Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của trường ca Mẹ Việt Nam (nhạc sĩ Phạm Duy) – khúc hát về người mẹ Việt Nam qua 4000 năm lịch sử
Mẹ Việt Nam là tên một bản trường ca của Phạm Duy, khởi soạn tháng 11, năm 1963 và hoàn tất vào tháng 5 năm 1964. Đây là trường ca thứ hai của Phạm Duy sau Con đường cái quan và cùng với Con đường cái quan là 2 trường ca nổi tiếng nhất của ông.
Về hoàn cảnh sáng tác của trường ca này, nhạc sĩ Phạm Duy có kể lại trong hồi ký:
“Tình hình ở Việt Nam thời điểm 1963-1965 là những sự chia rẽ lớn lao (…) Vào lúc này, tôi còn nhận thấy tình hình âm nhạc nói chung có vẻ suy đồi với loại nhạc chỉ có tính cách biểu diễn cho mọi người ngồi nghe, dùng những ca sĩ mặt hoa da phấn với lời ca ngon ngọt để xoa dịu lòng người.
Tôi bèn vác máy tape recorder có sẵn ampli, speaker hiệu AKAI và băng nhạc CON ÐƯỜNG CÁI QUAN tới sinh hoạt với sinh viên và thanh niên. Ðây là lần đầu tiên giới trẻ được tham gia mạnh mẽ vào các cuộc ca hát. Khi chế độ cũ (đệ nhất cộng hòa) ra đi thì bắt đầu tương đối có tự do, sinh viên cũng như tất cả mọi người bắt đầu có sự tự do sinh hoạt. Trước hết tuổi trẻ họp nhau lại, cùng hát chung những bản hùng ca cũ của ngày xưa.
Bây giờ tôi đem tới cho họ bản trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN và cho in ronéo lời ca để phát cho các bạn trẻ, mời mọi người hát theo với ca sĩ trong băng nhạc.
Dù sao thì những anh hùng ca hay bản trường ca này là những bài hát mà thanh niên đã biết tới rồi. Muốn lôi cuốn tuổi trẻ, tôi cần phải có cái gì mới để cung cấp cho họ. Như đã nói ở trên, trong tình trạng xáo động và chia rẽ của thời này, ai cũng muốn đi tìm mẫu số chung. Không cần tìm ở đâu xa xôi, tôi thấy ngay rằng: Mẫu số chung là Mẹ Việt Nam vậy! Muốn tìm lại tổ quốc, đồng bào, con người, nhân đạo, phải tìm đến Mẹ Việt Nam. Tôi bèn soạn trường ca MẸ VIỆT NAM”
Nhận xét về tác phẩm này của mình, nhạc sĩ Phạm Duy nói:
Nếu như Con Đường Cái Quan là một hành ca, ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt, thì Mẹ Việt Nam là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại.
Bài trường ca mang hình ảnh mẹ Việt Nam, một khái niệm trừu tượng trong dân gian, qua đó đã đồng hóa thành lịch sử Việt Nam và gửi gắm thông điệp tình thương dân tộc.
Trường ca gồm có 4 phần
Phần 1 – Đất mẹ: Lúc trẻ tuổi, mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất màu tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước…
Phần 2 – Núi mẹ: Khi đứng tuổi, mẹ hiện thân là núi non sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh.
Phần 3 – Sông Mẹ: Mẹ còn âm thầm xót thương lũ con sông ngòi, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội mẹ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng mẹ…
Phần 4 – Biển mẹ: Vào lúc tuổi già, mẹ trở thành biển cả đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ dù có thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của mẹ lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc, cho các lớp phù sa được Mẹ gửi vào Đất Cũ nối chặt chu kỳ “Mẹ Việt Nam”.
—
Phần 1: Đất Mẹ
Bản Trường ca này tràn ngập giai điệu dân gian mà lại chuyên chở bằng những tiếng hát đầy tình tự dân tộc của Ban Hoa Xuân, là những danh ca như Thái Thanh, Duy Khánh, Trần Ngọc và sự trợ lực của nhóm hòa ca Thái Hằng, Kim Tước, và Nhật Trường.
Phần hòa âm và trình tấu dàn nhạc do các nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (dương cầm), Y Vân, Đan Thọ (vĩ cầm) và các nhạc sĩ khác đảm trách.
Đầu tiên, mời bạn nghe Phần đầu của bài hát:
Ban Hoa Xuân hát Đất Mẹ trong bản thu âm đầu tiên năm 1975
Trường ca mở đầu bằng hình ảnh một người phụ nữ nông thôn không son không phấn:
Đoạn 1:
MẸ TA
Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sòng.
Bốn câu này được Xuân Vũ, trong cuốn Nửa thế kỷ Phạm Duy nhận xét:
“Tôi xin chịu. Không có ai mô tả Mẹ Việt Nam nổi đến thế. Mà chỉ trong có 16 chữ! Như thế là quá tài tình vì tả thể chất mà người đọc nhận thấy cả tâm hồn. Tấm áo nâu, rướn mình đi từ núi rừng cao ở bản Tình Ca càng nổi bật ở đây, vì là tấm nâu sồng của Mẹ Việt Nam là tấm áo nâu mang hồn sông núi. Những ý tưởng cao đẹp tuôn trào ra ngón đàn.”
Nhạc sĩ miêu tả hình ảnh người người phụ nữ nông phu vất vả từ hàng nghìn năm về trước, hình ảnh này đã từng thấy trong ca khúc Tình Ca của 10 năm trước đó. Nhưng lần này Phạm Duy đã đi xa hơn rất nhiều, nếu như Tình Ca chỉ có 3 điệp khúc mô tả về đất nước, thì Mẹ Việt Nam đi rất sâu vào hình tượng Mẹ, dù vất vả nhưng cũng rất yêu đời bằng những câu hát tình tứ và duyên dáng khi người còn chưa là mẹ. Mở ra đoạn 2:
Đoạn 2:
MẸ XINH ĐẸP
Đôi má tươi hồng, má tươi hồng, với bàn tay trắng
Nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong
Mẹ nằm phơi gió trăng
Ôi Mẹ Việt Nam
Nghiêng mắt xanh chải tóc mây ngàn
Mẹ Việt Nam
Bên bờ đại dương
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn
Mẹ Việt Nam
Mẹ mong, mong chồng
Cũng như là ruộng sâu nông
Ruộng cứng hay mềm
Cũng êm đềm đón lưỡi cầy tìm da thơm
Mẹ cười trong gió sương
Ôi Mẹ Việt Nam
Dâng tấm thân nhuộm nắng nâu ròn
Mẹ Việt Nam
Đây ruộng đồng trinh
Mẹ khát khao mầm, mầm tươi ngon
Mẹ Việt Nam
Trời Đông ánh dương hồng
Cũng như chiều vàng mênh mông
Có đàn chim én lượn trên đất xinh
Chứa chan tình, là tình mong chờ
Mẹ Việt Nam.
Để nói về người mẹ xinh đẹp thời thiếu nữ, nhạc sĩ dùng hàng loạt những ngôn từ mô tả sự căng tràn sức sống tuổi thanh xuân, đang mong đợi một người tình lang đến như là ruộng sâu nông chờ đón “lưỡi cầy tìm da thơm”, để gieo nên những nụ mầm mới cho một tương lai có ánh dương hồng soi chiếu trên cánh đồng vàng phì nhiêu lúa tốt. Cách so sánh ý nhị nhưng cũng khéo nhắc tới những hình ảnh quen thuộc của đời sống người nông phu.
Đoạn 3:
MẸ CHỜ MONG
Mẹ chờ mong
Ngày trông tháng đợi
Đợi Thần Trai đội đá vá trời với hồn Nữ Oa
Mẹ giơ tay đón
Với tình nước non
Mẹ còn chờ mong…
Ngày trông và tháng đợi, Mẹ khát khao mong chờ tình lang đến, hình tượng đó thiêng liêng được tác giả liên hệ tới truyền thuyết về mẹ Nữ Oa xưa.
Trong thần thoại Việt Nam, Thần Nam (nhạc sĩ Phạm Duy gọi là Trần Trai) và Thần Nữ là hai vị thần đầu tiên sinh ra con người. Thần Nam tên là ông khổng lồ Tứ Tượng và Thần Nữ là bà Nữ Oa.
Từ đây trở về sau, chúng ta sẽ thấy nhạc sĩ so sánh hình tượng Mẹ Việt Nam với rất nhiều người mẹ khác trong thần thoại, trong truyền thuyết, là kết tinh của những người mẹ, người phụ nữ có đầy đủ đức tính cao quý nhất, như là Châu Long, Kính Tâm, thiếu phụ Nam Xương, Nữ Oa, người vọng phu… và cả Hai Bà Trưng.
Đoạn 4:
LÚA MẸ
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
Thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng
Chẩy vào lòng cặp tình nhân
Bên nhau khi lúa xanh rờn
Chia nhau bông trĩu thơm vàng
Đem nhau ra giữa sân làng
Nhìn đèn trăng kể truyện xưa
Xinh xinh bãi lúa xanh rì
Ngoan như cơn gió đêm hè
Nghe hơi dưới đất vỗ về
Một lời thề nặng tình quê.
Vươn vai lúa nhớn dậy thì
Mưa thu cưới lúa đem về
Nâng niu lúa chín tới kỳ
Kỳ nở hoa, đẹp lòng ta.
Rồi Mẹ gặp được tình yêu thăng hoa như đồng thơm hương lúa trổ vàng. Ở đoạn này, chúng ta thấy đôi người đã trải qua tất cả những giai đoạn của một mùa lúa vụ, như là sự thử thách khi phải chống chọi với những hoàn cảnh khó khăn nhất để đến ngày được nhìn thấy thành quả.
Họ đã bên nhau từ khi nắng vẫn còn khô đồng, rồi chờ cơn mưa xuống làm mềm đất cày bừa, cho đến khi lúa xanh rờn với bông trĩu thơm vàng, cuối cùng là tới ngày lúa chín và “cưới lúa đem về”. Đó chính là ngày mà “mẹ đón cha về”.
Đoạn 15:
MẸ ĐÓN CHA VỀ
Mẹ đón cha về, đón cha về
Duyên thề chắp nối
Cuộc đời trôi nổi
vẫn tươi cười vì lòng vui
Đời nghèo nhưng có đôi.
Ôi Mẹ Việt Nam
Năm tháng lo gạo gánh nuôi chồng,
Mẹ Việt Nam đêm ngày thầm mong
Lửa bếp thơm nồng tình uyên ương,
Mẹ Việt Nam
Mẹ yêu, yêu chồng có khi Mẹ là Châu Long
Nợ trả thay chồng vẫn giữ lòng
Trắng như ngần và sạch trong.
Mẹ là tiểu Kính Tâm
Lên chùa giải oan
Ôi sót thương trẻ khóc trong vườn, trẻ con hoang
Ôi! Mẹ từ bi.
Giọt máu rơi này, Mẹ nhận là con, mẹ Việt Nam.
Việt Nam có anh hùng, mắt nhung và môi son
Giữa mùa Xuân giết giặc
Yêu nước non, hé môi cười
Nụ cười thanh bình. Mẹ Việt Nam.
Mẹ đón cha về, duyên thề được tròn vẹn nên sá gì cuộc đời nổi trôi, vợ chồng sống đời nghèo nhưng vẫn luôn hạnh phúc tươi cười.
Mẹ được ví như là Châu Long trong tích truyện Lưu Bình – Dương Lễ, với tấm lòng và tâm hồn trắng ngần sạch trong, Mẹ cũng được nhạc sĩ ví là từ bi như Tiểu Kính Tâm, tức Quan Âm Thị Kính khi xưa đã nhận nuôi đứa trẻ bị bỏ hoang và chăm sóc tận tình đến nỗi bị lao lực.
Những tưởng là cuộc sống sẽ được mãi trôi qua trong êm đềm như vậy, nhưng rồi dòng đời còn gieo lên những cảnh can qua, mẹ lại phải gồng gánh việc nhà nuôi chồng đánh giặc.
—
Phần 2: Núi Mẹ
Ban Hoa Xuân hát Núi Mẹ trong bản thu âm đầu tiên năm 1965
Trong phần giới thiệu phần này, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết: Khi đứng tuổi, mẹ hiện thân là núi non sắt đá, trong sự hy sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh.
Nếu như ở phần 1, nhạc sĩ nói về biểu tượng Đất Mẹ từ lúc người còn là người trinh nữ cho đến lúc gặp được lang quân và bắt đâu xây lập được cuộc sống mới, thì ở phần 2, khói lửa khói bắt đầu ngập tràn, ca khúc nhắc đến sự hy sinh lớn lao của mẹ, bền bỉ đợi chờ người chinh phu muôn thuở chưa hết nợ đao binh. Hình tượng Núi là biểu trưng cho sự chờ đợi đó của mẹ, trông chồng về, chờ những điều tốt đẹp nhất quay trở lại sau cơn lửa binh đằng đẵng.
Trong phần này nhạc sĩ cũng nhắc nhiều đến những huyền sử và giả sử, như là Thiếu Phụ Nam Xương, Hòn Vọng Phu, những bà mẹ của thần thoại và dân gian có những đức tính cao quý nhất.
Đoạn 6:
MẸ HỎI
Lính vua! Lính chúa! Lính làng!
Trời ơi! Giết bao nhiêu giặc
Cho chàng, chàng phải đi?
Nước Việt Nam từ mấy ngàn năm ít khi nào mà không có lửa binh, người phụ nữ thời nào cũng lâm vào cảnh chia ly với chồng đi ra biên ải, bỏ hết những niềm vui riêng để vàng võ ngóng trông.
Phần Núi mẹ mang nhiều hình ảnh nói lên cảm xúc và tâm trạng người chinh phụ, lấy 4 mùa của năm ra để lột tả dòng tâm trạng biến đổi của mẹ:
Đoạn 7:
MẸ BỎ CUỘC CHƠI
Gió mùa Xuân, Mẹ bâng khuâng hỏi:
Hoa trên đồi, hoa trên đồi sớm tối còn tươi
Giữa ngày xuân mới, giữa hội mùa vui
Sao vắng bóng người?
Sao vắng tiếng cười?
Tiếng trống, trống năm xưa
trống đổ, đổ đêm khuya
Trên trường thành trăng ngả
Cho tàn cuộc vui nhỏ
Cho ai tiễn đưa người
Ra đi chốn xa vời, hỡi ai.
Gió hè qua, Mẹ ra con hỏi
Khi trên đồi, khi trên đồi nắng quái chiều hôm
Có phải chàng Trương gốc miền Nam Xương
Xa vắng xóm làng vì cha ở chiến trường
Nắng sẽ sẽ không đi, bóng Mẹ ngả trên đê
In hình người chiến sĩ, cho Mẹ nhìn con trẻ
Con ơi hỡi cha kìa
Mau ra đón cha về với con.
Đoạn khúc này được nhạc sĩ viết trên nền làn điệu Ru Con phổ biến ở Việt Nam. Mùa xuân đến, mùa của những cuộc vui chơi giờ đây chỉ còn là những hoang vắng, mẹ bâng khuâng nhìn những khóm hoa trên đồi, nơi có những ngày hội, có những tiếng cười vui vẻ, có những tiếng trống hội giờ đây đã điêu tàn thời ly loạn, giờ đây chỉ có những tiếng tiễn đưa người ra trận chưa biết khi nào được gặp lại.
Đoạn mùa hè sang, nhạc sĩ nhắc lại về tích người Thiếu Phụ Nam Xương, nhưng khác với phiên bản nguyên thủy, ông đã soi bóng người Mẹ trên bờ đê giữa trưa nằng hè thay vì trên vách nhà vào mỗi tối.
Đoạn 8:
MẸ TRONG LÒNG NGƯỜI ĐI
Đồi cao, cao núi cao
Rừng sâu, sâu rú sâu
Cũng có, có lối leo đường trèo
Đường treo, treo giữa đèo
Đường dẫu, dẫu hiểm nghèo
Đường ta, ta vẫn có lối theo
Đường lên, lên núi Lam
Đường sang, sang Thất Sơn
Đường tới những chiến công ngọn nguồn
Hoành Sơn nghiêng dãy nằm
Vạn Kiếp chốn dung thân
Đường đưa ta đến với người thương.
Ra đi còn nhớ ngày nao
Nuôi con Mẹ vẫn nguyện cầu
Người sinh ra có nhau
Phải thương nhau mến nhau
Nhưng đã có biết bao phen khổ đau
Giặc xâm lăng nước nhà
Phải cứu lấy dân ta
Thì ta lên núi với Mẹ già
Anh ơi! Phải lính thì đi
Nơi quê em gìn giữ lời thề
Vườn dâu em đốn sâu
Trẻ thơ khôn lớn mau
Cho chiến sĩ bước theo tiếng Mẹ kêu
Mẹ giơ tay đón chào
Gìn giữ lũ con yêu
Vì yêu, con chiến đấu dài lâu.
Trong đoạn này, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng ông muốn gửi một thông điệp, đó là “Chiēn tranh không dạy chúng ta điều phải trái, lẽ thắng lẽ thua, mà dạy chúng ta một điều: người sinh ra có nhau phải yêu thương mến nhau…”
Đây là đoạn hành khúc nói lên tấm lòng người ra đi, những lời dặn dò và nguyện ước của họ với người ở lại, những khó khăn trên đường đi, từ đồi núi cao cho đến rừng sâu, đồng thời cũng nhắc về những những chiến công oanh liệt trong sử xanh nơi Vạn Kiếp, những ngọn núi nổi tiếng của Việt Nam như Thất Sơn, núi Lam hay là Hoành Sơn.
8 câu cuối của đoạn này như là lời động viên tinh thần người chinh phu về sự chung thủy của người ở lại quê nhà, và những đứa con hãy còn thơ dại của chàng đang một ngày khôn lớn, rồi sẽ theo tiếng gọi đất nước và sẵn sàng nối bước theo đường của núi sông.
Đoạn 9:
MẸ TRẢ LỜI
Giữ dân! Giữ nước! Giữ làng!
Chàng ơi, giữ thân cho Mẹ!
Cho nàng dạy con.
Ở đoạn này, người mẹ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, người nói với chinh phu rằng hay giữ dân, giữ nước, và cũng phải giữ thân. Ở đoạn sau đó, lời dìu dặt khi nhạc sĩ sử dụng trở lại làn điệu bài dân nhạc Ru Con để nhắc về mùa thu sang, và nhắc về hình tượng người mẹ hóa đá như trong tích Hòn Vọng Phu.
Đoạn 10:
MẸ HOÁ ĐÁ
Gió mùa Thu, Mẹ ru con ngủ
Con vẫn chờ bóng cũ người xưa
Bốn nghìn năm qua, bóng về rồi đi
Bóng ngã chiēn trường làm phân bón cánh đồng
Tóc núi đã phơi xương, máu nhuộm cả vai non
Ai làm dòng sữa cạn?
Xin mời Mẹ lên ngọn
Nghe tin nước vui mừng
Cho nên Mẹ ứa đôi dòng sữa ngon.
Gió mùa Đông, Mẹ không thấy mỏi
Đứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa
Xót người nông phu chắp từng manh áo
Thương gái gánh về thùng bánh ế cuối ngày
Biết mấy nỗi thương vay, thấy trẻ nhỏ giơ tay
Con ngựa người vất vả, xe nặng nề qua ngõ
Thương thi sĩ hay buồn
Cho nên Mẹ hóa ra hòn núi cao.
Mẹ ru con giấc ngủ mùa thu như là để vơi đi nỗi nhớ cha, người con đã chờ cha suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác qua 4000 năm nước Việt. Nhưng thân xác đã đã hòa lẫn vào với non nước, sự ngã xuống của người cũng là để đất mẹ được vươn mình.
Rồi màu Đông khép lại vòng tuần hoàn, bóng mẹ đứng chờ vẫn in bên vách núi ngày đêm không thấy mỏi, trông về bốn cõi trời xa mà xót xa do dân mình. Thấy người nông phu manh áo không lành lặn, thương người quang gánh thùng bánh ế mỗi ngày.
Trong đoạn trường ca này, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng vì Mẹ thấy được tường tận nỗi đau của thời ly loạn, sự chia cắt sâu xé lẫn nhau, nên thành Vọng Phu hóa đá, không phải hóa đá vì mong chờ người chồng như truyền thuyết xưa, mà là vì Mẹ quá mong chờ ngày hòa bình của dân tộc.
—
Phần 3: Sông Mẹ
Ban Hoa Xuân hát Sông Mẹ trong bản thu âm đầu tiên năm 1965
Ở phần 2 của trường ca nói về sự mong chờ ngày hòa bình của người mẹ Việt Nam để rồi hóa đá như người vọng phu xưa, sang đến phần 3 này, tác giả nói rõ hơn về sự rẽ chia của non sông: “Mẹ còn âm thầm xót thương lũ con sông ngòi, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội mẹ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng mẹ” – Phạm Duy
Mở đầu của phần này là câu ca dao được cải biên:
Đoạn 11:
MUỐN VỀ QUÊ MẸ
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê Mẹ
Muốn về quê Mẹ
Mà không có đò
Nói về phần này, tác giả ghi: Người vợ nào đã sống theo chồng thì cũng thường hay nhớ đến quê mẹ, muốn về quê mẹ những ra tới bến sống thì không thấy có chuyến đò ngang nào.
Sông núi cách ngăn, đường về quê mẹ vốn đã xa xôi, này vì thời ly loạn mà càng thêm xa vời vợi.
Đoạn 12:
SÔNG CÒN MẢI MÊ
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không có đò ngang
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không chờ người sang
Sông Hồng cuộn sóng lôi cuốn Sông Lô
Sông Đà, Sông Đuống trôi xuống Sông Cầu
Nghe Bạch Đằng Giang chôn bao nhiêu xác quân Tầu
Sông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu
Khoan hời hò khoan
Sông còn ngổn ngang cho nên chưa được bình an
Khoan hời hò khoan
Sông còn mải mê cho nên chưa về Mẹ quê
Khoan hời hò khoan Khoan hời hò khoan
Thời điểm bài trường ca ra đời, đất nước bị chia rẽ sâu sắc. Những con sông cũng giống như những người con đất Việt, vì sự tranh giành công lao quyền lực làm mẹ Việt Nam buồn tủi. Trường đoạn này được nhạc sĩ đặt tên là Sông Còn Mải Mê, với ý nghĩa là các dòng sông cùng chung mẹ Việt Nam nhưng còn mải mê tranh công đầu với nhau, dẫn đến vùi chôn hình ảnh Mẹ như trong trường đoạn tiếp theo.
Đoạn 13:
SÔNG VÙI CHÔN MẸ
Nhớ xưa, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ xưa
Mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng
Mẹ trôi trên dòng sông Hát
Nước ngược xuôi đưa Mẹ đi muôn nơi
Nhớ chăng, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ chăng?
Chôn đáy sông mối hận yêu chồng
Chàng Trương có buồn thương khóc
Rước Mẹ lên, nước thiêng sẽ giải oan
Nhớ Mẹ, nhớ Mẹ
Yêu đàn con, thương đàn con
Nên trao thân cho nước ngoan.
Nhớ Mẹ, nhớ Mẹ
Trên trường giang mong đàn con
Sông trôi suốt đời trong trắng
Hỡi ôi! Có ngày, có Mẹ vui
Ôm sóng bơi, vớt củi sông dài
Ngờ đâu sông đảo điên say máu
Nước cuộn mau khiến cho Mẹ chìm sâu.
Nhắc về những con sông đã lưu trong sử xanh, không thể nào quên được dòng Hát giang, tức sông Đáy, là nơi hai bà Trưng đã gieo mình tự tận, sông vùi chôn thân mẹ. Nhạc sĩ cũng nhắc lại tích thiếu phụ Nam Xương, vợ của chàng Trương Sinh, vì bị nghi oan nên chỉ còn cách rửa nhục trên sông.
Những câu cuối của trường đoạn này nhắc lại hình ảnh mẹ ôm sóng vớt củi sông dài và chìm sâu, gợi nhớ đến câu chuyện Anh Phải Sống của nhà văn Khái Hưng. Trong hoàn cảnh éo le, mẹ vì con mà phải hy sinh và chìm sâu xuống nước, để lại đàn con lạc đường về, như trong trường đoạn tiếp theo:
Đoạn 14:
SÔNG KHÔNG ĐƯỜNG VỀ
Khoan hời hò khoan ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không dìm Mẹ oan
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không đổi mầu luôn
Sông đỏ như māu tranh đấu sông nâu
Sông nghèo xanh yếu kêu cứu sông giầu
Sông nhuộm vàng mau chia nhau uốn khúc khoe mầu
Sông rồng lôi kéo lũ rắn đi cắn sông đào
Khoan hời hò khoan
Sông tìm vẻ vang cho nên quên lời Mẹ khuyên
Khoan hời hò khoan
Không tìm tình thương cho nên không đường về tim
Khoan hời hò khoan khoan hời hò khoan.
Đoạn này có âm điệu “hò khoan” giống với đoạn 12. Về nội dung, nếu như đoạn 14 nói về sự mải mê tranh giành của các dòng sông, đại diện cho sự chia rẽ của đàn con, thì đoạn này là sự phê phán quyết liệt hơn, thể hiện qua các hình ảnh ẩn dụ:
Sông nghèo xanh yếu kêu cứu sông giầu
Sông nhuộm vàng mau chia nhau uốn khúc khoe mầu
Sông rồng lôi kéo lũ rắn đi cắn sông đào.
…
Sông tìm vẻ vang cho nên quên lời Mẹ khuyên…
Trong lịch sử, đã có những con gắn với những chiến công oanh liệt như là sông Bạch Đằng, nhưng cũng có những dòng sông tủi nhục, biểu tượng cho lòng chia rẽ, như là sông Bến Hải, sông Gianh (tức Ranh), là ranh giới của đất mẹ, của lòng người, nhuốm màu thù hận tranh giành lẫn nhau. Đó là ý nghĩa của trường đoạn tiếp theo:
Đoạn 15:
NHỮNG DÒNG SÔNG CHIA RẼ
Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông
Chia đôi bên bờ bến lạnh lùng
Cho Ngưu Lang và Chức Nữ ngại ngùng
Chia đôi dòng sông Thương
Nước bên đục bên trong
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương
Chia con sông Bến Hải buồn thương
Nước yên vui từ nguồn
Bỗng gây nên điều buồn
Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn
Chia anh em vì quên tiếng gia đình
Chia tay chân và cắt đứt ngang mình
Chia thân hình yêu đương
Cắt da thịt chia xương
Trái tim buồn còn hằn in vết thương lòng
Sông tang thương trôi nghiêng nhịp cầu sương
Cho thê lương điếm cỏ Hiền Lương
Nước sông trôi bềnh bồng
Thiếu bao nhiêu mặn nồng
Vì dòng sông, dòng sông chia rẽ đôi đường
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ Mẹ ta thì về.
Nhạc sĩ kết thúc phần 3 bằng một lời khuyên cho những đứa con lạc lối, sau đó là thức tỉnh tinh thần dân tộc của những người con vốn cùng một Mẹ ở trong phần 4.
Bản Trường ca này tràn ngập giai điệu dân gian mà lại chuyên chở bằng những tiếng hát đầy tình tự dân tộc đó là Thái Thanh, Duy Khánh, Trần Ngọc và sự trợ lực của nhóm hòa ca Thái Hằng, Kim Tước, và Nhật Trường.
Phần hòa âm và trình tấu dàn nhạc do các nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (dương cầm), Y Vân, Đan Thọ (vĩ cầm) và các nhạc sĩ khác đảm trách.
—
Phần 4: Biển Mẹ
Ban Hoa Xuân hát Biển Mẹ trong bản thu âm đầu tiên năm 1965
Nội dung của phần 3 – Sông Mẹ là những lo âu của Mẹ Việt Nam đối với đàn con lạc lối không tìm được đướng về, đến phần 4 thì Biển Mẹ đã bạc đầu và già đi.
Về ý nghĩa của trường đoạn cuối cùng này, nhạc sĩ Phạm Duy nói: “Tôi sống vào thời đại nhiễu nhương, tình cảnh đảo điên, đạo lý xáo trộn, không còn tư vô tả, tâm vô giữ. Nên giấc mơ của tôi rất ngắn ngủi, tôi chỉ mơ sông về đến biển, đến biển rồi thi 2 sông Thương, sông Ngô, sông Bến Hải hay sông Thái Bình, sông nào cũng chỉ là sông thôi và đó là hình ảnh Biển Mẹ”
Đoạn 16:
MẸ TRÙNG DƯƠNG
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương
Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng
Thêm thơm mâm cơm mặn nồng
Mẹ còn cho con
Luôn luôn tôm to cá lớn tươi ngon đầy thuyền
Mẹ hiền không lên bão tố
Mẹ già không đem nỗi khó
Mẹ là mẹ nhà cho mưa với gió hiền khô
Ngày ngày vươn vai
Ra khơi đón ánh dương soi con tim bồi hồi
Chiều chiều chơi vơi
Không nguôi thương thương nhớ nhớ con trong cuộc đời
Mẹ tìm con trong gió Bắc
Mẹ về phương Nam nắng gắt
Tình nhà mở cửa đem ra góp với bao la
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về Mẹ yêu.
Mở đầu trường đoạn là một âm điệu miên man, ấm áp, đằm thắm và nhẹ nhàng:
“Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương”
Đó là tiếng vỗ về của mẹ khuyên con trở về sau khi tìm con trong gió phương Bắc và nắng phương Nam. Hình ảnh Mẹ được nhạc sĩ đồng hóa với biển, buổi sớm vươn vai đón ánh dương, chiều thì chơi vơi như nằm trong nỗi thương nhớ những đứa con xa. Mẹ cho con tôm to cá lớn thơm ngon đầy thuyền, Mẹ trùng dương không đem đến bão tố hay là nỗi khó, mà chỉ có những cơn mưa gió hiền lành vỗ về đàn con trở về.
Trường đoạn này cũng thường được các ca sĩ hát riêng thành ca khúc mang tên là Mẹ Trùng Dương.
Đoạn 17:
BIỂN ĐÔNG SÓNG GỢN
Biển là biển Đông sóng gợn
Biển Đông gợn sóng tứ bề
Gọi thuyền viễn xứ quay về Biển Đông
Hà à a hơ ơ hờ
Sông ra đi từ khi non dại
Từ miền ngoài sông lại Việt Nam
Có từ Hi Mã Lạp Sơn
Cũng về biển Mẹ thành con một nhà
Hà à a hơ ơ hờ
Đoạn nhạc này rất ngắn, nhưng mang ý nghĩa về sự hòa hợp dân tộc. Dựa trên nền nhạc là tiếng ru hời của mẹ, lời hát là nội dung kêu gọi những đứa con xa xứ hoặc lầm lạc hãy mau quay trở về dưới chung một mái nhà, vì đều là con chung của một mẹ Trùng Dương – mẹ Việt Nam. Từ đó có đoạn tiếp theo, mô tả những đoàn con trở về:
Đoạn 18:
THÊNH THANG THUYỀN VỀ
Buồm căng, buồm căng, lộng gió, gió thênh thang
Thênh thang thuyền về
Trên sóng trường giang thênh thang thuyền về
Thuyền về trên lớp sóng vui, trên sóng vui
Thuyền về trên lớp sóng vui, vui vui vui là vui
Đàn con về với, với, với biển khơi, khơi Mẹ già
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta
Có đàn chim én, én, én từ xa về rồi
Quê ta đẹp lắm Mẹ ơi, ơi Mẹ ơi!
Quê ta đẹp lắm Mẹ ơi, ơi Mẹ ơi!
Biển êm sóng lặng, lăng, lắng nước nôi, nôi hiền lành
Về đây xây đắp mối tình, một mối tình
Về đây xây đắp mối tình ôi tình Việt Nam
Yêu nhà yêu nước, nước, nước và thương thương mọi người
Tình tính tang tang tính tình, yêu Mẹ già, thương Mẹ ta
Đàn con nhớ, nhớ yêu nhau
Đàn con nhớ, nhớ thương nhau.
Những đứa con lưu lạc – được tượng trưng là những chiếc thuyền – dường như đã thức tỉnh khi nghe được tiếng gọi của Biển mẹ nên đã “thênh thang thuyền về”, háo hức về lại cố xứ với quyết tâm xây đắp lại tình người, dựng lại quê hương.
Đoạn 19:
CHỚP BỂ MƯA NGUỒN
Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Để người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười Mẹ bốc thành hơi
Mây từ biển quý lên ngôi trời già
Mây về khắp cõi đời
Mưa rửa lỗi con người.
Chớp bể mưa nguồn hàm ý nói về những thay đổi lớn lao trong đời. Ở đây, sự thay đổi đó chính là từ những thức tỉnh của đàn con làm cho mẹ mừng khóc rồi lại cười. Từ biển cả, mẹ thành mây bay khắp cõi đời rồi làm từng cơn mưa tuôn để gột rửa hết lỗi lầm của đàn con, thành những bụi phù sa vun đắp cho đời như trong đoạn tiếp theo:
Đoạn 20:
PHÙ SA LỚP LỚP MÂY TRỜI CUỘN BAY
Triều dâng, triều dâng, ngọn sóng, sóng theo trăng
Theo trăng vào bờ, ôm lớp phù sa, theo trăng vào bờ
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô, sóng nhấp nhô
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô, xa xa xa là xa
Đồng chua rộng nới, nới, nới thành ra, ra ruộng mềm
Đền bồi cho máu về tim, lên cõi tim
Đền bồi cho máu về tim, lên cõi tim
Có đàn cháu bé, bé, bé nhìn chim, chim ngoài trời
Mây bay đẹp lắm Bà ơi, ơi Bà ơi!
Mây bay đẹp lắm Bà ơi, ơi Bà ơi!
Làn mây trắng cuộn, cuộn, cuốn khắp nơi, nơi đợi chờ
Làn mây che nắng bốn mùa, cả bốn mùa
Làn mây che nắng bốn mùa, bốn mùa mộng mơ
Hay là cho nước, nước, nước Mẹ mưa, mưa ngọt bùi
Tình tính tang tang tính tình
Cho đời người thêm đẹp tươi
Vì đã biết, biết yêu nhau
Vì đã biết, biết thương nhau.
Đoạn 21:
MẸ VIỆT NAM ƠI!
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!
Đoạn khúc này chỉ có vài câu, như là lời kinh cầu nguyện mang âm điệu du dương tha thiết mang lời thề của đứa con muốn “giữ thơm quê mẹ”, và hiểu rằng cuộc đời dù có phai tàn như thế nào thì thế giới sẽ vẫn “còn tình yêu mẹ mà thôi”.
Đoạn kết của trường là một thông điệp về tình yêu với Mẹ Việt Nam, cũng là đoạn nổi tiếng nhất trong toàn bộ trường ca mẹ Việt Nam:
Chung khúc: VIỆT NAM, VIỆT NAM
Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời
Việt Nam, hai câu nói
Bên vành nôi: Việt Nam, nước tôi
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam, hai câu nói
Sau cùng khi lìa đời.
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình Yêu đây là khí giới
Tình Thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam muôn đời!
Phần “chung khúc” này ca ngợi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, cùng với chí hướng, ước mơ vươn đến những điều tốt đẹp. Không lâu trước khi qua đời, nhạc sĩ Phạm Duy nói về đoạn nhạc này: “Ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề VIỆT NAM, VIỆT NAM rút trong trường ca Mẹ Việt Nam, là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng”.
Rất nhiều người đã đánh giá cao phần xưng tụng tinh thần Việt Nam trong trường đoạn này, với những lời kêu gọi thương nhau, hòa hợp dân tộc để cùng xây đắp yên vui dài lâu.
Một điều có lẽ ít người biết, là Trường Ca Mẹ Việt Nam có tổng cộng 22 đoạn, nhưng đến nay cho có duy nhất 4 đoạn được cấp phép ở Việt Nam, theo quyết định số 486/QĐ-CNTBD ngày 15/11/2012, đó là Lúa Mẹ, Mẹ Ta, Mẹ Xinh Đẹp, Mẹ Chờ Mong, đều ở trong phần 1 – Đất Mẹ.
Để kết thúc bài viết, xin trích lại lời nhận xét của tác giả Đặng Tiến:
Trường Ca Mẹ Việt Nam tổng hợp tất cả tình cảm của Phạm Duy đối với quê hương và những trầm luân của mệnh nước nổi trôi qua hình ảnh người mẹ, đồng thời cũng diễn tả trọn vẹn ơn sâu nghĩa nặng của cuộc đời đối với chúng ta. Gọi là Mẹ Việt Nam vì một cách nói, chứ Mẹ là Nguồn vốn không có quốc tịch.
Nghe lại Mẹ Việt Nam, trở lại Mẹ hiền, là về lại Yêu Thương, về lại Cội Nguồn, về với Bản Thân.
Nguyễn Minh Phước biên soạn
Đông Kha hiệu đính
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn