Trang chủ
Nghe lại những bài hát gắn liền với giọng ca Hùng Cường (thu âm trước 1975)
Ca sĩ – nhạc sĩ Hùng Cường được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng cùng những tên tuổi huyền thoại khác của dòng nhạc vàng là Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường. Điểm chung của 3 tên tuổi huyền thoại này là đều vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ với rất nhiều ca khúc đã trở thành bất tử sau hơn nửa thể kỷ. Mặc dù tên tuổi Hùng Cường có thể không sánh bằng 3 người còn lại về số lượng ca khúc sáng tác, cũng như số lượng bài hát nhạc vàng đã thu âm, nhưng bù lại, Chế Linh, Duy Khánh hay Nhật Trường không thể sánh bằng Hùng Cường về sự tài hoa, sự đa dạng trong làng nghệ thuật. Ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn là tài tử điện ảnh nổi tiếng, một kép chính cải lương lừng danh và là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của miền Nam.
Vì hoạt động nghệ thuật đa dạng như vậy nên số lượng bản thu âm tân nhạc của Hùng Cường không nhiều bằng 3 tên tuổi còn lại trong “tứ trụ”, mặc dù vậy thì sự nghiệp của ông trong lĩnh vực âm nhạc vẫn rất lừng lẫy. Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc đã làm nên tên tuổi của danh ca Hùng Cường.
—
Nghệ sĩ Hùng Cường bắt đầu bước vào làng nghệ thuật sau khi đạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á năm 1953 với ca khúc Ông Lái Đò của nhạc sĩ Hiếu Nghĩa.
Trong thời kỳ đầu sự nghiệp, Hùng Cường thường hát các ca khúc tiền chiến tại các phòng trà Sài Gòn từ giữa thập niên 1950, và Ông Lái Đò cũng là ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông trong thời gian này.
Hùng Cường hát Ông Lái Đò trước năm 1975
Sau năm 1975, khi sang hải ngoại, Hùng Cường hát lại Ông Lái Đò trong một video thu hình rất cảm động lấy được nước mắt của nhiều khán giả:
Hùng Cường hát Ông Lái Đò sau năm 1975
Ca khúc mang tên 60 Năm với lời hát nổi tiếng: Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời… là lời tiên tri báo trước cho cuộc đời của người sáng tác ra nó là nhạc sĩ Y Vân, bởi vì 30 năm sau khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Y Vân đã qua đời ở tuổi tròn 60.
Cả trước và sau năm 1975, Hùng Cường đã rất nhiều lần hát và thu âm ca khúc 60 Năm này, và như một định mệnh kỳ lạ, chính Hùng Cường cũng qua đời khi vừa tròn 60 tuổi (1936-1996):
Em ơi có bao nhiêu?
60 năm cuộc đời!
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năm sau, sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao…
Hùng Cường hát 60 Năm trước 1975
100 Phần Trăm là ca khúc kích động nhạc nổi tiếng của 2 nhạc sĩ Ngọc Sơn – Tuấn Hải cùng hợp soạn vào năm 1968 và đã gắn liền với giọng hát Hùng Cường.
Bài hát được viết vào dịp Tết Mậu Thân, thời điểm khói lửa đã lan tới chốn đô thành, khi đó nhạc sĩ Ngọc Sơn đang ở trong quân ngũ, đơn vị của ông đóng quân tại Sài Gòn để phụ trách bảo an và bị cấm trại 100%, không ai được phép ra ngoài.
Không thể được gặp người yêu, sợ người yêu không hiểu điều đó, sợ bị giận nên nhạc sĩ Ngọc Sơn đã bàn với người bạn là nhạc sĩ Tuấn Hải để cùng viết thành ca khúc mang tên 100 Phần Trăm để giải thích và mong sự thông cảm:
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Người yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi
Nào đâu nào biết tâm tư người lính
Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau với em tâm tình…
Mời các bạn nghe lại bài này qua tiếng hát Hùng Cường:
Hùng Cường hát 100 Phần Trăm
Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Giao Tiên, gắn liền với tên tuổi Hùng Cường trước năm 1975.
Nhạc sĩ Giao Tiên nói về ý nghĩa ca khúc này như sau: “Lúc sáng tác ca khúc này tôi tự ví bản thân như một chú ngựa trên thảo nguyên rộng lớn đang đi tìm người bạn đời. Tôi giải phóng tâm hồn mình trước những quan niệm, hình ảnh cũ và thả hồn vào một thế giới trừu tượng khác để âm nhạc được bay bổng, mới lạ hơn”.
Hùng Cường hát Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non
Ca khúc Kim được nhạc sĩ Y Vũ sáng tác năm 1963, cũng đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Hùng Cường hơn nửa thế kỷ trước.
Nhạc sĩ Y Vũ kể lại rằng ông viết ca khúc này dựa trên những tình cảm có thật, mối tình thật sự trong đời. Lúc đó ông thường lui tới vũ trường Blue Star ở Vũng Tàu và quen với một vũ nữ tên Kim.
Một ngày kia, khi nhạc sĩ đang ở Saigon thì nhận được tin Kim qua đời vì bệnh tim. Trong niềm thương tiếc, ông hồi tưởng lại những ký ức tươi đẹp rồi viết thành bài hát Kim để tưởng nhớ người yêu. Thời gian bên nhau, sợ nhạc sĩ Y Vũ phải lo buồn nên Kim đã giấu chuyện là cô bị mắc bệnh tim. Đáng lẽ bệnh này cần tĩnh dưỡng, nhưng vì hoàn cảnh nên hàng đêm cô vẫn phải đi làm kiếm sống nơi vũ trường.
Hùng Cường hát Kim
Từ năm 1966, Hùng Cường kết hợp cùng nghệ sĩ Bạch Tuyết trở thành cặp đôi ăn ý trên sân khấu cải lương với rất nhiều vở tuồng rất ăn khách, báo chí đã đặt danh hiệu cho họ là “cặp đôi sóng thần” vì đã tạo nên những cơn sốt phòng vé chưa từng có mỗi khi cùng góp mặt. Ngoài ra, họ cũng kết hợp để thu âm một ca khúc tân nhạc của nhóm Lê Minh Bằng, đó là bài Tình Đời:
Hùng Cường – Bạch Tuyết hát Tình Đời
Trong nhạc vàng, có nhiều bài hát nổi tiếng nói về giây phút tạ từ nhau của một đôi uyên ương trong đêm cuối trước khi người trai giã từ để ra vùng hỏa tuyến. Những ca khúc quen thuộc nhất của chủ đề này là Tạ Từ Trong Đêm, Hành Trang Giã Từ, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Trước Giờ Tạm Biệt, và một ca khúc của Hùng Cường sáng tác là Đêm Trao Kỷ Niệm. Mời các bạn nghe lại ca khúc này qua phần trình bày của chính tác giả:
Hùng Cường hát Đêm Trao Kỷ Niệm
Ngoài ra ông cũng trình bày rất thành công một ca khúc có nội dung tương tự của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác, đó là bàiKhúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, song ca cùng với Hà Thanh:
Hùng Cường và Hà Thanh hát Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp trước 1975
Ca khúc Nắng Chiều được Hùng Cường hát trong phim cùng tên mà ông đóng chung với “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga vào năm 1973. Cho đến nay khán giả vẫn không thể nào quên 2 diễn viên chính hội đủ cả tài và sắc hoàn hảo, và trường đoạn Hùng Cường hát Nắng Chiều trong phim có thể xem là cảnh phim kinh điển của làng điện ảnh Sài Gòn. Mời các bạn xem lại sau đây:
Hùng Cường hát Nắng Chiều trong bộ phim năm 1973
Một bài hát khác cũng của Hùng Cường sáng tác mang tên Về Thăm Xứ Lạnh, có thể xem là bài hát viết về Đà Lạt đầu tiên của dòng nhạc vàng, được sáng tác vào thập niên 1950, trước tất cả những ca khúc nổi tiếng khác như Đà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Đất Lạnh hay Thành Phố Buồn. Bài hát này được Hùng Cường sáng tác dành cho mối tình đầu với người con gái còn rất trẻ, sau đó cũng trở thành người vợ đầu của ông:
Đà Lạt mơ, mơ người em nắng lên rồi
Vai nặng vai chiếc gánh bên đồi
Nhìn đôi môi son thắm em còn tươi…
bài Về Thăm Xứ Lạnh trước 1975
Nhắc đến Hùng Cường thì không thể không nhắc đến dòng nhạc kích động mà ông và Mai Lệ Huyền là 2 ca sĩ được yêu thích nhất của thể loại này. Kể từ khi kết hợp với nhau để hát song ca những ca khúc có giai điệu mang tính chất khuấy động sân khấu, Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đã tạo ra được một hiện tượng chưa từng có trên các sân khấu ca nhạc và các vũ trường, đâu đâu cũng nghe được giọng hát của họ.
Mời bạn nghe lại một số ca khúc nhạc kích động của Hùng Cường và Mai Lệ Huyền sau đây.
Hùng Cường – Mai Lệ Huyền hát kích động nhạc trước 1975
Ngoài ra, Hùng Cường cũng hát 1 số ca khúc nhạc vàng quen thuộc là Chiều Hoang Vắng, Lời Cuối Cho Em… Mời các bạn nghe lại:
bài Chiều Hoang Vắng trước 1975
bài Lởi Cuối Cho Em trước 1975
Ai Về Sông Tương trước 1975
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn