Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Bên Ni Bên Nớ” (Cung Trầm Tưởng – Phạm Duy)
Bên Ni Bên Nớ – Nhạc của Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng, có thể là một ca khúc tương đối lạ và không dễ thưởng thức đối với nhiều người, nhưng với tôi thì đây là một ca khúc đặc biệt, là một bức tranh màu xám đầy tương phản của đô thành Sài Gòn trong những năm thập niên 1950.
Ca khúc này mang đầy chất liêu trai, lời nhạc mông lung nhưng có thể làm ám ảnh người nghe, nội dung bài hát bày ra hai cảnh đời mâu thuẫn, nhưng cũng từ đó đã đề cao tình nhân ái, tinh thần tích cực và an vui hạnh phúc của con người dù có phải ở vào cảnh nghèo túng.
Khánh Ly hát Bên Ni Bên Nớ
Nguyên tác bài thơ mang tên Tương Phản của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, ông sáng tác bài này khi mới 18 tuổi và đang sống ở vùng Dakao, khi ấy vẫn là một vùng ngoại thành tối tăm, hoang vắng và xơ xác. Dakao ngày ấy đã được nhạc sĩ Lam Phương mô tả là một xóm nghèo “lầy lội qua muôn lối quanh” và “gập ghềnh đường đê tối tăm” như trong bài hát Kiếp Nghèo, hay là “vàng ánh điện câu” với hắt hiu mái lá vách phên như trong bài Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Một đêm, từ vùng ngoại ô nhìn về phía đô thành với đèn hoa rực rỡ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng nhìn thấy rõ một bức tranh tương phản, giữa một bên là đô thành tráng lệ, một bên là hoang liêu như một bãi tha ma.
Từ bài thơ Tương Phản, nhạc sĩ Phạm Duy viết thành ca khúc mang tên Bên Ni Bên Nớ với ca từ khá sát với lời thơ gốc,.
Hãy cùng đi vào chi tiết từng lời hát:
Đêm chớm ngày tàn,
theo tiếng xe về,
lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi,
ngoài song đêm hạ,
ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma,
tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người,
người xa vắng người…
“Đêm chớm ngày tàn” thể hiện một bức tranh động, mơ hồ, ở đó có thể nghe cả tiếng xe hối hả về viễn phố cuối ngày. Rồi sương rơi, đêm xuống, bên cạnh những bãi đất dài hoang vu tối tăm và nghĩa trang buồn ở nơi xa ánh đèn phố thị này, chợt nghe tiếng gõ guốc xa xa dồn giã, như là thanh âm của sự sống, là chút giao cảm của đồng loại, là sợi dây mỏng manh và yếu ớt kết nối giữa hoang liêu bãi tha ma hãi hùng này với những những rộn ràng của đô thành rực rỡ.
“Người xa vắng người” là để diễn tả những linh cảm của nhà thơ về sự phân hóa của những người trong xã hội đang chớm hình thành. Đó là phân ly giữa người giàu và người nghèo, người sống và người chết…
Sự tương phản đó được mô tả rõ nét hơn ở đoạn sau:
Em có nghe dồn giã
bước ai vất vả
bóng ai chập chờn?
Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai tình ai ấp úng
Thương ai lạc loài
ăn mày xán lạn ngày mai…
Hình dáng kẻ ăn mày chập chờn trong đêm tối, như là một bóng ma vật vờ trên lối nhỏ, lên tiếng ấp úng và van xin chút tình thương, lời cầu xin đó bi ai như tiếng của oan hồn. Đó là những hình ảnh ở nơi tối tăm, nghèo nàn nhưng đầy ắp lòng thương cảm ở “bên ni”. Tương phản với “bên nớ”, dù có những truy hoan dài theo chuỗi cười vô tận, nhưng đó là chuỗi cười theo “vạn mảnh ly tan”:
Đêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ
Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười…
Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô
Có những sự tương phản ngay cả bên trong vẻ bề ngoài tráng lệ của bên tê, đó là của những trơ trẽn giai nhân khoe lõa thể, những truy hoan lạc bước, và nhìn lại “bên ni phố vắng” thì chỉ thấy một nỗi ngậm ngùi ngân dài…
Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ?
Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ
Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?
Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong…
Hai tâm linh giam kín lại
Bấm đốt ngón tay chờ đợi
Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời
Em ơi ngoài kia liếp ngõ
Sương rơi ngoài song khép hở
Bên trong kín gió ấm ơi là tình.
Đoạn cuối của bài hát được nhạc sĩ Phạm Duy “rút gọn” câu chữ cho hợp với nhạc nên ý nghĩa không được thông suốt, thành như là bức tranh trừu tượng, ẩn hiện một cách mơ hồ.
Xin chép lại đoạn cuối của nguyên tác từ bài thơ:
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng
Em ơi bên trong
Dù chia ly đôi phút
Đồng mang nhớ đèo mong
Hai tâm hồn giam kín
Bốn mắt xanh bịn rịn
Anh ngồi làm thơ
Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời
Bên ngoài liếp ngõ sương rơi
Bên trong kín gió ấm ơi là tình…
Ở đoạn này, vẫn là tương phản với những ly tan của “bên nớ”, ở bên ni có những người nghèo khó, thiếu thốn, mà về tình cảm với nhau thì luôn luôn tràn đầy. Đêm khuya gió lạnh từng cơn, dù là bên ni hay bên nớ cũng đều lạnh cả, nhưng ở bên ni thì “Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng”, và dù “bên ngoài liếp ngỏ sương rơi” thì bên trong vẫn “kín gió ấm ơi là tình”…
Hình tượng “bấm đốt ngón tay” được nhà thơ Cung Trầm Tưởng giải thích như sau:
“Thời đó tôi cũng có quen một cô thiếu nữ ở Huế và tôi mê lắm, cùng học trung học. Tôi có vợ chồng một anh bạn, cùng học một trường, anh có một đứa con sắp ra đời, và tôi là cha đỡ đầu cho đứa bé đó. Từ cảm hứng đó tôi mới làm bài này, trong có câu “bấm đốt ngón tay chờ đợi/chờ ngày con thơ, thơ ra đời”.
Có lẽ cũng vì quen với cô thiếu nữ Huế, nên dù là một người gốc Bắc, thi sĩ dùng những chữ rất Huế trong bài thơ này, như là “bên ni, bên nớ, bên tê”.
Ca khúc Bên Ni Bên Nớ đã được ca sĩ Julie Quang hát trước năm 1975, nhưng bài hát này chỉ thành công nhất là với tiếng hát Khánh Ly sau năm 1975. Cô thể hiện bài hát này thành công đến nỗi có lẽ vì vậy mà sau đó không có ca sĩ nào hát lại Bên Ni Bên Nớ nữa. Bài hát có giai điệu mông lung, hoang hoải và đậm không khí liêu trai, hoàn toàn thích hợp với giọng hát liêu trai – Khánh Ly.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn