Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Người Yêu Cô Đơn” qua lời kể của tác giả: Khi tình yêu không xây trên bạc vàng…
Khi yêu, có lẽ không một ai nghĩ đến là sẽ kết thúc bằng một sự cô đơn, không ai nghĩ rằng sẽ có ngày người mình yêu sẽ lên xe hoa cùng người khác. Tuy nhiên, có mấy ai có thể trọn vẹn được với cuộc tình của mình, dù có thề non hẹn biển ra sao đi nữa, thì một khi đã không còn chung lối, thì sẽ có một người còn lại với nỗi cô đơn. Đó là câu chuyện trong bài hát Người Yêu Cô Đơn của nhạc sĩ Đài Phương Trang (được ký với tên thật là Phạm Vũ Anh Tứ).
Thanh Tuyền hát
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang
Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi.
Đời tôi cô đơn nên yêu ai chẳng bao lâu
Ngày mai đây em lên xe hoa bước theo chồng
Đời tôi quen cô đơn nên tôi chẳng trách em
Tôi quen rồi những chuyện dang dở từ khi mới yêu.
Tôi quen, tôi đã quen rồi em
Dang dở khi tình yêu không xây trên bạc vàng
Tôi quen, tôi đã quen rồi em
Em khóc làm chi nữa bận lòng gì kẻ trắng tay.
Tôi xin, xin chúc em ngày mai
Hoa gấm ngọc ngà luôn vây quanh em cả cuộc đời
Riêng tôi, duyên kiếp luôn dở dang
Nên suốt đời tôi vẫn yêu cô đơn như tình nhân.
Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn
Dù ai đẹp đôi nhưng riêng tôi vẫn lạnh lùng
Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây
Tôi không hề trách đời hay giận đời luôn đổi thay…
Theo chính nhạc sĩ Đài Phương Trang chia sẻ trên chương trình Âm Nhạc Việt Nam Những Chặng Đường thì câu chuyện trong bài hát này không phải là câu chuyện của đời ông, mà được viết cho 1 cuộc tình của người bạn mà ông được chứng kiến. Đài Phương Trang kể:
“Tôi thấy hai người bạn này rất khắng khít với nhau, yêu thương nhau. Người đó đã mơ một kết thúc đẹp với người mình yêu. Nhưng mà đùng 1 cái, cuộc tình đã tan vỡ. Lý do là gia đình cô gái nhắm đến một người rễ khác có tương lai rõ ràng hơn. Còn người bạn của tôi chỉ có một cuộc sống bình thường”.
Có thể có sự ngộ nhận nào đó của người con trai trong bài hát về tình yêu, hay cũng có thể tình yêu của họ không đủ lớn nên đã dễ dàng tan vỡ với lý do môn đăng hộ đối hay gia cảnh giàu nghèo.
Người trai trong bài hát đã giận mình, giận người, giận đời… vì đây không phải là lần đầu tiên anh gặp chuyện buồn trong tình yêu, cũng bởi chữ nghèo nên tình duyên luôn trắc trở:
Tôi quen rồi những chuyện dang dở từ khi mới yêu.
Tôi quen, tôi đã quen rồi em
Dang dở khi tình yêu không xây trên bạc vàng
Đài Phương Trang kể tiếp:
“Nhiều người đều khuyên bạn, nhưng người bạn này đã bị trầm cảm. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ khuyên bằng lời nói thì bạn mình khó thay đổi được, và sẽ có những hành động nông nỗi. Vì có chút năng khiếu về sáng tác nên tôi thử khuyên bạn bằng 1 ca khúc, trong đó có thông điệp là hãy xem cô đơn như là một người bạn, lúc nào cũng ở bên cạnh mình, lúc đó mình sẽ không thấy cô đơn nữa. Tôi đã viết một mạch bài Người Yêu Cô Đơn.
Sau đó tôi đạp xe tới nhà bạn. Ở đó có sẵn cây đàn, tôi lấy và hát lên bài này. Khoảng 2 tuần sau, tôi thấy bạn thay đổi hẳn”.
Sau đó người bạn này đã trở về quê nhà ở Thủ Thừa, Long An để sinh sống. Nhiều năm sau đó, nhạc sĩ Đài Phương Trang về quê bạn dể tìm thăm. Chơi nhà bạn xong tới khoảng xế chiều thì bạn tiễn ra về chợt gặp trời mưa. Hai người ghé một quán bên đường để uống nước dừa. Cô chủ quán thấy khách vào nên bật cuốn băng cassette với tiếng hát đang hot nhất thời đó là Tuấn Vũ với ca khúc Người Yêu Cô Đơn.
Khi hai người nghe lại đúng bài hát này, bao nhiêu kỷ niệm cũ của người bạn bỗng sống dậy. Nhạc sĩ Đài Phương Trang kể rằng ngay tối hôm đó, ông thức dậy giữa chừng và viết thành bài ca nối tiếp mang tên: Đời Còn Cô Đơn. Đoạn cuối bài hát đã mô tả hoàn cảnh dừng chân bên quán nghe lại bài ca năm xưa:
Chiều nay dừng chân quán bên sông mưa tầm tã
Chợt nghe bài ca cũ mênh mang một nỗi buồn
Bài ca gợi nhớ biết bao nhiêu hình bóng xưa
Ai vui xây giấc nồng, riêng tôi đời còn cô đơn…
Ca sĩ Thanh Tuyền là người đầu tiên thâu thanh bài Người Yêu Cô Đơn vào khoảng năm 1973, nhưng chính Tuấn Vũ mới là người đưa ca khúc này vang vọng ở khắp mọi miền từ hải ngoại trở về Việt Nam trong thập niên 1980, và ngược lại, ca khúc này đã làm nên tên tuổi của Tuấn Vũ hơn 30 năm trước.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng chia sẻ bức xúc của ông về việc có rất nhiều ca sĩ đã hát sai lời bài Người Yêu Cô Đơn. Ông đính chính lại như sau:
Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn…
Nhưng nhiều ca sĩ lại hát sai thành:
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…
Tôi vẫn còn nhớ khoảng thập niên 1990, khi các đoàn lô tô về vùng quê của tôi diễn, các chị thuộc giới tính thứ 3 đã hát bài này và sửa câu này lại thành:
Đời tôi bê-đê nên yêu ai cũng bê-đê…
Chị hát nhạc chế lại như vậy không phải là chế cho vui, không phải hát để gây cười, mà chị vừa hát vừa khóc thật sự, khóc cho thân phận trớ trêu của mình. Tôi thấy những giọt nước mắt đó cả khi chị đã vào sau cánh gà.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn