Trang chủ
Nghe lại những bản thu âm hiếm trước 1975 của ca sĩ Hoài Bắc (tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương)
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một trong những tên tuổi lớn nhất của tân nhạc Việt Nam. Ông bắt đầu viết nhạc từ khoảng cuối thập niên 1940, sau đó sáng tác nhiều nhất và hăng say nhất là trong thập niên 1950. Sang thập niên 1960, vì biến cố gia đình nên ông trở nên trầm lặng hơn và ít hoạt động nghệ thuật. Những sáng tác ít ỏi của ông thời gian thập niên 1960 chủ yếu là nhạc buồn: Đêm Cuối Cùng, Người Đi Qua Đời Tôi, Màu Kỷ Niệm, Định Mệnh Buồn… Nhạc sĩ Phạm Đình Chương vẫn duy trì sáng tác trong thập niên 1970, rồi thập niên 1980 ở hải ngoại, trước khi qua đời năm 1991.
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn là một ca sĩ, được biết đến với nghệ danh là Hoài Bắc khi hát trong ban hợp ca Thăng Long cùng những anh chị em trong gia đình.
Ban Thăng Long hát tam khúc Em Bé Quê, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê của nhạc sĩ Phạm Duy
Ban hợp ca Thăng Long được chính thức thành lập tại Sài Gòn sau khi đại gia đình nhà họ Phạm di cư vào Nam sinh sống, và trong tâm trạng hoài hương nhớ về xứ Bắc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã chọn cho mình cái tên Hoài Bắc.
giọng hát Hoài Bắc Phạm Đình Chương cùng với vợ là Khánh Ngọc trong bài Đêm Mê Linh của Văn Giảng. Ngoài ra còn có sự góp giọng của ca nhạc sĩ Châu Kỳ vào đầu thập niên 1950
Những bản thu âm có giọng hát của Hoài Bắc trước 1975 còn lưu lại đến nay đa số là hát chung trong ban hợp ca Thăng Long. Ông cũng có hát đơn ca nhưng chủ yếu là ở tại phòng trà Đêm Màu Hồng do ông thành lập trên đường Tự Do.
Sau đây là những bản thu âm hiếm hoi mà Hoài Bắc hát đơn ca trước 1975:
Hoài Bắc hát Mộng Dưới Hoa trước 1975
Trước năm 1975, Hoài Bắc đã nhiều lần hát bài này ở phòng trà Đêm Màu Hồng. Có người kể lại rằng mỗi lần hát đến câu “mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” thì ông ngừng lại giữa chừng làm cho ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi”. Nói xong, ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo.
Một mảng sáng tác đáng chú ý của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là nhạc phổ thơ, ngoài bài hát đầu tiên là Mộng Dưới Hoa (phổ thơ Đinh Hùng), ông còn các bài hát nổi tiếng Đôi Mắt Người Sơn Tây (phổ thơ Quang Dũng), và những bài phổ thơ Thanh Tâm Tuyền là Đêm Màu Hồng, Bài Ngợi Ca Tình Yêu và Dạ Tâm Khúc. Những bài hát phổ thơ Thanh Tâm Tuyền này không phải là những ca khúc dễ nghe, dễ được công chúng đón nhận, tuy nhiên lại là những bài ưng ý nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hãy nghe ông tâm sự trước khi tự hát bài Dạ Tâm Khúc như sau:
Nhiều thính giả hỏi rằng có phải là những bài thơ có vần điệu thì phổ nhạc dễ hơn hay không? Còn những bài thơ mới, loại thơ như của anh Thanh Tâm Tuyền, anh Tô Thùy Yên thì có phải là không thể phổ nhạc được không?
Tôi muốn trả lời với thính giả rằng không có bài thơ nào mà không phổ nhạc được. Với điều kiện là người nhạc sĩ phải cảm thông rất nhiều với bài thơ. Bất cứ bài thơ có vần điệu hay không vần điệu, người nhạc sĩ phải cảm thông rất sâu với bài thơ, và phải đặt hết tâm hồn vào đó mà làm. Nếu ta đạt được tới mức, thì tôi nghĩ rằng bất cứ bài thơ nào ta đem nhạc vào cũng có thể trở thành một cái hôn phối rất là tốt đẹp.
Hoài Bắc tâm sự và hát bài Dạ Tâm Khúc trước 1975
Hoài Bắc hát Đợi Chờ của nhạc sĩ Nhật Bằng trước 1975
Sau đây video ghi lại được hình ảnh Hoài Bắc Phạm Đình Chương hát tại một phòng trà của nhạc sĩ Ngọc Chánh tại Hoa Kỳ thập niên 1980:
Hoài Bắc hát tại hải ngoại
Một số bản thu âm vào đầu thập niên 1970 có giọng hát của Hoài Bắc hát cùng với ban Thăng Long:
băng nhạc Sơn Ca 10 – Thái Thanh và Ban Thăng Long trước 1975
Ban Thăng Long hát Ngựa Phi Đường Xa trước 1975
Ban Thăng Long hát Ô Mê Ly trước 1975
Ban Thăng Long hát Hò Leo Núi trước 1975
Ban Thăng Long hát Đoàn Lữ Nhạc trước 1975
Ban Thăng Long hát Ly Rượu Mừng trước 1975
Một số bản thu âm của Ban Thăng Long vào thập niên 1950:
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn