Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” – Tâm sự của nhạc sĩ Văn Phụng về cuộc tình tha thiết nhất trong đời
Thời gian đầu của sự nghiệp, nhạc sĩ Văn Phụng thường được biết đến với nhưng ca khúc mang đày sắc thái lạc quan và yêu đời, điển hình nhất là Ô Mê Ly và Bức Họa Đồng Quê.
Tuy nhiên thời gian sau này, khi tuổi đời đã nhuốm, đã trải qua nhiều biến động trong cuộc sống, nhạc của Văn Phụng đa sắc thái hơn, bắt đầu xuất hiện những chán chường, những nỗi buồn và nỗi lòng khó giãi bày, được thể hiện qua các bài hát Chán Nản, Giã Từ Đêm Mưa, và Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn.
Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn trở thành 1 trong những ca khúc được yêu thích nhất của nhạc sĩ Văn Phụng, và bản thân bài hát cũng có một hoàn cảnh sáng tác thật đặc biệt.
Tuấn Ngọc hát Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn
Nhạc sĩ Văn Phụng gặp người phụ nữ gắn bó với mình lâu nhất là danh ca Châu Hà từ năm 1952, khi chàng 22 tuổi, còn nàng mới 17.
Ngay từ phút đầu gặp gỡ, hai người đã bị tiếng sét ái tình, nhưng tình yêu chưa kịp sâu đậm thì gặp phải cách ngăn vì mệnh lệnh của gia đình. Chia xa nhau, Văn Phụng và Châu Hà lập gia đình với người khác, rồi sau đó cùng di cư vào Nam.
3 năm sau đó, cả hai tái ngộ một cách tình cờ ở Sài Gòn khi cùng cộng tác với đài phát thanh. Tình cũ lại khơi và trào dâng, nhưng vì luân lý gia đình, vì ràng buộc xã hội, họ không thể thành đôi.
Vào những lúc tâm tư buồn bã nhất, nhạc sĩ Văn Phụng viết ca khúc “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn”, là những tâm sự của người đàn ông khi đã có gia đình nhưng còn vương vấn tình xưa:
Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông,
khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài
Đi giữa hoàng hôn một mình và ngắm cánh chim lạc loài, chàng trai trong bài hát tưởng mình như cánh chim kia xa rời tổ ấm bay đến chân trời xa vô định. Lời nhạc như nét cọ phớt nhẹ lên cảnh chiều khiến cho lòng người u hoài nỗi vắng xa nhớ nhung về tình lưu luyến nơi cố hương yêu dấu, về người con gái đã từng cùng với mình ngày nao hẹn ước chung đôi.
Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa
Hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời
Đi gữa hoàng hôn để “thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa”. Hoàng Hoa ở đây không phải là một địa danh cụ thể ở đâu đó, mà là tên gọi thi vị về một nơi thơ mộng êm đềm của đôi lứa yêu nhau.
Lòng người thương nhớ những ngày đã qua trên bến mộng mơ, đôi uyên ương vẫn thường dắt nhau tươi cười rộn rã chưa biết âu lo buồn phiền. Những ngày thanh xuân “mắt say sưa thắm mộng đời” tay trong tay mắt trong mắt bát ngát hương hoa yêu đời, cho đến khi xa rời rồi mới biết đó là tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời mình.
Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao
Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau
Niềm thương yêu này xin được mãi mãi còn đây, dù cuộc đời đời có gieo xuống bao mưa gió bên mái tranh nghèo, hay dù cho nắng, dù sương khói mịt mù, thì tình yêu vẫn luôn tinh khiết, vẹn nguyên. Những câu hát thể hiện được mối tình quê chung thủy. Dù cuộc dời dập vùi mưa gió, dù đường xa muôn trùng cách trở thì “niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai”.
Dù thời gian đã qua nhiều năm, đã qua bao chìm nổi giữa dòng đời, người vẫn luôn luôn nhớ chuyện tình xưa trên bến Hoàng Hoa xưa, khi cả hai cùng gửi mộng yêu thương của mình lên đến trời cao có ngàn sao lấp lánh. Ước mơ dạt dào, nhưng tình cảnh thì lại ngang trái và nghẹn ngào, nên đôi người thường nhìn nhau không nói câu nào, bởi vì đôi trái tim yêu khi đã cùng chung nhịp đập thì không còn lời nào nói với nhau, mà chỉ im lặng cùng nghe lời ước nguyền như thầm hẹn nhau mùa mai sau, khi trời quang mây tạnh có thể sẽ được ở bên nhau trọn kiếp.
Lời thầm ước hẹn hò đến mùa sau còn mãi nhớ, dù biết đến khi nào mới được thỏa nguyện lứa đôi. Nỗi nhớ nhung da diết khi đã xa tháng ngày mơ mộng yêu đương, nhớ vô cùng khi mỗi lần một mình lang thang đi giữa bóng hoàng hôn giăng mắc u hoài…
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Lòng thương nhớ….
“Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn”, tôi vẫn đi ngược về những ngày ươm dệt mộng tình thắm thiết, vẫn thương yêu mãi không hề phai những ngày thơ mộng của đôi mình. Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn nghe lòng thương nhớ mãi không nguôi…
Bài hát kết thúc bằng nhiều lần lập lại câu “Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn” cho người nghe nhạc chơi vơi với giai điệu của chiều buồn, có một chàng trai đi dưới bóng mây chiều bãng lãng, lòng vẫn hoài thương hoài nhớ về bóng hình người em gái “mắt thắm mộng đời” nơi miền quê cũ…
Chỉ một năm sau khi ca khúc này được ra mắt, thì mộng lứa đôi của nhạc sĩ Văn Phụng và danh ca Châu Hà cuối cùng cũng đã thành. Tình yêu vượt qua nghịch cảnh, qua những lời dị nghị, bàn tán. Họ cùng bị lỡ một lần đò, nhưng cuối cùng thì cũng tìm lại được tình yêu đích thực, cuộc sống hạnh phúc viên mãn, và ở bên nhau không rời suốt từ năm 1963 cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời năm 1999. Trong quãng thời gian đó, đã có biết bao nhiều sóng gió tiếp tục ập đến, nhưng với tình yêu thương tha thiết bên nhau không rời, tương kính như tân, họ đã vượt qua tất cả.
danh ca Châu Hà hát Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn trước 1975
Nhiều người kể lại rằng khi đã lớn tuổi, họ vẫn giữ cách nói chuyện của người Bắc xưa, hai vợ chồng trân trọng nhau như khách quý. Đây không phải cách cư xử xã giao mà là sự văn minh hiểu biết của một cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn yêu thương và trân trọng nhau cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời.
Khi nhạc sĩ Văn Phụng không còn nữa, Châu Hà ôm nỗi nỗi u uất suốt 10 năm. Bà cũng đã khắc tên mình lên bia mộ của chồng, có nhiều người đã nói với bà đó là điềm gở, nhưng bà mặc kệ, nói rằng nếu thật là điềm gở thì cũng là may mắn cho bà, vì sẽ được sớm đoàn tụ với chồng…
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn