Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Thôi”, “Thúy Đã Đi Rồi” và mối tình si của tài tử Nguyễn Long dành cho danh ca Thanh Thúy
Trong nhạc vàng, đã từng có một số bài hát nhắc đến tên người nữ ca sĩ, xuất phất từ tình cảm yêu mến của chàng nhạc sĩ dành cho nàng, nhưng rất hiếm bài hát nhắc đến đích danh ca sĩ ngay trong tựa đề. Tuy nhiên, có một người ca sĩ được nhắc tên trong 4 bài hát, đó là Điệu Buồn Của Thúy (Mặc Thế Nhân), Tôi Yêu Thúy và Niềm Đau Của Thúy (cùng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ), và nổi tiếng nhất là Thúy Đã Đi Rồi của nhạc sĩ Y Vân.
“Thúy” ở trong 4 bài hát trên chính là danh ca Thanh Thúy, một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất nhạc vàng, toàn vẹn cả thanh và sắc, là thần tượng của cả một thế hệ. Nhạc sĩ Y Vân sáng tác Thúy Đã Đi Rồi không phải là tâm sự của ông, mà là viết thay cho nỗi lòng của người bạn thân là đạo diễn – tài tử Nguyễn Long, người luôn ngưỡng mộ Thanh Thúy với một tình yêu đơn phương dài lâu gần như trọn cả một đời.
Nguyễn Long là một người đa tài trong làng nghệ thuật miền Nam. Ông sinh năm 1934, khởi sự viết kịch và truyện phim từ năm 1957, đã đóng vai chính trong gần 70 vở kịch ngắn, dài trên sân khấu và truyền hình.
Từ năm 1960, tài tử Nguyễn Long đã yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy khi đó mới 17 tuổi, nhưng vì không được đáp lại tình cảm nên ông đã rất đau khổ. Thấu hiểu tâm trạng thất tình của bạn mình, nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác Thúy Đã Đi Rồi:
“Thúy ơi
Thúy quá vô tình
Ví dù em có hay dỗi hờn
Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn…”
Hùng Cường hát Thúy Đã Đi Rồi trước 1975
Bài hát được ca sĩ Hùng Cường hát lần đầu, sau đó được nhiều ca sĩ khác hát lại và được công chúng yêu thích. Tuy nhiên tấm chân tình đó được thể hiện qua bài hát vẫn không thể làm trái tim nàng Thanh Thúy mảy may lay động.
Trong nỗ lực chinh phục người đẹp, tài tử Nguyễn Long đã làm rất nhiều điều mà không phải ai cũng có khả năng làm được, đó là đích thân thực hiện 3 vở kịch mà nhân vật chính đều phảng phất hình ảnh Thanh Thúy.
Đầu tiên là vở kịch “Ghen” vào đầu năm 1960 được diễn tại rạp Cathay và sân khấu Anh Vũ, với Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, cùng với các nghệ sĩ Ba Bé, Linh Sơn… và chính Nguyễn Long thủ diễn.
Vở kịch thứ hai là “Khi Người Ta Yêu Nhau” diễn tại rạp Hưng Đạo, cũng trong năm 1960,với Kim Cương vào vai Thanh Thúy, cùng với các nghệ sĩ Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé… và cũng có Nguyễn Long tham gia.
Vở kịch thứ ba, có tên “Tan Tác”, cũng vẫn Kim Cương vai Thanh Thúy, cùng với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và dĩ nhiên, cũng vẫn có tác giả Nguyễn Long…
Ba vở kịch với dàn nghệ sĩ thoại kịch danh tiếng nhất thủ đô, được công diễn nhiều ngày liền, có lẽ là vẫn chưa đủ để thể hiện tình yêu cuồng nhiệt của Nguyễn Long dành cho cô cả sĩ khả ái, nên đến tháng 11 năm 1961, ông viết kịch bản, đồng thời là đạo diễn cho cuốn phim nhựa mang tên Thúy Đã Đi Rồi, dựa theo tên bài hát của nhạc sĩ Y Vân. Trong phim, nữ ca sĩ nổi tiếng và xinh đẹp Minh Hiếu vào vai Thanh Thúy, ca sĩ Yến Vĩ đóng vai Thanh Mỹ (em ruột Thanh Thúy), cùng dàn diễn viên thượng thặng là Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa, Hùng Cường, Hề Minh…
Dù đã làm mọi cách mà vẫn không thể chinh phục được người đẹp, vì quá nặng tình nên ông mang tâm trạng u uất và trải lòng qua bài thơ ông tự sáng tác mang tựa đề có một chữ là “Thôi”, sau đó được nhạc sĩ Y Vân phổ thành ca khúc nổi tiếng và ghi dấu ấn trong lòng người yêu nhạc cho đến nay. Một bài rất buồn và nức nở:
Thôi em đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
Thôi em đừng khóc,
Em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu
Làm sao xóa hết tâm tư.
Thôi em đừng tới nữa làm gì
Ðừng để lòng se lại khúc yêu đương
Thôi em đừng tiếc
Em đừng tiếc, đừng tiếc nữa
Ðừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn.
Ôi, cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn mùa thu ơi.
Thôi em đừng nhắc nữa làm gì
Từng nẻo đường in hình bóng chung đôi
Thôi em đừng nhớ, em đừng nhớ
Đừng nhớ nữa chuyện của mình
Kiếp nay đành lỡ duyên rồi.
Thôi đôi bờ vai đừng rung động
Ðã hết rồi còn khóc nữa chi em…
Bài thơ – bài hát mang tên là Thôi, như là lời tác giả tự nhắn nhủ mình rằng hãy thôi nhớ, thôi khóc lóc khối u tình không thể nào được như ước nguyện. Ngoài ra vì 2 người chưa từng chung đôi, và những kỷ niệm nếu có thì cũng chỉ là những đồng nghiệp với nhau, nên nội dung bài hát đa số là được tưởng tượng nên bởi một người đang đau đớn vì trái tim yêu không được đáp lại:
Thôi em đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
và:
Thôi em đừng nhắc nữa làm gì
Từng nẻo đường in hình bóng chung đôi…
Đã từng có rất nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng hình như Thanh Thúy chưa từng hát. Trước 1975, các ca sĩ nổi tiếng Chế Linh, Khánh Ly đều từng hát Thôi, nhưng ấn tượng nhất vẫn là danh ca Thái Thanh. Giọng hát của bà nức nở và thổn thức, thể hiện được cung bậc tột cùng của nỗi lòng “lệ sầu chia ly buồn tê tái…”
Thái Thanh hát “Thôi” trước 1975
Đông Kha (nhacxua.vn)