Trang chủ
Nghe lại 10 ca khúc ngợi ca quê hương nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
Cùng với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Hoài An thì Phạm Thế Mỹ là 3 trong số ít các nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc tình tự dân tộc, ngợi ca quê hương, đất nước và con người với số lượng bài hát nhiều nhất và được yêu thích nhiều nhất.
Dù là ở thời kỳ nào, Phạm Thế Mỹ cũng có sáng tác nổi tiếng để ngợi ca quê hương và con người Việt Nam, những bài hát thể hiện niềm chờ mong một ngày rạng đông hé dạng và xua đi đêm dài của lửa binh. Thập niên 1950, ông có Nắng Lên Xóm Nghèo, Bến Duyên Lành, thập niên 1960 là Đường Về Hai Thôn, thập niên 1970 là Thương Quá Việt Nam, Chuyến Tàu Về Quê Ngoại, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non…
Sau đây, mời các bạn nghe lại những ca khúc này được thu âm trước và sau 1975:
Nhắc đến đôi song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết, người ta thường nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với 2 ca khúc quê hương gắn liền với đôi song ca này là Trăng Rụng Xuống Cầu và Gạo Trắng Trăng Thanh. Ngoài ra, đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng này còn trình bày hầu hết các ca khúc làng quê của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, mà nổi tiếng nhất 2 ca khúc Bến Duyên Lành và Đường Về Hai Thôn. Mời các bạn nghe lại:
Bến Duyên Lành
Ai đi qua trên bến nước làng tôi
Dừng chân nghe cô lái hát khoan hò
Hò hò ơi
Bên bến tự do trăng nước suôi dòng trôi
chim trắng bay ngàn lối
Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Bến Duyên Lành trước 1975
Nắng Lên Xóm Nghèo
Đây được xem là sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, và ngay từ những sáng tác đầu tiên khi bắt đầu sáng tác nhạc, ông thường sáng tác về làng quê, về những tin yêu cuộc sống dù vẫn còn nhiều vất vả mưa nắng:
Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến
Đôi bướm vàng nhẩn nhơ khi quyến luyến
Và cô gái làng ngẩn ngơ mơ tình duyên
Như Quỳnh hát Nắng Lên Xóm Nghèo
Đường Về Hai Thôn
Bài hát về một miền quê thanh bình, nơi có 2 thôn cách nhau bằng một dòng sông, có ấm áp tình nồng thắm gắn chặt tình đôi lứa. Cho đến nay đây vẫn là 1 trong những bài hát quê hương được yêu thích nhất.
Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Đường Về Hai Thôn trước 1975
Mời các bạn nghe một phiên bản khác của Duy Khánh và Hương Lan hát trước 1975:
Duy Khánh – Hương Lan hát Đường Về Hai Thôn trước 1975
Phiên bản Duy Khánh – Hương Lan sau năm 1975:
Duy Khánh – Hương Lan hát Đường Về Hai Thôn sau 1975
Chuyến Tàu Về Quê Ngoại
Trong tâm thức của nhiều người, nhiều thế hệ, quê ngoại thường gợi những niềm nhớ nhung xa xăm, là bởi vì đường về quê ngoại thường xa dịu vợi, mịt mờ khuất nẻo, nên gợi thật nhiều cảm xúc:
Ngày xưa trên những con tàu
Về quê thăm ngoại ngày xưa
Mẹ may cho ta áo mới
Còn thêm bánh pháo đỏ tươi
Tàu ơi nhớ chăng ngày vui
Xuân An hát Chuyến Tàu Về Quê Ngoại trước 1975
Bóng Mát
Bài hát viết về tình yêu, quê hương và lòng mẹ, nói về nỗi tiếc nuối về những ngày ấu thơ tươi đẹp nơi quê nhà yêu dấu đã qua. Bài hát nhắc về những hình tượng quê hương đặc trưng nhất, bình dị nhất, như là cây đa trường cũ, bóng tre xanh, ngõ trúc… vốn rất thân thuộc với nhiều người từng được lớn lên ở chốn đồng quê:
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng hát ca dao ru tôi vào đời
Còn đâu nữa! còn đâu nữa!
Tiếng hót chim non cây đa trường cũ
Với bóng tre xanh đong đưa nhịp võng,
Mỹ Thể hát Bóng Mát trước 1975
Chùm ca khúc thể hiện hát vọng hòa bình, chờ mong một ngày tươi sáng trên quê hương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ:
Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam
Một bài hát thể hiện niềm tin phơi phới rằng một ngày rạng đông sẽ về lại quê hương, xua đi bóng đêm dài của lửa binh:
Chờ rạng đông đêm dài Việt Nam
Chờ bình minh trong hồn rực sáng
Chim trắng bay về nở muôn đoá hoa rừng
Lúa chín mừng anh em
Mừng đất nước qua rồi đêm đen
Khánh Ly hát Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam trước 1975
Dựng Lại Quê Hương
Sau khi rạng đông ló dạng, cũng là lúc toàn dân chung sức dựng lại quê hương:
Dựng lại quê hương ta
Từng nụ hoa, từng đọt lá
Từng ụ rơm, từng đàn gà
Dựng lại quê hương ta
Để cỏ khô thành ngọn lúa
Để trẻ thơ được cười đùa…
Miên Đức Thắng hát Dựng Lại Quê Hương trước 1975
Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ Non
Bài hát mượn hình ảnh ngựa hồng để nói về quê hương qua hai thời kỳ. Những năm xưa đồng hoang cỏ cháy, lá úa cây khô, ngựa hồng đi trong tiếng khóc và nước mắt, là biểu trưng cho người Việt qua bao năm tháng lầm than. Nhưng dù bao tang thương, ngựa không khuỵu ngã và vẫn tiếp tục đi vì biết rằng ở phía trước sẽ có ngọn suối thơm ngon và những đồng cỏ xanh tươi.
Qua một giai đoạn khác, khi đã hiên ngang bước qua hết những gian nan, đã gặp được miền thảo nguyên xanh ngát, bầy ngựa hồng lại đưa nhau về quê hương, dựng lại đường hoa đã bỏ quên năm nào, dựng lại những tươi xanh trên đồng xưa, trên quê hương dấu yêu.
Miên Đức Thắng và Đăng Lan hát trước 1975
Thương Quá Việt Nam
Bài hát được sáng tác vào thời ký Hòa đàm Ba Lê chuẩn bị được ký kết, trong tâm thức đón chờ ngày thanh bình về lại trên quê hương, nhiều nhạc sĩ nhạc vàng đã sáng tác những ca khúc đầy niềm tin yêu và hy vọng, trong đó có Phạm Thế Mỹ với Thương Quá Việt Nam. Bài hát là những lời yêu quê hương, yêu con người tha thiết:
Thái Châu – Sơn Ca hát Thương Quá Việt Nam trước 1975
Yêu thương người yêu thương ta
Yêu luôn những thú hoang rừng già
Yêu bạn bè như yêu ta
Ôi thương quá trái tim Việt Nam
Thuyền Hoa
Đây cũng là một sáng tác nhân dịp năm 1973 của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, với ước vọng chờ mong một tương lai mới cho quê hương, để đôi lứa được tròn duyên và anh sẽ được đưa nàng về trên con thuyền hoa bên dòng sông quê…
Sơn Ca hát Thuyền Hoa trước 1975
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn