Trang chủ
Nghe lại những Băng Nhạc trước 1975 nổi tiếng của Phương Dung
Trong số các ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng trước năm 1975, có lẽ Phương Dung là người được thực hiện nhiều băng nhạc riêng nhất (chỉ có 1 giọng hát trong nguyên băng nhạc), đó là Hương Quê 1, Sóng Nhạc 6, Sơn Ca 5 và Sơn Ca 11.
Thời thập niên 1960 là thời kỳ vàng son của loại dĩa nhựa. Nhưng loại dĩa này có nhược điểm là chỉ chứa được 8 bài trong mỗi dĩa hát 33 vòng. Sang thập niên 1970, các loại băng cối (magnetic) bắt đầu phổ biến. Thực ra băng này đã được sử dụng trước đó, nhưng chủ yếu là ở trong các phòng thu.
Sau này với ưu điểm là có thời lượng dài với khoảng 18 bài hát mỗi băng nhạc, nên băng cối dần thay thế dĩa nhựa. Cũng từ lúc đó nhiều băng nhạc được sản xuất riêng cho giọng hát của một ca sĩ, đầu tiên có lẽ là băng Sóng Nhạc 6 – Tiếng Hát Phương Dung mà bạn có thể nghe ở dưới đây.
băng Sóng Nhạc 6 – Tiếng Hát Phương Dung
Từ khoảng năm 1964, ca sĩ Phương Dung cùng với Thanh Thuý, Trúc Mai, Minh Hiếu được ký hợp đồng độc quyền với Sóng Nhạc, là hãng dĩa lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Từ đầu thập niên 1970, dĩa nhựa thoái trào, băng cối lên ngôi, lúc này hãng Sóng Nhạc không chuyển sang sản xuất băng cối mà gần như đóng cửa xưởng làm dĩa nhạc. Các bản thu âm gốc trước đó của Sóng Nhạc được một đơn vị khác mua lại bản quyền để làm băng cối mang tên Sóng Nhạc với 8 băng, trong đó chỉ có 2 cuốn riêng giọng hát ca sĩ: Sóng Nhạc 6 – Tiếng Hát Phương Dung và Sóng Nhạc 7 – Tiếng Hát Minh Hiếu.
Một băng nhạc riêng tiếng hát Phương Dung nổi tiếng khác là Hương Quê 1 – Tiếng Hát Phương Dung được phát hành năm 1972. Không có nhiều thông tin về băng nhạc Hương Quê duy nhất này. Tuy được đánh số là Hương Quê 1, nhưng băng nhạc số 2 không bao giờ được ra mắt. Điều này cũng thật lạ vì băng số 1 được cho là rất ăn khách. Các bài hát trong băng nhạc được 2 nhạc sĩ Lê Văn Thiện và Y Vân hoà âm. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Băng Nhạc Hương Quê 1
Băng nhạc tiếng hát Phương Dung nổi tiếng nhất có lẽ là Sơn Ca 5 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện, và cũng là băng Sơn Ca đầu tiên dành riêng cho tiếng hát của chỉ 1 ca sĩ. Các băng trước đó đều là băng nhạc chủ đề:
Sơn Ca 1: Những chuyến đi mùa ly loạn
Sơn Ca 2: Xuân 72 – Xuân hạnh phúc, xuân nhớ nhau
Sơn Ca 3: Mừng Giáng Sinh – Tình yêu và thanh bình
Băng số 4 không được phát hành vì vấn đề kiểm duyệt. Đến băng nhạc số 5 với riêng tiếng hát Phương Dung thì số lượng bán được tăng vượt trội, từ đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện tiếp các băng sau này với chỉ một giọng ca duy nhất: Sơn Ca 6 – Giao Linh, Sơn Ca 7 – Khánh Ly, Sơn Ca 8 – Sơn Ca, Sơn Ca 9 – Lệ Thu, Sơn Ca 10 – Thái Thanh.
băng nhạc Sơn Ca 5 – Phương Dung
Trong số các băng nhạc này, băng Sơn Ca 5 vẫn đắt hàng nhất với doanh số gần gấp đôi các băng khác. Vì vậy đến băng nhạc số 11, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm cuốn thứ 2 cho tiếng hát Phương Dung, là một trong những băng nhạc cuối cùng của Miền Nam trước năm 1975.
Băng Sơn Ca 11 hoàn thành những khâu cuối cùng từ cuối năm 1974, cùng thời điểm với băng “Sơn Ca 10 – Thái Thanh và Ban Thăng Long”. Băng Sơn Ca 10 này đã được phát hành ở Sài Gòn vào đầu năm 1975, còn băng Sơn Ca 11 chưa kịp đưa ra thị trường thì Sài Gòn thất thủ. Khi đó chủ đầu tư của hãng Sơn Ca là ông Tứ đã đem bản master theo khi sang Pháp tị nạn rồi bán lại cho trung tâm Thuý Nga hải ngoại để phát hành thành băng cassette. Ông Tứ là người cùng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để thành lập hãng Sơn Ca, Continental, ông là người đầu tư về tài chính còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phụ trách toàn bộ về phần sản xuất.
Nhờ được trung tâm Thuý Nga phát hành ở hải ngoại nên ngày nay, chúng ta vẫn được nghe lại một trong những cuốn băng nhạc vàng cuối cùng của Sài Gòn sau đây:
băng Sơn Ca 11 – Phương Dung
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)