Trang chủ
Nghe lại những bản thu âm trước 1975 của ca sĩ Giang Tử
Trong những nam danh ca nhạc vàng nổi tiếng nhất trước năm 1975, ngoài nhóm tứ trụ ra còn có các ca sĩ khác cũng nhận được nhiều tình cảm của khán giả yêu nhạc, như là Thái Châu, Thanh Phong, Phương Đại, Trung Chỉnh, và đặc biệt là Giang Tử.
Cho dù sự nghiệp ca hát trước năm 1975 của ca sĩ Giang Tử không thực sự nổi bật so với các đồng nghiệp, số lượng ca khúc thu âm không nhiều, nhưng ông cũng tạo dựng được một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Xin nhắc lại một số bản thu âm nổi tiếng nhất của cố ca sĩ Giang Tử trước 1975 sau đây:
Giang Hồ (nhạc sĩ Tâm Anh)
Trước khi ca sĩ Giang Tử thành danh với hàng loạt ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình như Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ, Gặp Lại Cố Nhân, Kỷ Niệm Một Mùa Hè, ông thường hát chung với Chế Linh thành đôi song ca được gọi tên là Hai Con Lạc Đà. Mời bạn nghe lại ca khúc: Giang Hồ – một sáng tác của nhạc sĩ Tâm Anh qua phần tình bày của đôi song ca Hai Con Lạc Đà sau đây:
Chế Linh – Giang Tử hát Giang Hồ
Thời trẻ, vì tính tình phóng khoáng và thích la cà đây đó với bạn bè nên ca sĩ Giang Tử được bằng hữu đặt cho cái tên Giang Tử – với ý nghĩa một người lãng tử tên Giang. Vì vậy mà ca khúc Giang Hồ có vẻ là rất thích hợp với bản tính của như giọng hát của giọng ca trầm ấm truyền cảm này.
Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ (nhạc sĩ Hà Phương – Anh Việt Thanh)
Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ được nhạc sĩ Hà Phương viết chung với Anh Việt Thanh, là một bài nhạc lính được Giang Tử hát lần đầu tiên vào khoảng đầu thập niên 1970. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hà Phương đổi lại lời, bỏ đi các câu hát nói về lính, trở thành một bài hát đơn thuần về tình yêu, và phiên bản mới này rất nổi tiếng qua giọng hát Trường Vũ hồi thập niên 1990.
Mời các bạn nghe lại phiên bản gốc sau đây:
Trời đổ mưa cho ướt áo chinh nhân, mưa về trên đồn vắng.
Trời làm mưa cho ướt áo em thơ mưa rơi từ bao giờ?
Mùa mưa đó anh đi vào sương gió
những đêm mưa tỉnh nhỏ gợi nhớ thuở học trò, tâm tình thường hay ngỏ
trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa.
Giang Tử hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ trước 1975
Căn Nhà Màu Tím (nhạc sĩ Hoài Linh)
Có lẽ đây là bản thu âm được yêu thích nhất của ca sĩ Giang Tử trước năm 1975. Từ một bài hát có nội dung là câu chuyện tình dễ thương và có hậu của nhạc sĩ Hoài Linh, tiếng hát Giang Tử cùng Giáng Thu đã hoà quyện vào nhau để tạo thành một bản thu âm hoàn hảo và cho đến nay vẫn nhiều người tìm nghe lại sau hơn nửa thế kỷ. Giọng hát có phần nũng nịu nhưng cũng thanh thoát của Giáng Thu rất thích hợp với giọng hát ấm áp của cố ca sĩ Giang Tử. Mời các bạn nghe lại:
Người Nữ Đồng Đội (nhạc sĩ Song Ngọc)
Ngoài sự kết hợp ăn ý với nhau trong ca khúc Căn Nhà Màu Tím, 2 ca sĩ có tên viết tắt giống nhau (GT) này còn song ca một bài hát để đời của nhạc sĩ Song Ngọc là Người Nữ Đồng Đội, ca khúc hiếm hoi viết về người nữ quân nhân. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Kỷ Niệm Một Mùa Hè (nhạc sĩ Song Ngọc)
Sự nghiệp của ca sĩ Giang Tử trước năm 1975 có sự gắn bó với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Song Ngọc, đó là Kỷ Niệm Một Mùa Hè, Gặp Lại Cố Nhân, Nó Và Tôi…
Mời bạn nghe lại ca khúc nói về tâm trạng của một anh “lính nhỏ”, bâng khuâng nhớ lại thuở học trò khi mùa hè đến:
Giang Tử hát Kỷ Niệm Một Mùa Hè
Gặp Lại Cố Nhân (nhạc sĩ Hàn Sinh)
Nhạc sĩ Song Ngọc có 2 ca khúc viết về “cố nhân” và cùng ký tên sáng tác Hàn Sinh, đó là Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân và Gặp Lại Cố Nhân.
Cố nhân là tên gọi một cách văn chương của “người xưa”. Có thể hiểu là người yêu cũ, đã từng cùng nhau trải qua một thời yêu dấu nhưng rồi xa cách. Hai chữ “cố nhân” thật gợi buồn, thoáng nét cổ phong, đã được các nhạc sĩ nhạc vàng sử dụng phổ biến. Nhạc sĩ Lam Phương đã gọi: Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời (Có Úa), nhạc sĩ Thanh Sơn cũng viết: Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không (Ba Tháng Tạ Từ), nhạc sĩ Duy Khánh thì gọi bút nghiên thành cố nhân: Và bút nghiên là cố nhân thôi… (Mùa Chia Tay)… và nhiều bài hát khác nữa.
Mời bạn nghe lại ca khúc Gặp Lại Cố Nhân qua tiếng hát Giang Tử sau đây:
Bài hát này được ca sĩ Giang Tử thu âm vào dĩa nhựa sau khi ký độc quyền với Hãng Dĩa Việt Nam khoảng cuối thập niên 1960. Bà chủ của hãng dĩa này là bà Sáu Liên nói về ông như sau:
“Chúng tôi thấy Giang Tử là giọng ca triển vọng nên quyết định lăng – xê ca sĩ này, để anh song ca với nhiều nữ ca sĩ thời đó: Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Yến Linh, Giáng Thu… Dẫu sớm khẳng định tên tuổi nhưng Giang Tử không kiêu căng, ỷ lại mà cần mẫn làm việc. Mỗi khi thu âm xong một ca khúc đều lắng nghe ý kiến của “đàn anh” trong nghề”.
Nó Và Tôi (nhạc sĩ Song Ngọc)
Một ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Song Ngọc (viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh với bút danh Vọng Châu) được Giang Tử hát từ trước năm 1975, là một trong những bài nhạc lính nổi tiếng nhất với nội dung rất cảm động về tình đồng đội và tình bằng hữu:
Giang Tử hát Nó Và Tôi
Những Chuyện Tình Mong Manh (nhạc sĩ Mai Văn Hiền)
Bài hát Những Chuyện Tình Mong Manh là một sáng tác của nhạc sĩ Mai Văn Hiền được đôi song ca Giang Tử – Hương Lan hát lần đầu trong dĩa nhựa của hãng dĩa Việt Nam từ thập niên 1960. Sau đó, Giang Tử có hát lại trong băng nhạc Kim Đằng 5 vào đầu năm 1975.
Bài hát là nỗi lòng của người chính nhân nơi đầu tuyến, nghe từng giọt mưa rớt trên đất mẹ nhục nhằn mà tưởng là nước mắt của người thương. Những chuyện tình trong thời binh khói vẫn thật mong manh. Mong manh không phải vì tình người dễ thay đổi, mà mong manh theo phận nước, mong manh như tính mệnh người trong thời tao loạn.
Mời các bạn nghe lại 2 phiên bản của bài hát này qua giọng hát Giang Tử trước 1975 sau đây:
Giang Tử – Hương Lan song ca Những Chuyện Tình Mong Manh
Giang Tử hát Những Chuyện Tình Mong Manh
Không Phải Tại Chúng Mình (nhạc sĩ Ngọc Văn)
Đây là một ca khúc của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác với bút danh là Ngọc Văn, được một học trò nổi tiếng của nhóm Lê Minh Bằng là ca sĩ Trang Mỹ Dung hát song ca cùng Giang Tử. Mời các bạn nghe lại:
Thói Đời (nhạc sĩ Trúc Phương)
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương rất thành công qua tiếng hát Chế Linh. Ít người biết rằng vào thập niên 1970, ca sĩ Giang Tử cũng có thu âm ca khúc này trong băng nhạc Anh Việt Thu.
Bài hát Thói Đời được nhạc sĩ Trúc Phương viết trong thời điểm đang ở đỉnh cao danh vọng của một nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng ông đã chớm thấy được những mầm mống của thói đời lừa dối điêu ngoa, điều mà ông đã phải trải qua thật sự vào những năm cuối cuộc đời.
Giang Tử hát Thói Đời
Một Lời Cho Nhau (nhạc sĩ Lưu Hoàng Thanh)
Một ca khúc không nhiều người biết đến của một nhạc sĩ có cái tên rất lạ là Lưu Hoàng Thanh. Bản thu âm ở dưới đây của ca sĩ Giang Tử trong băng Tâm Anh trước năm 1975 có chất lượng rất tốt, thể hiện được chất giọng đặc trưng của ca sĩ Giang Tử. Mời bạn nghe lại:
Những Đêm Gọi Mặt Trời (nhạc sĩ Thanh Phương)
Một ca khúc ít người biết của nhạc sĩ Thanh Phương được Giang Tử thu trong băng nhạc Anh Việt Thu. Bài hát này có giai điệu và nội dung rất thích hợp với giọng hát và tính cách “giang hồ lãng tử” của ca sĩ Giang Tử. Mời bạn nghe lại:
Chỉ Một Lời Thôi (nhạc sĩ Nguyên Thảo)
Ca khúc này là lần hiếm hoi mà ca sĩ Giang Tử song ca cùng với Giao Linh:
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)