Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Khóc Thầm” – Bài nhạc vàng buồn nhất của nhạc sĩ Lam Phương
Khóc Thầm là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương, được xem là ca khúc buồn nhất của nhạc sĩ này, cũng là một trong những bài buồn nhất của dòng nhạc vàng. Đó là những lời hát nức nở, đau đớn thể hiện nỗi lòng của một cô gái mềm yếu mong manh giữa con sóng đời, khi yêu thương đã xa rời tầm tay:
Tiễn anh đi rồi em về gác lạnh buồn hiu
Ngoài trời trăng tỏ mà sao ướt đôi tay mềm?
Bóng đêm ngỡ là người em yêu, khép đôi mi lại càng thương nhiều
Trời ơi thương nhớ bao năm mặn nồng bây giờ lìa nhau…
Đó là những câu hát đầu tiên của bài Khóc Thầm, với khung cảnh là một đêm trăng tỏ, soi rõ bóng hình cô đơn nhỏ bé của người con gái đang ngồi bên song cửa sổ trên gác lạnh đìu hiu. Nàng giấu gương mặt thiếu nữ ướp nhòe nước mắt sau đôi bàn tay nhỏ, đôi tay mềm yếu đó không thể níu kéo được cuộc chia ly vừa mới, nên khi bóng đêm phủ xuống đời, vì trơ trọi quá nên nàng tưởng tượng bóng đêm chính là người yêu, để đôi mi khép lại thì sẽ được nhìn thấy hình dáng yêu dấu đã lìa xa rồi.
Thanh Thúy hát trước 1975
Những câu hát này được nhạc sĩ Lam Phương viết cho một cuộc tình có thật, một cuộc từ ly mà ông được chứng kiến, và nàng con gái nhỏ bé kia không ai khác chính là ca sĩ Hương Lan. Trong show Music Box của Thúy Nga, chính ca sĩ Hương Lan tiết lộ về điều này.
Đó là khoảng năm 1969, khi Hương Lan mới 13 tuổi, cô trình bày bài Mưa Đêm Ngoại Ô (nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng), và đó trở thành bài hát mang đến cho cô cơ hội được gặp gỡ người bạn trai đầu đời, vốn là một du học sinh Việt Nam tại Mỹ tên là Cao Anh Tuấn. Trở về nước để nghỉ hè, vì thích ca khúc này nên Anh Tuấn tìm gặp Hương Lan, hai người nhanh chóng kết bạn thân thiết. Vì Hương Lan còn quá nhỏ nên đó là một mối quan hệ trong sáng, vô tư.
Hương Lan hát trước 1975
Những tháng hè qua nhanh, Anh Tuấn quay trường học ở Mỹ sau khi tổ chức một buổi tiệc chia tay lưu luyến. Nhạc sĩ Lam Phương chứng kiến toàn bộ câu chuyện, nên dựa vào đó để viết những câu hát đầu tiên của bài Khóc Thầm, rồi phóng tác thêm nội dung trong phần còn lại của bài hát. Hương Lan nói rằng lúc đó cô chỉ mới quen, tuổi lại còn nhỏ nên tình cảm chưa sâu sắc như nhạc sĩ Lam Phương viết:
Em thương anh, từ đây cách biệt nụ cười,
đường xa gió lạnh mưa nhiều
và đời anh đắng cay trăm chiều
Bao năm rồi một ngày chưa sống xa nhau,
ngọt bùi chia sớt cho nhau,
mà giờ này sao lắm thương đau.
Dù xa nhau rồi nhưng cô gái nặng tình trong bài hát vẫn lo chàng trai sẽ bị “đường xa gió lạnh mưa nhiều” và “đắng cay trăm chiều”. Vì đã cách biệt nụ cười nên đôi người không còn có thể chia sớt cho nhau niềm vui nỗi buồn nữa, cuộc đời còn lại có thể chỉ còn là những thương đau mà thôi.
Mấy đêm qua rồi nghe từng lá rụng ngoài song
Từng hồi chuông đổ càng thêm tái tê trong lòng
Vắng anh cô phòng càng quạnh hiu
Nhớ anh nhớ từng làn hơi thở
Giờ đây mới biết xa anh sẽ làm chết cả đời em.
Rồi trong vạn ngày sầu còn lại, nàng con gái sẽ chỉ có một mình ở chốn cô phòng quạnh hiu với duy nhất một nỗi nhớ trào dâng, không chỉ nhớ gương mặt, nhớ bóng hình, mà nàng nhớ cả những làn hơi thở người yêu. Con tim si tình như bị bóp nghẹt trong từng giây phút phải sống cách biệt nhau, và cuộc đời này dường như sẽ vĩnh viễn không còn ý nghĩa nào nữa. Có lẽ chỉ những ai từng yêu thật lòng, từng dồn hết hy vọng và lẽ sống vào tình yêu thì mới đồng cảm được những giây phút yếu lòng đó của cô gái trong ca khúc Khóc Thầm.
Bài hát của nhạc sĩ Lam Phương đã đi vào lòng người nhiều thế hệ vì có ca từ chân thật, là nỗi lòng chung của biết bao nhiêu cô gái đã trải qua tâm trạng thất tình trên cõi đời này, có thể vì vậy mà cho đến nay “Khóc Thầm” vẫn là một trong những ca khúc tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng Việt Nam.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn