Trang chủ
“Miên Tình Ca – 17 Tình Khúc Ngô Thụy Miên” năm 1974, băng nhạc hay nhất của nhạc Việt
Nếu phải chọn ra một băng nhạc được cho là hay nhất được thực hiện trước năm 1975 tại Sài Gòn, rất nhiều người sẽ chọn băng “17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” năm 1974.
Để lý giải cho việc vì sao nói đây được xem là băng nhạc hay nhất, trước tiên xin mời bạn nghe lại ở dưới đây:
Kể từ khi băng cối (magnetic) thịnh hành ở miền Nam từ đầu thập niên 1970 và có hơn 5 năm phát triển rực rỡ, đã có vài trăm băng nhạc đã được thực hiện và phát hành. Mỗi băng nhạc như vậy có trung bình 18 bài hát, và không phải bài hát nào cũng được công chúng đón nhận, có rất nhiều bài đã được sáng tác, được thu âm rồi sau đó rơi vào quên lãng. Thông thường mỗi băng nhạc chỉ có vài bài hát được công chúng ngày nay nhớ đến, trở thành ca khúc vượt thời gian.
Chỉ duy nhất có 1 băng nhạc mà toàn bộ bài hát trong đó đã trở thành bất tử, sống mãi cùng năm tháng, vẫn được công chúng nhớ đến và yêu mến sau nửa thế kỷ, đó chính là băng Tình Khúc Khô Thuỵ Miên 1974 với 17 ca khúc sau đây:
Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết 17 bài hát này được ông sáng tác từ năm 1965 đến năm 1972. Bài hát đầu tiên được hoàn tất trong năm 1965 là Chiều Nay Không Có Em, và bài cuối cùng được viết trong năm 1972 là Mắt Biếc.
Băng nhạc này thường được gọi bằng một vài tên khác nữa, như là Miên Tình Ca, hay là Miên Khúc, được trung tâm Thúy Nga đại diện phát hành vào đầu năm 1975.
”Miên Tình Ca – 17 Tình Khúc Ngô Thụy Miên” là một hợp tuyển gồm 17 ca khúc chọn lọc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, giới thiệu đến người nghe bằng các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Châu Hà, Thanh Lan, Xuân Sơn, Sơn Ca, Duy Trác, Duy Quang, và Kim Tuấn, với phần hoà âm tuyệt vời của nhạc sĩ Văn Phụng.
Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên cho biết khi thực hiện băng nhạc đầu tiên này, ông đã làm việc trực tiếp với từng ca sĩ trong lúc thu âm để đảm bảo rằng ca sĩ sẽ hát đúng theo ý tác giả, diễn tả chính xác được từng lời ca, ý nhạc, chuyên chở được những tình cảm tâm tư mà nhạc sĩ muốn gửi đến người nghe.
Băng nhạc được thực hiện năm 1974 và phát hành đầu năm 1975, vào thời điểm mà không còn nhiều người Sài Gòn có tâm trạng để nghe nhạc, để thưởng thức tình ca. Trong một hoàn cảnh đặc biệt của những biến chuyển lớn của lịch sử như vậy, có lẽ không có nhiều người biết đến hay có dịp để thưởng thức tác phẩm độc đáo này ngay sau khi nó được giới thiệu đến công chúng.
Sau năm 1975, khi tình hình đã đã tạm lắng dịu, người dân đã bắt đầu ý thức được những gì còn và mất, băng “Miên Khúc” mới bắt đầu được chú ý và dần trở thành một báu vật của những người yêu nhạc hoài niệm về một quá khứ chưa xa lắm.
Những điều làm nên sự thành công đặc biệt cho băng nhạc này, có thể nói đến sự chọn lọc về ca khúc và giọng ca thể hiện. Băng nhạc khẳng định được tài năng sáng tác của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, vào thời điểm đó là một nhạc sĩ tuổi còn rất trẻ so với các nhạc sĩ cùng thời. Những bài hát của ông mang nhiều phong cách khác nhau, mang đến cho người nghe những tâm trạng và cảm xúc riêng. Đó có thể là giây phút yêu thương lãng mạn của mùa thu, những cảm xúc bước vào đời của tuổi mới lớn hay là một nỗi đau chia lìa…
Trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là người hiếm hoi chỉ dành cả cuộc đời sáng tác chỉ để viết nhạc tình ca. Ông đã từng nói như sau:
“Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi.
Hơn nữa tôi không cảm thấy mình muốn viết về những đề tài đó, cho nên tôi chỉ viết về tình ca không mà thôi”.
Nhạc sĩ cũng từng nói rằng: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy rằng ông chỉ sáng tác dành cho những cảm xúc thật của mình mà không quan tâm nhiều đến mục đích thương mại. Ngoài sáng tác nhạc, Ngô Thụy Miên còn có nghề ổn định khác là kiếm soát viên không lưu, sau đó là chuyên viên ngành điện toán, nên không phải lo lắng nhiều đến sinh kế, không phải viết theo đơn đặt hàng, không chịu sự hối thúc của một ai, thoát ra được những sự gò bó khi sáng tác như những nhạc sĩ cùng thời. Vì vậy có thể thấy rằng nhạc của ông luôn dạt dào cảm xúc, có sức sống bền bỉ cùng thời gian, đều là những bài hát viết về chuyện tình và tình cảm thật sự của người nhạc sĩ.
Trở lại với băng nhạc “Miên Khúc”, trong số những ca sĩ góp mặt trong băng nhạc này, ngoại trừ Kim Tuấn, còn lại là những giọng ca hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Họ đã hát như thể bài hát đã được viết cho riêng họ và đã thật sự đã tạo dấu ấn riêng cho mỗi bài hát mà họ đã trình bày. Các bản thu âm trong băng nhạc này đã trở thành một chuẩn mực được kiểm chứng với thời gian.
Giờ đây, khi nhắc đến Mùa Thu Cho Em, người ta thường nhắc đến Xuân Sơn, nhắc đến Tuổi Mười Ba và Paris Có Gì Lạ Không Em là phải nói đến Thái Thanh. Tương tự là Niệm Khúc Cuối của Khánh Ly, Từ Giọng Hát Em của Châu Hà, Giáng Ngọc và Bản Tình Cuối của Lệ Thu, Áo Lụa Hà Đông và Mắt Biếc của Duy Trác… Đó đều là những giọng hát thượng thặng khó tìm lại được một lần nào nữa.
Cuối cùng, điều góp phần không nhỏ cho sự thành công của “Miên Khúc 1974” là phần hòa âm tuyệt diệu của nhạc sĩ Văn Phụng. Ông đã soạn hoà âm và chỉ huy dàn nhạc để dùng âm thanh tô đậm thêm cho giai điệu, truyền tải được tinh thần của bài hát, cùng tất cả những tâm tư và tình cảm mà nhạc sĩ đã đặt vào bài hát khi sáng tác.
Hầu hết những bài hát trong băng nhạc “Miên Khúc” này đã được thu âm nhiều lần trong gần nửa thế kỷ qua, với sự góp mặt của những giọng ca tên tuổi ở trong nước lẫn hải ngoại. Nhiều bản thu âm mới này cũng đã có được những thành công lớn với chất lượng thu âm tốt hơn, kỹ thuật hòa âm hiện đại hơn so với album thực hiện trước năm 1975. Dù vậy, công chúng nghe nhạc xưa vẫn tìm về những bản thu âm đầu tiên năm 1974 này, như là lời khẳng định về một giá trị nghệ thuật vĩnh cửu trường tồn cùng năm tháng.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn