Trang chủ
“Người Tình Mùa Đông” – Cuộc tình tuổi trẻ lạnh lùng như mùa Đông băng giá
Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Lại một mùa đông nữa đang trở lại, những cơn gió lạnh tràn về làm lòng người lay động. Bản nhạc Người Tình Mùa Đông dù đã tua đi tua lại nhiều lần, đã thuộc đến cả từng chữ từng nhịp, vẫn khiến hồn người chìm trôi trong khối tình kiêu kỳ giá băng xưa cũ. Mấy chục năm đã trôi qua, bao mùa đông đã trở đi trở lại, nữ ca sĩ trẻ trung khi xưa đã không còn trẻ nữa, nhưng giọng hát ngọt ngào, trong trẻo ấy vẫn vang lên mê đắm lạ kỳ…
Bản gốc của ca khúc Người Tình Mùa Đông vốn là một bài hát tiếng Nhật của do nữ ca sĩ – nhạc sĩ Nakajima Miyuki sáng tác mang tên Rougue (Son Môi Hồng). Lần trình làng đầu tiên của Rougue là vào năm 1977 với sự thể hiện của nữ ca sĩ Naomi Chiaki, bản nhạc đã không gây được ấn tượng trong giới mộ điệu. Đến năm 1979, tác giả Nakajima Miyuki quyết định cover lại bản nhạc và tự thể hiện trong album Okaerinasai thì lại thu được thành công. Ca khúc không chỉ nổi tiếng ở Nhật mà còn được chuyển lời và trình diễn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Nổi bật nhất là bản tiếng hoa mang tên Fragile Woman (Người phụ nữ dễ bị tổn thương) được nữ hoàng nhạc nhẹ Vương Phi biểu diễn. Ca khúc đã góp phần khẳng định tên tuổi và vị trí của nữ diva trong lòng công chúng hâm mộ. Bản tiếng anh của Rougue cũng là một ca khúc đình đám khắp Châu Á mang tên That Is Love, được nhóm nhạc Tokyo Square trình diễn và lọt vào danh sách Những tình khúc sống mãi với thời gian.
Ở bản tiếng Việt, năm 1994, như một mối duyên tiền định đẩy đưa, nhạc phẩm Người Tình Mùa Đông bất ngờ nổi lên trở thành một hit lớn không chỉ ở hải ngoại mà còn của âm nhạc Việt, đi đâu cũng nghe, ai ai cũng thuộc một vài câu hoặc cả bản. Song hành với sự bùng nổ đó của nhạc phẩm, giọng hát ngọt ngào, trong sáng của nữ ca sĩ Như Quỳnh cũng vụt sáng trong làng âm nhạc hải ngoại. Những khán thính giả yêu nhạc thời đó hẳn không thể nào quên hình ảnh nữ ca sĩ Như Quỳnh trẻ trung xinh đẹp, gương mặt bầu bĩnh, thanh thoát, làn da trắng sứ nổi bật trong chiếc áo blazer đỏ, chiếc mũ nồi đen, váy ngắn trắng xếp ly vô cùng xinh xắn và gợi cảm.
Rougue nguyên gốc là một khúc nhạc buồn, đầy tự sự của một một cô gái quê đang phải sống một cuộc đời rất khác với chính cô. Vì theo đuổi cuộc sống phồn hoa, mưu sinh nơi thị thành, cô dần đánh mất đi con người thôn quê hồn hậu, trong sáng, ngây thơ xưa cũ. Tuy nhiên, mỗi khi đêm về, đối diện với nỗi cô đơn, héo hắt trong lòng, cô lại khóc thầm bởi nỗi nhớ về một hình bóng trong quá khứ vẫn âm ỉ, dày vò tâm hồn cô. Khi chuyển sang bản tiếng Việt, nhạc sĩ Anh Bằng đã dựa trên bản tiếng Hoa của Vương Phi hát, chứ không phải bản tiếng Nhật. Vì vậy, nhiều người lầm tưởng đây là ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Về nội dung ca khúc, khi viết lại lời, nhạc sĩ Anh Bằng cũng đã làm mới cho ca khúc bằng cách đặt cô gái có trái tim kiêu kỳ băng giá vào trái tim ấm áp của một chàng trai. Dòng cảm xúc trong ca khúc do đó cũng dày dặn lên, da diết và ám ảnh sâu sắc.
Như Quỳnh hát
Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa em không đến
Cái hay của nhạc nhẹ là ca từ không ẩn mật, sâu kín nhiều tầng nhiều lớp mà phảng phất gợi nhớ nhẹ nhàng, cuốn người nghe vào những giai điệu tươi trẻ, hồn hậu, sống động, dễ nhớ dễ thuộc. Người ta thường chọn những tình khúc nhạc nhẹ khi buồn, khi tâm trang vu vơ lênh đênh để nghe để nhớ, để hoài niệm về những ngày tháng cũ, để mỉm cười thương nhớ hoặc buồn vu vơ. Những ký ức đó, hoài niệm đó thi thoảng cần được sống lại, nhắc lại trong tâm hồn mỗi người để biết rằng, ta cũng có một cuộc đời đáng nhớ, đã sống một cuộc đời đáng sống, đã có những cuộc tình đáng để mỉm cười mãn nguyện.
Chàng trai trong ca khúc này đã chìm trôi trong dòng tâm trạng của những hoài nhớ xưa cũ về một thời tuổi trẻ yêu đương mê đắm. Dẫu biết đường vào tim em băng giá, nhưng tuổi trẻ nào ngại ngần, e sợ điều gì. Vậy nên, “trời mùa đông mây vẫn hay đi về, vẫn mưa mưa trên đường thầm thì”, bất kể thời tiết mùa đông giá lạnh hay mưa phùn gió bấc, chàng vẫn đi đi về về, vẫn quyết tâm bám trụ tìm đường vào trái tim của người tình. Nhưng dù chàng có nồng nhiệt, chịu khổ bao nhiêu, có đi về bao lần thì trái tim kia vẫn quyết băng giá, phong kín lối đi về, chưa từng hé mở dù chỉ một lối nhỏ để chàng hé mắt nhìn vào, để bao ngày tháng trôi qua, chàng vẫn luôn ngây dại với câu hỏi: vì đâu mưa em không đến?
Đường vào tim em mây giăng kín
Bàn chân anh trên lối đi không thành
Những đêm khuya mưa buồn một mình
Có khi cho ta quên cuộc tình.
Thời gian trôi qua, cuộc tình xưa đã lùi sâu vào vùng ký ức. Những tình cảm, rung động cũ đã chẳng còn dằng xé nơi trái tim chàng trai. Những gì đọng lại chỉ là những kỷ niệm, những ký ức trong trẻo ghi dấu một thời tuổi trẻ yêu đương nồng nhiệt.
Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa
Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua
Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ
Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió
Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố
Vẫn trên cao trời mưa lũ
Vẫn tiếng buồn xưa
Từng câu hát cất lên tựa như những làn gió thoảng luồn vào song thưa, lật mở từng trang nhật ký cũ. Nghe lời hát, ta hình dung những cuộc đón đưa của một mối tình ngây thơ, e ấp, trong veo, trong vắt của những cô cậu học trò, những chàng nàng sinh viên, mà hẳn ai trong đời cũng một lần trải qua. Đó hẳn là lần đầu tiên chàng trai chạm vào những cung bậc yêu đương, quyến luyến. Sức mạnh tuổi trẻ, niềm tin tuổi trẻ, tình yêu nồng nhiệt không đắn đó của tuổi trẻ đã trao cho chàng những kỷ niệm thật đẹp, thật thơ không thể nào có lại lần thứ hai trong đời. Đó là những buổi đợi chờ đón đưa, âm thầm kiên nhẫn, dịu dàng và rụt rè của chàng trai trẻ. Những lần vụng về sải rộng cánh tay che chắn cho người tình khỏi gió mưa ướt lạnh. Những lần chợt bàng hoàng, ngơ ngẩn, trái tim loạn nhịp khi bất chợt thấy đôi vai thon mềm của người tình run lên trong gió lạnh.
Nhưng tất cả chỉ có vậy, những đón đưa, chờ đợi, chỉ mong nhận được cái gật đầu bẽn lẽn cũng đã không thành. Chàng thì e dè, khúm núm, đón đưa, làm mọi thứ để chứng tỏ tình yêu. Nàng thì vẫn một mực nũng nịu, một mực kiêu kỳ, băng giá, vẫn chưa từng gật đầu yêu. Tình yêu tưởng như gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời, vẫn mãi “chim cao trời mưa lũ”, để chàng mãi hoài không thể với tới, không thể chạm vào.
“Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay?”
Nguồn cơn của dòng tâm trạng hoài nhớ cuối cùng đã được bật mở. Là bởi, chàng trai đã gặp lại người cũ “chiều nay”. Trái tim băng giá mà chàng không thể tìm được đường vào, trái tim kiêu kỳ mà chàng đã miệt mài đuổi bắt cả một thời tuổi trẻ, nay đã có người “phá băng”. Cuộc gặp chiều nay, “bàn tay” chiều nay gợi cho chàng những ký ức xưa, và đặt vào tâm trí chàng muôn vàn câu hỏi. Là ai? Ai đã dắt em chiều nay? Ai đã tìm được đường vào trái tim em? Khi mà:
Đường vào tim em bao con sóng
Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng
Trái tim em muôn đời lạnh lùng
Hỡi ơi, trái tim mùa đông
Với chàng trai, trái tim cô gái dù để lại cho chàng bao câu hỏi không có lời đáp, nhưng cũng giữ cho chàng một thời “xuân hoa mộng” đáng để nhớ về. Bởi vì trái tim ấy là trái tim mùa đông, chứ nếu là một trái tim mùa hè nồng nhiệt, nếu cô đáp trả tình yêu của chàng thì biết đâu hai trái tim đã thiêu đốt nhau tàn lụi tự bao giờ bằng những đắng cay, sầu bi, hờn oán, chẳng còn muốn nhớ, muốn thương. Chỉ có trái tim kiêu kỳ của mùa đông mãi mãi chàng không thể bước vào mới để lại trong chàng những ký ức ấm áp, nồng nhiệt của một thời tuổi trẻ yêu cuồng nhiệt, đắm say. Vậy nên hỡi ơi, trái tim mùa đông, hãy mãi cứ muôn đời lạnh lùng để chàng trai nhớ hoài, nhớ mãi, giữ hoài giữ mãi trong lòng như một kỷ vật quý giá, đừng bao giờ thay màu…
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn