “Nợ lại lần này trong cõi đời nhau” giống như một lời ước hẹn cho mai sau…, cho vĩnh hằng.
Đúng như lời hát, trong thực tế, dù duyên nợ vẫn còn đó, chưa thể trả cho nhau nhưng hai người vẫn vướng mắc vào nhau mãi không thể buông được cho đến tận cuối đời. Hoạ sĩ Đinh Cường – Một người bạn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã kể lại rằng: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao Ánh về thăm. Suốt tuần, sáng nào Dao Ánh cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà”.
Dáng vẻ của nàng Dao Ánh khi ấy, trong những giờ phút cuối cùng bên người nhạc sĩ đã dành cả một đời để yêu mình, hẳn rất chông chênh và cô độc. Bởi khi quyết định trao lại 300 bức thư tình đầy ắp kỷ niệm của hai người, mà bà vẫn luôn gìn giữ và trân trọng, cho gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất bản thành sách, Dao Ánh tâm sự, điều đó đồng nghĩa với việc bà đang tự ɡιết chính mình. Bởi nhờ nó, mà suốt mấy chục năm qua, bà luôn cảm thấy có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở bên cạnh. Nhưng bà nghĩ rằng, những di sản và tài hoa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là để dành tặng cho đời, cho người nên bà không có quyền giữ lại cho riêng mình.
Sau đây, mời các bạn nghe lại Khánh Ly hát Xin Trả Nợ Người, cùng lời dẫn do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đọc:
Khánh Ly hát
“Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn hai mươi năm. Đi từ Huế lên Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng.
Anh không thấy Ánh thay đổi gì cả, cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Anh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay, hãy để một người khác giữ, và mình thì lãng quên, hoặc giữ trên một văn bản không bao giờ có thực.
Có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được. Bình thường thôi, anh sống một mình và cố tìm một niềm vui của riêng anh.”
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn