Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc “Lời Gọi Chân Mây” (Lê Uyên Phương) – Khi chim trời mỏi cánh nhung, muốn tìm về chiếc lồng êm thân ái
Chuyện tình Lê Uyên & Phương đã trở thành huyền thoại trong âm nhạc Việt Nam, được khởi đầu vào năm 1967 khi nàng (Lê Uyên) mới 15 tuổi, là tiểu thư con nhà giàu, còn chàng (nhạc sĩ Lê Uyên Phương) đã là một nhà giáo 26 tuổi, chững chạc, điềm đạm, và thâm trầm với nhiều ưu tư về thân phận, thời cuộc, lại đang mang trong mình căn bệnh lạ hiếm gặp. Họ gặp nhau, yêu nhau đắm say, cuốn lấy nhau trước sự ngăn cản quyết liệt của gia đình của nàng, để rồi đến cuối cùng biết rằng không thể nào ngăn cản được, gia đình cũng đã chấp thuận.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã ghi lại chuyện tình đặc biệt đó của mình qua những ca khúc viết riêng cho 2 người, chỉ 2 người hát, nhưng lại được hàng triệu người nghe và yêu thích suốt hơn nửa thế kỷ qua: Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Cho Lần Cuối, Vũng Lầy Của Chúng Ta, Tình Khúc Cho Em, Chiều Phi Trường, và Lời Gọi Chân Mây.
Lê Uyên & Phương hát Lời Gọi Chân Mây trước 1975
Có thể nói, mỗi ca khúc của Lê Uyên Phương đều mang cảm thức hạnh phúc lẫn chia lìa. Bởi theo Lê Uyên Phương, tình yêu của một chàng trai 27-28 tuổi đang mang trong mình căn bệnh không biết ra đi lúc nào, với cô gái phơi phới mới lớn như Lâm Phúc Anh, đối với ông là quá lớn.
Trước khi được phép cưới nhau, “Lê Uyên và Phương” (tên gọi chung của 2 người) đã có một thời gian dài yêu nhau trong khắc khoải, lo âu, yêu trong giây phút hiện tại mà chưa biết tương lai sẽ ra sao. Họ gặp nhau ở Đà Lạt khi chàng đang dạy học ở đây, còn nàng là cô nữ sinh từ Sài Gòn được gia đình gửi lên để học trường dòng của Tây. Trong những lần nàng về lại Sài Gòn, họ đưa tiễn nhau ở phi trường Liên Khương, cùng mang tâm trạng xót xa khi nghĩ về những ngày sẽ không được gặp nhau. Nỗi niềm đó được nhạc sĩ Lê Uyên Phương ghi lại trong Chiều Phi Trường, sau đó là Lời Gọi Chân Mây:
Em ơi, quên đi bao nhiêu xót xa
Những chiều thiết tha bên nhau
Em ơi, xin em, xin em nói yêu đương đậm đà
Để rồi ngày mai cách xa.
Lời Gọi Chân Mây có giai điệu dồn dập, với những lời hát vừa van lơn, vừa thiết tha quyến luyến, như là tiếng lòng của một người đang rối bời tâm trí, cố níu kéo chút thời gian ít ỏi cuối cùng được gần nhau để thổ lộ những suy nghĩ của mình đến người tình, thay cho những ngày sắp tới sẽ chỉ còn lại một mình với nỗi nhớ và sự dằn vặt.
Hầu hết ca khúc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương sáng tác, dường như là chỉ dành riêng cho chính họ hát mà thôi. Đây là một bài để song ca, nên sau đoạn mở đầu là lời van lơn của chàng, thì đoạn tiếp theo là lời an ủi của nàng khi thấu tỏ được tâm trạng người mình yêu:
Anh ơi, bao nhiêu tang thương
mỗi khi đã rời giấc mơ yêu đương
Anh ơi, xin anh, xin anh cúi trên cơn mộng dài
Để chờ ngày mai lên nắng
Ở giữa phi trường ly biệt, với bao nỗi lo toan của cả 2 người vì cuộc tình này mọc lên giữa thời cuộc còn nhiều tang thương, đôi tình nhân đã hẹn rằng hãy cố bước qua cơn mộng dài này, để chờ đợi ngày mai lên nắng ươm cho thắm tươi cuộc tình.
Nhớ đến ngày còn gần nhau
Nước mắt rơi khóc phút không ngờ
Nhớ thương ngậm ngùi cách xa
Biết đến bao giờ…
Chỉ còn khoảnh khắc nữa thì một người sẽ bước lên phi cơ, một người quay mặt cúi đầu lê bước về nơi gác trọ buồn, nghĩ đến giây phút đó, không ai ngăn được dòng lệ đầy. Dù giờ này còn cầm tay, nhưng nỗi nhớ thương đã dâng ngập vì nỗi ngậm ngùi cách xa, chưa biết ngày nào lại được nhìn thấy nhau lần nữa.
Em ơi, chim bay mang theo chút hơi nắng tàn, ấp trong tim son
Em ơi, xin em, xin em giấu trong cơn nghẹn ngào
Những chiều buồn mưa lẻ loi…
Nàng như là cánh chim bay đi về phương trời xa, mang theo hết tất cả tình yêu của chàng, cũng là chút hơi nắng ấm xin nàng hãy ấp vào trong tim son, giấu trong cơn nghẹn ngào. Bởi vì đó chính là linh hồn của chàng, là hơi nắng tàn còn lại, nên khi nàng đã mang theo rồi thì chỉ còn lại ở chốn cao nguyên này những chiều buồn mưa lẻ loi mà thôi.
Anh ơi, như chim say mê
Có khi rã rời cánh nhung thôi bay
Anh ơi, xin anh, xin anh
Lúc chân mây mệt nhoài
Trở về lồng êm thân ái…
Nàng là cánh chim trời tung cánh tự do, say mê trên những nẻo đường chân mây. Đến đoạn này, chúng ta đã hiểu được ý nghĩa của tựa đề “lời gọi chân mây”. Đó là lời gọi từ chân mây (hoặc đến từ chân mây), ở nơi có nàng, như là cánh chim đang bay vút đường mây mệt nhoài, rồi khi rã rời cánh nhung, nàng sẽ thôi bay và thèm tìm về cái lồng êm thân ái của chàng, chấp nhận rời bỏ sự tự do của chim trời để mãi mãi được nép vào trong vòng tay ấm áp tình nhân.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn